Tin tức

Tính tích cực của việc áp dụng kỹ thuật “khăn phủ bàn ” trong dạy - học môn giải phẫu tạo hình ngành Sư phạm Mỹ thuật

16 Tháng Mười 2019

                                                                              Chu Thị Hương Thu [*]

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một trường đào tạo đa ngành chiếm vị trí quan trọng trong việc đào tạo nhân lực về nghệ thuật, trong đó giảng dạy Mỹ thuật cho chuyên ngành Sư phạm mĩ thuật (SPMT) chiếm một vị quan trọng trong việc đào tạo Mỹ thuật cho sinh viên cả nước. Để thúc đẩy sinh viên ý thức tự chủ trong việc tiếp thu, tìm hiểu nghệ thuật, người dạy luôn cần nghiên cứu, vận dụng các phương pháp dạy – học tích cực vào các tiết học, với mục tiêu thu hút, tạo hứng thứ học tập mới cho sinh viên.

Kỹ thuật dạy học tích cực là những biện pháp, cách thức hành động của giảng viên (GV) và sinh viên (SV) trong các tình huống hoạt động nhằm thực hiện giải quyết một nhiệm vụ nội dung học tập cụ thể. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Có những kỹ thuật dạy học chung, có những kỹ thuật đặc thù của từng phương pháp dạy học, ví dụ kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Ngày nay người ta chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học như “động não”, “tia chớp”, “bể cá”, XYZ, bản đồ tư duy, khăn phủ bàn... Các kỹ thuật dạy học tích cực là những kỹ thuật dạy học có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát huy sự tham gia tích cực của SV vào quá trình dạy học, kích thích tư duy, sự sáng tạo và sự cộng tác làm việc của SV.

Môn giải phẫu học ở các trường mỹ thuật của Việt Nam hình thành khá muộn so với phương Tây nhưng đã nhanh chóng trở thành bộ môn khoa học mang tính nghiên cứu phục vụ cho học tập và sáng tác mỹ thuật. Đối với chương trình giáo dục nghệ thuật tại các trường đào tạo mỹ thuật cũng hướng tới mục đích đặt vấn đề cho sinh viên học tập và nghiên cứu giải phẫu tạo hình như là nội dung cơ bản của hội họa, nghiên cứu cấu trúc, tỷ lệ toàn thân và tỷ lệ từng bộ phận, hình thái, vóc dáng, đặc điểm trạng thái nhằm diễn đạt hình khối và những tư thế hoạt động của con người trong tương quan với không gian, với môi trường. Qua quá trình nghiên cứu, diễn tả, sinh viên sẽ nắm được các nguyên tắc cơ bản của tạo hình cơ thể người, nhằm nâng cao được nhận thức thẩm mỹ. Từ đó sinh viên có thể xây dựng và thể hiện hình tượng các nhân vật trong bài học và trong sáng tác tranh vững chãi và sinh động. Giảng viên sử dụng một vài hình vẽ dưới góc nhìn 2 chiều (2D) để mô phỏng hệ cơ xương khớp cho sinh viên hình dung, thực tế này đã khiến cho sinh viên gặp rất nhiều khó khăn tiếp thu kiến thức lý thuyết cụ thể, sinh viên vẫn còn thụ động trong việc tưởng tượng về kết cấu cơ và xương dẫn đến việc vẽ sai hoặc hiểu sai về tỷ lệ các bộ phận trên cơ thể và kiến thức lý thuyết các em khó ghi nhớ. Trong khi đó giải phẫu tạo hình là một môn học khó, tài liệu về giải phẫu tạo hình không nhiều, giáo cụ trực quan còn hạn chế nên hầu hết sinh viên không hứng thú với môn học và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình day - học. Việc thực hiện nghiên cứu lý thuyết trên lớp chưa có nhiều phương pháp học tập theo nhóm, do tính đặc điểm của từng bài yêu cầu sinh viên cần lĩnh thu kiến thức và thực hành riêng biệt kỹ hơn về cấu trúc cơ thể, nên việc tổ chức lớp học theo nhóm thường xuyên là rất hạn chế.

Thực trạng hiện tại trong việc dạy - học môn giải phẫu của GV và SV trường ĐHSPNTTW cần được nâng cao nhiều hơn về cách áp dụng, đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như việc GV hướng SV những cách thức học và vận dụng môn học khác có hiệu quả hơn. Gần đây trong buổi thăm và gặp mặt của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ, PGS.TS. Đào Đăng Phượng đề cập đến nhiều vấn đề giáo dục nghệ thuật, bồi dưỡng nhân lực giảng dạy, đào tạo nhân lực mới cho phổ thông và đặc biệt nhắc đến những khó khăn cần khắc phục tìm ra cách tháo gỡ nút thắt của việc đào tạo mỹ thuật và không bị coi là môn phụ.

Phát biểu tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật (GDNT) trong trường học” tổ chức vào ngày (21/8) tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSPNTTƯ), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh:  “Giáo dục nghệ thuật là một thành tố của giáo dục toàn diện: đức - trí - thể - mỹ. Khi có một cảm thụ tốt về nghệ thuật thì chân thiện mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo đươc khơi dậy”.

Với mục đích đổi mới đổi phương thức thực hành thay vì vẽ từng bài xương cơ riêng biệt, tác giả lựa chọn phương pháp kỹ thuật khăn phủ bàn là một trong rất nhiều kỹ thuật tích cực khác, để thực hiện trên một số bài học cụ thể. Tác giả đã chọn kĩ thuật khăn phủ bàn nhằm giúp cho hoạt động nhóm có hiệu quả hơn, mỗi sinh viên đều phải đưa ra ý kiến của mình về nội dung đang thảo luận. Kĩ thuật này áp dụng cho hoạt động nhóm sinh viên cùng nghiên cứu một vấn đề trong tiết học để phát huy tối đa tính tích cực học tập của sinh viên. Hiểu được sự khó khăn của người dạy và người học, tác giả thực nghiệm phương pháp khăn phủ bàn ứng dụng trong một số tiết học. Để tăng tính khoa học cũng như giúp sinh viên hiểu và nắm bắt được những lý thuyết cơ bản để thực hiện bài vẽ tốt hơn. Người dạy lần lượt thực hiện các bài học theo thứ tự của cấu trúc xương để thực nghiệm phương pháp, thực tế của việc vận dụng phương pháp khăn phủ bàn vào dạy môn Giải phẫu được thực nghiệm trên toàn bộ cấu trúc xương người.

 Vận dụng kỹ thuật khăn phủ bàn mang tính quy trình khi thực nghiệm trong dạy học môn Giải nghĩa là giúp cho SV chủ động tham gia vào quá trình học tập, làm cho SV thực sự trở thành chủ thể của hoạt động học tập, hình thành kỹ năng cho bản thân mình. Việc vận dụng kỹ thuật khăn phủ bàn trong dạy học môn Giải phẫu đã có hiệu quả bước đầu nhằm phát huy tính tích cực học tập của SV và góp phần nâng cao chất lượng trong quá trình dạy học môn Giải phẫu hiện nay.

Tài liệu tham khảo

 

1. Nguyễn Hữu Tuấn (2011), Giáo trình Phương pháp dạy học Mỹ thuật tập 1, Nxb ĐHSP.

2. Nguyễn Hữu Tuấn (2011), Giáo trình Phương pháp dạy học Mỹ thuật tập 2, Nxb ĐHSP.

3. Nguyễn Quốc Toản (2009), Giáo trình Mỹ thuật và Phương pháp dạy học thuật, Nxb ĐHSP.

4. Trần Bá Hoành (2010), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb ĐHSP.

 

------------------------------------------------------

      [*] Khoa Sư phạm Mỹ thuật