Tin tức

Khai thác giá trị tạo hình dân gian trong nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam

16 Tháng Mười 2019

                                                                                          Nguyễn Thị Huyền[*]

Nền nghệ thuật dân gian của Việt Nam có lịch sử lâu đời, gắn liền với đời sống nhân dân. Nghệ thuật truyền thống mang cốt cách, tinh thần, hơi thở của dân tộc. Những giá trị của các tác phẩm trong nền nghệ thuật dân gian luôn được quý trọng và gìn giữ qua rất nhiều thế hệ. Đây là kho tàng văn hoá mang ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với mỗi người dân Việt Nam. Những tác phẩm tạo hình đặc sắc có giá trị thẩm mỹ cao, phong phú về thể loại, đề tài. Đó thực sự là những mạch nguồn vô tận của cảm xúc nghệ thuật, là sự khẳng định cho tư tưởng, tình cảm, sự sinh tồn và phát triển của dân tộc.

            Trải qua mấy ngàn năm, nền nghệ thuật dân gian mang trong mình những giá trị nghệ thuật đặc sắc, những tính chất tiêu biểu. Đó là tính trào phúng, ước lệ. Tính chất trào phúng thể hiện rất rõ nét trong các tác phẩm chạm khắc đình làng- là những tác phẩm độc đáo của những nghệ nhân nông dân Bắc Bộ. Loại hình này xuất phát từ những nét văn hóa dân gian giản dị, là nghệ thuật của những người nông dân chất phác. Các chủ đề được phản ánh xuất phát từ đời sống và cái nhìn có tính bản năng. Họ thường tạo ra những tác phẩm độc đáo gần gũi với cuộc sống làng quê và tư duy, ước muốn của mình. Không áp đặt như điêu khắc ở trong tôn giáo, hình ảnh trong điêu khắc đình làng với những chủ đề tự do, không hề gò bó. Tính trào phúng được thể hiện rõ nét qua các hoạt cảnh đả kích thói hư tật xấu của tầng lớp thống trị, cảnh trai gái tình tự, cảnh sinh hoạt đời thường... bức chạm khắc thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, cái nhìn đầy sức sống mang đậm chất nông dân Việt Nam.

Tính ước lệ là một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo của nghệ thuật chạm khắc dân gian Việt Nam. Ước lệ được thể hiện ở tính khái quát cao trong thủ pháp xây dựng tác phẩm cũng như nhấn mạnh trọng tâm, biết chọn những vấn đề quan trọng nhất để diễn tả, phản ánh, hướng người xem vào nội dung, giản lược về hình thức. Tính ước lệ được xuyên suốt trong hệ thống chạm khắc. Các mô típ như rồng, phượng, hoa sen, hoa cúc, sóng nước... Đều thấy sự hiện diện của tính ước lệ. Các mô típ này đều được các nghệ nhân khai thác từ tự nhiên, qua quá trình giản lược, khái quát, cách điệu đã trở thành những hoạ tiết mang tính trang trí cao. Những cánh hoa sen, hoa cúc chỉ còn là những nét thanh mảnh, uốn cong,  những sóng nước, đụn mây chỉ là hệ thống những nét thẳng, cong kết hợp lại.

Giá trị nghệ thuật của nền Mỹ thuật dân gian thể hiện ở các yếu tố: Bố cục, màu sắc, đường nét.

Bố cục trong tạo hình dân gian luôn gắn kết với kiến trúc và thiên nhiên. Từ những bố cục trong các bản chạm khắc nhỏ đến những mảng bố cục lớn, ta đều bắt gặp cách phân bố mảng khối theo hai chiều hướng đối lập: ngang bằng và thẳng đứng. Cái cách phối hợp những đối lập ấy dường như thành nguyên tắc chỉ đạo cho mọi bố cục tạo hình.

Mọi bố cục đều có tinh thần chuẩn chỉ nghiêm ngặt, các mảng hình được tính toán kỹ lưỡng, từ những mô tuýp như rồng, sấu, chim phượng đến hoa sen, hoa cúc, sóng nước, mây... tất cả đều được sắp xếp trong những dạng bố cục nhất định. Những mô tuýp hoa văn luôn có hình dạng cân đối trong các mảng hình được các nghệ nhân phân bổ hài hòa. Bố cục trong các tác phẩm chạm khắc thường được xét theo hai khía cạnh, bố cục trong một tác phẩm riêng lẻ và bố cục trong tổng thể không gian kiến trúc.

            Trong một bản chạm riêng lẻ, các nhà nghiên cứu đã thống kê có 5 kiểu bố cục cơ bản: Bố cục đối xứng; Bố cục có hoa văn trọng tâm trong một khung hình trang trí khép kín; Bố cục lặp đi lặp lại thành dải hay băng dài; Bố cục phân tầng phân lớp theo chiều rộng của bề mặt các bức chạm; Bố cục theo lối đồng hiện.

Đường nét trong chạm khắc dân gian Việt Nam Nam chia làm hai phong cách: Trau chuốt, thanh tú, cong mềm mại và phóng khoáng, cường điệu. Đường nét mang đặc điểm chuẩn chỉ, trau chuốt, thanh tú, cong mềm mại, thường trong những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Phật giáo thời Lý, Trần. Có các nét khi thu nhỏ lúc phóng to linh hoạt, có nét xổ rộng chắc chắn sắc sảo và nét uốn cong duyên dáng, chứng tỏ nghệ nhân phải phải luyện tay đục đá điêu luyện.

Hình ảnh trong điêu khắc đình làng với những chủ đề tự do, không hề gò bó, vì vậy mà đường nét rất phóng khoáng. Bằng những nhát đục bạt khoẻ khoắn, thô phác, với cảm hứng sáng tạo dạt dào. Trong nghệ thuật chạm khắc đình làng, tính chất trào phúng được đề cao vì vậy thủ pháp cường điệu đường nét, hình khối, để nhấn mạnh ý đồ, gây sự chú ý về mặt thị giác được các nghệ nhân sử dụng khá nhiều. Do đó mà hình tượng được nổi bật và gây được ấn tượng hơn.

Bảo tồn, khai thác, ứng dụng những tinh hoa của nền nghệ thuật dân gian trong thời đại mới là việc làm cần thiết đối với bất kỳ ngành nghệ thuật nào. Riêng ở ngành Mỹ thuật, nhiều hoạ sĩ đã rất thành công trong lĩnh vực này. Từ các danh hoạ thời Đông Dương đến các hoạ sĩ trẻ đương đại, họ đã tìm tòi ngôn ngữ tạo hình của mình từ nền mỹ thuật cổ nhưng phổ quát hơn, hàm xúc hơn, có nhiều biến đổi, phù hợp với nhu cầu của thời đại.

 Quan niệm về mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp và họa sĩ là người đem những màu sắc, cảm xúc từ tâm thức của chính mình để sáng tạo thế giới riêng, một thế giới mang tính tượng trưng và hiện thực vừa mơ mộng của cái đẹp. Do đó mỗi tác phẩm hội họa là một vũ trụ thu nhỏ, tầm ảnh hưởng của họa sĩ, của màu sắc, đường nét, bố cục của một bức tranh vì thế vừa mang tính khách quan của thế giới hiện thực nhưng cũng vừa mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Do vậy trong vấn đề khai thác, nghiên cứu những ảnh hưởng của giá trị nghệ thuật tạo hình dân gian trong nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam cho thấy các hoạ sĩ hiện đại đã chọn lọc, khai thác những gì được cho là tinh tuý nhất. Họ coi trọng tinh thần nghệ thuật cổ, kết hợp với ngôn ngữ tạo hình của thời đại mới để tạo nên tác phẩm. Vì vậy khi xem những tác phẩm hiện đại, ta thấy đâu đó phần hồn của nghệ thuật cổ.

            Trong chất liệu sơn Mài, những hoạ sĩ như: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng.. đã rất thành công trong việc khai thác cái tinh tuý của vốn cổ dân tộc. Nguyễn Tư Nghiêm tìm đến văn hóa mỹ thuật dân gian với niềm cảm hứng bất tận. Ông khai thác tinh hoa mạch nguồn văn hóa dân tộc. Ta thấy tranh của ông mang những giá trị tinh thần dân gian trong những không gian mới mang tính hiện đại. Ví dụ, người xem có thể thấy các nhân vật trong loạt tranh Điệu múa cổ nổi tiếng của ông mang dáng dấp hình ảnh các thiếu nữ múa hát trong cung đình, qua tượng gỗ thời xưa. Đồng thời lại thấy rất rõ nét riêng đặc trưng của ông qua cách tạo hình nhân vật rất mới. Các nhân vật được đặt trong một bố cục chặt chẽ nhưng phóng khoáng cùng màu sắc tươi mới, hiện đại. Trong những tác phẩm đề tài văn hóa- lịch sử như: Truyện kiều, Thánh Gióng, Múa cổ... Ông đã đưa ra những thủ pháp nghệ thuật có sự kết hợp hiệu quả giữa tính dân tộc và tính hiện đại. Hội họa của ông tạo cảm xúc lớn cho người xem. Đó là đặc điểm điển hình của nghệ thuật hiện đại.

Một hoạ sĩ trẻ được cho là thành công trong việc khai thác những yếu tố tạo hình dân gian trong những sáng tác rất hiện đại của mình- Đó là Vũ Đình Tuấn. Anh dựa trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống dân tộc và tính hiện đại để tạo ra một bước tiến mới về ngôn ngữ hội hoạ. Tranh của anh có sự giao thoa văn hoá rộng, anh đã tìm ra cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng mang bản sắc cá nhân.

            Màu sắc trong tranh Vũ Đình Tuấn tươi vui, rực rỡ... Những màu sắc mang nhiều yếu tố dân tộc như trong tranh khắc gỗ Đông Hồ  được anh sử dụng thường xuyên: Hồng điều, cam, lục, lam, đen, vàng, hồng thủy. Trong nhiều bố cục họa sĩ khai thác hai màu đối chọi là hồ thủy và cánh sen làm màu chủ đạo của bức tranh, có kết hợp màu đen và màu xanh lục. Bức tranh có hoà sắc rất rực rỡ và không gắt, có độ tươi mới và trong sáng. Màu hồng cánh sen được dùng vẽ nét bao quanh mảng màu lam. Lối dùng màu độc đáo của anh vừa tạo ra sự lung linh của sắc độ vừa tạo ra sự chuyển động của hoà sắc

Cái hay của nền mỹ thuật dân gian là ở bất kỳ một trình độ nào, người học cũng thu được những điều bổ ích từ việc nghiên cứu, khai thác vốn cổ. Nếu các họa sĩ lớn học hỏi cái tinh túy, hồn cốt để tạo ra cho mình mình lối đi, phong cách riêng thì các sinh viên Mỹ thuật khi còn còn đang ngồi trên ghế nhà trường lại học tập được những điều rất cơ bản như cách bố cục các mảng hình, cách cách điệu và sắp xếp họa tiết. Phân mảnh chính phụ và sự chuyển động của đường nét... Việc học tập những tinh hoa của nền mỹ thuật dân gian trong học tập nghiên cứu của sinh viên là vô cùng cần thiết. Những bản chạm khắc là ví dụ sáng rõ, cung cấp kiến thức một cách đầy đủ, khoa học. 

Nghệ thuật luôn bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống là chức năng không thể thiếu của nghệ thuật. Những giá trị to lớn của mỹ thuật dân gian Việt Nam không chỉ được khẳng định ở lối bố cục, mảng nét, màu sắc mà còn có cả tinh thần của cuộc sống được đưa vào một cách sinh động. Đây cũng là thông điệp mà ông cha ta đã để lại, chỉ có khai thác từ chính cuộc sống mới tìm được cho mình mình một con đường riêng, một phong cách riêng. Trong thời đại ngày nay, nghệ thuật Việt Nam nói chung và Hội họa Việt Nam nói riêng đã mở cửa đón nhận văn hóa bốn phương. Tiếp thu cái tốt, cái thích hợp, loại bỏ cái xấu, cái không phù hợp. Vốn là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều đòi hỏi cấp thiết, để nền văn hóa Việt Nam không bị hòa tan trong nền văn hóa khác trên thế giới. Việc khai thác giá trị nghệ thuật dân gian nhằm khẳng định sự tiếp nối, có sự xuyên suốt trên dòng chảy của văn hoá. Khi được bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, Mỹ thuật hiện đại sẽ phát triển một cách vững chắc. Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

------------------------------------------------------

      [*] Khoa Sư phạm Mỹ thuật