Nghiên cứu lý luận

ĐÌNH HOÀNG SƠN, XÃ NINH TIẾN, THÀNH PHỐ NINH BÌNH – GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG DI TÍCH NHỎ LÀM NÊN DI SẢN LỚN

06 Tháng Mười Một 2019

Bùi Thu Hằng[*]

 

Ninh Bình là một vùng đất có bề dày lịch sử, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Vì vậy, Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những di tích ấy chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình được vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Toàn khu di sản có 429 di tích, trong đó có 46 di tích đã được xếp hạng (02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp Quốc gia và 23 di tích cấp tỉnh). Đình Hoàng Sơn xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình được công nhận là di tích cấp tỉnh nằm trong vùng đệm của Di sản Quần thể danh thắng Tràng An, đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu.

Di tích đình làng Hoàng Sơn được xây dựng năm 1899, đây là một ngôi đình khá to lớn so với nhiều ngôi đình trong vùng. Làng lấy tên là Hoàng Sơn, đây cũng là vùng chiêm trũng, có nhiều dòng họ cùng sinh sống. Theo gia phả dòng họ Hoàng Chính tại thôn thì dòng họ này đã đến đây sinh sống tại vùng đất Hoàng Sơn từ hơn 500 năm nay. Nghề sống chính của nhân dân thôn Hoàng Sơn là nghề nông.

Đình Hoàng Sơn thờ Thánh Quý Minh Đại Vương là một vị tướng của đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương). Trong một số sắc phong được lưu giữ tại đình thì Thánh Quý Minh còn được coi là Thành Hoàng làng, tặng phong là Trung Lượng, Linh Diệu, Địch Cát, Tuấn Tĩnh Quý Minh Thượng Đẳng Thần; Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần. Ngoài ra, đình làng Hoàng Sơn còn thờ Thành Hoàng làng Hổ Uy. Nhìn tổng thể, di tích đình làng Hoàng Sơn nằm giữa làng, trong không gian thoáng đãng, phía trước đình làng là ao sen rộng chừng 400m2, qua ao sen là giếng đình hình bán nguyệt, kế tiếp là ao sen và cánh đồng lúa. Di tích nằm trên mảnh đất có diện tích 852,1m2, có tường bao quanh di tích. Từ cổng đình, qua một khoảng sân rộng 20m, lên bậc tam cấp bằng đá cao 40cm là đến bái đường. Về không gian tự nhiên, với ba mặt Đông, Tây, Nam có sông uốn xung quanh làng. Phía Đông giáp sông Chanh, phía Nam giáp Cổ Loan, sông Chanh, phía Tây là sông Sào Khê, phía Bắc có núi Vàng như một chiếc ngai lớn, ôm lấy làng. Đình làng Hoàng Sơn được xây dựng theo kiểu chữ Nhị (二) gồm Bái đường và Hậu cung.

Hai bên sân đình có hai dãy nhà gọi là giải vũ, mỗi dãy có 3 gian tường xây, ngói lợp chắc chắn, trước đây hai dãy giải vũ này thường được dùng làm lớp dạy học cho con em trong làng. Đình làng Hoàng Sơn quay hướng nam ghé tây, là hướng phổ biến của các di tích ở đồng bằng Bắc Bộ, vì hướng này mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Theo quan niệm của dân gian, hướng nam là hướng ngồi của thánh nhân và các bậc đế vương. Các ban thờ tự trong di tích cũng đều quay theo hướng này.

              Hiện nay, lễ hội diễn ra tại đình đã bị mai một nhiều, chỉ còn giữ lại những ngày lễ chính như: Lễ tất niên và đón giao thừa, lễ này diễn ra vào đêm 30 tết hàng năm tại đình; nhân dân tổ chức tế lễ để tạ ơn thần linh đã ban phước lành trong năm qua. Khép lại một năm cũng là làm lễ đón một năm mới với nhiều ước vọng tốt đẹp hơn; Lễ đầu năm: Diễn ra vào ngày 4/1 hàng năm; là ngày sinh của Quý Minh Đại Vương, nhân dân trong làng thể hiện tình cảm và lòng biết ơn với vị thần đã che chở, bảo vệ cho nhân dân. Lễ cũng diễn ra như trong lễ giỗ Thánh.

Đình Hoàng Sơn là di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa lịch sử quan trọng và là minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của vùng đất Tràng An cổ xưa kia. Tuy là di tích nhỏ nhưng những giá trị của di tích đình Hoàng Sơn đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa trong khu vực Di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Thông qua các giá trị lịch sử của đình Hoàng Sơn đã giúp cho thế hệ sau này biết được cội nguồn của vùng đất Ninh Tiến xưa kia, hiểu về truyền thống lịch sử, đặt trưng văn hóa của Ninh Bình và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách của người Ninh Bình ngày nay. Đình làng Hoàng Sơn hiện hữu giữa không gian sinh sống của người dân xã Ninh Tiến, di tích mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, nhờ các cổ vật còn lại trong di tích người dân được tìm hiểu những sự kiện tiêu biểu, được cảm nhận một cách chân thực về lịch sử, những cảm nhận không dễ có được khi chỉ đọc những tư liệu ghi chép của các thế hệ sau. Đình làng Hoàng Sơn còn là nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của làng, với những nét kiến trúc còn lưu lại đến ngày nay mặc dù đã trải qua thời kỳ chiến tranh, sự tác động của thiên nhiên nhưng những dấu ấn đó không hề mất đi, ngược lại càng làm nổi bật nét đẹp, yếu tố chủ đạo, sự hài hòa trong bố cục tổng thể di tích đã khiến cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong khu vực di tích ngày càng phong phú, đa dạng. Đình Hoàng Sơn được ví như nhân chứng sống chứng kiến rất nhiều sự kiện trọng đại của nhân dân trong làng, chính vì vậy mà tính thiêng của đình làng đang có được tăng lên theo thời gian. Bên cạnh đó, qua các giá trị hiện có của đình làng Hoàng Sơn đã cho thấy hệ thống làng xóm, dân cư của vùng đất Ninh Tiến được hình thành từ rất sớm, ngoài nghề trồng lúa nước, còn phát triển một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đa dạng. Di tích đình làng Hoàng Sơn còn gắn với lễ hội truyền thống, nhiều trò chơi diễn xướng dân gian, lễ nghi, tập tục…vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian, đã tạo nên những nét văn hóa, thẩm mỹ rất riêng cho vùng đất Ninh Tiến ngày nay. Những gì còn lại cho đến ngày nay của đình Hoàng Sơn đã trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng cư dân và in sâu vào trong tâm trí của mỗi du khách khi đến chiêm bái và thưởng ngoạn.

Đặc biệt di tích đình Hoàng Sơn là nơi thờ tự Thánh Quý Minh Đại Vương và Thành Hoàng làng Hổ uy, nơi đây đã trở thành nơi hội tụ của các danh nhân nổi tiếng có thật trong lịch sử gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ở các thời đại. Công lao và nhân cách của họ góp phần làm nên hồn thiêng sông núi và nền văn hóa hàng nghìn năm của nước nhà. Trải qua hàng nghìn năm, đình làng Hoàng Sơn vẫn luôn là chốn linh thiêng, hướng về cội nguồn của nhân dân Ninh Bình, để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự cường, tôn vinh những chiến công oanh liệt, những tấm gương trung nghĩa, nhưng tư tưởng và nhân cách đạo đức một lòng hi sinh vì nghĩa lớn cho tổ quốc và dân tộc của các anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước, khơi dậy ý thức, trách nhiệm cho mọi thế hệ người dân Việt Nam; góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Cùng với sự hình thành và phát triển của đất nước trải qua mấy nghìn năm lịch sử, vùng đất Ninh Bình là vùng đất cổ nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, có vị trí và vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Quá trình hình thành và phát triển của dòng lịch sử, con người nơi đây đã hun đúc, sáng tạo và để lại cho thế hệ hôm nay kho tàng di sản văn hóa khá lớn, chứa đựng bản sắc riêng của cư dân nơi đây. Sự hiện hữu của di tích đình Hoàng Sơn và lễ hội liên quan đến đình Hoàng Sơn là những minh chứng rõ nét nhất về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất này. Tuy địa bàn xã Ninh Tiến không có những công trình kiến trúc mang tầm vóc quốc gia như một số địa phương khác, nhưng hệ thống di tích phân bổ đều trên địa bàn đã tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng. Đó là các giá trị hiện hữu như kiến trúc, nghệ thuật và các giá trị tiềm ẩn như lễ hội, tín ngưỡng,… gắn với vùng đất và con người nơi đây góp phần tạo nên một di sản thế giới mang tầm vóc quốc tế - Di sản Quần thể danh thắng Tràng An.

 

                                           Tài liệu tham khảo

  1. Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (2015), Tài liệu quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình (Tài liệu lưu hành nội bộ).

         2. Đặng Văn Bài (1995), Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích, Văn hóa Nghệ thuật.

         3. Chi ủy – Ban Lãnh đạo – Ban chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Hoàng Sơn (2008), Lịch sử Làng Hoàng Sơn.

         4. Phan Đại Doãn (2001), Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế - văn hoá - xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

         5. Đảng bộ thành phố Ninh Bình (2014), Lịch sử Đảng bộ xã Ninh Tiến tập 1.

         6. Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình (2009), Hồ sơ di tích đình làng Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình.

         7. Hà Văn Tấn (1998), Đình Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa