Nội san

Đổi mới trong công tác quản lý triển lãm mỹ thuật tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

08 Tháng Mười Một 2019

Trịnh Tuấn Dương[*]

Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam là một trong những trung tâm triển lãm được thành lập đầu tiên của cả nước và là triển lãm văn hóa còn lại duy nhất của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, đây là nơi tổ chức thường niên của khoảng 50 cuộc triển lãm lớn nhỏ và cũng chính là địa điểm tổ chức chính của các hoạt động triển lãm phục vụ cho công tác đối ngoại, chính trị, văn hóa của đất nước. Đồng thời cũng là nơi “chọn mặt gửi vàng” của không ít những triển lãm mang tính xã hội hóa và làm dịch vụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Với vai trò và ý nghĩa đặc biệt như vậy, đòi hỏi công tác quản lý hoạt động của trung tâm triển lãm nói chung và triển lãm mỹ thuật nói riêng phải thật khoa học, chặt chẽ nhằm mang lại hiệu quả quản lý tối ưu nhất. Muốn vậy công tác quản lý hoạt động của triển lãm mỹ thuật cần không ngừng nâng cao và đổi mới, để thích nghi với thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Tuy số lượng triển lãm được tổ chức hàng năm khá nhiều, nhưng số triển lãm về mỹ thuật trên thực tế chỉ có từ 3 – 4 triển lãm. Đặc biệt các triển lãm có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật và cách thức tổ chức theo lối hiện đại lại rất ít. Điều này cho thấy công tác quản lý và tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nhân sự đông nhưng nhân sự có chất lượng chuyên môn cao còn ít, công tác quản lý chưa thực sự sát sao, dẫn đến việc phân công nhân sự chưa thực sự phù hợp, để có thể phát huy tối đa tiềm lực về nhân sự. Cơ sở vật chất chưa thực sự hiện đại và mang tính cập nhật, công nghệ tự động hóa chưa được ứng dụng nhiều trong các triển lãm mỹ thuật. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động triển lãm còn thiếu và yếu. Chính vì vậy mà việc đổi mới trong công tác quản lý là điều cấp thiết, cần sớm được thực hiện để có thể khai thác mọi tiềm năng của trung tâm.

Vậy đổi mới và nâng cao công tác quản lý cần được triển khai như thế nào, để đạt được hiệu quả trong hoạt động triển lãm mỹ thuật tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam?

Theo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (năm 2014) đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vũng đất nước”. Tại đại hội XII đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và trong đó có mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện...; tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.

Theo những định hướng trên của Đảng về công tác quản lý lĩnh vực văn hóa, trong đó có lĩnh vực triển lãm mỹ thuật, đã có những thông tư, nghị định ra đời nhằm định hướng quản lý hoạt động triển lãm nói chung và hoạt động mỹ thuật nói chung: Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL quy định chi tiết  một số điều tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật hay Nghị định số 23/2019/NĐ-CP về  hoạt động triển lãm 26 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ... Cho đến nay, nghị định số 113/2013/NĐ-CP được coi là nghị định quy định chi tiết nhất và duy nhất cụ thể về hoạt động triển lãm mỹ thuật. Chính vì vậy nghị định này có thể coi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động liên quan đến hoạt động triển lãm mỹ thuật. Từ những định hướng quản lý hoạt động triển lãm mỹ thuật của nhà nước, trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã có những hướng đi và việc làm cụ thể của mình để quản lý hoạt động này.

Vì vậy từ định hướng đó thì nguồn lực luôn luôn là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một đơn vị nào đó. Với trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, yếu tố nguồn lực là yếu tố đòn bẩy quan trọng để tạo đà cho sự phát triển của trung tâm. Do đó sự đổi mới cần hướng tới nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Trung tâm.  Đối với cán bộ quản lý cần có những hiểu biết nhất định về vai trò đặc biệt của trung tâm, hiểu rõ về năng lực của cán bộ nhân viên mình quản lý, cũng như hoạt động của triển lãm mỹ thuật tại đây, trong bối cảnh hội nhập của đất nước hiện nay. Đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên, với chất lượng chuyên môn cao. Không chỉ nắm vững chuyên môn về mỹ thuật mà còn cả chuyên môn về quản lý hoạt động có liên quan đến triển lãm mỹ thuật. Đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của trung tâm nói chung và triển lãm mỹ thuật nói riêng.

Để nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên tại trung tâm thì việc học tập, trau dồi hiểu biết và kỹ năng nghiệp vụ là điều vô cùng thiết yếu và quan trọng. Nó liên quan mật thiết đối với sự phát triển công tác tổ chức, quản lý hoạt động triển lãm mỹ thuật tại đây.

Đào tạo cán bộ một cách chính quy bài bản để tạo ra những hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của trung tâm. Đưa cán bộ nòng cốt, có chuyên môn nghiệp vụ cao tham gia các hóa tập huấn ngắn và dài hạn về công tác tổ chức triển lãm tại các quốc gia phát triển, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao. Phân công công việc dựa trên chuyên môn, sở trường của từng cá nhân. Qua những công tác này trung tâm sẽ có một nguồn nhân lực tại chỗ với trình độ không ngừng được nâng cao và am hiểu về tình hình thực tế tại trung tâm. Từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp vào sự đổi mới, phát triển các hoạt động tại đây.

Bên cạnh đó cần có những chính sách khuyến khích cán bộ công nhân viên học tập và tham gia đóng góp xây dựng trung tâm. Hỗ trợ kinh phí khi tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ, trao thưởng cho nhân viên có cống hiến, đóng góp tích cực trong công việc. Quan tâm đến đời sống cơ sở vật chất cũng như tinh thần của cán bộ công nhân viên, cần có những chính sách hỗ trợ đối với cán bộ công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn. Tạo ra sự linh động trong giờ giấc làm việc sao cho nhân viên có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Song song với công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì việc đầu tư về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cũng cần được chú trọng. Một địa điểm tổ chức triển lãm mỹ thuật muốn trở thành sự lựa chọn của các nghệ sĩ thì cần đáp ứng được những yêu cầu cần thiết cho một cuộc triển lãm mỹ thuật như: Hệ thống phòng ốc linh hoạt, hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, hệ thống các thiết bị để treo tranh, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art,…cũng cần được chú trọng cải thiện hoặc bổ sung.

Ngoài ra nguồn kinh phí thì việc đầu tư cho công tác hỗ trợ quảng bá triển lãm mỹ thuật trên nhiều kênh thông tin sẽ trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn. Trở thành một trong những điểm cộng khi người tổ chức triển lãm cần lựa chọn đơn vị tổ chức, địa điểm triển lãm...

Trung tâm TLVHNTVN cần có nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động liên quan đến triển lãm mỹ thuật, phù hợp với mỹ thuật hiện đại. Đặc biệt là phục vụ tốt cho loại hình mỹ thuật mới như trình diễn, sắp đặt, video art, sự kết hợp với công nghệ 4.0. Điều này sẽ biến yếu tố nguồn lực cơ sở vật chất và kinh phí trở thành động lực phát triển, thu hút được sự quan tâm của cá nhân, tổ chức thực hiện triển lãm mỹ thuật.

Cách bố trí các tác phẩm trong triển lãm cũng cần được đổi mới. Người xem cũng cần có không gian để thưởng thức nghệ thuật, do đó việc sắp xếp vị trí bày các tác phẩm nghệ thuật cần được tính toán sao cho có tính chuyên môn và chuyên nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và hoạt động tổ chức triển lãm mỹ thuật của trung tâm. Xây dựng hệ thống quản lý khoa học với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh và chuyên nghiệp theo hướng tự động hóa. Hệ thống máy tính, trang thiết bị làm việc, cần được cập nhật sao cho cán bộ nhân viên được tiếp cận những công nghệ hiện đại, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực.

Công tác đi tắt đón đầu cần được ưu tiên với giải pháp công nghệ 4.0 như: Đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại, áp dụng thiết bị có sử dụng công nghệ 4.0 theo hướng tự động hóa, đáng chú trọng nhất là hệ thống máy tính chất lượng cao, cùng các phần mềm quản lý mới, hiện đại và chuyên nghiệp. Xây dựng phòng triển lãm 3D, trang bị máy quay, máy chiếu, màn hình khổ lớn, hệ thống âm thanh ánh sáng, thiết bị bluray, màn hình tương tác 3D, … cùng các thiết bị phụ trợ khác, nhằm mang lại hình ảnh âm thanh sống động, tạo cảm giác chân thực đối với người xem.

Việc chủ động liên hệ đối với các cá nhân nghệ sĩ hay nhóm nghệ sĩ, tác giả có nhu cầu mở triển lãm cũng cần được chú ý hơn. Đặc biệt là đối với nhóm tác giả, nghệ sĩ có sự nhanh nhạy và mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến, để thực hiện các đề án sử dụng phòng chiếu 3D, màn hình tương tác hay công nghệ thực tế ảo …

Vì thế nếu chúng ta có thể đổi mới được công tác quản lý và tổ chức hoạt động triển lãm mỹ thuật, thì đã giúp cho Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thu hút được sự chú ý của đông đảo các nghệ sỹ và quần quần chúng nhân dân đến làm triển lãm và tham quan cũng như sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và lâu dài của trung tâm này.

Tài liệu tham khảo

1. Hội thảo khoa học Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Hoàng Thị Bình (2013), Nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời kỳ hội nhập, Luận án tiến sĩ Quản lý văn hóa, Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

3. Thủ tướng Chính phủ (2014), Chiến lược phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1253/QĐ-TTg ban hành ngày 25/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội.

4. Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (2016) Báo cáo tổng kết năm 2016, Hà Nội.

5. Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (2018) Báo cáo tổng kết năm 2018, Hà Nội.

 

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa