Nội san

GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT TẠI NHÀ THIẾU NHI HÀ ĐÔNG THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

20 Tháng Mười Hai 2019

                                                                                                Đặng Ngọc Ninh [*]

 

Nhà Thiếu nhi Hà Đông, tiền thân là Câu lạc bộ thiếu nhi thị xã Hà Đông chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/03/1979. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Nhà Thiếu nhi Hà Đông đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động chăm sóc và giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng trên toàn quận và các địa bàn dân cư lân cận, là nơi tập hợp thiếu nhi thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện năng khiếu thiếu nhi, tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao…

Nhà Thiếu nhi Hà Đông đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy của các bậc phụ huynh và các em học sinh mỗi khi năm học kết thúc. Các em đến đây không những được tham gia các môn học năng khiếu, nghệ thuật mình yêu thích, mà còn được giao lưu trong các sân chơi, diễn đàn, lớp học kỹ năng, các câu lạc bộ... Nội dung các môn học tại Nhà Thiếu nhi Hà Đông trong những năm qua đã được nâng cao hơn về chất lượng, quy mô, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi toàn quận và các vùng lân cận tham gia. Từ đó góp phần đưa Nhà Thiếu nhi Hà Đông ngày càng phát triển trong suốt chiều dài xây dựng và trở thành địa chỉ tin cậy, chắp cánh cho những ước mơ của các em nhỏ bay cao, bay xa.

            Vào các ngày cuối tuần và nhất là dịp hè, Nhà Thiếu nhi luôn tràn đầy không khí vui tươi bởi hoạt động của các lớp nghệ thuật, các câu lạc bộ ngoài trời, từ tiếng hát véo von, những bức tranh đầy màu sắc, những điệu múa uyển chuyển… của các em thiếu nhi. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên của đơn vị đã nỗ lực phát huy mọi nguồn lực, thế mạnh, sức trẻ, lòng nhiệt huyết để tổ chức duy trì, phát triển hoạt động giáo dục, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh thiếu nhi.

Nhà Thiếu nhi Hà Đông mặc dù đã đa dạng được các loại hình giáo dục nghệ thuật, nhưng việc sắp xếp thời gian học cho từng bộ môn còn chưa hợp lý. Cụ thể, có những môn học như: Vẽ, Đàn Piano, Organ, Guitar... thời gian học là 90 phút/ca là hợp lý. Nhưng những môn như: Hát, Trình diễn thời trang... cùng mức thời gian như vậy lại là hơi dài. Các hoạt động tại Nhà Thiếu nhi là hoạt động ngoài nhà trường, các em còn tập trung nhiều thời gian vào việc học tập văn hóa, nên thời gian học tại đơn vị sẽ bị eo hẹp hơn. Lứa tuổi các em chênh lệch nhiều, bố trí, sắp xếp đối tượng các em đến sinh hoạt chưa thực sự hợp lý. Lớp học còn thiếu sự liên kết giữa các lớp, các bộ môn nên các em thiếu nhi tham gia học tập sinh hoạt ít được giao lưu hay có những hoạt động bổ trợ cho nhau. Số lượng các em tham gia học tập ở các bộ môn còn có sự chênh lệch rất lớn, đặc biệt là vào mùa hè. Điều đó dẫn đến những khó khăn trong việc sắp xếp, quản lý lớp. Công tác huy động nguồn lực xã hội hóa chưa thu hút được đầu tư do bất cập về cơ chế, chính sách như việc huy động và sử dụng các nguồn thu từ phụ huynh học sinh, hay các dịch vụ còn hạn chế. Hoạt động quảng cáo, marketing về hình ảnh và các khóa học của Nhà Thiếu nhi Hà Đông chưa nhiều nên hiệu quả chưa cao. Chính vì thế mà nguồn học sinh cho các lớp đào tạo nghệ thuật không ổn định theo từng giai đoạn trong năm.

Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi Hà Đông như sau:

Thứ nhất, về nâng cao nhận thức

Để công tác giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi Hà Đông nói riêng ngày một phát triển đi lên, thu hút ngày càng đông các em đến vui chơi, sinh hoạt cần phải đổi mới về nhận thức, phải thống nhất một cách hiểu đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của giáo dục nghệ thuật trong việc hình thành nhân cách, lối sống và tư duy sáng tạo của con người. Giáo dục nghệ thuật là công việc của mọi cấp, mọi ngành, từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Phối hợp cùng bậc phụ huynh học sinh để công tác giáo dục nghệ thuật cho thanh thiếu nhi đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, về tổ chức và cơ chế chính sách quản lý

Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế hoạt động của Nhà Thiếu nhi Hà Đông phù hợp với tính đặc thù của một loại hình thiết chế văn hóa dành cho thanh thiếu nhi và định hướng giáo dục của quận đề ra; thực hiện kiện toàn cơ cấu tổ chức của Nhà Thiếu nhi Hà Đông. Cần thành lập thêm bộ phận truyền thông (marketing), hoạt động chuyên trách có từ 2 đến 3 thành viên. Đây là bộ phận quan trọng cho sự phát triển đi lên của Nhà Thiếu nhi hiện nay và trong tương lai. Rà soát luân chuyển sắp xếp lại đội ngũ cán bộ viên chức bộ phận chuyên môn cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và năng lực sở trường cá nhân.

Thứ ba, về tăng cường cơ sở vật chất, tài chính

Ngoài việc được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, hay tìm các nguồn tài trợ, các dự án lớn để có kinh phí hoạt động cho toàn đơn vị, thì Ban giám đốc Nhà Thiếu nhi Hà Đông cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các kế hoạch biểu diễn có hợp đồng kinh tế với các đơn vị khác. Điều này sẽ tạo nên nguồn thu tốt hơn cho Nhà Thiếu nhi. Tổ chức bán đấu giá các sản phẩm của các em ở những lớp học vẽ, học nấu ăn... cho các bậc phụ huynh. Số tiền bán đấu giá được sẽ được dùng cho việc trang bị thêm đồ dùng học tập tại lớp học, hoặc dùng số tiền đó thành lập một quỹ từ thiện vừa mang tính giáo dục cho các em.

Thứ tư, xây dựng chiến lược và các biện pháp marketing phát triển hoạt động giáo dục nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi Hà Đông

Quảng cáo các hoạt động giáo dục nghệ thuật của Nhà Thiếu nhi thông qua các ấn phẩm như: Tờ rơi, tờ gấp, các tờ giới thiệu, in logo... các chương trình nghệ thuật tiêu biểu mà Nhà Thiếu nhi đã tổ chức, tham gia biểu diễn... các hoạt động ngoại khóa. Quảng cáo các hoạt động của Nhà Thiếu nhi Hà Đông, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: quảng cáo, phóng sự ngắn, phỏng vấn trên đài phát thanh - truyền hình,... các hoạt động của các bộ môn, các lớp năng khiếu. Phỏng vấn Ban lãnh đạo Nhà Thiếu nhi, đăng bài lên các báo, tập san, trang dành cho thiếu nhi như: Báo Nhi đồng, báo Hoa học trò,... Quảng cáo các hoạt động của các lớp năng khiếu thông qua phương tiện thông tin internet. Facebook đang là kênh thông tin tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất đến các bậc phụ huynh, chính vì thế có thể lập một trang Facebook riêng của Nhà Thiếu nhi, chạy quảng cáo trong một thời gian nhất định, cập nhật thường xuyên các hoạt động của đơn vị. Quảng bá hình ảnh của Nhà Thiếu nhi Hà Đông không chỉ qua kênh truyền thông, tờ rơi, các ấn phẩm hay tập san mà cần làm tốt cả công tác tổ chức các hội thi, triển lãm gây quỹ từ thiện; mở rộng liên kết đào tạo, biểu diễn nghệ thuật với các cơ sở trong và ngoài quận; mời các chuyên gia đầu ngành tổ chức các hội thảo, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hội thi sáng tác định kì, không định kỳ, chuyên và không chuyên; duy trì tốt hoạt động của các Câu lạc bộ.

Thứ năm, xã hội hóa hoạt động giáo dục nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi Hà Đông

Tăng cường việc đào tạo liên kết với các đơn vị khác, từ đó tạo thành một mạng lưới mở rộng trong hoạt động lĩnh vực nghệ thuật giữa các đơn vị trong và ngoài quận Hà Đông. Đây là điều kiện thuận lợi để Nhà Thiếu nhi Hà Đông phối hợp tổ chức các hoạt động gây quỹ từ thiện từ những hoạt động trải nghiệm, hoạt động sáng tạo của các em thiếu nhi sinh hoạt tại đơn vị. Có kế hoạch bồi dưỡng tài năng trẻ, thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận.

Phải bám sát chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể để tạo cầu nối cho các lớp học chính thống tại trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, đặc biệt là giai đoạn cầu nối Trung học Phổ thông (giai đoạn định hướng nghề nghiệp). Trên cơ sở bám sát nội dung chương trình tại các lớp học chính thống, các CLB, các lớp nghệ thuật mà các em học sinh đang sinh hoạt sẽ được học các nội dung giảng dạy phù hợp, gắn nhiều với thực tiễn.

Có thể nói, hoạt động văn hóa nghệ thuật có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với thiếu nhi. Các thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi như Nhà Thiếu nhi Hà Đông, chính là môi trường giáo dục ngoài nhà trường rất cần thiết để các em học sinh được rèn luyện về thể chất, tinh thần, trở thành những con người toàn diện, chủ nhân tương lai của nước nhà. Để có thể phát triển tốt các hoạt động giáo dục nghệ thuật, thu hút đông đảo các em thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt, học tập, Nhà Thiếu nhi Hà Đông cần phải có những chế tài quản lý và phát triển cho phù hợp, vừa tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội hóa, từ đó thúc đẩy các hoạt động giáo dục nghệ thuật phát huy hiệu quả tối đa, để Nhà Thiếu nhi Hà Đông trở thành ngôi nhà chung trong các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường dành cho thiếu nhi trên địa bàn quận Hà Đông và các vùng lân cận.

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Cung Thiếu nhi Hà Nội (2005), Phương thức hoạt động giáo dục văn, thể, mỹ cho trẻ em ở Cung Thiếu nhi và các Nhà Thiếu nhi ở Hà Nội, Mã số: 01X-06/07-2005-1.
  2.  Cung Thiếu nhi Hà Nội (2012), Báo cáo tổng kết hoạt động Cung Thiếu nhi Hà Nội 2012, Hà Nội.
  3. Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng (2002), Kỷ yếu ba mươi năm hoạt động, Cung văn hóa Thiếu nhi Thành phố Hải Phòng.
  4. Trần Thị Kim Định (1997), Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh với việc bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  5. Nhà Thiếu nhi Hà Đông (2014), Kỷ yếu 35 năm thành lập, Lưu hành nội bộ.

 

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K3 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa