Tin tức

Lễ bảo vệ luận văn của hai học viên Bùi Thị Kim Liên và Phạm Hải Quân (K7) - Chuyên ngành Quản lý văn hóa

31 Tháng Mười Hai 2019

BBT

          Nhằm đánh giá kết quả học tập của học viên, chiều ngày 24/12/2019 tại Phòng bảo vệ luận văn, khoa Sau đại học, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa 7 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa.

          Sau phần công bố quyết định thành lập hội đồng bảo vệ và lý lịch khoa học của các học viên, các học viên đã trình bày sơ lược báo cáo trước Hội đồng.

          Phần nhận xét của các cán bộ Phản biện, Ủy viên và các thành viên khác trong hội đồng đều tập trung vào toàn bộ nội dung và hình thức của các luận văn. Ngoài những thông tin khoa học, các tác giả đề tài còn được hội đồng góp ý về mặt hình thức trình bày theo đúng trường quy khoa học. 

          Dưới đây là một số thông tin về đề tài được bảo vệ:

          Điều hành Hội đồng 1 có: PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Lê Hồng Lý - Phản biện 1, PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phản biện 2, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức - Ủy viên, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Ủy viên, Thư ký.

          Đề tài: Quản lý các di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

          Học viên: Bùi Thị Kim Liên

          Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Dương Văn Sáu

Tóm tắt nội dung: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hiện nay, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Bắc Giang tương đối phong phú, đa dạng về loại hình. Các di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trong và ngoài thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đối với các di tích quốc gia trên địa bàn thành phố còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn nhiều thiếu sót, di tích vẫn còn hiện tượng bị lấn chiếm đất đai,....Tác giả chọn đề tài Quản lý các di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang nhằm đánh giá công tác quản lý các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Giang, tìm ra ưu điểm cũng như hạn chế trong công tác quản lý các di tích trên địa bàn thành phố, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị các di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Bắc Giang trong thời gian tới.

          Xếp loại: Giỏi

Điều hành Hội đồng 2 có: PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Lê Hồng Lý - Phản biện 1, PGS.TS. Dương Văn Sáu - Phản biện 2;,PGS. TS. Nguyễn Hữu Thức - Ủy viên, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Ủy viên, Thư ký.

          Đề tài: Quản lý cụm di tích lịch sử - văn hóa đình, chùa Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

          Học viên: Phạm Hải Quân

          Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Văn Dương

Tóm tắt nội dung: Di tích lịch sử văn hóa là những công trình xây dựng địa điểm gắn với sự kiện lịch sử văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương, thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong các thời kì lịch sử. Đình, chùa Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được xây dựng vào thời kì Lê Trung Hưng (thế kỉ XVIII). Trong thời gian qua, công tác quản lý đình, chùa Ngọc Thành của Ban Quản lý xã Ngọc Sơn đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do những tác động chủ quan và khách quan. Với mong muốn tìm hiểu, giữ gìn và phát huy giá trị cụm di tích đình - chùa Ngọc Thành, đồng thời tìm ra những mặt hạn chế trong công tác quản lý để đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cụm di tích đình - chùa Ngọc Thành nói riêng, các di tích lịch sử -  văn hóa trên địa bàn xã Ngọc Sơn nói chung, tác giả đã chọn đề tài Quản lý cụm di tích lịch sử - văn hóa đình, chùa Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để nghiên cứu.

Xếp loại: Giỏi

 

Hai học viên Bùi Thị Kim LiênPhạm Hải Quân

 chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng khoa học