Sự kiện

Bộ trưởng Giáo dục: Tinh gọn các trường sư phạm không có nghĩa là bỏ hết đi

03 Tháng Giêng 2020

(GDVN) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm về vấn đề sắp xếp các trường sư phạm ở địa phương tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 31/12/2019.

Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm 2019, Bộ rất chú trọng đến chuẩn bị các điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: giaoducthoidai.vn

 

Đề nghị các địa phương chọn sách giáo khoa minh bạch, công khai, đúng tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13

Trước hết, Bộ đã ban hành được chương trình môn học. Sau đó, đã chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn được 5 bộ sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục đã thẩm định đảm bảo chất lượng để các địa phương lựa chọn. Bộ cũng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chọn sách theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Bộ trưởng Giáo dục đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch đúng theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 và thông tư sắp tới ban hành.

Về giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục cho biết đã có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên ở tất cả các tỉnh. 

Năm 2019 có điểm mới là áp dụng phần mềm thống kê chính xác giáo viên ở các địa phương và tình trạng thừa thiếu.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Giáo dục đã gửi cho Bộ Nội vụ thống kê tổng số giáo viên thực tế ở các địa phương; nhu cầu giáo viên các địa phương từng năm, tiến tới là chuẩn giáo viên trong từng năm để theo dõi.

"Chúng tôi đã có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chung và có chương trình đào tạo bồi dưỡng cho các các đối tượng từ giáo viên, cán bộ quản lý, hiệu trưởng.

Năm 2020, các địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục, các cơ sở sư phạm để đào tạo bồi dưỡng, trước hết là theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Việc chuẩn bị tốt nội dung này đóng vai trò quyết định với sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông", Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng thông tin, Bộ Giáo dục đã kết hợp với các trường sư phạm, cũng như rà soát và đầu tư cho 8 trường sư phạm.

8 trường này cùng với các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên hình thành một mạng lưới vệ tinh bồi dưỡng giáo viên cho các tỉnh.

"Đề nghị các địa phương quan tâm trước khi rà soát, sắp xếp các cơ sở đào tạo trao đổi, phối hợp với Bộ để thống nhất, duy trì ổn định mạng lưới bồi dưỡng giáo viên.

Tinh gọn không có nghĩa là bỏ hết đi, các trường cao đẳng sư phạm vẫn đóng vai trò rất quan trọng ở các địa phương", Bộ trưởng nói.

Về cơ sở vật chất trường học, Bộ trưởng Nhạ đánh giá đây cũng là một khó khăn. Bộ đã ban hành thông tư về chuẩn cơ sở vật chất hướng dẫn các địa phương về dồn trường, dồn lớp.

 

"Vừa qua, nhiều địa phương làm tốt nhưng cũng có nhiều địa phương làm vội quá dẫn đến sắp xếp cơ học.

Vì thế chưa đảm bảo yêu cầu, dẫn đến nhiều học sinh bỏ học vì quá xa trường, lớp.

Cơ sở vật chất khi dồn về cơ sở mới cũng không đảm bảo.

Chúng tôi cũng mong các địa phương quan tâm để việc rà soát, sắp xếp trường lớp đảm bảo các chuẩn về chuyên môn sư phạm", Bộ trưởng Giáo dục nêu.

Đề nghị tăng một bậc thang lương khởi điểm của giáo viên

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị ban cải cách tiền lương của Chính phủ trong năm 2020 xây dựng thang bảng lương quan tâm tăng thêm một bậc trong thang lương khởi điểm của giáo viên để đảm bảo được mức sống tối thiểu, để giáo viên yên tâm với nghề nghiệp. 

Đây là một trong những ưu tiên mà nghị quyết Trung ương đề ra là thang bảng lương của giáo viên phải cao hơn mặt bằng chung.

Về giáo dục đại học, năm 2019, Việt Nam đã có 3 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng là một trong 1.000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới. 8 cơ sở giáo dục đại học nằm trong 500 đại học tốt nhất châu Á.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng nêu, trong quá trình tự chủ đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa có điều kiện đảm bảo chất lượng nên để xảy ra sai phạm.

Bộ Giáo dục đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các sai phạm đặc biệt là trong đào tạo văn bằng 2.

Bộ Giáo dục cũng đề nghị các địa phương, các đơn vị chủ quản các trường đại học cũng phải tham gia kiểm tra, kiểm soát việc đảm bảo chất lượng các trường.

Tới đây, thực hiện nghị định về hướng dẫn Luật Giáo dục Đại học luật số 34, Bộ đề nghị quan tâm tới kiện toàn hội đồng trường. Trong đó, nhất là vị trí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch hội đồng trường như tinh thần Nghị quyết Trung ương và Luật, để cho hội đồng trường thực quyền.

Đỗ Thơm