Nghiên cứu lý luận

VẺ ĐẸP CỦA NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÌNH HOÀNG XÁ VỚI MÔN HỌC TẠO HÌNH NGÀNH SƯ PHẠM MẦM NON

08 Tháng Giêng 2020

Nguyễn Thị Thanh Nga [*]

Đình làng là một trong những thành tố văn hóa trở hành biểu tượng cho làng quê Việt Nam. Những mái đình làng Việt không chỉ là biểu tượng kiến trúc độc đáo của người Việt mà còn ẩn chứa trong đó thông tin về cả một quá trình lịch sử của cộng đồng làng xã, chứa đựng trong đó những ước vọng hết sức trân quý, mang giá trị nhân văn sâu sắc của người dân được gửi gắm qua từng nét chạm khắc tinh xảo, giàu giá trị nghệ thuật.

Đình làng là bảo tàng lớn lưu giữ các tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh cuộc sống hiện thực xã hội đương thời. Các tác phẩm cũng bộc lộ tất cả những gì người nông dân yêu thích, mong ước, trông chờ… vì thế, điêu khắc nói chung và chạm khắc nói riêng tồn tại trên các chi tiết cấu trúc của Đình làng là nguồn tài liệu cho nhiều ngành khoa học, nghệ thuật nghiên cứu. Trong đó có việc nghiên cứu vận dụng vào giảng dạy, để bảo tồn và phát huy nguồn vốn cổ dân tộc trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là trong các trường đào tạo sinh viên nghệ thuật, các trường đào tạo giáo viên liên quan đến các môn học văn hóa nghệ thuật.

Việc đào tạo sinh viên trong các trường đại học ở địa phương hiện nay luôn quan tâm đến mục tiêu  gắn lý thuyết với thực tiễn, rèn luyện cho sinh viên tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Giảng viên có nhiệm vụ tìm kiếm, cung cấp nguồn tư liệu bổ sung giáo trình để tăng tính thực tiễn, gắn lý thuyết trên lớp với thực tế địa phương. Với môn mỹ thuật trong hệ đào tạo giáo viên mầm non tại trường Đại học Hoa Lư, việc gắn nội dung học tập với các di tích lịch sử truyền thống là việc làm cũng rất có ý nghĩa. Vì thế, trong quá trình công tác, tác giả đã lựa chọn hướng nghiên cứu đưa những giá trị của chạm khắc Đình làng Hoàng Xá – một trong những di tích lịch sử có ý nghĩa với cộng đồng dân cư khu vực đồng bằng Bắc Bộ và chứa đựng trong đó những giá trị nghệ thuật tạo hình độc đáo, đặc sắc, xứng đáng bảo lưu và phát huy để bổ sung cho giáo trình và nâng cao chất lượng công tác của mình. Đây là việc làm có tác dụng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho bản thân, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ trong thời gian tới.

             Những giá trị mà đình Hoàng Xá để lại đã và đang được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau như: lịch sử, văn hóa xã hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiến trúc và mỹ thuật. Dưới góc độ giáo dục thẩm mỹ trong các nhà trường, Đình Hoàng Xá có ý nghĩa quan trọng đối với tư duy thẩm mỹ của cộng đồng cư dân Bắc Bộ nói chung và cư dân ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng. Khai thác giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm chạm khắc trên đình làng Hoàng Xá chắc chắn sẽ mang đến sự đồng cảm và thấu hiểu về cách nghĩ, lối sống, phong cách của một cộng đồng người Việt tài hoa, sâu sắc và nghĩa tình. Trong kho tàng văn hóa dân gian lưu lại cho thế hệ sau, Đình Hoàng Xá hoàn toàn có một vị trí nhất định để các thế hệ học sinh từ cấp học mầm non học tập, kế thừa, giữ gìn và phát huy. Giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ của cộng đồng thể hiện trên các tác phẩm chạm khắc sẽ trường tồn và hòa nhịp trong dòng chảy của nền văn hóa nhân loại.

Đình Hoàng Xá thuộc địa phận thôn Hoàng Xá,  xã Liên Bạt,  huyện Ứng Hòa,  Hà Tây (nay là thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội). Ngược dòng lịch sử vào cuối thời Lê Trung Hưng, làng Hoàng Xá thuộc xã Hoa Đình, tổng Phương Đình, huyện Sơn Minh, trấn Sơn Nam Thượng. Đình Hoàng Xá thờ đức Thành hoàng là Thánh Quý Minh, theo huyền sử nước ta đây là một trong 3 vị Thánh của núi Tản Viên (Ba Vì) sống vào cuối thời vua Hùng. Đình làng Hoàng Xá được dựng vào ngày tốt tháng 5 Giáp Tuất niên đại Chính Hòa thứ 15 thời Lê Trung Hưng (1694). Đây là một trong số những ngôi đình cổ chứa đựng cả một kho nghệ thuật tiêu biểu của cư dân khu vực đồng bằng sông Hồng thuộc thế kỉ XVII.

Một trong những giải pháp bảo tồn là phải giải mã nội dung và giá trị tạo hình trên mỗi bức chạm khắc riêng lẻ cũng như tổng thể hệ thống. Trong chương trình môn học Tạo hình của ngành đào tạo giáo viên mầm non tại trường Đại học Hoa Lư, có các bài học và bài tập thực hành về nghệ thuật trang trí, việc khai thác, tìm hiểu và vận dụng các giá trị nội dung và thẩm mỹ vốn cổ dân tộc vào các bài học tạo hình là hợp lý và có tính thực tiễn cao. Để tăng tính hứng thú với bài học giảng viên sẽ định hướng cho sinh viên tiếp cận với một số vốn cổ dân tộc nói chung và các sản phẩm chạm khắc ở đình Hoàng Xá nói riêng, sinh viên nghiên cứu và phân tích, lý giải nội dung và giá trị nghệ thuật để vận dụng vào bài học trên lớp và bài thực hành. Các mục tiêu mà giảng viên muốn sinh viên học hỏi từ vốn cổ dân tộc đó là cách xây dựng hình tượng, hình ảnh, cách sắp xếp bố cục, xử lý không gian, cách diễn tả đường nét, hình mảng, hình khối, các motip trang trí. Các tác phẩm chạm khắc đình làng được các nghệ nhân thể hiện trên cánh gà, ván dong, đầu dư, cốn, đuôi kẻ góc…Dù ở vị trí nào thì người nghệ nhân cũng có sự sắp xếp bố cục hết sức khéo léo, tinh tế và vô cùng chặt chẽ, hợp lý. Cách sử dụng thủ pháp tạo hình trong các tác phẩm chạm khắc của đình làng Hoàng Xá rất linh hoạt, chính vì thế mà người nghệ nhân dân gian đã tạo nên các bố cục nghệ thuật rất độc đáo, duy nhất không lặp lại. Các motip chạm khắc trên đình Hoàng Xá rất phong phú: Rồng, Mây, tiên nữ, nhạc công, hoa cúc, các con vật, cảnh sinh hoạt của con người… Trên một tấm cốn của đình làng Hoàng Xá, người nghệ nhân đã khéo léo sử dụng thủ pháp nghệ thuật đồng hiện để thể hiện đầy đủ trên ấy là hình tượng Rồng, Mây, hình ảnh người cưỡi ngựa xông trận, hình ảnh voi đi cày trong lễ tịch điền. Cùng trên một mảng chạm, người nghệ nhân đã đồng thời thể hiện mong ước mưa thuận gió hòa với hình tượng Rồng, Mây, thể hiện mong ước mùa màng bội thu với hình ảnh voi đi cày trong lễ tịch điền, thể hiện cả truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi với hình ảnh người cưỡi ngựa xông trận.Với nét đục, nét chạm mạnh khỏe, vững chãi, dứt khoát, hình ảnh về muôn mặt của đời sống hiện ra mộc mạc chất phác, hồn nhiên nhưng vô cùng kì thú sinh động. Với kĩ thuật chạm bong, chạm lộng làm cho không gian trong mỗi bức chạm có chiều sâu, nổi bật hình khối. Cách diễn tả đường nét ở các tác phẩm chạm khắc đầy tính nghệ thuật, hình tượng Mây được diễn tả bằng những vân xoắn rất mềm mại. Hình tượng Rồng nổi bật với đường nét bờm râu đao mác tua tủa thể hiện sự tôn nghiêm, linh thiêng. Tất cả những yếu tố trên là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để sinh viên ngành sư phạm mầm non của trường Đại họa Hoa Lư sử dụng trong qua trình học môn Tạo hình, cụ thể là những bài tập về trang trí, chép vốn cổ dân tộc. Đồng thời đó cũng là vốn kiến thức để sinh viên vận dụng vào quá trình công tác sau này – giáo dục cho người học từ cấp học mầm non ý thức tự hào, quý trọng nền nghệ thuật dân tộc. Môn Tạo hình trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non tại trường Đại học Hoa Lư cũng đang thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Gắn nội dung học tạo hình với các di tích, địa danh lịch sử tại địa phương là công việc mà tổ, khoa đang làm. Chạm khắc trên các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử đã là một nguồn tư liệu quý trong quá trình hướng dẫn sinh viên nghiên cứu thực tế, tự học và trong các giờ học, nghiên cứu chính khóa. Hệ thống tư liệu chạm khắc cổ đình làng Hoàng Xá lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật cũng như nội dung.

Việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu bài học liên quan đến Chạm khắc Đình làng Hoàng Xá đã được thực hiện với những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới, phát huy tính chủ động sáng tạo của sinh viên, hỗ trợ nghiệp vụ giảng dạy sau này của sinh viên. Đây là những giải pháp đang được ngành giáo dục tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ các cấp học mầm non, phổ thông đến đại học thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết TW 8 khóa XI. Chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Đổi mới, sáng tạo trong nội dung, phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức dạy học ở các trường đại học đào tạo giáo viên là việc làm cần thiết hiện nay. Cần có nhiều nghiên cứu về vấn đề này trong quá trinh đổi mới căn bản toàn diện hiện nay. Trong quá trình thực tập, thực tế, có những vấn đề phát sinh ngoài giáo trình bắt buộc giảng viên và sinh viên cùng trao đổi thảo luận. Đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin như hiện nay, kết hợp giữa các mẫu nghiên cứu thực tế với các thông tin tra cứu trên mạng Internet, sinh viên có thể kiểm chứng kết quả tốt hơn và giúp cho việc giải mã được gần hơn, đúng hơn.

Thông qua việc quan sát, nghiên cứu, ghi chép và tái hiện lại các hoa văn từ đơn lẻ đến tổng thể, sinh viên hiểu rõ hơn thủ pháp tạo hình, ý nghĩa tín ngưỡng, giá trị thẩm mỹ được các nghệ nhân xưa chuyển tải qua từng tác phẩm chạm khắc. Qua đó, gián tiếp giáo dục lòng tự hào về giá trị truyền thống của nền văn hóa cổ Việt Nam, đồng thời người học sẽ thấu hiểu thêm trách nhiệm bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là sinh viên sẽ thẩm thấu và có khả năng giáo dục các giá trị truyền thống trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy sau khi ra trường.

                                                  

                                                   Tài liệu tham khảo                              

1.         Trần Lâm Biền (2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2.         Lê Đình Bình (2002), Tạo hình và phương pháp hướng dẫn hoạt động tạo hình cho trẻ em- quyển 1, Nxb đại học quốc gia Hà Nội.

3.         Lê Thanh Đức (2001), Đình làng miền Bắc, Nxb Mỹ thuật.

4.         Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự (1998), Đình Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh.

5.         Lê Thanh Thủy (2006), Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non, Nxb đại học sư phạm.

6.         Nguyễn Quốc Toản (Chủ biên) (2007), Mỹ thuật và phương  pháp dạy học mỹ thuật, Nxb giáo dục.

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Mỹ thuật