Sự kiện

Tuyển sinh 2020: Mọi sự chuẩn bị đều phải hướng đến chất lượng

14 Tháng Hai 2020

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.

 Thông tin tuyển sinh phải minh bạch, trung thực

Về công tác chuẩn bị tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tập trung dạy học, ôn tập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đề thi năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, nên việc học, ôn thi phải hết sức cơ bản, tránh học lệch, học tủ. Bên cạnh đó, điểm học bạ phải bảo đảm khách quan, trung thực, khuyến khích học bạ điện tử và kết quả điểm phải minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ.

Bộ trưởng cũng nhắc đến việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 và cho biết Bộ GD&ĐT đang rất sát sao diễn biến dịch bệnh để có chỉ đạo kịp thời; với các nhà trường bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, cần chuẩn bị phương án học bù để bảo đảm chương trình giáo dục.

Thứ 2, về giới thiệu, tư vấn tuyển sinh, Bộ trưởng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần sát sao hơn nữa với các sở GD&ĐT, trường THPT, có nhiều kênh thông tin, nhiều diễn đàn để giới thiệu về các ngành nghề mới, điều kiện của nhà trường để học sinh chủ động tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi, tránh tình trạng thiếu thông tin, hoặc thông tin không đúng.

Về phối hợp tổ chức thi THPT, Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các trường đại học với các sở, trường phổ thông trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm vừa qua; đồng thời đề nghị các trường tiếp tục cùng phối hợp các sở GD&ĐT, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT có kế hoạch sớm, tập huấn kĩ về quy chế thi, thanh tra, chấm thi… để các khâu, các hoạt động chuẩn bị tổ chức thi thực hiện nhuần nhuyễn, đúng quy chế.

Việc tư vấn tuyển sinh của trường đại học phải bám sát nhu cầu thực tiễn ngành nghề, bảm đảm độ tin cậy, trung thực thông tin trong tuyển sinh, tránh tình trạng phong trào, đánh bóng tên tuổi, quảng bá là chính, mà không đúng với năng lực… Ngoài phương thức truyền thống, các trường cũng cần đổi mới tư vấn tuyển sinh; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiêp, đơn vị sử dụng lao động,… để cung cấp thông tin; thậm chí đưa ra yêu cầu về nghề nghiệp để học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn cho sát, cho trúng.

Với các sở GD&ĐT, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo sở chỉ đạo các nhà trường quan tâm công tác tư vấn cho học sinh. “Đây là trách nhiệm, nhiệm vụ. Các trường không chỉ tổ chức giảng dạy, xét tốt nghiệp mà phải quan tâm đến lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trong tương lai, để các em chọn đúng, phát huy sở trường, đáp ứng nhu cầu lao động của đất nước” – Bộ trưởng cho hay.

Chủ trì đầu cầu Hà Nội: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng và Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương.

Chấm dứt mở ngành tràn lan, tổ hợp xét tuyển thiếu khoa học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh. Khi đã ban hành, các cơ sở giáo dục ĐH cần phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các cán bộ, giảng viên trong nhà trường, tránh tình trạng không hiểu quy chế dẫn đến thực hiện không thống nhất, thậm chí vi phạm. Cần xem việc tìm hiểu quy chế như nhiệm vụ quan trọng của nhà trường.

Liên quan đến xây dựng phương án tuyển sinh, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ trong yếu của các cơ sở giáo dục trong giai đoạn này. Khi xây dựng phương án tuyển sinh, Bộ trưởng lưu ý cần phải tính toán kĩ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.

“Đề nghị năm nay phải chấm dứt tình trạng này. Khi mở ngành mới phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, nếu không dẫn đến quyền lợi người học không bảo đảm và uy tín trong hệ thống bị rủi ro” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nhắc đến thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào.

“Tôi khuyến cáo trường nào dùng “kĩ thuật” này cần lưu ý” – Bộ trưởng nói và đề nghị Vụ Giáo dục Đại học phối hợp với các vụ cục khác hỗ trợ các trường ngay từ khâu hướng dẫn xây dựng đề án tuyển sinh, không phải có đề án xong mới báo lên để thẩm định; từ đó có được phương án tuyển sinh tốt.

Không phải vì đặc thù mà hạ chất lượng

 Chúng tôi tiếp thu ý kiến một số trường sư phạm là bảo đảm nhu cầu giáo viên dạy các môn học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là các môn nghệ thuật, Ngoại ngữ, Tin học… Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn riêng. Ngành Khoa học sức khỏe cũng phải rất chú trọng đến chất lượng, từ đầu vào đến đầu ra. Không phải vì đặc thù mà hạ chất lượng. 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Với một số ngành đặc thù, theo Bộ trưởng, Quy chế tuyển sinh vẫn tiếp tục phải bảo đảm chất lượng, nên có ngưỡng “điểm sàn” cho sư phạm.

Cũng liên quan đến phương án tuyển sinh, Bộ trưởng yêu cầu phải minh bạch, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình nên mọi thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh phải số hóa, minh bạch.

“Tôi đề nghị Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra giữa thông tin được kê khai trong phương án tuyển sinh với thông tin đăng mạng. Cơ sở giáo dục đào tạo phải chịu trách nhiệm về tình trung thực để người đăng ký dự thi nghiên cứu, tham khảo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về thực hiện tuyển sinh, ý kiến tại hội nghị thống nhất cao việc phối hợp với các sở GĐ&DT trong đăng ký tuyển sinh. Nhưng Bộ trưởng đồng thời cho rằng, các trường ĐH cần tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm, kĩ thuật trong nhóm xét tuyển, lọc ảo.

Trong quá trình tuyển sinh lọc ảo, cần xử lý kịp thời các trường hợp, vì quyền lợi của người học nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu theo quy định. Trong quá trình thực hiện tuyển sinh phải phối hợp chặt chẽ để xử lý tình huống. Tuyển sinh là nhiệm vụ các trường, vì thế nếu học sinh đăng ký vào trường trục trặc, trước hết trường phải có trách nhiệm. Bộ GD&ĐT đứng ra chỉ đạo và giải quyết công việc chung.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh đến công tác truyền thông và lưu ý chủ động thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời phải hiểu rộng, không chỉ truyền thông cho tuyển sinh.

Các nhóm vấn đề nêu trên có liên quan đến 3 nhóm chủ thể là các vụ, cục liên quan của Bộ GD&ĐT; các cơ sở giáo dục đại học và các sở GD&ĐT. Sau hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ có thông báo kết luận để thống nhất trách nhiệm, tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải chủ động, không chờ Bộ mới triển khai.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2020-moi-su-chuan-bi-deu-phai-huong-den-chat-luong-4064934-v.html