Nghiên cứu lý luận

HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TẠI NHÀ THIẾU NHI HUYỆN YÊN MÔ, TỈNH NINH BÌNH

05 Tháng Ba 2020

Vũ Trần Trung[*]   

Yên Mô là huyện vùng nông thôn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Ninh Bình. Tuy không phải huyện trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh nhưng huyện Yên Mô đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế - văn hóa – xã hội, đặc biệt là công tác giáo dục. Để hoàn thiện và nâng cao công tác giáo dục, huyện Yên Mô đã có nhiều chính sách để trẻ em trên địa bàn huyện được bồi dưỡng và giáo dục có hệ thống, không chỉ ở gia đình, mà cả trong nhà trường và ngoài xã hội. Với việc thành lập Nhà thiếu nhi huyện vào năm 2008 đã đóng vai trò là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, Nhà thiếu nhi huyện Yên Mô có tác động tích cực đến việc giáo dục nhân cách, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ trên địa bàn huyện.

Nhà thiếu nhi huyện Yên Mô được xây dựng trên địa bàn thị trấn Yên Thịnh có tổng diện tích đất 30.935m2, với nhiều hạng mục như: Khu điều hành, sân khấu măng non, các phòng năng khiếu, khu vui chơi giải trí và một số hạng mục khác. Tổng vốn đầu tư xây dựng gần 5 tỷ đồng lấy từ ngân sách Nhà nước. Công trình được khởi công từ năm 2008 đến năm 2010 thì hoàn thành cơ bản tất cả các hạng mục. Sau khi hoàn thành, công trình đã được đưa vào sử dụng, tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, là nơi tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, mang ý nghĩa giáo dục cao... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Từ khi được thành lập đến nay, nhà thiếu nhi huyện Yên Mô đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú thu hút các em đến tham gia sinh hoạt, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện cho thiếu nhi trên địa bàn huyện. Có thể nói, việc xây dựng nhà thiếu nhi huyện là một chủ trương đúng đắn của huyện, là một việc làm rất cần thiết, quan trọng và cấp bách. Như vậy, với đối tượng hoạt động là trẻ em trong độ tuổi thiếu niên - nhi đồng (từ mẫu giáo đến hết cấp 2), Nhà thiếu nhi huyện thật sự là môi trường giáo dục toàn diện cho những mầm non tương lai, những người chủ tương lai của đất nước, của quê hương Yên Mô.Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên, hoạt động văn hóa của Nhà thiếu nhi huyện Yên Mô đã có những đổi mới và bước đầu đạt một số kết quả cụ thể:

Về công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội: Đội ngũ cán bộ phụ trách và chỉ huy đội được nhà thiếu nhi quan tâm, đầu tư, chú trọng góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác đội cho lực lượng cán bộ phụ trách và các em đội viên trong Ban Chỉ huy liên đội, chi đội với nhiều loại hình phong phú như: trại hè, trại công nhận huấn luận viên, trò chơi lớn, các lớp tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể như: hát múa, trò chơi, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Sao nhi đồng... Nhà thiếu nhi đã tích cực trong việc cử cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn cấp Tỉnh; chủ động tham mưu, phối hợp với Trung tâm thanh thiếu nhi Tỉnh, Hội đồng Đội tỉnh thành lập Hội đồng huấn luyện kỹ năng, câu lạc bộ phụ trách Đội.

Về công tác nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng các mô hình hoạt động Đội tại địa phương: Dưới sự chỉ đạo kế hoạch và hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình, Nhà thiếu nhi huyện Yên Mô cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, tổng kết, nhân rộng các mô hình hoạt động Đội trên địa bàn huyện. Việc cập nhật các tài liệu mới, xây dựng các mô hình sinh hoạt Sao, sinh hoạt Đội theo chủ đề, chủ điểm đã được Nhà thiếu nhi thực hiện thường xuyên theo từng quý nhằm hỗ trợ các cơ sở Đội trong quá trình tổ chức các hoạt động tại liên đội.

           Nhà thiếu nhi đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các đội nghi lễ, xây dựng được đội nghi lễ chuẩn với số lượng từ 50 - 100 em, được trang bị đầy đủ về đồng phục và trang thiết bị hoạt động. Hoạt động của đội nghi lễ không chỉ góp phần tạo mẫu, hướng dẫn cơ sở thực hiện Nghi thức, nghi lễ của Đội mà còn tham gia phục vụ tốt các các hoạt động chính trị của địa phương như: Đại hội Đảng bộ Huyện, Đại hội thi đua yêu nước...

Về triển khai thực hiện các hoạt động liên hoan, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, hội trại, hội thi: Các chương trình được tổ chức công phu, hấp dẫn, thu hút đông đảo các em thiếu nhi trên địa bàn tham gia, điển hình như: Lễ khai mạc hè và Tháng hành động vì trẻ em tổ chức vào dịp 1/6, Đêm hội trăng rằm  tổ chức vào ngày 14/8 âm lịch tại Nhà thiếu nhi với nhiều hình thức phong phú như thi làm đèn lồng, trang trí mâm cỗ... Tính riêng dịp Tết Trung thu, Nhà thiếu nhi đã thu hút hàng trăm lượt thiếu nhi đến vui chơi, sinh hoạt. 

Về hoạt động thể dục, thể thao tại Nhà Thiếu nhi: Nhiều câu lạc bộ được thành lập và hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia như: cờ vua, cầu lông, bóng bàn, võ thuật, aerobic, khiêu vũ thể thao… Các hoạt động đồng diễn thể dục nhịp điệu, thi đấu thể thao với các bộ môn như: bóng đá mini, bóng bàn, cầu lông, biểu diễn võ thuật, bơi lội được duy trì và tổ chức có hiệu quả. 

Về hoạt động vui chơi, giải trí: Nhà thiếu nhi tăng cường đầu tư về chất lượng và đa dạng về hình thức, chủng loại các phương tiện phục vụ thu hút các em thiếu nhi vào sinh hoạt. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức thường xuyên nhằm hỗ trợ các em tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu, từng bước tiếp cận với khoa học sáng tạo nhằm phát triển tư duy, trí tuệ và năng lực nghiên cứu cho các em.

Về hoạt động giáo dục bồi dưỡng kỹ năng cho thiếu nhi: Nhà Thiếu nhi tiếp tục triển khai hoạt động giáo dục bồi dưỡng các kỹ năng với nhiều mô hình hay, hấp dẫn và tổng kết, chuyển giao các mô hình hoạt động hiệu quả về cơ sở thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia như: Ngày hè có ích, trại hè trải nghiệm, trại hè xanh,… Các hoạt động trên không chỉ tạo ra các địa chỉ vui chơi bổ ích, an toàn cho thiếu nhi, mà còn góp phần không nhỏ vào việc định hướng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em, giúp các em không bị lôi, kéo sa đà vào các tai tệ nạn xã hội.

Về hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi: Nhà thiếu nhi luôn quan tâm tới việc chọn cử những giáo viên, cộng tác viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ giảng dạy cho các em nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi. Cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi như: phòng học đàn và các bộ môn nhạc cụ dân tộc, phòng học tin học và khai thác công nghệ thông tin, các dụng cụ, đồ dùng học tập các môn thể thao, nghệ thuật… đều được chú trọng đầu tư nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của các em thiếu nhi.

            Nhìn chung, hoạt động của Nhà Thiếu nhi huyện những năm gần đây có bước phát triển khá toàn diện, tổ chức hoạt động có quy mô, cách làm sáng tạo, bám sát chủ đề công tác năm đem lại hứng thú cho các em học sinh. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống được quan tâm, đẩy mạnh; các hoạt động phối hợp, xã hội hóa, vận động nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hỗ trợ các em trong đời sống tiếp tục duy trì thường xuyên, kịp thời, từng bước trở thành ngôi nhà chung của thiếu nhi; là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm và thành tích đã đạt được, trong công tác quản lý hoạt động văn hóa vẫn còn một số hạn chế như: Hình thức dạy năng khiếu ở một số bộ môn còn đơn điệu; chưa có hoạt động đào tạo chuyên sâu cho các bộ môn năng khiếu mũi nhọn, thành tích cao; đội ngũ giáo viên thường xuyên còn thiếu; nguồn lực để phục vụ cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn nhiều hạn chế... Những hạn chế này cần được nhìn nhận thẳng thắn để đặt ra cho Nhà thiếu nhi huyện Yên Mô những giải pháp thích hợp từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.

Đối với các em thiếu nhi trên địa bàn huyện Yên Mô nếu như trước đây, sân chơi của các em thiếu nhi là sân trường, sân cỏ, bờ đê... thì giờ đây, các em đã có một sân chơi đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí và là nơi để năng khiếu, sở trường của các em được thể hiện và phát triển. Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của các em thiếu nhi, bộ máy Nhà thiếu nhi huyện được hình thành với đội ngũ cán bộ, cộng tác viên có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết với nghề và có lòng yêu trẻ. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu được vui chơi giải trí của các em càng cần được đổi mới nâng cao, đối với một tỉnh như Ninh Bình sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới nên càng cần được quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng văn hóa thiếu nhi. Hy vọng, với một đội ngũ cán bộ và cộng tác viên nhiệt tình, tâm huyết và yêu trẻ, cùng với một chương trình phục vụ thiếu nhi hợp lý, Nhà thiếu nhi huyện sẽ trở thành một sân chơi lý tưởng, đúng nghĩa dành cho thiếu nhi, là điểm mà mỗi thiếu nhi đều muốn đến học tập và sinh hoạt, và là địa chỉ đáng tin cậy của các bậc phụ huynh.Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần./. 

                                                    Tài liệu tham khảo

1.    Huyện đoàn Yên Mô (2015), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS HCM huyện Yên Mô lần thứ XVIII nhiệm kì 2017-2022 (Tài liệu lưu hành nội bộ), Ninh Bình.

2.     Phạm Bích Huyền (2011), Đào tạo quản lý văn hóa - thực trạng và giải pháp, Hội thảo khoa học “Đào tạo cán bộ quản lý văn hóa”, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ngày 27/6/2011.

3.    Lê Sơn, Lê Hồng Minh, Nguyễn Trọng Thuyết (2016), Tư vấn học đường – những vấn đề căn bản, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

4.    Phan Văn Tú, Nguyễn Văn Hy, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên (1994), Cơ sở lý luận của quản lý văn hoá, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

5.     Tỉnh đoàn Ninh Bình (2017), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình lần thứ XIII nhiệm kì 2017-2022 (Tài liệu lưu hành nội bộ), Ninh Bình.

6.      Nguyễn Hữu Thức, Quản lý thiết chế văn hóa, Tập bài giảng chương trình cao học, Hà Nội.

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa