Nội san

VẺ ĐẸP MỸ THUẬT CHÙA CỔ LỄ

26 Tháng Ba 2020

               Nguyễn Tiến Nhấn [*]

 

       Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ của tỉnh Nam Định mà còn của cả nước. Đây là ngôi chùa cổ xuất hiện từ thời nhà Lý, có tên tự là chùa “Thần Quang” tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa có vẻ đẹp mỹ thuật rất độc đáo về kiến trúc và hoạ tiết chạm khắc mà những ngôi chùa khác không có được.

         Nếu ai từng đến với ngôi chùa này thì sẽ không khỏi rất bất ngờ với ngọn tháp ở sảnh trước lối đi vào vì nó cao đến 12 tầng và được đặt trên một mô hình con rùa rất lớn, Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh và bề ngoài được vót nhọn như kiểu như kiểu thánh đường. Tiếp theo là chiếc cầu chính rất lớn, hai bên là đôi rồng dẫn lối ta đi vào tiền đường, ngước mắt lên là thấy các ô cửa sổ rất rộng và cao, thoáng hoa của cửa sổ thì dạng vòm thật khác biệt với những ngôi chùa Việt khác, đi vào trong quan sát ngoài tượng phật được trang trí kỳ công, còn tường và mái chùa cũng được uốn vòm bằng gạch chứ không dùng xà gỗ hay rui kèo như những chùa truyền thống khác, làm cho người xem có cảm giác vừa là chùa vừa là nhà thờ…ra sảnh sau lại xuất hiện hai cây cầu nhỏ bên trái, bên phải. Cầu được bao bọc trong một tiểu cảnh núi non và cây cối bao trùm cho ta cảm giác rất bí hiểm, tiếp đó hậu đường là nơi thờ thánh và những người có công với đất nước như bao ngôi chùa khác. Nhìn chung cả khuân viên được bao bọc bởi kênh nước trong xanh rất đẹp.

         Ngôi chùa Cổ Lễ vừa mang vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng ngàn năm lịch sử, vừa mang dáng dấp hiện đại của một thánh đường Gia tô giáo với lối kiến trúc gô-tích của châu Âu bởi chỉ cần quan sát vào hình dáng của một số cửa sổ và cửa chính, ta sẽ nhận thấy chúng được thiết kế theo kiểu vòm nhọn của nhà thờ, cộng thêm kích thước của các cửa rất cao, trong khi cửa chùa truyền thống của người Việt thường rất thấp và có bậc chắn cửa bằng gỗ, và mái chắn nắng mưa được đua ra rất rộng và thấp. Chùa đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu dưới nhiều thời thời kỳ khác nhau nhưng không hề mất đi sắc thái độc đáo này, ngoài những đặc điểm về hình dáng cửa, mang hơi thở của nhà thờ thì không gian bên trong cũng thể hiện như vậy, ví dụ như ở nội thất tiền đường gồm ba gian hai trái kết cấu dạng vòm bán nguyệt kiểu nhà thờ được nghệ nhân trát bằng vôi vữa sau đó làm phảng trơn mà không có ngói hay rui mè, tất cả được dựa trên các hàng chân cột hình bán nguyệt bán âm một nửa trong tường, một nửa bên ngoài, ở dạng không gian này chùa Cổ Lễ thường cho ta cả giác rất mênh mông. Trái ngược với bên trong không gian bên ngoài chùa lại được kết hợp xây dựng theo thế cửu trùng - gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối và đều được xây dựng bằng vật liệu vôi, cát và mật. Theo văn bia chùa Cổ Lễ ghi lại, ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

        Một biểu tượng đặc biệt cho kiến trúc Cổ Lễ  nữa của chùa chính là tòa tháp cổ Cửu Phẩm Liên Hoa được dựng trước lối vào chùa. Nhìn từ xa chùa có dáng như một nhà thờ nhưng nhìn kỹ thì lại là một toà tháp cửu phẩm liên hoa đứng sừng sững phía trước, chính nó khiến nhiều người trông từ xa nhầm tưởng là cửa vào của một nhà thờ bởi toà tháp được vót nhọn y như tháp chuông thánh đường như đã nói ở trên.

       Ngoài việc quan tâm đến vẻ đẹp bề ngoài của kiến trúc, ta phải kể đến kết cấu từ bên trong của công trình là những thành phần không thể tách rời, vì nói lên vẻ đẹp cũng như chất lượng của công trình theo thời gian. Có thể nói, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật, vì vậy mà kiến trúc được xác định là một loại hình của mĩ thuật trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu…

        Chùa Cổ Lễ không những nổi tiếng về quy mô kiến trúc hoành tráng, mà họa tiết chạm khắc được trang trí cũng rất đẹp, được thể hiện ở khắp mọi nơi, đề tài thì vô cùng phong phú bao gồm cả con người, cỏ cây, hoa lá, chim thú…trong số đó có một số đề tài tiêu biểu như hoa sen, hoa cúc,  lá đề  thì sử dụng rất nhiều, chỉ nhắc tới hoa sen đã có nhiều tên gọi khác nhau và bố trí sắp sếp cũng ở nhiều nơi khác nhau, ví dụ như sen hình “mặt quỷ”, hình sen này được hình tượng hoá thình hình mặt quỷ có có răng lanh lớn nhìn rất dữ tợn, theo triết lý nhà Phật chúng nhằm xua đuổi tà ma, nó có một tên gọi khác là “hổ phù” thường được chạm khắc ở trung tâm bục bệ tượng, hay lèo và rèm khám thờ, hoặc vẽ ở bát nhang, hay ở những chiếc đỉnh đồng. Hình sen mặt quỷ này nhiều khi được sắp xếp kết hợp với hoa cúc hoá rồng, được bày trí ở cái đấu cột gỗ trong chùa ở phần tiếp giáp mái ngói khiến càng tăng thêm vẻ đặc sắc cho công trình hơn. Ngoài sen mặt quỷ, sen hoá rồng ở chân quỳ còn có sen trong đầm, sen này thường được chạm khắc ở bục tượng, hoặc trên thoáng hoa của sổ chùa Cổ Lễ nói riêng và nhièu ngôi chùa khác nói chung, hình ảnh sen trong đầm này thường được kết hợp với sóng nước rất cách điệu kiểu nét rất mềm mại, kết hợp với cá chép bơi lội tung tăng, thỉnh thoảng có chỗ xuất hiện cả mây trời, về chất liệu hình sen trong đầm này có thể là chất liệu gỗ, hoặc đá hoặc vôi vữa. Sen này được bố trí sắp xếp mọc tương đối tự nhiên có đủ bông sen nở gồm nụ hoa, đài sen và lá theo lối đăng đối. Tuỳ vào vị trí sắp xếp mà mà bố cục có hình dáng khác nhau, có khi được trải dài theo 2 bên, có khi được gói gọn trên ô cửa sổ. Sự chuyển động các hoạ tiết sen trong đầm, hay sen mặt quỷ, sen hoá rồng, đều được nghệ nhân thực hiện trang trí khéo léo và thỉnh thoảng lại kết hợp với họa tiết phụ như hình cây trúc, mai. Những hoạ tiết này được bày trí ngoài việc để tăng tính thẩm mỹ thì nó còn có một tác dụng khác đó là chịu lực cho mái chùa, khi được uốn cong lượn hình sin từ dưới lên, theo thứ tự từ lớn lên nhỏ dần như một bàn tay đỡ cho trụ và xà ngang của chùa giúp tăng khả năng chịu lực cho kết cấu chùa thêm vững chãi.

        Phong cách tạo hình hoạ tiết hoa lá trong chùa Cổ Lễ sử dụng rất nhiều phong cách khác nhau, có chạm bong, chạm lộng, chạm nổi, chạm suốt…Khi đến với chùa Cổ Lễ điều in vào mắt chúng ta đó chính là tháp cửu phẩm Liên Hoa, với hệ thống hoa văn được các nghệ nhân đắp nổi bằng chất liệu vôi vữa mà lại rất uyển chuyển nhỏ dần về phía đỉnh tháp. Ngoài tháp cửu phâm Liên Hoa, hoạ tiết hoa lá được chạm tinh xảo hơn kỳ công được thể hiện được rõ kỹ thuật chạm hơn thì phải kể đến hệ thống lèo chỉ ở khám thờ, chuông, bục bệ tượng, được nghệ nhận chạm suốt tinh tế với lối bố cục đăng đối, đối xứng, có chỗ lại tự do phá thế đầy sáng tạo, ngẫu hứng được áp dụng một cách rất khéo léo. Các họa tiết có bố cục chuyển động theo đường lượn hình sin, uốn lượn đều, lớn dần hoặc nhỏ dần tùy theo các ứng dụng và vị trí cụ thể. Có chỗ thì ước lệ đơn giản chỉ là những hình tròn phẳng nhưng được nghệ nhân khắc nhẹ suống ở dạng bo viền và điểm ở chính điểm những chấm tròn cơ bản là đã tạo ra một bông sen đang nở rất đẹp mắt. Ngoài việc sử dụng phong cách tạo hình ước lệ nghệ nhân còn kết sử dụng dạng tạo hình  hướng tâm kết hợp dạng đăng đối và trải dài sang hai bên ở những tác phẩm này thường được kết hợp rất nhiều hoạ tiết khác nhau, nằm trồng chéo tầng lớp tưởng chừng như rối mắt nhưng khi quan sát mắt ta lại luôn nhìn vào nhân vật chính giữa. Những tác phẩm này vừa sắc xảo ở ý nghĩa nhưng lại vô cùng mộc mạc được thể hiện được qua đường nét, hình khối bố màu sắc không gian bày trí và không gian của chính các hoạ tiết.

        Nghệ nhân ở đây đã tạo ra nó với vẻ đẹp mộc mạc có khi được làm từ vôi vữa, đá, gỗ. Với kỹ thuật tạo hình vô cùng cô đọng, ví dụ khi nói về hoạ tiết sen thì dường như ngôi chùa này được sử dụng khá phổ biến, từ các đấu cột trên mái, viền mái, đài sen bục bệ tượng, rèm cửa, rèm khám thờ, trên chuông, rồi đến ô thoáng hoa như đã nhắc ở phần vẻ đẹp mỹ thuật trong kiến trúc. Một điều nhận thấy rõ rệt nhất là trong những ô cửa sổ rộng lớn đó nghệ nhân ta đã kết hợp hoạ tiết hoa sen cách điệu, biến chúng thành thoáng hoa, nét chữ làm song cửa chưa dừng lại ở đó hoạ tiết hoa sen đó nhiều khi còn biến dạng dùng để trang trí trên mảng tường trống dưới dạng phù điêu đắp nổi rất đẹp được nhắc lại ở trên các ô cửa ra vào chính điện. Ngoài những bông sen đứng độc lập, thì chúng còn được kết hợp với cỏ cây và những con vật khác như cá chép, mây trời, sóng nước để tạo ra một tác phẩm mang ý nghĩa phong thuỷ. Những tác phẩm đó được sắp xếp sen kẽ trên tường như muốn kể cho du khách những câu chuyện về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài hoa sen thì còn có một số hoạ tiết khác cũng khá phổ biến nhưng được sắp xếp kết hợp ở dạng kết hợp giữa hoa cúc và hoa sen, con vật với nhau tạo nên một bố cục vừa mang tính trang trí, vừa mang tính tâm linh.

        Tất cả không gian trang trí kiến trúc ngoại thất và trang trí nội thất trong chùa hòa quyện với nhau tạo nên nét đặc thù riêng của trong trang trí kiến trúc tôn giáo của chùa Cổ Lễ, đây là một mảng mĩ thuật chùa có giá trị độc đáo trong nền mĩ thuật Việt Nam mà các ngôi chùa khác không có được.

Tài liệu tham khảo

  1. Văn Đông (15/2/2017), “Theo dấu xưa, chuyện cũ, chùa Cổ Lễ và huyền tích cởi áo cà sa ra trận”. Báo thanh niên văn hoá.
  2.  Vũ Tam Lang (1999), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng HN.
  3. Hà văn tất - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới.
  4. Đặng Việt Thuỳ (5/2009), Hỏi đáp về những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân.
  5. Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Nguyễn Đức Lữ - Nguyễn Quang Khải - Trương Đình Dũng - Phước Đình - Phước Hạnh, Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo.
  6. https://thanhnien.vn/van-hoa/theo-dau-xua-chuyen-cu-chua-co-le-va-huyen-tich-coi-ao-ca-sa-ra-tran-791424.htm

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Bộ môn Mĩ thuật