Sự kiện

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÁT THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH LỚP 6 TẠI THÀNH PHỐ CAO BẰNG, TỈNH CAO BẰNG

23 Tháng Tư 2020

Hoàng Thị Hồng Nhung  [*]

Dạy học theo hướng phát triển năng lực là một chiến lược giáo dục đang được Bộ Giáo dục đào tạo của nước ta áp dụng trong đổi mới giáo dục phổ thông từ sau năm 2018, nhằm hướng tới phát triển toàn diện các phẩm chất của người học, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn. Cách dạy học theo hướng này nhằm nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức, tạo điều kiện cho người học được chủ động chiếm lĩnh kiến thức hơn, phát huy tối đa năng lực sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề.

            Hát là phân môn mang tính thực hành cao, hầu như học sinh (HS) phải hoạt động liên tục trong giờ học hát. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy học theo phương pháp dạy học (PPDH) truyền thống thì HS chỉ học theo thầy cô một cách máy móc, rập khuôn, không tham gia vào hoạt động một cách chủ động để chiếm lĩnh kiến thức. Do vậy, giáo viên (GV) cần vận dụng một số  PPDH theo hướng phát triển năng lực cho HS để phát huy khả năng sáng tạo của HS.

   Học sinh lớp 6 thường nằm ở độ tuổi từ 11 – 12 tuổi. Đây là độ tuổi thiếu niên, bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, là một dấu mốc mới cho sự trưởng thành. So với HS khác cùng trang lứa, nhìn chung năng khiếu âm nhạc của HS lớp 6 tại thành phố Cao Bằng không thua kém nhiều so với HS ở miền xuôi; việc dạy học hát đã có những thành quả đáng kể, đáp ứng được yêu cầu cần đạt của dạy học hát môn Âm nhạc trong chương trình lớp 6; HS hát được và thuộc nhiều bài hát theo quy định trong chương trình, yêu thích ca hát, năng lực cảm thụ âm nhạc của HS được nâng cao,... Tuy nhiên, việc dạy học hát vẫn còn một số hạn chế như: PPDH của GV chưa phong phú, thiên về cô hướng dẫn trò làm theo mà ít có những PPDH mới, kích thích sự sáng tạo, tự phát hiện của HS; tổ chức các hoạt động đi vào sự hấp dẫn bằng các hình ảnh trực quan nhiều hơn là đi sâu vào nội dung âm nhạc… nếu như GV có PPDH tốt, có lòng nhiệt tình sẽ giúp cho HS hứng khởi hơn, năng động hơn và sẽ có kết quả học tập tốt hơn.  

  1.  Phương pháp dạy học phát triển năng lực

PPDH phát triển năng lực là phương pháp được sử dụng đồng bộ với mô hình dạy học phát triển phẩm chất và năng lực, là phương pháp dạy học tích cực lấy HS làm trung tâm, giúp HS chủ động chiếm lĩnh kiến thức, phát huy khả năng tự học, từ đó hình thành các năng lực cần thiết. PPDH phát triển năng lực lấy cơ sở theo thuyết kiến tạo trong đó sử dụng các PDH hiện đại như dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tự phát hiện, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm, dạy học theo dự án, dạy học theo góc, dạy học khám phá…

2. Một số Phương pháp dạy học hát theo hướng phát triển năng lực

            Thứ nhất, Dạy học giải quyết vấn đề: là PPDH mà GV tạo ra những tình huống có vấn đề, HS được đặt trong một tình huống có vấn đề, GV điều khiển HS phát hiện và giải quyết vấn đề bằng các hoạt động tự giác, tích cực, chủ động... Thông qua việc giải quyết vấn đề, HS chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng và có PP nhận thức sáng tạo.  

            Khác với dạy học truyền thụ kiến thức, dạy học giải quyết vấn đề đòi hỏi HS phải tích cực suy nghĩ, hoạt động. Trong dạy học hát, việc tạo ra tình huống có vấn đề cần dựa vào mục tiêu, yêu cầu của bài dạy, của nội dung bài hát…tất cả những tình huống được lựa chọn nên có những cấp độ khác nhau: thấp, vừa phải, cao và HS có thể giải quyết được. Không đưa ra những tình huống khó quá, luôn vượt sức HS, hoàn toàn nằm trong vùng kiến thức mà HS chưa biết.

            Khi vận dụng PPDH giải quyết vấn đề vào dạy học một bài hát cụ thể, GV có thể tiến hành thực hiện như sau:

            Ở phần đầu, giới thiệu bài hát, mục tiêu là để HS nhận diện giai điệu, từ đó dễ học hơn, có thể tạo ra tình huống có vấn đề bằng cách cho HS xem tên bài hát và đặt câu hỏi: “Em đã bao giờ nghe bài hát này chưa? Em có thuộc bài hát này không?”. Ở cấp độ này, đòi hỏi HS suy nghĩ, nhớ lại, kết nối kiến thức cũ với tên bài hát để kiểm tra xem mình đã biết bài hát này hay chưa. Hoặc để đạt được mục tiêu cảm thụ âm nhạc, hiểu biết về bài hát trước khi học hát, cho HS xem/nghe bài hát và có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi đưa HS vào tình huống có vấn đề về tính chất âm nhạc của bài hát, nội dung bài hát, về nhạc sĩ sáng tác…: Hãy nêu cảm xúc của em, “Bài hát nói về điều gì”…

            Chẳng hạn, khi dạy bài hát Ngày đầu tiên đi học của Nguyễn Ngọc Thiện thơ Viễn Phương. Trước khi cho HS nghe và xem video bài hát, đặt câu hỏi đưa HS vào tình huống có vấn đề như: “cách hát nào phù hợp với bài Ngày đầu tiên đi học?” (hát ngắt rời rạc, hát rõ lời, hát có luyến láy…). Tình huống này nhằm mục đích HS sẽ áp dụng vào hát trong bài cho phù hợp.

              Với cách tạo ra tình huống có vấn đề như trên, HS sẽ phải chăm chú lắng nghe để hướng theo tình huống câu hỏi mà GV đặt ra, huy động những kiến thức cũ về cách hát đã được học và theo cảm nhận của mình, suy nghĩ và giải quyết vấn đề, tìm ra kiến thức mới, cách hát phù hợp là rõ lời và có luyến, láy.

              Khi vào phần dạy hát, mục tiêu là để HS hát đúng bài hát, biết cách hát…nên có thể đưa HS vào các tình huống có vấn đề cần giải quyết như: cho HS nhận xét nếu thấy các câu hát có giai điệu giống nhau chỉ khác về lời ca để nhanh thuộc hơn; so sánh giữa cách hát gào to và hát nhẹ nhàng, tinh tế để HS nhận ra và giải quyết vấn đề cần phải hát như thế nào. Chẳng hạn như trong bài hát Tiếng chuông và ngọn cờ của Phạm Tuyên có 2 đoạn với tính chất khác biệt rõ nét, có thể hỏi HS “Cách hát của 2 đoạn có giống nhau không? Nếu khác thì khác như thế nào?”. Cũng có thể đặt ra tình huống về kiến thức nhạc lý để HS nắm vững kiến thức cũ như ở bài Tia nắng hạt mưa khi gặp dấu quay lại ở khuông nhạc cuối cùng, GV cần hỏi HS trình tự hát như thế nào để HS nhớ ký hiệu dấu quay lại.

              Trong phần hoàn thiện bài hát, mục tiêu là hát đúng tính chất, đúng tốc độ, hát cho hay và có thể thực hiện các hoạt động kết hợp với bài hát như gõ đệm, vận động theo nhạc…Yêu cầu HS nhận xét về cách hát theo đúng tốc độ nhanh hay chậm, cách hát giữa hai đoạn của bài…hoặc GV có thể lựa chọn những tình huống để HS tự nghĩ ra âm hình gõ đệm cho bài hát, tự xây dựng động tác vận động…

              Thứ hai, Dạy học tự phát hiện: So với PPDH giải quyết vấn đề thì PPDH tự phát hiện đòi hỏi mức độ cao hơn sự độc lập, tích cực suy nghĩ của HS. HS tự phát hiện ra vấn đề cần giải quyết có thể không cần sự gợi ý hoặc qua gợi ý của GV. Do đó đòi hỏi các em phải tích cực cao hơn, vận động tư duy trí não nhiều hơn.

            Trong dạy học hát, có thể vận dụng PPDH tự phát hiện để so sánh giữa kiến thức mới với kiến thức cũ. Chẳng hạn như, khi dạy một bài hát, ở đầu giờ HS mới chỉ được học đúng giai điệu nhưng chưa hoàn thiện. Giờ thứ hai, bài hát được hoàn thiện: đúng tốc độ, sắc thái tình cảm, vận động, gõ đệm…GV có thể nêu một vấn đề chung chung, không cụ thể như: bài hát hôm nay được thể hiện có gì mới so với giờ trước? Nếu HS không trả lời được (không giải quyết được vấn đề) thì cần hướng dẫn cách giải quyết, gợi ý nhận xét về tốc độ hát như thế nào, thể hiện thế nào…

            Phiện hiện những điểm khác thường so với quy luật bình thường, có thể cho HS nhận xét về tiết tấu của bài, về tuyến giai điệu, về cách hát ở một điểm nhấn nào đó có những sự khác thường…Ví dụ, khi dạy hát bài Hô-la-hê, hô-la-hô, sau khi HS hát hết câu đầu, có thể nêu ra vấn đề nhìn trên bản nhạc, câu thứ hai có điểm gì giống và khác so với câu đầu, hoặc phân biệt được câu nào hát xướng - xô trong bài.

            HS sẽ quan sát, suy nghĩ, so sánh, tìm ra điểm giống và khác nhau giữa hai câu hát đó là ở ô nhịp 1 và 2 của hai câu có tiết tấu giống nhau, còn ô nhịp thứ 3 và 4 khác nhau về tiết tấu, ô nhịp thứ 3 của câu hát thứ hai có nhiều hình tiết tấu hơn, cao độ lên cao hơn, ô nhịp thứ tư lại ít tiết tấu hơn với trường độ ngân dài hơn. Trong bài hát này, câu xướng là những lời ca có nghĩa, câu xô là những từ đệm theo không có nghĩa: Hô-la-hê,hô-la-hô. Phát hiện được điểm khác biệt đó để hướng HS hát đúng hơn về cao độ và tiết tấu ở các câu hát còn lại trong bài.

            Trong hoạt động gõ đệm, GV cũng có thể nêu ra vấn đề để HS phát hiện. Ví dụ khi gõ đệm cho bài hát Tia nắng hạt mưa, GV có thể đưa ra vấn đề: Tiết tấu của âm hình này có ô nhịp nào khác biệt? HS xem GV thực hành mẫu, HS luyện tập làm theo và tự phát hiện, phát hiện được điểm khác biệt thì HS sẽ luyện tập theo rất nhanh và đúng.

            Tóm lại, sử dụng PPDH tự phát hiện và PPDH giải quyết vấn đề trong học hát cho HS lớp 6 cũng rất phong phú, đa dạng, có thể kết hợp nhiều PPDH ở nhiều mức độ, cấp độ khác nhau. Quan trọng là GV phải luôn tìm ra những tình huống phù hợp, đảm bảo tính vừa sức, tính hấp dẫn và phải đạt được mục tiêu là hình thành năng lực phẩm chất mà bài học cần đạt tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) - Đỗ Hương Trà (2018), Dạy và học tích cực- một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, in lần thứ ba, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.   
  2. Bộ Giáo Dục và Đào tạo (2017), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
  3. Hoàng Long (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Hoàng Long (2012), Âm nhạc và mỹ thuật lớp 6, Nxb Giáo dục Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Tố Mai (chủ biên, 2018), Học âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực (các lớp 6, 7, 8, 9), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Tố Mai (chủ biên, 2018), Dạy âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực (các lớp 6, 7, 8, 9), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  7. Nguyễn Thị Tố Mai (2019), Nghiên cứu nội dung và phương pháp dạy học mới cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc đáp ứng yêu cầu giáo dục   phổ thông ở Việt Nam, đề tài NCKH cấp Bộ. 

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K10 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc