Tin tức

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Chú trọng lựa chọn cán bộ ở những khâu trọng yếu

24 Tháng Sáu 2020

 

Ảnh minh họa/internetẢnh minh họa/internet

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), do tác động của dịch Covid-19, cùng với việc thực hiện Luật Giáo dục 2019 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục, cũng như công tác quản lý giáo dục của các địa phương. Đồng thời là cơ sở để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các địa phương quyết tâm tổ chức khách quan, trung thực Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, sẽ có một số giải pháp đồng bộ để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

PGS Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Về căn bản, kỳ thi năm nay tương tự như kỳ thi năm 2019. Trong đó, thí sinh lưu ý một số nội dung như:

Thứ nhất về đề thi. Năm nay do tác động của dịch Covid-19 nên những nội dung nằm trong chương trình giảm tải sẽ không được đưa vào đề thi.

Thứ hai, trong công tác coi thi, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với địa phương tăng cường các giải pháp để bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Trong đó có các giải pháp về thanh tra cũng như là phát hiện xử lý các gian lận, đặc biệt là gian lận sử dụng công nghệ cao.

PGS Mai Văn Trinh trao đổi với báo chí tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2020 hôm 21/6 

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý, thí sinh cần ôn tập thật chắc, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe thật tốt để tham dự kỳ thi. Tuyệt đối không nên có ý định gian lận.

Các em nên lựa chọn các nghề nghiệp tương lai phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình, nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.

PGS Mai Văn Trinh nhấn mạnh, việc tổ chức tất cả các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng không phải là ngoại lệ.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, chuẩn bị ra đề thi để cung cấp chung cho các hội đồng thi, xây dựng các phần mềm để dùng chung phục vụ công tác quản lý thi và chấm thi, tăng cường thanh tra kiểm tra, tổ chức tập huấn. UBND cấp tỉnh trực tiếp là các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ, toàn diện về tổ chức kỳ thi tại địa phương.

"Nói như vậy không có nghĩa là, Bộ GD&ĐT và các sở, bộ ngành đứng ngoài kỳ thi này. Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành với các địa phương để tổ chức tốt kỳ thi, đặc biệt là tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra" – PGS Mai Văn Trinh cho hay, đồng thời trao đổi:

Ngoài thanh tra của Bộ, thanh tra của sở, còn có thanh tra của tỉnh dưới sự hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Những ưu điểm của Kỳ thi năm 2019 như: các quy trình kỹ thuật, sử dụng các thiết bị giám sát camera sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

Đặc biệt, Quy chế thi năm nay xác định rất rõ yêu cầu, chức trách, cũng như các chế tài đối với tất cả những người tham gia kỳ thi, kể cả đối với cán bộ và học sinh. Đây là những điều kiện rất tốt để hướng tới tổ chức kỳ thi nghiêm túc, nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ.

"Tôi lưu ý các địa phương là: Phải rất quan trọng trong việc lựa chọn cán bộ, đặc biệt là ở những khâu trọng yếu liên quan đến đề thi, công tác coi thi và công tác chấm thi" – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.