Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Ba Na ở Thành phố Kom Tum

02 Tháng Bảy 2020

                                                                                      Lê Trung Kiên [*]

           Thành phố Kon Tum trực thuộc tỉnh Kon Tum Được thành lập theo Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 10/4/2009 của Chính phủ. Tính đến năm 2013 dân số thành phố Kon Tum là 155.214 người, gồm 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Ba Na tính đến ngày 30/6/2014 là hơn 30.000 người. Kho tàng giá trị di sản văn hóa của người Ba Na rất phong phú và đa dạng, mang bản sắc riêng biệt của một tộc người ở Việt Nam.

            Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum nhằm đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân, góp phần xóa bỏ hủ tục, gìn giữ những tinh hoa. Đó cũng là tiềm năng để thúc đẩy du lịch trên địa bàn thành phố phát triển, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội cho cộng đồng và mỗi người dân nơi đây.

            Để thực hiện được tốt công tác giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Ba Na tại thành phố Kom Tum thì cần có những chính sách và những giải pháp có tính đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể là:

            Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường phổ biến văn bản quản lý về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; Tuyên truyền, giới thiệu tổng quát về giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của từng di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng như: vô tuyến truyền hình, truyền thanh, sách, báo, tạp chí, Internet, xây dựng phần mềm quản lý… Phương pháp này có tác động ở cả hai mặt, đó là nâng cao nhận thức của quần chúng và tôn vinh giá trị di tích lịch sử- văn hoá với bạn bè trong nước và quốc tế.

            Tuyên truyền, giới thiệu về di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu theo chương trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, hoặc theo từng chủ đề cụ thể trên các phương tiện thông tin truyền thông ở địa phương và trên toàn quốc.

            Tuyên tuyền, quảng bá các giá trị văn hoá phi vật thể của di tích như: nghi thức tế lễ, rước sách, các hoạt động văn hoá dân gian, dân tộc, trò chơi dân gian đồng thời phổ biến kế hoạch tu bổ, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hoá, về lịch lễ hội.

            Đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục dựng và tôn tạo di sản văn hóa của người Ba Na ở thành phố Kom Tum.

            Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp quản lý di tích, gắn trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với di sản. Xây dựng kế hoạch kinh phí từ ngân sách tỉnh, thành phố và cơ sở hỗ trợ cho tu bổ, tôn tạo di sản vật thể, sưu tầm, phục dựng với các di sản phi vật thể của người Ba Na.

            Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

            Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia về tu bổ, chống xuống cấp di tích và các dự án đầu tư lớn cho tu bổ các di tích. Tích cực đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng nguồn vốn cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích của tỉnh Kon Tum gắn với người Bân, nhất là vốn xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu.

            Tỉnh, thành phố và cơ sở dứt khoát dành nguồn vốn từ ngân sách cho tu bổ, tôn tạo di sản vật thể, sưu tầm phục dựng di sản phi vật thể, yêu cầu các nguồn vốn đối ứng khi di tích được ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, sưu tầm phục dựng di sản phi vật thể.

            Huy động và sử dụng có hiệu quả đúng mục đích, có khoa học nguồn vốn do các tổ chức kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động tu bổ tôn tạo di tích, nhất là với các di tích được xếp hạng cấp tỉnh, các di tích chưa được xếp hạng, sưu tầm phục dựng di sản phi vật thể gắn với người Ba Na.

            Tiếp tục đầu tư có trọng điểm trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, sưu tầm phục dựng di sản phi vật thể. Kinh phí hoạt động là không thể thiếu đối với công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Đây là vai trò của quản lý nhà nước, quản lý của cộng đồng đối với di tích. Đầu tư kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích là một yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Việc lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn trong tu bổ, tôn tạo, sư tầm, phục dựng di sản là nhiệm vụ hàng đầu, Phòng VHTT thành phố Kon Tum cần chủ động phối hợp với các phường, xã có bà con người Bân sinh sống tiến hành khảo sát thực địa để lập kế hoạch tu bổ - tôn tạo nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong những năm tiếp theo, đưa ra các bước thực hiện cho cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

            Tăng cường giáo dục giá trị di sản văn hóa cho học sinh dân tộc Ba Na

            Cần có nhiều các ấn phẩm sách báo viết về Di sản văn hóa (DSVH) của người Ba Na ở Kon Tum. Nếu tuyên truyền giới thiệu các DSVH càng nhiều và chất lượng các bài viết càng tốt thì nhân dân và cộng đồng quốc tế càng hiểu thêm nhiều hơn về văn hóa của người Ba Na thông qua các DSVH còn giữ lại. Khi họ nhận thức được giá trị DSVH và tự hào về nó, bản thân họ sẽ tự thấy phần trách nhiệm của họ trong việc giữ gìn và phát huy DSVH của cha ông để lại.

            Thường xuyên thực hiện gắn kết hoạt động giữ gìn và phát huy giá trị DSVH với giáo dục học đường. Đưa vào chương trình giáo dục các cấp, đặc biệt là con em người Ba Na nội dung, ý nghĩa, vai trò của DSVH đối với đời sống xã hội, phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu về văn hóa, biên soạn và hệ thống thành tài liệu, giáo trình giảng dạy ở nhà trường. Thường xuyên phối hợp với tổ chức liên quan để tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về DSVH của người Ba Na ở Kon Tum, đưa vào chương trình học tập của học sinh trên địa dàn thành phố Kon Tum việc định kỳ tổ chức cho các em tham quan, hoạt động ngoại khóa tại các DSVH gắn với di sản văn hóa người Ba Na, qua đó sẽ nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về lịch sử văn hóa dân tộc. Đồng thời, cần thiết phải giữ gìn các giá trị DSVH phi vật thể thông qua quá trình đào tạo. Các trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh là nơi lưu giữ, truyền bá đầy đủ và chuẩn xác nhất các loại hình nghệ thuật văn hóa cảu người Ba Na. Việc đào tạo một đội ngũ kế thừa là cách làm hiệu quả nhất để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn những giá trị, những đặc trưng của văn hóa dân tộc Ba Na. Tổ chức cho học sinh tham quan và mở các lớp học tại không gian văn hóa của người Ba Na, coi đó là những bài học ngoại khóa trong chương trình học tập môn Lịch sử địa phương, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với các chủ đề về di sản văn hóa.

            Chăm lo đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

            Trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch và các cơ quan liên quan, đội ngũ các cán bộ quản lý, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu đề xuất ban hành và hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hoạt động QLVH nói chung và quản lý di sản dân tộc nói riêng trong mối quan hệ với phát triển du lịch. Chính vì vậy nếu nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, đặc biệt ở cấp địa phương chưa đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn.

            Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

            Trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mọi người dân đều có thể được tiếp cận với các phương tiện thông tin một cách thường xuyên. Vì vậy việc áp dụng công nghệ thông tin để giới thiệu quảng bá di sản văn hóa của người Ba Na là hết sức cần thiết. Thành phố Kon Tum cần nghiên cứu khảo sát, bổ sung các thông tin trên trang tin điện tử của phường, xã nơi có bà con người Ba Na sinh sống, có thêm các bài viết giới thiệu về người Ba Na trên mạng Internet để đông đảo khách du lịch, người dân có thể cập nhật, tìm hiểu thêm thông tin về người Ba Na.

            Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống loa phát thanh của phường, xã, đăng tải những nội dung của Luật Di sản và các bài viết mang ý nghĩa giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về những giá trị của di tích trong đời sống xã hội.

            Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, cần đặc biệt chú trọng vào thời điểm có đông người dân. Việc tuyên truyền cần thực hiện với nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ di sản văn hóa độc đáo của mình.

            Vai trò của bà con người Ba Na là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương, bởi di sản được tạo ra từ cộng đồng và cũng chính cộng đồng sử dụng đó. Do vậy, việc hướng cộng đồng cư dân địa phương tham gia vào quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản là rất quan trọng, nếu làm tốt vấn đề này thì hiện tượng vi phạm di tích sẽ được giảm đi rất nhiều, di tích sẽ được bảo vệ và phát huy tốt hơn.

            Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng. Cần thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp liên ngành, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di tích lịch sử văn hóa (LSVH), đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại việc xử lý dây dưa, kéo dài.

            Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các dịch vụ kinh doanh văn hóa du lịch để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời đồng thời có biện pháp bảo vệ, giữ gìn các hiện vật lưu giữ, đồ thờ tự trong các di tích.

            Việc đề cao vai trò của ban thanh tra nhân dân trong thanh, kiểm tra các vi phạm trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng cần được chú trọng. Bởi trên thực tế, các cơ quan quản lý không thể thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm các vi phạm về di tích. Chính cộng đồng mới là lực lượng nòng cốt để theo dõi, giám sát các vi phạm xảy ra tại địa phương, trên cơ sở đó, báo cáo các cơ quan chức năng và có biện pháp giải quyết kịp thời.

            Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa cần thực hiện đồng bộ các nội dung sau: Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật về DSVH. Phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về DSVH. Việc lựa chọn những điển hình để làm mẫu, biểu dương, khen thưởng và xử lý vi phạm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác quản lý di sản văn hóa.

            Hiện nay, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người Ba Na ở thành phố Kon Tum đã được thay đổi một cách rõ rệt. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH của người Ba Na nơi đây cũng được quan tâm, bước đầu đã có những chuyển biến tốt. Công tác nghiên cứu, sưu tầm các DSVH và công tác Bảo tồn và phát huy các DSVH cũng đã được nghiên cứu, tìm hiểu.

            Vậy, để đạt được những thành tựu tốt hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH của người Ba Na ở thành phố Kon Tum thì Đảng bộ và chính quyền thành phố cần có những chủ trương, chính sách có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả

            Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum cần chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Kon Tum tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác Bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH của người Ba Na nơi đây. Có như vậy thì những giá trị văn hóa đặc sắc của người Ba Na mới phát huy được trong cuộc sống ngày nay.  

 

                                                                                    Tài liệu tham khảo

 

1. Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi (1934), Mọi Kon Tum, Huế. (tái bản năm 2011 dưới nhan đề mới: Người Ba-na ở Kon Tum, Nxb Tri Thức).

2. Cục Thống kê tỉnh Kon Tum (2003), Niên giám thống kê.

3. Nguyễn Hữu Thấu (1960), Sơ lược giới thiệu dân tộc Ba-na, Tập san Dân tộc, số 11.

4. Ngô Đức Thịnh (2003), Thực trạng bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, Tc Cộng Sản, số 5.

5. Trần Văn Bính (2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khoá VII, Nhà in Thống nhất, Hà Nội.

7.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Các Nghị quyết của Trung ương Đảng (2001 – 2004), Nxb Chính trị quốc gia, HàNội.

8. Đảng cộng sảnViệt Nam(2006),Văn kiện Đại hội thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX  , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

10. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2004), “Bảo tồn và phát huy” hay “kế thừa và phát triển” văn hoá dân tộc trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, in trong cuốn kỷ yếu hội thảo "60 năm đề cương văn hoá Việt Nam (1943- 2003)", Viện Văn hoá - Thông tin xuất bản, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7- Chuyên ngành Quản lí Văn hóa