Tin tức

Giảng viên đại học - kỳ vọng là "người gác cổng"

29 Tháng Bảy 2020

 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Yên Bái. Ảnh: TGThí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Yên Bái. Ảnh: TG

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường lập danh sách cán bộ, giảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; không có người thân tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để tham gia lực lượng thanh tra.

Làm việc đúng quy chế, quy trình

PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - đơn vị có tới 160 cán bộ, giảng viên được huy động tham gia làm nhiệm vụ - cho biết: Nhận thức được đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Bộ GD&ĐT tin tưởng giao phó, Ban giám hiệu đã họp với lãnh đạo các đơn vị để phổ biến và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ. 

Trường lên kế hoạch triệu tập số cán bộ tham gia công việc (có số dư dự phòng), ưu tiên người có kinh nghiệm tham gia coi thi. Nhà trường tổ chức họp phổ biến, lưu ý những nét mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, và tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia đoàn kiểm tra.

Theo PGS.TS Vũ Hoàng Linh, trường sử dụng phương án xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT năm 2020, do vậy tập thể cán bộ nhà trường sẽ cố gắng để thực hiện tốt công việc, để kỳ thi diễn ra an toàn và thành công, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và với bản thân nhà trường trong việc xét tuyển đầu vào.

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho hay: Trường huy động gần 100 cán bộ, giảng viên có năng lực, hội đủ tiêu chuẩn theo quy định. Sau khi nhận được thông báo của Bộ GD&ĐT, trường đã xây dựng hệ thống lớp học trực tuyến dành cho đội ngũ này với 3 module: Toàn bộ nội dung văn bản, quy định, sổ tay nghiệp vụ…về công tác thi và thanh tra/kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Các video mô phỏng nghiệp vụ thanh, kiểm tra; Hệ thống bài kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến về nghiệp vụ. 

Kết thúc khóa học, các viên chức được huy động trải qua bài kiểm tra trắc nghiệm trong thời gian 50 phút với 50 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời và có 6 mã đề cho 1 phòng thi. Nhà trường sẽ căn cứ vào quá trình học tập và kết quả của bài kiểm tra để lựa chọn cán bộ phù hợp nhất cho từng nhiệm vụ.

Giờ ôn tập của HS khối 12 Trường THPT Vũ Văn Hiếu,Quảng Ninh. Ảnh: TG

Giúp "làm đúng" chứ không "làm thay"

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Trần Trí Trung, Trưởng ban Thanh tra & Pháp chế (ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm: Cơ chế thanh tra, kiểm tra là không soi mói, không gây khó khăn, mà phải phát hiện, chấn chỉnh ngay từ đầu để phòng ngừa sai phạm. Thanh tra hỗ trợ, chia sẻ với các bộ phận khác trong kỳ thi, bảo đảm công tác tổ chức, thực hiện ở các cấp độ, đúng quy định, quy trình. 

Điều quan trọng nhất để bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là mỗi bộ phận, mỗi con người hãy làm đúng chức phận của mình. Thanh tra giúp "làm đúng" chứ không "làm thay" nên phải tập huấn kỹ lưỡng, nắm vững quy trình và nâng cao tinh thần trách nhiệm. Quy định vốn rất chặt chẽ, lực lượng tham gia có quy chế, quy định trong tay để đối chiếu, cứ thế triển khai.

Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) năm nay có 63 cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra thi. PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để kỳ thi bảo đảm tiêu chí công bằng, khách quan và minh bạch, việc cử giảng viên trường ĐH tham gia được cho là phương án phù hợp, nhất là khi phần lớn trường ĐH dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH. Đội ngũ giảng viên tham gia làm thanh tra sẽ giúp các trường ĐH yên tâm hơn về chất lượng. Phụ huynh, thí sinh tin tưởng tính minh bạch, công bằng của kỳ thi.

Ở miền Tây Nam Bộ, PGS.TS Pham Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, chia sẻ: Chúng tôi xác định việc các ĐH tham gia giám sát chất lượng kỳ thi là cần thiết vì một kỳ thi nghiêm túc, sẽ bảo đảm chất lượng xét tuyển đầu vào cho các trường ĐH.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhà trường thành lập ban chỉ đạo và lựa chọn cán bộ, giảng viên đại học đạt yêu cầu làm công tác thanh, kiểm tra của Bộ. Những giảng viên được trường lựa chọn đều am hiểu, có kinh nghiệm trong làm thi. 

Trường có quan điểm không chỉ có chuyên môn tốt mà phẩm chất đạo đức phải tốt. Chúng tôi đặc biệt đề cao tinh thần trách nhiệm, các cán bộ, giảng viên được lựa chọn tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phải thực sự tin tưởng để trở thành lực lượng gác cổng việc thực hiện nghiêm quy chế thi.