Nội san

MÀU SẮC TRONG TRANH PHONG CẢNH VÙNG CAO GIAI ĐOẠN 2000-2015

20 Tháng Tám 2020

Nguyễn Thị Thu Hường[*]

 

Tranh phong cảnh vùng cao giai đoạn 2000 – 2015 thể hiện khá đầy đủ các gam màu và cách thể hiện màu. Những màu sắc tươi sáng, đối lập, tương phản, rực rỡ tạo nên ấn tượng thị giác của sự tươi vui, nhộn nhịp, phấn khởi, hòa sắc êm dịu cũng mang lại cho người xem trạng thái yên bình, dung dị, thân thuộc của phong cảnh xung quanh. Màu sắc cho cảm giác về nóng lạnh, màu sắc có tiếng nói, ý nghĩa riêng đều cho người xem cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên vùng cao và tình yêu quê hương đất nước của tác giả.Từ bảng màu cơ bản, người họa sỹ có nhiều cách kết hợp màu sắc tạo nên sự phong phú đa dạng về gam màu và cách vẽ màu.

Tranh vẽ về làng bản phần lớn thuộc gam màu ấm, nóng có thể do đặc điểm nhà ở làm bằng chất liệu gỗ, cây lá khô tự nhiên đều là màu nâu vàng thuộc gam nóng, từ màu chủ đạo các họa sỹ phát triển thành gam màu trong tranh, một phần họa sỹ cho người xem cảm nhận về nơi làng bản ấm áp tình người. Tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên về núi đồi, cây cối thường có gam màu lạnh, màu xanh tươi mát của cây lá, màu lam của sương khói và núi đồi. Tuy nhiên màu sắc trong tranh do các họa sỹ vẽ theo cảm nhận qua lăng kính chủ quan nên không nhất thiết theo quy luật màu sắc nào, vì vậy có những tranh có gam màu độc đáo.

Gam màu nóng.

Tác phẩm Chiều đợi của họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, có gam màu nâu đỏ là màu chủ đạo. Tác giả sử dụng những màu nóng tương đồng như nâu, đỏ, vàng và hai màu trung gian đen, trắng. Nhắc đến những buổi chiều, dễ gợi cho người nghe nghĩ đến những buổi chiều vàng ánh nắng, tác phẩm chiều đợi đã được tác giả thể hiện gam màu rất phù hợp, từ màu nâu đỏ của nền đất đến nâu vàng của bức vách và nhẹ dần sang màu vàng nhạt của bầu trời. Bức tranh là tổng hợp của nhiều sắc độ tương đồng màu nóng.    

Gam màu lạnh.

Tuần tra vùng biên giới cực Bắc Hà Giang, tác giả Dương Đình Trọng thể hiện buổi đi tuần của các chiến sĩ, những dáng người nhỏ nơi thiên nhiên hùng vĩ. Tầng mây lớp lớp còn bao phủ quanh đỉnh núi cao với gam màu lạnh cho ta liên tưởng đến buổi sớm tinh sương, tác giả cho người xem cảm nhận được sự vất vả của các chiến sĩ đi tuần vùng biên giới, nơi những đỉnh núi cao đến tận các tầng mây. Bức tranh có gam lạnh ít sắc màu tập trung diễn tả nhiều độ đậm nhạt khác nhau, sắc lam nhẹ phù hợp với núi và sương mây trong buổi sớm.   

Gam màu nóng và lạnh kết hợp.

Tác phẩm Chiều ở Bản Huổi Én là hình ảnh phong cảnh quen thuộc nơi vùng cao, con đường vào bản chia tranh làm hai phần đậm nhạt rõ: phần sáng là những ô ruộng màu xanh xen với màu vàng óng của lúa đang chín, phần đậm là bản và núi. Hình ảnh chân thực núi sẫm dần về chiều muộn, những ngôi nhà sàn, hàng cây, con đường có màu nâu vàng sắc đỏ như còn vương màu nắng. Màu sắc trang phục con người như cùng chan hòa với thiên nhiên: màu áo cốm và màu xanh của ruộng lúa, màu sẫm đen của núi đồi và màu váy của nhân vật, màu nâu của những chiếc gùi cùng màu với nhà sàn, tất cả đều trong hòa sắc ấm, con người và thiên nhiên là tổng thể hài hòa. Bức tranh có gam trầm kết hợp của màu nóng và màu lạnh.

Gam màu nóng điểm lạnh.

Tác phẩm Mùa xuân của họa sĩ Hoàng Xuân Trường vẽ về phong cảnh mùa xuân vùng cao, hình ảnh tươi vui bởi hoa ban trắng nở rộ, đặc biệt đoàn người Dao Đỏ trong lễ cưới làm cảnh sinh động hơn. Bức tranh có gam màu ấm nóng, màu đỏ trong trang phục người Dao và những mái nhà; màu vàng từ những đụn rơm, bầu trời và mặt đất. Trong tổng thể gam nóng ấy, được tác giả điểm bởi những mảng màu xanh lục dịu mát của đám cỏ.

Nhóm màu lạnh làm tách không gian giữa đoàn người với bản làng rõ hơn, mảng màu xanh điểm trong tông màu nóng cũng làm tôn lên sắc đỏ vui trong dịp mùa xuân và ngày lễ.

Gam màu lạnh điểm nóng

Tác phẩm Mây treo trên thung lũng của họa sĩ Trần Lưu Hậu có gam màu lạnh điểm nóng. Cận cảnh là khóm cây màu xanh lơ kết hợp với nét đen, thung lũng được tác giả tập trung nhiều màu sắc cũng là nơi điểm màu nóng: đỏ và vàng trong tổng thể gam màu lạnh. Phía xa dãy núi và bầu trời trong màu lam lạnh làm nổi bật những dải mây trắng. Nhóm màu có độ sáng và nhóm màu nóng trong tương quan màu lạnh luôn thu hút điểm nhìn của thị giác. Bằng cách kết hợp màu sắc tác giả đã cho người xem thấy nhóm hình ảnh chính mà họa sĩ muốn nhấn mạnh là mây và thung lũng. Tác giả thành công trong việc cân đối đậm nhạt, màu sắc, mảng lớn nhỏ trong nhóm hình để thể hiện nội dung tranh.

Màu bổ túc.

Tác phẩm Phong cảnh Sơn La của họa sĩ Nguyễn Thụ có gam màu ghi tím, màu sắc trong tranh chủ yếu là cặp màu bổ túc tím vàng. Sắc tím nhẹ bao trùm không gian từ mái nhà, bầu trời và mặt đất, núi sẫm màu, bên trong nhà sàn ánh điện vàng đã sáng. Tranh có gam màu ghi sắc tím, màu cho ta cảm giác bâng khuâng, nhung nhớ, rất phù hợp với hình ảnh đứa trẻ đang đứng như trông mong mẹ về. Màu vàng nhạt được điểm sáng qua những ô cửa bằng những mảng nhỏ nhưng cũng đủ để tôn lên màu của buổi chiều tím. Bằng cách kết hợp cặp màu bổ túc tím vàng, tác giả cho người xem một phong cảnh vùng cao chiều muộn nhuốm sắc tím nhẹ nhàng.

Màu tương phản

            Tác phẩm Bình minh trên cao của tác giả Đặng Tin Tưởng sử dụng cặp màu tương phản lam – cam là màu sắc chính của tác phẩm. Bầu trời và những phần núi có nắng chiếu được thể hiện bằng màu cam vàng, người xem có thể cảm nhận không chỉ là nắng vàng mà cái nắng được biểu hiện nóng hơn, chói hơn ở sắc màu cam, phía núi còn bóng mát được thể hiện bằng màu lam lạnh, hai cặp màu tương phản đặt cạnh nhau càng làm sắc độ nóng và lạnh của màu mạnh hơn. Bên cạnh cặp màu tương phản, tác giả dùng một số màu trung gian có cùng hòa sắc làm tổng thể bức tranh hài hòa hơn.

Gam màu tươi sáng, nhã nhặn.

Tranh sơn mài Mùa xuân trên rẻo cao của họa sỹ Phan Quang Tuấn, tập trung thể hiện về thiên nhiên, cây cối đã kết hợp được các sắc màu vàng, diệp lục trong tác phẩm. Tác giả thể hiện mùa xuân bằng hình ảnh cây cối tốt tươi đâm chồi nảy lộc thì không có màu sắc nào phù hợp hơn màu xanh của lộc biếc, các sắc độ xanh của cây lá, một gam màu tươi sáng, nhã nhặn cho ta cảm giác về một thiên nhiên vùng cao mát dịu, nhẹ nhàng. Mỗi chất liệu có đặc trưng đạt hiệu quả màu sắc khác nhau. Tác giả đã thể hiện thành công gam màu tươi sáng, nhã nhặn lấy gam lục là màu chủ đạo.

Gam màu tươi sáng, rực rỡ.

 Tác phẩm Bản Tả Phìn là phong cảnh nhìn từ trên cao xuống, ruộng bậc rực rỡ các sắc màu của mùa lúa đang chín. Phía xa là hàng cây và dãy núi, thấp thoáng những ngôi nhà. Ruộng bậc thang được nổi bật hơn cả bởi đây là phần hình ảnh tác giả tập trung nhiều sắc màu nhất trong đó đan xen cả màu nóng và màu lạnh, các nhóm hình còn lại ít sắc màu hơn được thể hiện bằng màu lạnh làm tôn lên nhóm hình ảnh chính. Tổng thể tranh là sự kết hợp màu nóng và lạnh với sắc tươi vui rực rỡ.

Gam màu ghi và màu nhấn trong tranh.

Tranh lụa Buổi sáng trên bản Phố của Nguyễn Thanh Tùng có gam màu ghi ấm, tác giả thể hiện độ chuyển sắc, đậm nhạt trong mảng hình rất tinh tế. Tác giả sử dụng cả màu nóng và màu lạnh nhưng tỷ lệ màu chỉ thay đổi về sắc mà vẫn giữ được tổng thể gam màu ghi ấm, ba màu gốc đỏ, lam, vàng là màu nhấn, màu đen và trắng có

độ đậm và sáng nhất cũng ở trang phục nhóm nhân vật chính làm bức tranh vui

mắt hơn. Bức tranh cho người xem cảm nhận được buổi sớm mùa đông nơi vùng cao trong gam màu ghi ấm.  

Tác phẩm Buổi sớm ở bản của Phạm Ngọc Sỹ, cho người xem cảm giác cảnh vật trong không gian mờ sương. Nhóm 3 nhân vật chính được khai thác kĩ về hình dáng, đường nét, đặc biệt về màu sắc có độ đậm nhất và sáng nhất làm nổi bật nhóm nhân vật. Màu áo trắng là đặc điểm trang phục của người dân tộc Thái, tác giả không chạy màu trắng và độ sáng của áo đến các vị trí khác trong tranh mà chỉ để tập trung ở nhóm nhân vật này, đây là cách tác giả điểm màu, nhấn sáng cho toàn thể bức tranh.  

Gam màu trầm và màu vẽ điểm sáng.

Tranh sơn mài Mùa đông xóm núi của họa sỹ Phạm Chính Nam thể hiện phong cảnh bản nhỏ trong mùa đông, những hàng cây rụng lá để lộ cành khẳng khiu vươn cao. Tranh có gam trầm, các màu tương đồng: nâu, vàng, đỏ; tác giả điểm sáng bởi các mảng trắng từ những con ngựa đến mặt đất và những nhánh cây, làm tương quan đậm nhạt của tranh rõ hơn, nhịp điệu sáng nổi bật trong hòa sắc ấm, làm tăng độ đậm nhạt trong tranh rõ. Tương quan đậm nhạt có nhịp điệu, hình ảnh những ngôi nhà san sát cùng đàn ngựa quây quần bên nhau trong gam màu nâu trầm cho ta cảm nhận về một mùa đông ấm áp.

Có thể nói, từ những phân tích trên cho thấy, tranh phong cảnh vùng cao giai đoạn 2000 – 2015 thể hiện khá đầy đủ các gam màu, và cách thể hiện màu. Màu sắc trong tranh phong cảnh vùng cao giai đoạn 2000 – 2015 đã thể hiện sự phong phú, đa dạng ở nhiều gam màu, nhiều cách thể hiện màu khác nhau theo cách cảm nhận của từng họa sĩ.

 

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Văn hóa Thông tin (2005), Triển lãm mỹ thuật toàn quốc
    2001 – 2005 Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  2. Bộ Văn hóa Thông tin (2010), Triển lãm mỹ thuật toàn quốc
    2006 – 2010
    , Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  3. Trần Lưu Hậu (2004), Sa Pa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  4. Hội Mỹ thuật Việt Nam (2002), Tác phẩm được giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và triển lãm Mỹ thuật khu vực năm 2002,  Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  5. Đặng Tin Tưởng (2015), Đặng Tin Tưởng, Nxb Mỹ thuật.
  6. Nguyễn Thụ - Hiện thực và trữ tình, Nxb Mỹ thuật.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Bộ môn Mĩ thuật