Nội san

Những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

20 Tháng Tám 2020

                                                                             Nguyễn Công Khôi[*]

 

    Đình Phương Độ được dựng vào thời Lê là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc nghệ thuật thời Lê lớn nhất tỉnh Thái Nguyên còn lại đến ngày nay. Đình Phương Độ tọa lạc tại vị trí trung tâm làng Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong số ít công trình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn giữ được những giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc đặc trưng từ thời Lê đến nay vẫn cơ bản giữ được nguyên vẹn.

  1. Vài nét về đình Phương Độ

 Năm 1993 Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận đình Phương Độ là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Đình Phương Độ là nơi hội tụ đầy đủ nhất về những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng Phương Độ đồng thời còn là nơi giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân những người cố công với đất nước, dân tộc.. Ngôi đền còn là nơi lưu trữ những công lao to lớn trong việc bảo vệ, xây dựng đất nước của Đức thánh Dương Tự Minh người đã đi vào sử sách của dân tộc Việt. Có thể nói di tích lịch sử văn hóa đình Phương Độ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

   Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình và hưởng ứng tích cực các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã đã có được nhiều thành tích, bảo quản, giữ gìn phát huy các giá trị vật chất và tinh thần của địa phương. Phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước tới thế hệ trẻ tương lai. Bên cạnh những điểm đã đạt được, Công tác quản lý di tích đình Phương Độ cũng có những điểm hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục: Thiếu định hướng, chính sách chế tài cụ thể nhằm khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di tích. Sự coi nhẹ, buông lỏng  trách nhiệm của các cấp chính quyền, chuyên môn yếu kém của nhưng người làm công tác quản lý, đã dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng trong việc tu bổ, tôn tạo di tích… Qua đó cần có những giải pháp cụ thể để công tác quản lý di tích đình Phương Độ có thể bảo tồn và phát huy được tốt nhất những giá trị tiêu biểu góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân đồng thời cũng là tiền đề phát triển kinh tế xã hội của của địa phương trong giai đoạn hiện nay.

  1. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích đình Phương Độ ngày nay

Kiện toàn về cơ cấu bộ máy tổ chức: kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh là một nội dung quan trọng và rất cần thiết trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa. Thực hiện tốt các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý DTLS-VH không chỉ nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay mà còn góp phần tạo tiền đề và cơ sở cho việc thực hiện những kiến nghị khác về chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, tăng cường mối quan hệ đặc biệt là quản lý chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể. Hoàn thiện cơ chế quản lý di sản văn hóa theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ban, ngành chức năng, chính quyền các cấp, phân cấp về tu bổ, tôn tạo di tích, bảo tồn và phát huy giá trị các di vật, cổ vật, bảo vật và các loại hình DSVH phi vật thể khác.

     Cần thực hiện việc quản lý DTLS-VH theo hướng: chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với DTLS-VH, ngành VHTT&DL quản lý chuyên môn và chịu trách nhiệm tham mưu UBND các cấp trong việc bảo tồn và phát huy tác dụng của DTLS-VH.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng: bên cạnh việc tăng cường quản lý phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc nâng cao chất lương nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học cho hoạt động bảo tồn thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bởi lẽ sự ủng hộ của cộng đồng, vai trò của người dân trong việc bảo vệ và phát triển các giá trị truyền thống tiêu biểu của di tích đình Phương Độ lầ một trong yếu tố rất quan trọng.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Để vận hành được một hệ thống, bộ máy quản lý ta phải xác định chủ thể ở đây phải là con người là nguồn nhân lực, người quản lý có chuyên môn cao thì mới có thể điều hành, vận hành bộ máy đạt kết quả cao. Những người trong BQL di tích là những người trực tiếp bảo vệ, giữ gìn các di tích phải được trang bị những kiến thức cơ bản về di tích, về Luật Di sản văn hóa và các hình thức bảo vệ, chống vi phạm di tích và các nguyên tắc trong việc tu bổ, tôn tạo di tích để thực thi quyền giám sát và phát hiện kịp thời khi thấy tình trạng tu bổ, tôn tạo bị sai lệch với kết cấu kiến trúc cổ truyền của di tích. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cần có kế hoạch cụ thể và hợp lý, đối với những người trực tiếp quản lý di tích cần có chế độ đãi ngộ về mặt vật chất và tinh thần để khuyến khích, động viên họ tham gia tích cực, tự giác và có trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích.

Với các di tích không có nguồn thu, UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của địa phương để trích một khoản thù lao, bồi dưỡng cho những người trông coi di tích.Để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả, trước hết phải có các cá nhân với trình độ chuyên môn cao mới có thể tham mưu đúng và trúng cho các cấp quản lý.

Tăng cường đầu tư tu bổ di tích: đầu tư kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích là một yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Nó xuất phát từ đặc thù của di tích lịch sử văn hóa là đối tượng có niên đại tồn tại hàng trăm năm nên sự xuống cấp, hư hại là điều tất nhiên và cần thiết phải có kinh phí để tu sửa. Song cần phải có sự khảo sát, chọn lọc, xem xét thật kỹ để đầu tư đúng điểm, ưu tiên đầu tư cho những hạng mục trong di tích có giá trị có nguy cơ hư hại cao để bảo tồn.

Tuy nhiên việc xây dựng kế hoạch công tác tu bổ tôn tạo di tích phải tuân theo tinh thần của Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18/12/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư: cần có những cơ chế và chính sách phù hợp, khuyến khích về mặt vật chất và tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân sau khi đã đầu tư nguồn vốn vào tu bổ di tích. Đối với các nhà đầu tư tu bổ - tôn tạo các di tích gắn với danh nhân văn hoá, có thể dành một diện tích thích hợp trong di tích để tổ chức các cuộc triển lãm hoặc trưng bày giới thiệu sản phẩm truyền thống tương ứng, tổ chức các lớp dạy nghề thủ công truyền thống, là nơi sinh hoạt của hội viên.

 Đối với các nhà đầu tư, những người công đức tùy theo khả năng đóng góp sẽ được ghi danh vào bia đá gắn tại di tích hoặc sổ vàng danh dự của địa phương. Tổ chức lễ hội truyền thống đình Phương Độ cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội thi, hội diễn nhằm thu hút khách tham quan trên địa bàn.

Sửa đổi chế độ khen thưởng: cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước chế độ đãi ngộ cho người làm công tác quản lý di tích ở nhiều địa phương đề nghị nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ các cấp nên chưa địa phương nào dành ngân sách chi chả. Trong đợt giám sát tới đây của HĐND tỉnh về công tác quản lý, tu bổ di tích HĐND xã Xuân Phương nên kiến nghị cần có chính sách của Nhà nước trợ cấp cho những người trực tiếp trông coi quản lý di tích. Trước tình trạng trộm cắp cổ vật di tich thì chính sách trợ cấp cho đội ngũ trực tiếp trông coi quản lý là cần thiết hơn bao giờ hết, tuy nhiên cũng cần có những quy định như: người làm công tác quản lý trông coi di tích phải có sức khỏe tốt, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, có kiến thức, hiểu biết tính chất, nhiệm vụ, đặc điểm, công việc được giao và phải là người có uy tín trong cộng đồng.

Giải pháp phát huy giá trị của di tích trên địa bàn dân cư: Vấn đề giữ gìn, phát huy tối đa giá trị di tích cần có sự chung tay của nhiều tổ chức xã hội nhưng trước hết phải là cộng đồng dân cư, cộng đồng dan cư phải hiểu được di sản văn hóa là tinh hoa của nền văn hóa dân tộc. Nó là kết tinh của sức lao động, tình cảm, tinh thần và truyền thống văn hóa được tích lũy và kế thừa từ thời đại này sang thời đại khác và tồn tại cho đến ngày nay. Biết giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với lớp lớp cha ông đã dày công bồi đắp nên và để lại cho chúng ta. Vì vậy tuyên truyền nhận thức giá trị của di tích tới người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Để giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa của đình Phương Độ, chính quyền xã cũng cần đưa ra những chính sách, quy định chặt chẽ về quyền han, BQL di tích có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc cần phải được tôn trọng và gìn giữ. Nếu vi phạm, các đối tượng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Sự chung tay, đồng lòng của toàn thể người dân, các cấp chính quyền địa phương chính là chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập phát huy sâu rộng giá trị di tích lich sử văn hóa đình Phương Độ.

Với nền tảng dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý di sản văn hóa tác giả đã trình bày phương hướng, nhiệm vụ của ban quản lý di tích đình Phương Độ từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ di tích của ban quản lý. Hạn chế những tác động trong thời đại CNH – HĐH đất nước cộng đồng dân cư cũng góp phần không nhỏ trong việc  giữ gìn và vâng cao giá trị DTLVH đình Phương Độ trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban chấp hành Đảng bộ xã Xuân Phương (2015), Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Phương 1947 – 2014, Nxb Công ty cổ phần sách và truyền thông văn hóa Việt.
  2. Bảo tàng Thái Nguyên (1992), Hồ sơ lý lịch di tích Đình Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái.
  3. Chính phủ (2012), Nghị định 70/NĐ- CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2001), Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bổ xung một số điều luật năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

  ------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K9 -  Ngành Quản lý Văn hóa