Nội san

Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên thông qua bài tập tình huống trong dạy học học phần Tâm lý học tiêu dùng

02 Tháng Mười Hai 2020

Giảng viên Nguyễn Thị Duyên

 Khoa Giáo dục đại cương

            Phát triển năng lực cho người học là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình quá trình dạy học và giáo dục ở mọi cấp học, bậc học từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học. Trong đó, năng lực giải quyết vấn đề là một năng lực cốt lõi mà các cấp học, các môn học đều hướng đến hình thành và phát triển ở người học. Do vậy, mỗi giảng viên đều cần phải thiết kế các hoạt động học tập hướng tới phát triển năng lực này. Nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên Khoa Thiết kế Đồ họa, tác giả đã vận dụng các bài tập tình huống như là một trong số các biện pháp hữu hiệu trong hoạt động dạy học học phần Tâm lý học tiêu dùng.

  1. Năng lực giải quyết vấn đề “NLGQVĐ”

 OECD định nghĩa: “NLGQVĐ là khả năng của một cá nhân hiểu và giải quyết tình huống có vấn đề khi mà giải pháp giải quyết chưa rõ ràng. Nó bao hàm sự sẵn sàng tham gia vào các tình huống tương tự để đạt được tiềm năng của mình như một công dân tích cực và gương mẫu” [4].

Theo tác giả Phan Thị Thanh Hội và Nguyễn Thị Phương: “NLGQVĐ trong học tập là khả năng người học phát hiện được vấn đề, xây dựng giả thuyết, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề học tập” [3].

Về cấu trúc của năng lực giải quyết vấn đề, tác giả Lê Đình Trung và Phan Thị Thanh Hội (2016) cho rằng: “NLGQVĐ bao gồm 4 thành tố chính như: Phát hiện vấn đề; hình thành giả thuyết khoa học; lập kế hoạch và tiến hành giải quyết vấn đề; Đánh giá và phản ánh giải pháp”[5].

Trong quá trình dạy học học phần Tâm lý học tiêu dùng, tác giả đã vận dụng các bài tập tình huống nhằm tập trung rèn luyện và phát triển các thành tố NLGQVĐ sau ở sinh viên: phát hiện vấn đề; Hình thành giả thuyết khoa học; giải quyết vấn đề; rút ra kết luận.

  1. Bài tập tình huống “BTTH”

Có nhiều định nghĩa khác nhau về BTTH, theo tác giả Nguyễn Thị Duyên: “BTTH là một tình huống có vấn đề, thể hiện dưới dạng những câu chuyện có thật hay hư cấu như thật được giáo viên đề xuất với dụng ý sư phạm nhất định, được xây dựng trên cơ sở lôgic của quá trình dạy học, lôgic của môn học, bài học và chiến lược dạy học của người thầy để đưa người học vào trạng thái tích cực, tự giác chiếm lĩnh vấn đề học tập với sự nỗ lực cao nhất về tâm lý, trí tuệ” [2].

BTTH phải thoả mãn các điều kiện sau:

- Tạo ra vấn đề: tạo ra một vấn đề không có câu trả lời đúng, đảm bảo để tình huống đó thể hiện những thách thức thực sự đối với học viên và kích thích những suy nghĩ, kỹ năng phản bác của họ thông qua các câu trả lời đa dạng và có lý.

- Nhân vật phải có tính hiện thực: xác nhận các nhân vật mà người học có thể liên hệ tới và trong trường hợp những tình huống buộc phải ra quyết định thì xác định ai là người phải giải quyết vấn đề và ra quyết định.

- Đưa ra một thách thức: đưa tình huống có tính phức tạp vừa đủ để buộc người học phải suy nghĩ và thực sự vận dụng các kỹ năng trí tuệ của mình để giải quyết, không nên để cho người học cảm thấy dễ dàng xác định vấn đề hoặc đưa ra giải pháp ngay mà không cần phân tích, suy xét.

- Sử dụng thông tin: bắt buộc người học phải sử dụng thông tin trong BTTH để giải quyết vấn đề. Người học được yêu cầu tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin.

- Thông tin đầy đủ: BTTH phải chứa đựng thông tin đầy đủ để giúp người học đưa ra những lý luận và phân tích có chiều sâu, giúp người học tránh được những phân tích hoặc lý luận suông, nông cạn.

3. Các bước vận dụng bài tập tình huống nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong hoạt động dạy học môn Tâm lý học tiêu dùng

            Với mục tiêu phát triển NLGQVĐ nên giảng viên có thể sử dụng BTTH nhằm dạy học kiến thức mới hoặc củng cố kiến thức hoặc kiểm tra, đánh giá với các hình thức tổ chức sinh viên hoạt động cá nhân hoặc nhóm để giải quyết BTTH.

            Minh họa về vận dụng BTTH trong dạy học Chương 5 “Thiết kế, tiêu thụ sản phẩm mới với tâm lý tiêu dung”, phần 5.3 “Nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng đối với sản phẩm mới

Bước 1. SV tiếp nhận BTTH do giảng viên đưa ra trong quá trình dạy học: BTTH. “Hai mẹ con”

Bước 2. SV trả lời các câu hỏi giải quyết vấn đề trong BTTH: Ở phần này GV thiết kế các nhiệm vụ học tập mà SV cần thực hiện dưới dạng với các câu hỏi. Quá trình SV trả lời các câu hỏi cũng chính là quá trình SV rèn luyện và phát triển được các thành tố của NLGQVĐ như sau:

Câu hỏi

Các thành tố NLGQVĐ

Câu 1. Nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến mâu thuẫn giữa em bé và người mẹ?

Phát hiện vấn đề

Câu 2. Hãy chỉ ra những nhu cầu tâm lý cơ bản của người tiêu dùng đối với sản phẩm mới.

Hình thành giả thuyết khoa học

Câu 3. Việc in các hình ảnh trên hộp sữa Fami đã tác động vào nhu cầu tâm lý nào của người tiêu dùng đối với sản phẩm mới?

Giải quyết vấn đề

Câu 4. Qua tình huống trên, em rút ra kinh nghiệm gì cho bản thân trong việc thiết kế một sản phẩm mới nhằm đáp ứng được nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng?

Rút ra kết luận

Bước 3. SV thảo luận và rút ra kết luận: một số SV báo cáo kết quả đã thực hiện được trước nhóm, lớp. Sau đó SV rút ra kết luận về vấn đề nghiên cứu BTTH.

Bước 4. GV đánh giá NLGQVĐ của SV: Để đánh giá NLGQVĐ của SV, GV sử dụng công cụ là các BTTH và quá trình, kết quả SV thực hiện các nhiệm vụ học tập của BTTH như yêu cầu trong quá trình rèn ở Bước 2. GV căn cứ vào các biểu hiện sau để đánh giá NLGQVĐ của SV:

Các thành tố NLGQVĐ

Biểu hiện

Phát hiện vấn đề

SV phát hiện ra được mâu thuẫn trong tình huống hoặc nêu được vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong tình huống đưa ra hay không

Hình thành giả thuyết khoa học

SV có tìm được cơ sở lí luận của bài học để làm căn cứ cho việc đưa ra giả thuyết  cho vấn đề hay không

Giải quyết vấn đề

SV có biết cách vận dụng lí luận của bài học để giải thích, phân tích vấn đề được nêu trong BTTH đúng, chi tiết, rõ ràng… không.

Rút ra kết luận

SV rút ra được bài học cần thiết về cả góc độ lí luận và thực tiễn của bản thân.

Nhìn chung, việc vận dụng BTTH vào trong hoạt động dạy và học đã tạo được môi trường học tập sôi nổi, tích cực, tự giác ở SV. Qua việc thực hiện các nhiệm vụ học tập mà GV nêu ra trong từng BTTH, năng lực phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề của SV ngày càng được cải thiện và phát triển nhanh chóng. Đồng thời qua đó, SV cũng nhanh chóng nắm vững được những nội dung lí thuyết cơ bản của bài học và cũng hiểu rõ việc vận dụng lí thuyết đó trong thực tiễn nói chung, thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của bản thân trong tương lai nói riêng.

            Qua thực tiễn vận dụng các BTTH vào hoạt động giảng dạy học phần Tâm lý học tiêu dùng ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tác giả nhận thấy việc xây dựng và sử dụng BTTH một cách hợp lí sẽ là một công cụ hữu hiệu góp phần phát triển NLGQVĐ cho SV. Đồng thời cũng tạo ra một môi trường học tập tích cực, hiệu quả trong lớp học, góp phần thực hiện được mục tiêu hướng vào phát triển năng lực của người học và  không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động dạy học ở các bậc học, cấp học.

                                             Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thị Duyên, Xây dựng hệ thống bài tập tình huống môn Giáo dục học ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, đề tài NCKH cấp Trường mã số T2016 - 07, năm 2016 - 2017.
  2. Nguyễn Thị Duyên, Thiết kế hệ thống bài tập tình huống trong dạy học học phần Tâm lý học tiêu dùng cho sinh viên Khoa Thiết kế Đồ họa, đề tài NCKH cấp Khoa, mã số K2018 - 12.
  3. Phan Thị Thanh Hội, Nguyễn Thị Phương (2018), Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trong dạy học Sinh học Trung học phổ thông, Báo cáo khoa học về Nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lầ thứ 3, Nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ, tr 1239 - 1249.
  4. Nguyễn Thị Thanh (2018), Xây dựng và sử dụng bài tập tình huống nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong dạy học phần Sinh học vi sinh vật (Sinh học 10), Tạp chí Giáo dục số đặc biệt tháng 8/2018, tr 225 – 228.
  5. Lê Đình Trung – Phan Thị Thanh Hội (2016), Dạy học theo định hướng hình thành và phát triển năng lực người học ở trường phổ thông, Nxb Đại học Sư phạm.