Sự kiện

NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TƯỢNG VÀ TƯỢNG ĐÀI Ở CÔNG VIÊN THỐNG NHẤT HÀ NỘI ÁP DỤNG VÀO GIẢNG DẠY CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM MỸ THUẬT

04 Tháng Mười Hai 2020

Đinh Tiến Hiếu

Giảng viên Khoa Sư phạm Mĩ thuật

          Giá trị nghệ thuật của một số tượng và tượng đài ở công viên Thống nhất Hà Nội mang tính lịch sử tồn tại cùng sự phát triển của đất nước, nó là minh chứng khát khao của nhân dân Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

  1. Giới thiệu sơ lược về sự ra đời của công viên Thống Nhất

Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn ở Hà Nội. Trong công viên có Hồ Bảy Mẫu, tiếp giáp với 4 mặt phố, đó là: phố Trần Nhân Tông, phố Nguyễn Đình Chiểu, phố Lê Duẩn và phố Đại Cồ Việt.

Theo tác giả Hà Đình Đức (qua VietNamNet - Tư liệu tác giả đề tài khai thác ngày 16 tháng 7 năm 2019) về bức thư của Ông gửi tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ suy nghĩ của mình về dự án cải tạo công viên Thống Nhất, có đoạn:

Nơi đây xưa kia vốn là vùng đầm hồ và bãi rác của 3 làng Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang, phía Đông là đất các làng cổ Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang. Phía Bắc là làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa, Liên Thủy. Phía Tây là làng Liên Thủy, Kim Liên (hồ Bảy Mẫu là của làng Kim Liên). Phía Nam là làng Phúc Lâm Tiểu và Vân Hồ. Từ cuối năm 1958, khu vực này được cải tạo,. Công trình khánh thành ngày 30/5/1961 mang tên Công viên Thống Nhất với niềm hy vọng để sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. [Nguồn: http://vietnamnet.vn/bandocviet, truy cập ngày 16/7/2019].

Công viên Thống Nhất có diện tích 27,8 ha mặt đất và 21ha mặt nước. Trên mặt hồ có hai đảo nhỏ, diện tích 1,2 ha. Đảo nằm giữa hồ gọi là đảo Hoà Bình, đảo bên hồ giáp với đường Lê Duẩn gọi là đảo Thống Nhất.

 [Nguồn: http://vietnamnet.vn/bandocviet, truy cập ngày 16/7/2019].

Như vậy, năm 1958, công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng, với thiết kế và kỳ vọng nơi đây sẽ là công viên hòa bình và mong muốn thống nhất. Có một thời gian, Công viên Thống Nhất mang tên công viên Lê Nin. Từ khi vườn hoa Chi Lăng được đặt tên công viên Lê Nin, công viên Thống Nhất dùng lại tên cũ của mình.

          Khái quát về tượng và tượng đài

          Tượng là một tác phẩm điêu khắc nhằm thay thế một cách đại diện một người, một con vật, hoặc một sự kiện, thông thường thực hiện ở kích thước thật hoặc có thể lớn hơn phân biệt với tượng bán thân. Công dụng chủ yếu là thay thế tác nhân thật với tính chất đại diện. Tượng được xây dựng để tưởng niệm một sự kiện lịch sử, hoặc cuộc sống của một người có ảnh hưởng tới xã hội. Nhiều bức tượng được xem là nghệ thuật công cộng, triển lãm ngoài trời hoặc trong các tòa nhà công cộng (như bảo tàng, vườn cây...).

Tượng đài là các công trình kiến trúc hoặc tượng được dựng lên để kỷ niệm, tưởng niệm sự kiện hoặc nhân vật tiêu biểu và thường được phân loại thành nhóm gắn liền với một giai đoạn lịch sử, xã hội nhất định.

  1. Nghiên cứu giá trị nghệ thuật của tượng và tượng đài ở công viên Thống nhất Hà Nội áp dụng vào giảng dạy cho sinh viên Sư phạm Mỹ thuật

Khi nhận định về những giá trị nghệ thuật của tượng và tượng đài trong một khuôn viên cụ thể, không chỉ bàn về bố cục, chất liệu, trang trí mà còn quan tâm đến chủ đề, nội dung phản ánh những gì, có hiệu quả ra sao đối với con người, đất nước, xã hội. Đặc biệt nó có tính lịch sử, giáo dục, nghệ thuật mang lại những gì cho việc thúc đẩy nhận thức thẩm mỹ của xã hội hiện thời, nhất là khai thác giá trị đó vào công tác giảng dạy cho sinh viên SPMT.

Nghiên cứu các nhóm tượng tại công viên Thống Nhất, Hà Nội cần đi sâu nghiên cứu về nội dung, đề tài phản ánh của nó. Trong phần này, chúng tôi nghiên cứu ba (3) đề tài (đề tài thiếu nhi, đề tài công nghiệp, đề tài sinh hoạt) để làm rõ hơn về tính hiện thực về một số giá trị nghệ thuật của nó.

          Đề tài thiếu nhi

Với tiêu chí là nơi vui chơi giải trí cho tất cả người lao động. Đặc biệt không gian xanh, sạch thích hợp với thiếu nhi nên có thể nói công viên là nơi gắn liền với tuổi thơ của các em nhất. Chính vì vậy khi quy hoạch cảnh quan từ những ngày đầu xây dựng, các nhà quản lý và các họa sĩ đã rất quan tâm đến những mảng tượng với đề tài thiếu nhi. Khu vực phía bắc công viên được quan tâm nhiều vì nó gần với khu rạp xiếc, nhà gương dị dạng...với những bức tượng “vui chơi” của Nguyễn Văn Hải, “Đàn vịt con” của nhóm tác giả Khoa tạo dáng công nghiệp.... Đề tài thiếu nhi là một thể loại trong nhóm tượng tài công viên Thống Nhất khá điển hình, độc đáo.

Có thể thấy, chất liệu xi măng tuy không mang nhiều lợi thế của mỹ cảm. Do những năm tháng khó khăn nên chủ yếu những tượng trong công viên thường được các nhà điêu khắc, sinh viên trường Mỹ thuật công nghiệp thể hiện. Khả năng tạo khối của chất liệu này thường mộc mạc, tình cảm, gỗ chỉ phù hợp với thể loại tượng tròn bày trong nội thất bởi chất liệu gỗ không phù hợp với nắng mưa của thời tiết. Ở nhiều cuộc triển lãm, nhất là vào những năm cuối của TK XX đã xuất hiện một số tác phẩm theo xu hướng hiện đại, báo hiệu sự bắt kịp với xu hướng của thế giới, nhưng vẫn bảo đảm được tính dân tộc qua chất liệu này. Các tác phẩm Chơi đùa” của Tạ Hùng, Đọc sách” của Vũ Văn Hợp, Mẫu tử” của Nguyễn Minh Giang... được thể hiện với lối tạo hình đơn giản, súc tích, các khối trên cơ thể nhân vật được chú ý. Tác phẩm Mẫu tử” gợi vẻ đẹp chân thực, căng đầy, tròn trịa tạo sự rung động về bề mặt của khối trên chất liệu xi măng. Có lẽ đây là tác phẩm mang đề tài thiếu nhi được tác giả lược bỏ những yếu tố trang trí để tập trung tới cái đẹp tinh giản, nhẹ nhàng mà gợi cảm.

Đề tài công nghiệp

Đề tài công nghiệp ở các tác phẩm tượng và nhóm tượng trong công viên Thống Nhất được bố trí ở vị thế đặc biệt. Là một chủ đề lớn trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, trong giai đoạn này chúng ta thấy các điêu khắc gia chủ yếu là thế hệ thứ hai hầu hết đều trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và trưởng thành từ đó. Chiến tranh kết thúc các nhà điêu khắc lại đi đầu trong nhiệm vụ tuyên truyền  vì Đảng, nhà nước coi tượng và tượng đài là một công cụ nhạy bén trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước động viên khích lệ toàn dân lao động sản xuất, xây dựng lại đất nước ngày một vững mạnh hơn. Do đó điêu khắc luôn song hành cùng đất nước trong việc lao động sản xuất, qua các tác phẩm thời kỳ này cho ta thấy những bức tượng đã khẳng định được tiếng nói riêng của mình góp phần không nhỏ cùng dân tộc tiến lên dưới sự dẫn dắt của Đảng, điêu khắc ngày càng hoàn thiện về kỹ thuật đã nâng tầm quan trọng lên một cách mãnh liệt.

Tượng và tượng đài về đề tài lao động sản xuất thời kỳ này đánh dấu một chặng đường phát triển của nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Sự kế thừa yếu tố nghệ thuật tạo hình, phương pháp và kỹ thuật tạo hình, kỹ thuật truyền tải tới công chúng đã làm nên sức sống của loại hình này. Những bức tượng về đề tài lao động sản xuất, đề tài công nghiệp hóa giai đoạn 1975 - 1985 có một vị thế đặc biệt trong lịch sử phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam, nó đánh dấu sự chuyển biến và ghi nhận những thành công của lớp điêu khắc tham gia vào đề tài này sau ngày giải phóng, nó thể hiện được diện mạo mới của mỹ thuật công cộng với đầy đủ những yếu tố nghệ thuật tạo hình đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững với chủ trương tuyên truyền các chính sách của Đảng và nhà nước đồng thời là một loại hình nghệ thuật, điêu khắc tượng tròn đã tìm và hình thành tiếng nói tự thân, nhiều tác giả đã bằng cảm xúc, hình thức thể hiện, sáng tạo các hình tượng giàu cảm xúc. Tượng và tượng đài giai đoạn này đã thực sự có vị trí quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam, không những có mặt ở mọi nơi, tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống, lao động của con người, tượng tròn các chất liệu thời kỳ này còn biểu lộ những tình cảm của con người, bổ sung cho kho tàng ngôn ngữ tạo hình vốn đã có rất nhiều dạng biểu đạt.  
Những tác phẩm giai đoạn này đã thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ về ngôn ngữ trong nghệ thuật, nhiều tác phẩm điêu khắc giai đoạn này có sự đa dạng về bố cục, về hình khối, về đường nét, về không gian.

          Đề tài sinh hoạt

          Mỗi nhóm tượng lại phản ánh cảnh sinh hoạt và có giá trị nội dung nghệ thuật khác nhau. Khi ngắm nhìn chúng được đặt trong khuôn viên của công viên Thống Nhất có cây cỏ, trời mây, hồ nước, con người và thiên nhiên như được hòa quyện và sống động. Tuy nhiên, như đã nói ở phần phạm vi nghiên cứu của đề tài, trong nội dung, tác giả dành nhiều trang viết hơn, đi sâu phân tích kỹ hơn về tượng và tượng đài, chứ không nghiên cứu về nhóm tượng. Mà đôi lúc tác giả trình bày về nhóm tượng, tượng để có đối tượng so sánh, phân tích thêm sâu sắc vấn đề chính yếu.

          Nhóm tượng trong công viên Thống Nhất phản ánh cảnh sinh hoạt đạt được cả về giá trị nội dung và giá trị thẩm mỹ. Các tượng và nhóm tượng ở đây phản ánh nội dung khá phong phú, đa dạng, như cảnh đọc sách, cảnh vui chơi, cảnh thư giãn, cảnh chèo thuyền, cảnh tập thể dục…

“văn hóa tượng đài” ở công viên nước ta nói chung, thủ đô nói riêng còn rất khiêm tốn, các tác phẩm có chất lượng cao chưa nhiều. Được biết, các nhà quy hoạch đang có những sự can thiệp vào các dự án kiến trúc và xây dựng khu đô thị, để dành lại không gian thích hợp cho những tượng đài phải có theo từng khu vực. Hy vọng những tượng đài trong tương lai sẽ không phải vất vả đi tìm chỗ đứng của mình. Hơn thế nữa, nhóm tượng đài tại công viên Thống Nhất sẽ thực sự trở thành biểu tượng đẹp về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, là điểm đến cho du lịch Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, đồng thời các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ hiểu biết được công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của cha ông, khách nước ngoài cũng hiểu được ý chí giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và văn hóa của con người Việt Nam. Không những thế, du khách tới đây sẽ thấy được hình ảnh đất nước, thưởng thức các món ăn độc đáo, đặc trưng của ba miền, nghe những bản nhạc hay, những câu chuyện kể và nhận được những sách báo, đĩa CD, VDV… những món quà lưu niệm về chủ đề thống nhất đất nước của người Việt Nam.

Đối với sinh viên Sư phạm Mỹ thuật, những thày cô giáo dạy học mỹ thuật tại các trường phổ thông trong tương lai sẽ có nơi học hỏi, khám phá thực tiễn ở công viên Thống Nhất. Đặc biệt hơn các giảng viên giảng dạy về phân môn liên quan đến ý tưởng, kỹ thuật, chất liệu, bố cục, nội dung, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của tượng, nhóm tượng, nhất là tượng và tượng đài tiếp tục tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu đúc rút về những giá trị văn hóa, nghệ thuật của nó mà phân tích, đánh giá, đưa vào bài học của mình sinh động, hiệu quả thiết thực hơn.

Hy vọng tượng và tượng đài tại công viên Thống Nhất nói chung là những sản phẩm mỹ thuật có một số giá trị về nội dung nghệ thuật mang dấu ấn thời đại, lịch sử, giáo dục, văn hóa… sẽ được gìn giữ, trân quý và đánh giá, nhận định đúng mực. Từ đó sẽ góp phần tô đậm sâu sắc hơn việc giáo dục thể hệ trẻ hôm nay về ý nghĩa hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà của một dân tộc Việt Nam, của một thủ đô ngàn năm văn hiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Ngọc Trân - Cấu trúc hội họa, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2002

2. Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật, 2012

3. Triệu Khắc Lễ - Hình họa,  Nhà xuất bản đại học Sư­ phạm, 2003

4. Triệu Khắc Lễ - Hình họa và Điêu khắc (Giáo trình đào tạo giáo viên) tập 1, 2 - Nhà xuất bản Giáo dục, 2004

5. Phạm Viết Vượng - Lý luận giáo dục, Nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội, 2004

6. Ocvirk - Stinson - Wigg - Bone - Cayton - Những nền tảng của mỹ thuật, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2006.

7. https://www.google.com.vn