Nghiên cứu lý luận

Vai trò của Ký họa trong học tập và sáng tác tác phẩm hội họa

08 Tháng Mười Hai 2020

Trương Tuấn Anh

Giảng viên Khoa Thiết kế Thời trang và Công nghệ may

 

Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, xã hội. Nhiều phương tiện kỹ thuật như máy ảnh kỹ thuật số, phần mềm chỉnh sửa hình ảnh photoshop, phầm mềm đồ họa, 3D, 4D… đã làm thay đổi cách nhìn, lối suy nghĩ của người sáng tạo nghệ thuật. Có người cho rằng nhờ có máy ảnh mà việc lấy tư liệu chở nên thuận tiện hơn, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, có thể đi nhiều nơi, chụp nhiều tư liệu hơn là ký họa; cũng có người cho rằng chụp được những bức ảnh đẹp, cảm xúc, có góc nhìn của hội họa đưa lên toan là thành tác phẩm, nhưng vẫn còn số đông không đồng tình với suy nghĩ trên, họ vẫn coi tầm quan trọng của ký họa trong xây dựng tác phẩm.

Viết về Ký họa có nhiều công trình nghiên cứu ở các góc độ khác nhau. Phần lớn hướng nghiên cứu của các tác giả đều giới thiệu tổng quan, tác giả - tác phẩm. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu của người đi trước, đề tài đi sâu nghiên cứu vai trò của ký họa trong học tập, xây dựng bố cục tác phẩm. 

Qua các tác phẩm ký họa của các họa sĩ đặc biệt các ký họa trong hai cuộc kháng chiến đã cho thấy quá trình thay đổi và phát triển của ký họa Việt Nam. Do sự biến đổi của lịch sử nước nhà, thế hệ các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương trở thành thế hệ họa sĩ kháng chiến chống Pháp: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… sau này lớp đàn em tiếp bước các ông, lớp lớp đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, họ sống và chiến đấu, họ tranh thủ ghi chép phản ánh cái khí thế hào hung của cả một dân tộc tiêu biểu là các họa sĩ: Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Xu Man, Quách Phong, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Thanh Châu, Đỗ Đồng, Hà Quang Bửu…

Qua các ký họa, các họa sĩ đã phản ánh trung thực, trực tiếp diễn biến hai cuộc chiến tranh, với nhiều góc nhìn đa dạng, nó không những ghi lại nét điển hình, nét dẹp sắc xảo mà còn truyền đạt tinh thần, cảm xúc của họa sĩ về cuộc kháng chiến ấy.

Người có ảnh hưởng mạnh nhất, thay đổi quan niệm nhanh nhất là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tình cảm trong ông, cảm xúc trong ông tràn đầy trong những ký họa ông để lại “Qua đèo”, “Hành quân qua suối”, “Trú quân”, “Đi học đêm” những ký họa này đạt đến đỉnh cao hiện thực, sau này bên cạnh ông còn có rất nhiều họa sĩ khác như Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu…những hình ảnh về anh bộ đội, về anh du kích, những cuộc hành quân, hình ảnh hậu phương, tiền tuyến tất cả đều vững vàng chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ký họa kháng chiến không chỉ là nguồn tư liệu quý về lịch sử mà còn mang trong nó những giá trị nghệ thuật đặc biệt.

Ngoài ra nội dung chương còn đề cập tới quy trình xây dựng tác phẩm hội họa theo nhiều cách, nhiều chất liệu, khác nhau… để sinh viên có thể hiểu rõ vai trò của ký họa thực tế trong việc học tập và sáng tạo sau này.

Ký họa có vai trò đặc biệt trong học tập và trong sáng tác hội họa, là bộ môn khó nhất đối với người học vẽ, ký họa nhiều làm phong phú trí tưởng tượng nó giúp ta phát triển nhận thức hình tượng, cảm xúc thẩm mỹ, nảy sinh trong ta ý tưởng cho tác phẩm. Ký họa nhiều sẽ cho ta một sở thích ghi chép và sở thích ấy trở thành cá tính phong cách riêng trong tác phẩm.

Họa sĩ Nguyễn Thụ là họa sĩ thành công nhất trong sử dụng ký họa, ông gắn bó với đề tài núi rừng, con người và phong cảnh miền núi, tất cả qua ông trở thành hồn thơ, dịu dàng như tiếng nhạc.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái có viết: “Cái đẹp đến hay không đến là do người vẽ có nhìn thấy và vẽ cho hay không” cả hai đều khó nhìn thấy đẹp mà ít vẽ thì ghi lại làm sao! Họa sĩ Nguyễn Thụ cho rằng: “Ngày ấy, tất cả anh em học khóa Tô Ngọc Vân  (1955 – 1958) đều ăn ở tại trường, dù là ở Hà Nội. Đêm đêm cánh cổng số nhà 42 Yết Kiêu luôn rộng mở để đón anh em về mỗi khi ra bờ Hồ, ga Hàng Cỏ nay là ga Hà Nội để vẽ ký họa ghi chép lại sinh hoạt của người dân…vui lắm! làm theo tuyên ngôn của cha anh: Ký họa là hơi thở của cuộc sống” vậy trong sáng tác hội họa thiếu nghiên cứu hiện thực (Ký họa) là điều không thể.

Trong môi trường học tập cơ bản, thường sinh viên hay coi nhẹ môn ký họa, ngại đi thực tế để ghi chép. Trên thực tế, ký họa có vai trò rất quan trọng đối với việc học tập và sáng tác hội họa bởi ngoài việc lấy ký hoạ làm tài liệu trong học tập thì ký họa còn là phương pháp rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cho người học. Ký họa có vai trò bổ trợ cho các môn học khác như với hình họa, bố cục…ký họa người giúp cho người vẽ hiểu thêm cấu trúc của con người trong các tư thế để chủ động diễn tả hình khối, cấu trúc, tỉ lệ, đậm nhạt, màu sắc…Vì thế mà bài hình họa có hiệu quả cao hơn, sống động hơn, mang tinh thần của mẫu vẽ. Với môn bố cục, ký họa không những gợi mở về không gian, màu sắc, hình khối…ký họa còn cho ta những ý tưởng hay, táo bạo trong sáng tác. Ký họa nhiều giúp người học có vốn bố cục phong phú trong tư duy về sự thay đổi dáng điệu nhân vật, tạo được các chi tiết đẹp cần và đủ trong khi làm bố cục. Ví như: một khuôn mặt đẹp, một hình dáng thanh tú của cô thiếu nữ, một góc cảnh đẹp của làng quê…Ngoài ra ký họa còn giúp cho bài minh họa của sinh viên đặc biệt là sinh viên sư phạm ứng tác trên bục giảng được nhanh, đẹp, chính xác, cô đọng …

          Để ghi chép được đặc điểm hình dáng, cấu trúc của sự vật hiện tượng trong thiên nhiên, trong cuộc sống, đòi hỏi người học phải có kĩ năng ghi chép nhanh, có kiến thức tổng hợp tốt. Muốn vậy ký hoạ cần được vẽ thường xuyên, liên tục. Ký họa nhiều làm phong phú trí tưởng tượng, làm giàu vốn hiểu biết, phát triển tư duy hình tượng và cảm xúc thẩm mĩ tốt. Xuất phát từ những cảm xúc thẩm mĩ, những trạng thái tình cảm… tạo cho ta có cảm hứng, nảy sinh trong ta một ý tưởng mới cho tác phẩm.

         Ký họa là lấy tư liệu nên ký hoạ dễ dàng phát huy cá tính và sở thích của người vẽ. Mỗi người vẽ có một hình thức thể hiện khác nhau: có người ký họa thiên về diễn nét, có người thiên về mảng, màu… hoặc có người vẽ kết hợp tất cả các yếu tố trên với nhau. Đây là khởi đầu, sự hình thành, cá tính và phong cách trong các tác phẩm của họa sĩ.

         Trên cơ sở tài liệu ghi chép gợi ý cho người vẽ hình thành bố cục, lựa chọn hình mảng, đậm nhạt và phối hợp chúng bằng một tổng thể hài hoà, phù hợp với nội dung lựa chọn. Ký họa rất cần cho người vẽ vì nó không chỉ rèn luyện kỹ năng cho người học mà còn là phương tiện để xây dựng ý tưởng cho tác phẩm. Tuy nhiên mỗi người có cách khai thác sử dụng ký họa riêng. Song, ai cũng thấy rằng dùng ký họa không chỉ là gợi ý tưởng mà còn có tính gợi ý cho sự hình thành bố cục và làm tài liệu cho quá trình xây dựng bố cục để tạo nên nhịp điệu, hoà sắc của hình và mảng trong tranh.

       Với chuyên nghành Sư phạm Mỹ thuật, ký họa thực tế nhằm nghiên cứu nhiều góc độ và thể loại phục vụ cho việc học tập, sáng tác. Việc học và đi thực tế tích lũy thêm kiến thức về chuyên môn, kỹ năng sống, người học hiểu được sâu hơn về giá trị của các bài tập ký họa cũng như tập tục văn hóa các vùng miền và đáp ứng tốt về giảng dạy môn Mỹ thuật, có kỹ năng xây dựng tác phẩm dựa trên thực tế một cách hoàn chỉnh để có thể tham gia các hoạt động sáng tác tranh. Đối với sinh viên ký họa thực tế cần có kỹ năng thể hiện và người học hiểu được sâu hơn về giá trị của các tác phẩm của của họa sĩ thế giới và Việt Nam được xây dựng từ các tài liệu ký họa thực tế. Các ký họa và nghiên cứu này ứng dụng tốt vào giảng dạy Mỹ thuật, kỹ năng xây dựng tác phẩm một cách hoàn chỉnh để có thể tham gia các hoạt động sáng tác.

Để học tập và sáng tác trong 4 năm học, sinh viên cần phải có sự rèn luyện thường xuyên trong quá trình học tập từ đó sẽ giúp cho người học tự mình chiếm lĩnh kiến thức, có kỹ năng và hình thành phong cách ký họa ở thực tế. Thực tế chuyên môn ở các năm học có những yêu cầu khác nhau càng những năm sau thì yêu cầu lại cao hơn năm trước. tuy nhiên với số lượng bài cũng như thể loại ký họa tương đối giống nhau ở các năm học và đợt thực tế. Chất lượng các năm sau cũng cao và khó hơn các năm học trước nhằm đáp ứng yêu cầu có kiến thức về chuyên môn của sinh viên ứng dụng vào thực tế mà còn có kiến thức, kỹ năng thể hiện về cuộc sống, người học hiểu được sâu hơn về giá trị của các bài tập ký họa cũng như tập tục văn hóa các vùng miền và đáp ứng tốt về giảng dạy mỹ thuật, có kỹ năng xây vẽ hình và ký họa dựa trên thực tế một cách hoàn chỉnh để có thể tham gia các hoạt động học tập và vẽ tranh.

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (2012), Ký họa kháng chiến, Nxb Mỹ thuật
  2. Đặng Bích Ngân (Chủ biên) (2002), Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục.
  3. Đặng Bích Ngân (Chủ biên) (2016), Họa sĩ Nguyễn Thụ, Nxb Mỹ thuật.
  4. Tạ Phương Thảo, Nguyễn Lăng Bình (2001), Kí họa và Bố cục, Nxb Giáo dục.
  5. Nguyễn Huy Trung (2013), Nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy thực tế chuyên môn – Hệ ĐHSP MT, Trường ĐHSPNTTW