Nội san

THỰC HÀNH BÀI TRANG TRÍ NỀN HOA VỚI HỌA TIẾT ĐỘNG VẬT TRONG TRANH DÂN GIAN

14 Tháng Mười Hai 2020

                                                 Lê Mai Trinh

                                            Giảng viên  Khoa Thiết kế Thời trang& CNM

 

Sinh viên học mỹ thuật luôn được khuyến khích lựa chọn dựa vào nhiều khuynh hướng nghiên cứu và học tập. Học phần trang trí cơ bản 2  có những nội dung cần nghiên cứu và cần tài liệu tham khảo, bài viết này có thể trở thành là những gợi ý, những hướng dẫn giúp người học trong quá trình tự học tự nghiên cứu, giúp sinh viên nâng cao chất lượng học tập. Để làm tốt các bài tập cơ bản và làm phong phú sự cảm nhận thiên nhiên của người học, thực hiện một cách chủ động tích cực những điểm mạnh, những tinh hoa được đúc kết từ tranh dân gian của cha ông ta để lại, chúng ta cần tận dụng, học tập phân tích để phát triển phù hợp xu hướng mới để thực hiện bài tập.

Nghiên cứu tìm hiểu vẻ đẹp hình tượng động vật trong tranh dân gian, thấy hiệu quả khi sử dụng và kết hợp họa tiết có hình con vật trong bài tập trang trí nền hoa, với mục đích yêu cầu dành cho trẻ em, góp phần tăng nhận thức thẩm mỹ của người học nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giúp quá trình tự học có hiệu quả hơn.

            Trước tiên, xin giải thích về một vài khái niệm một cách đơn giản như họa tiết là gì? tại sao lại gọi là nền hoa?, thế nào là tranh dân gian?...

Họa tiết là những chi tiết mảng hình mang giá trị trang trí thường được sắp xếp và nhắc lại theo những quy luật nhất định. Họa tiết là những chi tiết mang đặc điểm riêng hay phong cách cho một lối trang trí nào đó.

Khái niệm Nền hoa bao gồm vải hoa, nền hoa, nền trang trí nội thất, vải trang trí thời trang gối, đệm, ga trải giường...vv

Nền hoa là mảng diện tích, họa tiết được sắp xếp theo quy luật.

Khái niệm tranh dân gian Việt Nam: Tranh do các phường thợ, nghệ nhân của Việt Nam vẽ. Tranh dân gian được sử dụng trong đất nước Việt nam, lãnh thổ Việt Nam, được người dân Việt Nam sử dụng, lưu truyền, truyền tay từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tranh dân gian được gọi tên theo các vùng miền, địa danh tạo nên tên các dòng tranh: Tranh Đông Hồ thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay, hoặc Tranh dân gian Hàng Trống, thuộc Phố Hàng Trống ngày nay, Tranh Kim Hoàng ...Tranh Làng Sình Huế...

            Xuất phát từ tín ngưỡng và quan niệm thần thánh hóa sự vật và hiện tượng đã nâng cao nội dung và là cầu nối giữa nhu cầu mong ước đời sống tinh thần của người dân Việt. Tranh dân gian ra đời với 2 mục đích chính là dòng tranh thờ cúng phục vụ tín ngưỡng của người Việt, hoặc tranh phục vụ đời sống treo tết của cuộc sống dân dã. Sự tồn tại của tranh dân gian luôn nằm trong tiềm thức của người dân Việt.

            Tính từ thời Lý, hình thành kỹ thuật in khắc gỗ xuất phát từ việc in tiền giấy. Thời nhà Mạc thế kỷ 16, tranh in phát triển hưng thịnh, có những làng xã phường thợ chuyên khắc ván in. Một số Vua chúa, tầng lớp quý tộc đã để tâm chơi tranh dân gian truyền thống trong những dịp tết truyền thống như Tết Nguyên Đán. Đây cũng là một trong những lý do giúp dòng tranh phát triển và còn lại ít nhiều đến ngày nay.

            Thế kỷ 18-19 Tranh dân gian được gọi tên theo địa danh, đánh dấu vùng miền, và luôn phát triển và giữ nguyên đặc tính của từng vùng địa phương.

Tranh dân gian Việt Nam màu tươi sáng, giản dị ít màu, không diễn tả, chỉ tượng trưng ước lệ, Khái quát và mang cách nhìn chủ động không lệ thực hoặc mô tả sự thật, đồng hiện nhiều điểm nhìn.

Tranh giấy, giá tiền mua tranh vừa phải, mục đích trang hoàng trong ngày tết, tranh phổ thông, phổ biến, in và phục vụ số lượng nhiều, tranh được nên tranh được in trên giấy từ bản in bằng gỗ, sau đó có những nơi, hoặc phường thợ sau khi in thì vẽ tay. Dòng tranh của người dân tộc thiểu số thì đa phần vẽ bằng tay trực tiếp.

Màu sắc chủ yếu lấy nguyên liệu từ thiên nhiên để chế ra các phẩm màu. Nghiên cứu dòng tranh Đông Hồ người ta nhận thấy rằng màu từ những chất có sẵn trong cuộc sống người dân ví dụ như: Màu đen từ tro than của cây gỗ xoan hoặc tro của rơm nếp hoặc tro của lá tre đốt và ủ kỹ; Màu xanh từ chất thôi của rỉ đồng; Hoa hòe tạo màu đỏ; lá chàm tạo màu xanh; hoa Dành dành tạo màu vàng; Màu son lấy từ vùng đất đồi sỏi đá và chưng cất tạo nên; màu cánh sen từ nụ hoa hiên.

Tranh có những rung cảm thẩm mỹ thuần khiết, hồn nhiên, bộc trực. Tranh thể hiện đời sống tinh thần, cuộc sống lao động hàng ngày hay những phong tục tín ngưỡng thờ cúng một cách trân trọng và thiêng liêng. Đề tài thể hiện phong phú, đa dạng phản ánh mong ước cuộc sống ấm no hạnh phúc thanh bình như: “Lý ngư vọng nguyệt”, cuộc sống sung túc, lợn gà đầy nhà như “ Lợn đàn”, “Gà đàn”...Tranh phong phú về nội dung nhưng đều có điểm giống nhau là đề cao cái đẹp, đề cao tình người và đạo lý luôn hướng tới những điều tốt đẹp và mong muốn về những điều tốt đẹp.

Hiện tại còn các dòng tranh còn tồn tại đến ngày nay được lưu truyền trong dân gian đó là: Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng trống, tranh Kim Hoàng (Hà Nội),  tranh làng Sình (Huế).

Hướng dẫn sinh viên lựa chọn họa tiết trong phần xây dựng ô họa tiết để bố cục đường nét khi nhắc lại có sự nhịp nhàng, uyển chuyển tạo hiệu quả tính nhịp điệu của hình trong tổng thể của bố cục chung của 1 bài nền hoa.

Tranh “Lợn độc” hay tranh “ Lợn ăn lá ráy” trong tranh Đông Hồ với bố cục mảng hình chú lợn lớn nhất bên cạnh một mảng nhỏ hơn có thể là hình máng ăn hay là hình cây ráy thì diện tích mảng phụ không đáng kế trong toàn bộ bố cục chung. Trong tranh này ta thấy có thể kết hợp xen kẽ hoăc với các bố cục khác tạo thành một bố cục khác hoặc sử dụng nguyên bản toàn bộ hình lợn đang ăn lá ráy và đóng khung và kết hợp với được nhiều họa tiết khác. Chú ý màu kết hợp tạo được gam màu có liên kết với nhau.

“Gà trống và hoa hồng” trong tranh Hàng Trống là 1 bố cục đẹp có thể để nguyên hoặc bỏ phần chữ hoặc cắt táo bạo vẫn đảm bảo những bộ phận như đầu, mào gà hoặc đuôi và phần đẹp ở cánh giữ nguyên những chi tiết có giá trị trang trí hay phần hoa hồng đẹp, tạo họa tiết trang trí trong 1 bố cục hay 1 cấu trúc nền hoa. Chú ý khai thác khai được họa tiết có hình phù hợp với thẩm mỹ của trẻ nhỏ.

“Gà Vinh quy” là bố cục em bé ôm gà hay còn bố cục khác em bé ôm  vịt là bố cục đơn giản  và  tự bố cục cũng mang đầy ý nghĩa nên viêc sử dụng nguyên hình  họa tiết gà có kết hợp người cũng không làm giảm bớt giá trị của tranh dân gian Đông Hồ. Việc linh hoạt kết hợp có thể chỉ trích đoạn đúng hình hoặc mang nguyên 1 bố cục của tranh để trở thành họa tiết cho nền hoa.

“Gà đàn” hay là bố cục gà bố mẹ và con là bố cục hơi phức tạp nên để nguyên bản hoặc chỉ nhắc một vài chi tiết nhỏ ví dụ như hình mấy chú gà con cho thay đổi bố cục cho sinh động hơn.

Gà và lợn trong tranh Kim Hoàng thường rất đơn giản, mảng hình gà hay lợn trên màu giấy đỏ, hình hơi ngộ nghĩnh nên có thể để nguyên bản trở thành ô họa tiết trong bố cục nền hoa. Việc kết hợp ô họa tiết với những họa tiết khác sao cho phù hợp với bố cục và phong cách cùng với ý nghĩa của hình kết hợp với ý nghĩa hay ăn chóng lớn gặp may mắn. Chú ý nhịp điệu của màu nền đỏ và các tông màu đi cùng với màu đỏ cho phù hợp.

Việc khai thác và sử dụng họa tiết động vật trong tranh dân gian ở bài trang trí nền hoa dành cho trẻ em có nhiều lợi thế, rất phù hợp khi nhắc lại những nét vẽ hồn nhiên, ý nghĩa về mong ước sung túc, mạnh khỏe, may mắn hay ăn chóng nhớn. Dựa trên kinh nghiệm giảng dạy về cách lựa chọn họa tiết, việc sử dụng những họa tiết động vật trong tranh dân gian có nhiều yếu tố phù hợp cho bài nền hoa dành cho trẻ em.

   Đối với sinh viên, tỷ lệ và nét phác thảo cho 1 ô họa tiết thì thấy rất tốt, nét đơn giản dễ vẽ. Xét hình trong khuôn khổ nhỏ, có bố cục vừa vặn không có gì thay đổi. Đảm bảo nhịp điệu của nét trong bố cục trong khuôn khổ nhỏ- đó là họa tiết đơn chưa nhân hình. Tuy nhiên, khi phát triển ra một diện tích lớn, việc lặp lại với tỷ lệ như thế nào là vừa mắt, giữa các ô có sự kết nối hay xen kẽ họa tiết gì thì sinh viên còn lúng túng. Thực tế là khi bạn kết hợp thì bố cục, kết cấu về hình sẽ có phần chưa hay. Giảng viên đã trao đổi với SV, từ đó kết hợp thành cặp 2 chú lợn đối xứng với nhau qua xoáy hình hoa. Hàng trên xếp sole với hàng dưới, tạo khoảng trống giữa các hình với nhau. Tiếp đến ý tưởng kết hợp màu trong bố cục. Sử dụng màu theo nguyên bản, ví như mảng hình chú lợn màu vàng, màu lá ráy xanh đậm và màu nền xanh nhẹ, màu ô hoa xanh nhẹ nhưng hiệu quả rời rạc các độ đậm không kết nối mà tản mạn lung tung. Khi thay đổi tương quan nền sáng hơn và mảng của ô hoa và chú lợn trở nên đậm trên nền sáng tạo tương quan khỏe hơn. Hiệu quả bài tập được nâng lên một cách rõ rệt.

Từ những nét phác, nghiên cứu nhịp điệu và bố cục mở ra nhiều hướng phát triển bố cục và làm giàu thêm những cảm hứng thay đổi cũng như gợi mở sự thay đổi trong những phần bài tập thiết kế cơ bản.

Hướng xây dựng bài tập nền hoa dành cho trẻ em trở nên tốt hơn, thiết nghĩ việc đầu tiên là có một kết cấu bố cục chắc chắn, chặt chẽ mà vẫn thoáng. Tạo hình khỏe khoắn, ngộ nghĩnh tạo nên hình thức mới cách tạo hình mới vẫn trung thành với tinh thần tạo hình của tranh dân gian.

Đây là bài tập trang trí nền hoa cho trẻ em sử dụng, (do SV thực hiện) hình ảnh tranh dân gian “ Lợn ăn lá ráy”. Nguồn ảnh thuộc tác giả.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1- Hoàng Hoa Mai, Tranh dân gian và tranh tết vẽ về con lợn trong năm Hợi - Báo điện tử Báo Mới .com số 5/2/2019

2- Ngyễn Thái Lai- Làng Tranh Đông Hồ- NXB Mỹ Thuật- 2002

3- Hình tượng lợn trong hai dòng tranh dân gian - Báo điện tử Tin tức - Văn hóa văn nghệ, (số ngày 5/2/2019)

4- Hình tượng lợn đàn trong trong tranh dân gian- Báo điện tử Pháp luật plus- (số ngày 9/2/2019)

5- Quang Việt - Bài phỏng vấn Nguyễn Tư Nghiêm cách đây 20 năm - Tạp chí Mỹ thuật điện tử, (số ngày 1/ 3/ 2019)