Nội san

NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRONG TRANH CỦA HỌA SĨ LÊ PHỔ ỨNG DỤNG VÀO GIẢNG DẠY CHO SINH VIÊN KHOA SƯ PHẠM MỸ THUẬT

14 Tháng Mười Hai 2020

Lưu Thị Hồng Điểm

Giảng viên Khoa Sư Phạm Mỹ thuật

Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật đông Dương được thành lập do họa sĩ người Pháp Victor Tardieu làm hiệu trưởng, xây dựng nên một nền hội họa quốc gia đầu tiên, đóng vai trò tổ chức và bảo trợ cho việc hình thành và phát triển của hội họa hiện đại. Ngay ở kỳ thi tuyển đầu tiên, ngày mùng 5 tháng 10 năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tập hợp được từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom Pênh, Vientiane tất cả 270 thí sinh dự tuyển, chỉ để lấy ra 10 người chính thức và 12 người dự bị cho năm học sau. Những người xuất sắc vượt qua kỳ thi sau này đều trở thành những tên tuổi trường thành của hội họa Việt Nam, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm.. Chỉ qua hai cuộc triển lãm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1929 và triển lãm tại Paris 1931, những tên tuổi như Nguyễn Nam Sơn, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, vũ Cao Đàm đã ghi dấu ấn cho sự bắt đầu của một nền hội họa mới được hình thành.

 Nghiên cứu tiểu sử và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Lê Phổ, một trong những bậc thầy ưu tú, tinh hoa và là thế hệ họa sĩ đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam cho thấy, trong  hơn 70 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi, họa sĩ đã để lại một di sản đồ sộ gồm hàng ngàn bức tranh. Hiện tranh của ông ngoài việc nằm trong gallery Wally Findlay ở Mỹ và các bộ sưu tập cá nhân còn được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Paris. Tại Việt Nam.

Không phải tự nhiên tác phẩm của ông được yêu thích đến vậy, hội họa của Lê Phổ là sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của hội họa Á Đông và Phương Tây. Nếu tranh lụa của ông với đường nét tinh tế màu sắc thâm trầm đặc trưng của châu Á, thì tranh sơn dầu của ông lại là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Á - Âu. Là người để lại dấu ấn lớn trong nghệ thuật hội họa hiện đại, nếu như người đồng môn và là bạn thân của ông họa sĩ Mai Trung Thứ trung thành với chất liệu lụa truyền thống cho đến cuối đời thì Họa sĩ Lê Phổ sau thời gian gắn bó với chất liệu lụa, ông cảm thấy không thỏa mãn do bị hạn chế về khuôn khổ và màu sắc đã tìm tới chất liệu sơn dầu để được thỏa mãn tự do trong sáng tác, giai đoạn từ khoảng năm 1950 trở đi ông chuyển hẳn sang sáng tác trên chất liệu sơn dầu. Một số tranh tĩnh vật thời kỳ đầu dường như còn mang hơi hướng nặng nề của màu tranh lụa thời kỳ trước nhưng vẫn đầy rung động với vẻ đẹp của các loài hoa. Tranh của họa sĩ Lê Phổ thời kỳ sau này là sự thăng hoa về cảm xúc rất nhiều tranh tĩnh vật của ông có mặt trong các sách giới thiệu các họa sĩ thế giới ông và họa sĩ Mai Trung Thứ là hai tên tuổi tiêu biểu đại diện cho hội hoạ Việt Nam thời kỳ này. Trong các sáng tác của họa sĩ chủ đề về hoa và vẻ đẹp người phụ nữ, tình cảm gia đình và tình mẫu tử thiêng liêng luôn hiện hữu. Từ ngày xa quê hương định cư ở nước ngoài ông chưa bao giờ quay về quê hương, nhưng tình cảm của người con xa xứ vẫn hiện rõ trong từng tác phẩm. Hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài dân tộc mang đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, đó cũng như là hình ảnh của đất nước trong ông.

Lụa là một chất liệu truyền thống của người Á Đông gắn liền với tư tưởng triết học của văn hóa phương Đông. Nhưng để có được hiểu biết về chất liệu, kỹ năng thể hiện bài chất liệu cho tốt sinh viên cần tự tìm hiểu trước tiên là về chất liệu, sau đó là các tác phẩm tiêu biểu của các bậc thầy về chất liệu trong hội họa. Nhưng sinh viên thế hệ mới đặc biệt ngại tìm hiểu, ví dụ tìm hiểu bắt đầu từ gốc sẽ phải tìm hiểu xem ở chất liệu đó những họa sĩ nào được coi là những người đi tiên phong đã đạt được những thành tựu nào, tác phẩm tiêu biểu của tác giả đó ra sao, tại sao họ lại làm được như vậy? Trả lời được các câu hỏi như vậy thì người học đã có cho mình những định hướng, hình dung đầu tiên về chất liệu. Nếu trong chất liệu lụa những họa sĩ hàng đầu từ thời kỳ Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ... sau này có các họa sĩ như Nguyễn Thụ, Lê Văn Sửu, Vũ Đình Tuấn là những tác giả có tên tuổi qua các thời kỳ. Mỗi họa sĩ lại có cách nhìn và cách khai thác chất liệu một cách khác nhau để tạo nên những dấu ấn cho riêng mình. Chỉ cần tìm hiểu đặc điểm phong cách tạo nên dấu ấn riêng của từng người thì khi học đã có thêm rất nhiều kiến thức về chất liệu và tìm ra hướng đi phù hợp với mình trong từng sáng tác với chất liệu mình được học, được tiếp cận, biết đâu sự đam mê phù hợp sẽ giúp định hình trong sáng tác để có thể gắn bó với chất liệu đó sau khi rời ghế nhà trường.

Môn bố cục lụa được giảng dạy tại khoa sư phạm Mỹ thuật với một học phần gồm bốn bài thực hành trong đó có bài tĩnh vật và bài chân dung. Trong quá trình trực tiếp giảng dạy nhận thấy sinh viên của mình còn nhiều điểm yếu cần khắc phục, vấn đề đầu tiên là sự thụ động không ham học hỏi của sinh viên. Trong lĩnh vực hội họa việc chủ động tìm xem học hỏi từ các thế hệ đi trước là việc giúp cho việc học tiến bộ nhanh cũng như xác định được hướng đi và hướng sáng tác cho người học sau này, để có phong cách phù hợp với từng cá nhân. Là một người học nghệ thuật, việc định hướng khẳng định cá tính là việc quan trọng bởi cần phải hiểu mình muốn gì thích gì và phù hợp với phong cách nào để tìm ra dấu ấn riêng cho bản thân.

Trong học phần bố cục chất liệu sơn dầu nhìn vào chất lượng bài của SV khoa SPMT có thể thấy chất lượng tranh không đồng đều, có những tranh khá hẳn lên so với những tranh khác. Nếu xét về trình độ các em đều có xuất phát điểm gần như giống nhau, nhưng trong quá trình học tập, một vài em có chí tiến thủ, cầu tiến nên có học hỏi và tham khảo. Từ đó sự trênh lệch ngày càng rõ ràng. Có những tranh cho thấy sự có tham khảo và tìm hiểu nên tư duy về bố cục hình mảng có sự đầu tư tìm tòi hơn những tranh khác, hòa sắc của tranh có tông có sự sắp xếp bố cục rõ ràng, có điểm nhấn về không gian có chính phụ, toàn bộ tranh tạo nên vẻ đẹp bắt mắt ưa nhìn.  Bên cạnh đó là các bài thể hiện rõ sự non yếu của SV là do không học hỏi thể hiện bài vẽ không có cảm xúc, đam mê, không có bố cục hay hòa sắc. Người nghệ sĩ khi sáng tác cảm xúc là điều không thể thiếu và nó được thể hiện rất rõ trên từng tác phẩm. Đối với họa sĩ Lê Phổ cảm xúc luôn gắn liền với ông khi sáng tác, vì chất liệu lụa không đủ khả năng truyền tải những cảm xúc của ông nên ông tìm đến với chất liệu sơn dầu là chất liệu được coi là truyền tải cảm xúc của người họa sĩ tốt và trực tiếp nhất và ông đã đạt được những thành công nhất định với chất liệu này, ông đã để lại vô số những tác phẩm tranh sơn dầu đẹp và chất lượng.

            Trong quá trình nghiên cứu về tác giả Lê Phổ, một họa sĩ danh tiếng nhất của hội họa Việt Nam tính đến thời điểm này với số lượng tác phẩm đồ sộ, thái độ sáng tác nghiêm túc ông đã để lại rất nhiều các tác phẩm chất lượng. Dù ông là một trong những họa sĩ đầu tiên được đào tạo bài bản theo hội họa phương Tây từ đầu thế kỷ trước, cho đến nay Việt Nam cũng đã có rất nhiều các thế hệ họa sĩ kế tiếp cũng thành danh không kém. Nhưng ông vẫn là một trong những tên tuổi không thể không nhắc đến của hội họa Việt Nam. Các tác phẩm của ông để lại luôn có giá trị rất lớn trong những phiên đấu giá nghệ thuật không thua kém các họa sĩ nổi tiếng của châu Á. Để đạt được những giá trị đích thực có được cho các tác phẩm nghệ thuật của mình ông cũng đã không ngừng học hỏi những giá trị của hội họa truyền thống châu Á cũng như những thành tựu của hội họa bác học châu Âu nổi bật. Ông cũng là tấm gương để cho thế hệ sau kế thừa và phát huy, là những người giáo viên giảng dạy về nghệ thuật, muốn truyền lửa cho thế hệ sau chúng tôi cũng cần những nghiên cứu kỹ về các họa sĩ lớn của nước nhà để có những kiến thức chuyên môn sâu giúp sinh viên được tiếp cận nhiều hơn với giá trị nghệ thuật hội họa Việt Nam. Những tinh hoa vốn quý cần học hỏi, từ cách làm việc nghiêm túc của một họa sĩ chân chính có trách nhiệm với các tác phẩm của mình.

            Là họa sĩ đầu tiên của hội họa Việt Nam thời kỳ đầu nếu không có sự định hướng tìm hiểu cho sinh viên có thể các em sẽ dễ dàng bỏ qua, không tìm hiểu. Việc có thể giới thiệu những danh họa như thế tới sinh viên là một việc cần thiết, giúp sinh viên học hỏi những gì đạt được qua các tác phẩm cụ thể cũng là niềm vui cho người giảng viên trên từng bài tập chất liệu cho phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình môn bố cục chất liệu lụa. (2013) hệ đại học sư phạm – Trường ĐHSP nghệ thuật TW.

2. Hoàng Công Luận, Lưu Yên. (2003) Hội họa cổ Trung Hoa và Nhật Bản – NXB Mỹ thuật.

3. Quang Phòng, Quang Việt. Trường Mỹ thuật Đông Dương lịch sử và nghệ thuật – NXB Mỹ thuật.

4. Đại kỷ nguyên/htt://www.dkn.tv nghe thuat/ Điều gì đã làm nên những bức tranh triệu đô của Lê Phổ.

5. Designs.vn/những kiệt tác của danh họa Lê Phổ