Nội san

Yếu tố đậm nhạt trong tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

17 Tháng Mười Hai 2020

Nguyễn Quang Huy

 Giảng viên Khoa Sư phạm Mỹ thuật

Thế giới của nghệ thuật hội họa luôn là sức hút vô cùng mạnh mẽ và hấp dẫn, luôn tạo được ấn tượng khó quên. Nói đến màu sắc là nói đến ngôn ngữ của cảm xúc, yếu tố đậm nhạt làm tăng thêm sức nặng của biểu cảm. Đậm nhạt là một vẻ đẹp ấn tương trong tạo hình tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Có thể nói ông là danh họa của nền lụa, của hồn lụa Việt Nam. Một cảm xúc về sự chắc khỏe, đậm đà sâu lắng gây ấn tượng mạnh; những mảng màu nâu, đen được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần như bám chặt vào từng thớ lụa…Đó là cảm nhận khi đứng trước những tác phẩm tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Nguyễn Phan Chánh chuyên sáng tác và nổi tiếng về tranh lụa, dùng lụa để phản ánh hiện thực cuộc sống, khẳng định được phong cách cùng khuynh hướng nghệ thuật hiện thực dân tộc. Tài năng Nguyễn Phan Chánh thể hiện ngay trong cách nhìn sự việc vốn luôn hiện hữu trong cái bình dị của đời sống một cách minh triết, ông nhìn bằng tâm tưởng, thấy được những điều mà nhiều người không thấy.  Qua nét vẽ, ông thể hiện tấm lòng của mình đối với thôn quê Việt Nam vô cùng sâu nặng. Nó được thể hiện trong vẻ đẹp đằm thắm, có những màu xanh lan tỏa, những màu phù sa mơn man trên đồng ruộng, những vầng sáng của ánh trăng đọng xuống ao làng. Cảnh làng xóm bình yên, tràn ngập hương đồng gió nội, khóm chuối, bờ ao, kẻ chăn trâu, người cày cấy, lam lũ nắng mưa. Người xem cảm nhận được những vẻ đẹp thanh tao đó ở “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao”, “Mẹ con”… những bức tranh như cuộc đời hửng sắc, nồng mặn, căng đầy sức sống. Ngoài điều đó, nó còn đọng lại chất thơ - Một chất thơ trong đời sống, một chất thơ trong tranh. Cái đẹp tranh ông mang sắc thái phương Đông bởi nền lụa tơ óng ả, đằm thắm tình cảm dân tộc và tâm lý nông dân, với những sắc màu của hương đồng cỏ nội và độc đáo  bởi một cách nhìn riêng.

Nội dung đề tài trong quá trình sáng tạo của Nguyễn Phan Chánh chủ yếu là hướng về nguồn cội dân tộc, hình ảnh thôn quê luôn in đậm và trỗi dậy trong ký ức. Đó chính là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn. Ông tìm những thủ pháp kỹ thuật diễn tả và điều phối sáng tối, đậm nhạt để hình thành những tổ hợp không gian. Các mảng hình thể trong tác phẩm tạo nên nhịp điệu, tiết tấu của một bản giao hưởng không gian. Người xem có thể nhận thấy sự xuất hiện một thế giới hiện thực mà đầy huyền ảo lãng mạn. Có thể coi tác phẩm của ông là những kiệt tác không gian, thời gian về thế giới con người và vũ trụ nhân sinh. Ông đã thể hiện thật sâu sắc, đằm thắm đời sống nội tâm con người, sự biến đổi và hoàn thiện toàn vẹn vẻ đẹp của  tự nhiên.

Hội họa Nguyễn Phan Chánh là hội họa có chiều sâu về ngôn ngữ, nó vượt qua không gian, thời gian, mọi rào cản định kiến để mang đến cho người thưởng thức sự ngưỡng mộ và thán phục. Sự kiên trì và phối hợp hài hòa trong kỹ thuật vẽ lụa của riêng mình đã giúp Nguyễn Phan Chánh tự do trong chuyển tải cảm xúc và biểu đạt, biểu hiện nghệ thuật. Những trải nghiệm thăng trầm của đời sống cá nhân chính là nguyên liệu cho tư duy lý trí, thâm sâu về nghệ thuật tạo hình. Cùng với bản lĩnh nghề nghiệp, trí tuệ và tài năng... tất cả đều là nền tảng quan trọng để ông kiến tạo những kiệt tác nghệ thuật. Nghệ thuật của ông chính là tinh hoa của một tâm hồn Việt đã được tôi luyện, rèn rũa để tỏa sáng.

Các tác phẩm nghệ thuật của ông nói chung và về sự chuyển biến sắc độ tinh tế  đã định rõ một tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Đặc điểm tạo hình của ông đã minh chứng một điều: Yếu tố môi trường sống hay kỹ thuật nghề nghiệp chỉ là phương tiện hỗ trợ, còn tư tưởng tình cảm cá nhân của người họa sĩ mới thực sự là yếu tố quyết định trong sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh là một di sản văn hóa cần được trân trọng. Các tác phẩm của ông không chỉ là những giá trị về nghệ thuật hội họa mà còn là những giá trị thuộc về văn hóa Việt Nam.

Ngày nay, tính tự chủ của mỗi cá thể trong xã hội ngày càng được đề cao. Trong hoạt động nghệ thuật, vai trò của cá nhân tạo nên sức sống và đóng góp rất lớn cho sự thành công của tác phẩm. Khi năng lực cá thể được phát huy sẽ trở thành động lực có tính định hướng trong mọi lĩnh vực, tạo hiệu quả cao trong học tập và cống hiến cho xã hội. Kết quả có thể có thể thấy rõ ràng khi từng cá nhân phát huy được tốt sở trường, năng khiếu của mình là tạo đươc niềm tin trên con đường khám phá, trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật. Điều ý nghĩa hơn, là tạo động lực mạnh mẽ cho niềm đam mê, tăng thêm xúc cảm nghê thuật, tạo cảm hứng sáng tác thỏa mãn nhu cầu của chủ thể sáng tạo ở mức độ cao hơn. Ngược lại, khi năng lực cá nhân chưa được phát huy tốt sẽ đồng nghĩa với việc sở trường năng khiếu không đươc thể hiện, bị kìm hãm không phát triển hay bị thui chột.

Vai trò của đậm nhạt trong tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh ứng dụng vào học tâp nghệ thuật của sinh viên sư phạm, xét đến cùng đều được quy vào tác động giáo dục thẩm mỹ của nó. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: Giáo dục nghệ thuật góp phần rất lớn cho sự hình thành và phát triển hành vi sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo và nghiên cứu nghệ thuât đã cho thấy rằng những người nghệ sĩ có khả năng sáng tạo nghệ thuật là những người có khả năng cảm nhận về thế giới xung quanh một cách sâu sắc, những ấn tượng này chỉ có thể có được dựa trên sự nhạy cảm, tinh tế khi quan sát và cảm nhận. Nói cách khác, yếu tố góp phần tạo nên sự thành bại của một tác phẩm chính là sự “nhập thân” của tác giả khi tiếp cận  một đối tượng nào đó, đối tượng của thị giác lúc này không còn là khách thể mà đã trở thành chủ thể sáng tạo. Có như vậy, người nghệ sỹ mới có thể chọn lọc được những chất liệu, những vốn sống cho sáng tác của mình. Sự đa dạng trong biểu hiện nghệ thuật xuất phát từ quá trình lao động, rèn luyện và cảm nhận thế giới xung quanh.

Cái đẹp là sự nhận thức mang lại sự thích thú. Chúng ta thấy rằng cái đẹp phụ thuộc vào ý thức chủ quan của mỗi cá nhân trong quá trình học tâp và sáng tạo nghệ thuật, khi lao động nghệ thuật đến một mức độ nào đó thì nảy sinh nhu cầu về khai thác, tìm hiểu cái đẹp, thể hiện ý niệm tinh thần của một cá thể. Vẻ đẹp về tạo hình ,vẻ đẹp về bố cục,  yếu tố đậm nhạt là những yếu tố luôn thu hút các thế hệ sinh viên hướng tới và không ngừng học hỏi. Những kiến thức góp phần rất lớn đến việc củng cố và phát triển năng lực và định hướng thẩm mỹ của người học là giá trị của tạo hình, là yếu tố đậm nhạt trong nghệ thuật tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Bất kỳ ai nghiên cứu về nghệ thuật cũng phải am hiểu về mối quan hệ của sắc độ đối với những yếu tố khác của ngôn ngữ tạo hình trong nghệ thuật hội họa, tất cả những yếu tố đó đều liên quan đến sắc độ. Sắc độ đậm nhạt là yếu tô cần thiết trong một tác phẩm nghệ thuật, Là sự sắp xếp hoặc cơ cấu các yếu tố sáng tối, trung gian nhằm tạo ra sự chuyển động có tính   cấu tạo và nhịp điệu và kết quả là thể hiện được một hiệu quả đồng nhất trên toàn bộ bề mặt tác phẩm nghệ thuật. Sự chuyển biến về sắc dộ đậm nhạt trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh là một từ thường được dùng để nói về sự hiệu quả cũng như sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật, những điều mà họa sĩ tâm đắc trong lựa chọn khi tài tình sử dụng những sắc độ sáng và tối. Ông thường chủ động và nhấn mạnh quan điểm cá nhân trong việc chọn màu và sắc cho tác phẩm của mình. Đó là những hòa sắc giàu giá trị biểu cảm, có tính cá nhân rõ rệt và mang tính hình tượng .

Ánh sáng và bóng tối rất quan trọng đối với tâm sinh lý của nghệ thuật thị giác. Nếu không có sự thay đổi sắc độ sáng tối thì cảm giác chủ thể sẽ không được biểu đạt – đó là phần sáng, tối và trung gian. Trong lịch sử hội họa đã cho thấy rằng nếu tác phẩm có được sắc độ sáng tối hài hòa thì không cần có màu sắc mà bức tranh vẫn có giá trị. sự thật lại là như vậy! Đó chính là lý do vì sao sắc độ sáng tối,đậm nhạt lại rất quan trọng.

Để làm phác thảo cho những bài tập thực hành bố cục chất liệu, hầu hết sinh viên đều phải thực hiện bước làm phác thảo đen trắng, sử dụng yếu tố đen và trắng để thể hiện chủ đề thông qua ngôn ngữ hội họa. Tất cả màu sắc của cuộc sống đều được cảm nhận và thể hiện chỉ bằng tương quan đen và trắng, sáng và tối. Hiệu quả cuối cùng là rất ổn và tuy không có màu nhưng chủ đề muốn nói đã bộc lộ tất cả , một màu  vàng  thì sáng hơn  so với màu xanh, tuy cả hai màu đều có thể được điều chỉnh đến một mức mà chúng có một sắc độ thực sự ngang nhau như sáng hoặc tối của một màu sắc.

Một điều thông thường xảy ra trong hội họa như đó là sự  quan tâm đến sự cấu trúc hình thể được tạo ra bởi quan hệ có tính sắc độ của những màu sắc. Những bức ảnh chụp trắng đen chỉ tương quan đậm nhạt của tự nhiên hay cuộc sống xã hội đã cho thấy rõ điều đó. Qua quan sát  những chỗ có màu đen và trắng nơi có ánh sáng chiếu qua làm cho chúng ta dễ dàng nhìn thấy sắc độ liên kết giữa độ sáng và độ tối tạo nên mô hình cấu trúc của bức tranh

Các họa sĩ  đã không chỉ quan sát vị trí của nguồn sáng và sử dụng nó để mô tả chủ thể trong tranh của mình mà họ cũng cường điệu và trau chuốt những điều mà họ muốn mang tới cho người xem có một cái nhìn trực quan hơn. Độ sáng ở chỗ này liên kết với độ sáng và tối khác ở chỗ kia đã tạo ra những hình thức rất khác biệt, chúng ta nhận ra hình khối, bố cục, không gian, ánh sáng, bóng tối, chiều sâu, mối liên kết  trong một bức tranh nhờ độ đậm nhạt, chứ không hẳn màu sắc của nó.

Đậm nhạt là ánh sáng và bóng tối, là yếu tố đen và trắng trong một tương quan. Chú trọng đến đậm nhạt làm cho phần sáng tối của màu sắc thêm phần rõ rệt phát huy hiệu quả về không gian, ánh sáng trong bức tranh. Cá tính sáng tạo trong ý tưởng chỉ muốn khai thác yếu tố đậm nhạt trong tranh, lấy đó làm trọng tâm tạo nên hiệu quả độc đáo về bố cục cho tác phẩm nghệ thuật. Trong một bức tranh thiếu đậm hay không đủ độ đậm nhạt sẽ khiến người xem cảm thấy bồng bềnh không chắc chắn, ngược lại quá đậm sẽ gây cảm giác nặng nề, u tối.

Sáng tạo là với bất cứ cái gì, ở bất cứ lĩnh vực nào của thế giới cả vật chất lẫn tinh thần. Là cách mà những người làm nghệ thuật tạo ra hiệu quả ấn tượng trong bài vẽ của mình với thứ đã có trước với cái hình thành sau giúp thỏa mãn nhu cầu về một sự thay đổi nào đó trong cách suy nghĩ, nhìn nhận sự vật và hiện tượng... Trước những kiệt tác tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, các thế hệ sinh viên tìm thấy sự rung động sâu sắc, đó là những kiến thức vô cùng quý giá, trong bức tranh cuả ông không chỉ có kiến thức mỹ thuật mà còn thể hiện tình người, tình yêu quê hương đất nước sâu đậm.

 

                                         Tài liệu tham khảo

1.Lê Năng An (1998) Những trào lưu lớn của Nghệ thuật Tạo hình hiện đại. Nxb Văn hóa.

  1. Trần Duy Cảm (2005), Luận nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật
  2. Hoàng Minh Đức (2014) “Nghệ thuật tranh lụa Việt Nam- Hình thức biểu đạt phương Tây trên tinh thần Á Đông” Nghiên cứu Mỹ thuật,
  3. . Nguyễn Văn Tỵ (1974) “Tranh lụa và hội họa Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật
  4. Nguyệt Tú (sưu tầm, biên soạn) (2016), Nguyễn Phan Chánh- Nhật kí những bức tranh, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.