Tin tức

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC PIANO TẠI CÂU LẠC BỘ PIANO TRƯỜNG TIỂU HỌC TRUNG TỰ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

22 Tháng Giêng 2021

Nguyễn Thị Phượng

 K11 – Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

Dạy học là quá trình mà dưới sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển của người giảng viên, người học tự giác, tích cực, chủ động tổ chức, tự điều khiển hoạt động của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy học. Phương pháp dạy học là tổ hợp các cách thức hoạt động của thầy và trò (trong đó thầy đóng vai trò chủ đạo) được tiến hành trong quá trình dạy học, nhằm thực hiện các nhiệm vụ dạy học.

 Phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ để chỉ phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học. Đặc điểm cơ bản của phương pháp dạy học tích cực là phát huy tính tích cực của người học. Có nhiều phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của người học. Dưới đây là một số phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh theo học tại CLB piano trường tiểu học Trung Tự, người giáo viên sẽ linh hoạt để lựa chọn phương pháp phù hợp theo từng bài giảng.

1. Vài nét về thực trạng dạy học đàn piano tại CLB trường TH Trung Tự

CLB về môn học piano được thành lập từ năm 2015, nhà trường đã sử dụng một phòng chức năng và đầu tư nhiều đàn piano và những giáo cụ cần thiết để phục vụ cho việc dạy học. Những năm vừa qua, CLB đã thu hút được khá đông các em học sinh (HS) tham gia và đạt được nhiều kết quả khả quan, học sinh nắm được các kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản, biết chơi đàn ở mức từ cơ bản đến nâng cao, các em luôn tỏ ra hứng thú và yêu thích bộ môn này. Để phát huy được khả năng và bản lĩnh của HS, các năm vừa qua nhà trường đều tổ chức các buổi biểu diễn, phát động các em tham gia trình diễn những bản nhạc đã được học, giúp các em bản lĩnh trên sân khấu, trước đám đông, tự tin về bản thân mình và chăm chỉ học tập hơn.

Được sự quan tâm của nhà trường, việc giảng dạy và đào tạo các HS theo học piano tại CLB có nhiều thuận lợi, giúp các em HS yêu thích môn học này hơn và đạt được nhiều thành tựu tốt.

2. Một số các phương pháp dạy học tích cực

2.1. Phương pháp dạy học nêu vấn đề và giải quyết vấn đề

            Không chỉ trong dạy học lý thuyết, mà dạy học thực hành rèn luyện kỹ năng như dạy học piano, cần sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề và giải quyết vấn đề. Phương pháp dạy học nêu vấn đề và giải quyết vấn đề là GV tạo ra những tình huống có vấn đề, hướng dẫn HS phát hiện vấn đề, từ đó hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề. Thông qua hoạt động tự giác, chủ động HS sẽ tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng để đạt được mục đích học tập.

            Quy trình phương pháp dạy học nêu vấn đề và giải quyết vấn đề gồm 4 bước:

Bước 1. Phát hiện vấn đề

            Bước 2: Tìm cách giải quyết vấn đề

            Bước 3. Giải quyết vấn đề

            Bước 4. Phát triển vấn đề

2.2. Phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm

            Phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm là từng cá nhân được liên kết với nhau thành một nhóm nhỏ, cùng thực hiện một nội dung học tập trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Sử dụng phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm sẽ phát huy năng lực hợp tác. Đây là phương pháp quan trọng trong dạy học hiện đại, là xu thế giáo dục trên thế giới. Phương pháp dạy học hợp tác theonhóm phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm, phát triển năng lực phối hợp giưã cá nhân và nhóm.

Theo đặc thù dạy piano, giáo viên lựa chọn một số lượng HS khoảng từ 3- 5 em, tổ chức hoạt động học tập như: cùng có chung những bài học từ thực hành đến trao đổi các vấn đề liên quan đến học tập về lý thuyết. GV giữ vai trò hướng dẫn, HS thực hiện sự phối hợp học tập theo nhóm, HS tự tìm hiểu kiến thức, kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ học tập. HS tự tìm hiểu kiến thức, kỹ năng luyện tập khả năng học tập cho cá nhân và theo nhóm.

Học tập theo nhóm giúp HS được tự thể hiện và có ý thức hoạt động nhóm, hình thành sự tự tin và sự phối hợp học tập cùng phát triển.

Dạy học piano trong CLB piano Trường THTT tuy chỉ có ít HS, học tập trung theo nhóm, nhưng thực chất không phải học theo nhóm có cùng năng lực. Cần thay đổi theo phương pháp học nhóm được phân loại theo khả, năng, năng lực mang tính chất tương đồng nhau. Học tập theo phương pháp nhóm có khả năng, năng lực tương đồng. Hiện nay, học tập theo nhóm là phương pháp học được áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy tập.

2.3. Phương pháp trực quan

            Phương pháp trực quan trong dạy học là sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật để dạy học. Phương pháp trực quan là cầu nối giữa dạy lý thuyết và dạy thực hành, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động học tập của HS. Những phương tiện trực quan, phương tiện kỹ thuật giúp HS dễ dàng tiếp nhận kiến thức, kỹ năng mới. Sử dụng các giáo cụ trực quan như hình vẽ, tranh ảnh, mô hình,... kết hợp với phương pháp dùng lời giảng giải có tính hấp dẫn HS. Song song với phương pháp trực quan là sử dụng các phương tiện dạy học như máy tính, máy chiếu, băng đĩa hình, tiếng,... Phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu,... để dạy học rất sinh động. Phương pháp trực quan làm cho các phương tiện trực quan, phương tiện kỹ thuật dạy học trở thành những nguồn tri thức quan trọng. Ví dụ: các hình vẽ trên giấy về bàn tay, ngón tay trên phím đàn piano hay hình ảnh bàn tay, ngón tay được chiếu trên màn hình cùng với sự vang lên của âm thanh....được sử dụng làm đồ dùng trực quan trong dạy học piano tại CLB piano trường TH Trung Tự để HS quan sát và rút ra được những đặc điểm phân biệt và tiến hành các thao tác học tập, có tác dụng tốt tới nhận thức của HS. Phương pháp trực quan là phương tiện minh hoạ những khái niệm, đặc điểm... về lý thuyết. Phương pháp trực quan trong dạy học piano góp phần phát huy tính tích cực, giúp HS huy động sự tham gia của các giác quan như thính giác, thị giác trong quá trình học sẽ dễ hiểu, tạo hứng thú, góp phần phát triển năng lực âm nhạc, năng lực chơi đàn...

            Sử dụng phương tiện dạy học hiện đại đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, chuẩn bị chu đáo, thành thạo và tránh lạm dụng. Phương pháp này được sử dụng trong dạy lý thuyết và thực hành. Việc sử dụng phương tiện dạy học trực quan, đặc biệt là phương tiện nghe nhìn là rất cần thiết trong dạy học âm nhạc nói chung, dạy học piano nói riêng. Cùng một nội dung dạy học nếu sử dụng phương pháp trực quan thì hiệu quả dạy học sẽ cao hơn.

2.4. Kết hợp dạy lý thuyết và thực hành

Dạy học piano tuy chủ yếu là thực hành luyện tập, nhưng cần chỉ ra phương pháp luyện tập một cách khoa học, mang hiệu quả cao. Dạy piano không chỉ phối hợp dạy lý thuyết âm nhạc cơ bản, mà cần bổ sung lý thuyết hòa thanh sơ giản, lý thuyết về đặc điểm, tính năng cây đàn, lý thuyết về chức năng các ngón, tư thế ngồi, di chuyển ngón để HS nắm vững về phương diện lý thuyết, HS không chỉ luyện tập một cách máy móc mà có kiến thức cụ thể cho việc thực hành. Dạy piano cần sự tích hợp các phương pháp truyền thống và hiện đại phù hợp để HS vừa nắm vững về kiến thức lý thuyết, vừa thuần thục về kỹ năng thực hành. Tại CLB piano trường TH Trung Tự, các em dành rất ít thời gian ở nhà cho việc thực hành luyện tập, vì thế trên lớp giáo viên (GV) luôn phải phân bố thời gian hợp lý sao cho các em HS vừa nắm vững được kiến thức cơ bản lại vừa có nhiều thời gian cho việc thực hành luyện tập.

2.5. Sử dụng công nghệ thông tin

Sử dụng công nghệ thông tin không chỉ trong dạy học các lĩnh vực ngành nghề mang tính lý thuyết, mà rất có tác dụng trong dạy học các lĩnh vực, ngành nghề mang tính thực hành như dạy piano. Đây là xu thế phát triển tất yếu của phương pháp dạy học hiện đại. Khi dạy học piano tại CLB piano Trường THTT cần chuẩn bị kế hoạch dạy học có ứng dụng CNTT, nhưng đảm bảo sự phù hợp về mặt tâm sinh lí, tính thẩm mĩ của trang trình chiếu, sự thể hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc dạy học và các PPDH. GV dạy piano khi sử dụng CNTT cần có các phần mềm, trang bị kiến thức tin học, kiến thức về các PPDH tích cực, thiết kế các trang trình chiếu phù hợp nội dung bài học, tiết học. Sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho GV, cung cấp cho HS nhiều nguồn tư liệu khác nhau để tự tìm ra tri thức, kỹ năng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo trong dạy và học, tạo ra sự tương tác nhiều chiều: giữa GV – HS và HS – HS.

2.6. Sử dụng phương pháp trò chơi

            Sử dụng trò chơi trong dạy học đã có từ lâu, song trong các phương pháp dạy học nhạc cụ như piano với lứa tuổi thiếu nhi, hầu như chưa được sử dụng. Đây là vấn đề mới trong dạy học nhạc cụ nói chung, piano nói riêng. Các em học sinh tiểu học rất thích các trò chơi, thích vui đùa... nên trong dạy học piano tại CLB của trường cần phối hợp tổ chức các trò chơi có liên quan đến phát triển tai nghe, trí nhớ, cảm nhận âm nhạc. Sử dụng trò chơi có thể trong 01 tiết dạy hoặc trong một hoạt động riêng biệt, mục đích tạo hứng thú trong học tập, tạo phản xạ về nghe, về ghi nhớ cao độ, tiết tấu... là những kỹ năng giúp cho học đàn rất hiệu quả.

Sử dụng trò chơi âm nhạc giúp HS thư giãn, củng cố thêm tai nghe, sự nhanh nhạy và đặc biệt giúp HS thêm hào hứng hơn trong tiết học.

Cùng với sử dụng trò chơi trong tiết học piano, GV tổ chức trò chơi diễn ra trong một tiếng hoặc nhiều hơn, tùy điều kiện, tùy mục đích...Nếu tổ chức trò nhiều thời gian thì GV có thể sử dụng một số trò chơi như: Ai đoán giỏi nhất; Tai ai tinh nhất,... hoặc tự sáng tạo ra các trò chơi mới.

2.7. Kiểm tra, đánh giá

   Phương pháp kiểm tra, đánh giá là bắt buộc trong dạy học đàn piano tại CLB, giúp giáo viên nắm rõ chất lượng dạy học để kịp thời củng cố, khác phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, bổ sung kiến thức, kỹ năng... Sử dụng phương pháp kiểm tra, đánh giá được thực hành trình bày tác phẩm và kiểm tra vấn đáp lý thuyết một số vấn đề kỹ năng (cách sắp xếp ngón tay, thế tay trong luyện ngón, luyện gam, đánh hợp âm....).

Về xếp loại sau học kỳ, sau năm học, CLB của trường thực hiện như xếp loại trong dạy học âm nhạc của Nhà trường theo 4 loại: Giỏ; khá; Đạt; Chưa đạt.

            Có thể nói, dạy học đàn piano khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tại CLB piano trường TH Trung Tự, theo sự quan sát của GV, một số học sinh theo học piano là vì bố mẹ muốn các con học chứ chưa chắc tất cả các em đều yêu thích môn học này. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực nêu trên sẽ giúp phần nâng cao chất lượng dạy và học piano, môn học này sẽ tiến gần hơn đến các em HS và các bậc PH, giảm thiểu đáng kể tình trạng HS nhàm chán trong việc học đàn piano, giúp các em học sinh ngày càng tiến bộ và yêu môn học này hơn và CLB của trường cũng sẽ ngày càng có nhiều học sinh ưu tú hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, dự án Việt - Bỉ, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier, (2001), Lý luận dạy học hiện đại - Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học, Đại học Postdam, CHLB Đức. Postdam. Hà Nội.

3. Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại - Lý luận - biện pháp - kĩ thuật, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

4. Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Phạm Viết Vượng (2005), Lí luận giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.