Nội san

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN MỸ THUẬT THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG VỆ 2 – THANH HOÁ

26 Tháng Giêng 2021

|                                                                    Nguyễn Thùy Dương

                     Học viên Cao học K6 LL&PPDHBMMT – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

 

Nâng cao chất lượng đào tạo là một nhu cầu cần thiết của xã hội nói chung và đối với các cơ sở đào tạo nói riêng. Trong số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì giải pháp đổi mới phương pháp dạy học được xem là khâu vô cùng quan trọng. Ở phổ thông có ba cấp học và rất nhiều môn học khác nhau, mỗi môn học đều có một đặc thù riêng. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học là một vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu đặc biệt là đối với môn Mỹ thuật ở bậc tiểu học. Việc dạy học Mỹ thuật ở trường tiểu học theo định hướng phát triển năng lực nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh là một hướng đi phù hợp với xu thế đổi mới phương pháp dạy học nhằm hướng vào người học lấy người học làm trung tâm phát triển năng lực phù hợp với từng đối tượng học sinh, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và vận dụng giúp học sinh phát huy được tối đa tính sáng tạo và khả năng của chính mình.

Việc dạy học mỹ thuật trong trường tiểu học ở Việt Nam dạy theo phân phối chương trình với các phân môn như vẽ trang trí, vẽ theo mẫu, vẽ tranh đề tài, thường thức MT. Với môn học này học sinh cần chuẩn bị vở tập vẽ, bút chì, hộp màu,... Điều này cũng giới hạn phần nào sự hứng thú và sáng tạo của học sinh. Việc phân phối các phân môn xen kẽ nhau chủ yếu nhằm mục đích để học sinh không cảm thấy nhàm chán khi học có hứng thú hơn trong học tập.

  1.  Phương pháp dạy học Mỹ thuật truyền thống ở Trường Tiểu học Đông Vệ 2 qua phân môn Trang trí

Phân môn Vẽ trang trí ở chương trình tiểu học gồm có 2 loại bài tập: Trang trí cơ bản và Trang trí ứng dụng. Các loại bài tập này vận dụng các nguyên tắc trang trí một cách chặt chẽ khi vẽ hình mảng, vẽ họa tiết và vẽ màu .Vì thế về mục tiêu, chương trình, nội dung, SGK đã xác định rõ, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, việc vận dụng các biện pháp dạy học cho phù hợp càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh theo hướng phát huy tính tích cực trong dạy học.

 

Năm học 2019 - 2020, tôi được phân công giảng dạy MT lớp 3, 4 và khối 5. Qua thực tế giảng dạy trong một thời gian, tôi nhận thấy học sinh rất yêu thích môn MT, thích học vẽ và được vẽ. Nhưng số học sinh có năng khiếu vẽ thì ít và đa phần học sinh vẽ chưa đẹp, chưa đúng, lúng túng trong khi chọn bố cục, hình mảng, họa tiết, dùng màu trong trang trí, sử dụng còn hạn chế các họa tiết, các mảng giống nhau, đều nhau, như nhau về đậm nhạt, về hình và màu sắc sắp xếp đối xứng nhau qua một trục hoặc nhiều trục hay sắp xếp đối xứng qua tâm. Cách sắp xếp này thường thấy ở trang trí các hình cơ bản như hình tròn hình vuông, hình chữ nhật. Cụ thể qua điều tra, khảo sát bài vẽ của học sinh như sau:

- 70% bài vẽ phân bố hình mảng chưa cân đối chưa có trọng tâm họa (hình ảnh chính, hình ảnh phụ chưa cân đối, họa tiết chính phải lớn các họa tiết khác và đặt ở trọng tâm)

- 40% bài vẽ chưa cân đối về họa tiết (vẽ họa tiết to, nhỏ không đều nhau , không đối xứng qua trục…)

- 50% bài vẽ về màu sắc chưa phù hợp (màu sắc chưa hài hoà, chưa có đậm nhạt, tô chưa đều, màu còn lem ra ngoài).

  1.  Phương pháp dạy học Mỹ thuật truyền thống ở Trường Tiểu học Đông Vệ 2 qua phân môn Vẽ tranh đề tài

Vẽ tranh theo đề tài là phân môn tổng hợp nhiều môn học của nghệ thuật hội họa, là khoa học sắp xếp những yếu tố khác nhau như hình, mảng, đường nét, màu sắc, đậm nhạt... thành một bức tranh nghệ thuật.

Vẽ tranh theo đề tài là vẽ tranh về một đề tài cho trước. Học sinh tìm cách vẽ tranh trong phạm vi đề tài cho phép, không sang đề tài khác. Tìm được cách thể hiện sao cho rõ đề tài rõ ràng, cụ thể, không giống nhau là rất cần thiết.

Phân môn vẽ tranh theo đề tài bồi dưỡng và phát triển năng khiếu nghệ thuật giúp cho học sinh biết cách thể hiện sự suy nghĩ của mình bằng ngôn ngữ hội họa. Bậc tiểu học là tiền đề cơ bản, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp tạo thành cốt lõi nhân cách con người Việt Nam.

  1. Phương pháp dạy học Mỹ thuật truyền thống ở Trường Tiểu học Đông Vệ 2 qua phân môn Vẽ theo mẫu

Kiến thức vẽ theo mẫu ở tiểu học cũng như các phân môn khác của bộ môn MT được thiết kế theo chương trình đồng tâm từ dễ đến khó như vẽ nét thẳng, nét cong (đối với lớp 1,2) vẽ những đồ vật thông dụng như cái xô, cái phích, cái bát, cái chén, lọ hoa... (đối với lớp 4, 5). Vẽ theo mẫu là một phân môn mà HS được quan sát từ mẫu thực và nhận xét mẫu để rồi mô phỏng lại mẫu một cách giống thực. Tức là HS sẽ hình thành được kiến thức cơ bản của môn MT qua phân môn vẽ theo mẫu. HS sẽ vẽ theo một phương pháp cụ thể, đơn giản. Đó là vẽ hình chung trước (tổng thể mẫu) sau đó mới vẽ chi tiết (các bộ phận nhỏ) và chu trình được vận dụng trong tất cả các phân môn của môn MT.

Từ lớp 1 đến lớp 5 có 45 bài vẽ theo mẫu với những mẫu vẽ đơn giản như hình khối, đường nét quen thuộc như nét cong, nét thẳng, các hình cơ bản như hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật; khối đơn giản như khối cầu, khối hộp...vật dụng phổ biến, gần gũi như cái xoong, cái ấm, cái chén, cặp sách, lá cây, quả cây... Khi vẽ theo mẫu HS sẽ nắm được cách vẽ cân đối, vẽ từ bao quát đến chi tiết, từ những hình cơ bản tới những đồ vật cụ thể, bước đầu so sánh kích thước, hình dáng, màu sắc của vật mẫu.

Cụ thể qua điều tra, khảo sát bài vẽ của HS như sau:

- 65% bài vẽ có bố cục chưa cân đối.

- 35% HS chưa nắm được cách vẽ theo mẫu.

- 55% bài vẽ về màu sắc chưa phù hợp (màu sắc chưa hài hoà, chưa có đậm nhạt, tô chưa đều màu).

Vẽ theo mẫu là một phân môn quan trọng và cần thiết cho các phân môn khác của môn MT. Bởi vì, nắm vững cách vẽ của vẽ theo mẫu thì các phân môn khác sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều và đặt biệt sẽ hình thành cách nhìn tổng thể (định hình được trước khi vẽ). HS vẽ theo mẫu theo một quy trình: Quan sát – So sánh – Cảm nhận – Nhận biết mẫu – Hình thành thói quen, kỹ năng khi các em vẽ bài.

  1.  Vận dụng phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại trong định hướng phát triển năng lực cho học sinh Trường Tiểu học Đông vệ 2

Thực trạng, hiện nay ở Trường Tiểu học Đông Vệ 2 phương pháp dạy học chính được áp dụng vẫn là phương pháp thuyết trình. Phương pháp thuyết trình trên quan điểm “Lấy người dạy làm trung tâm” hiện vẫn tồn tại trong các tiết dạy; Hệ lụy của phương pháp này là:

Thầy giảng bài theo kiểu đọc chép, học trò nghe, ghi, nhìn, chép nhờ vào sự trợ giúp của các công cụ như: Laptop hoặc phần mềm Power Point. Công cụ này cũng rất tiện ích, GV sẽ không mất thiều thời gian để làm đồ dùng dạy học mà HS có thể quan sát qua trình chiếu hoặc tivi.

           So với phương pháp truyền thống, dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch có nhiều ưu điểm trong việc phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, tiết học rất thoải mái, sinh động. Phương pháp này không chỉ đơn giản là cung cấp tri thức, hướng dẫn thực hành, mà còn phát triển các năng lực toàn diện cho học sinh như: năng lực trải nghiệm, biểu đạt, phân tích - giải thích, trình bày, giao tiếp - đánh giá, tạo cơ hội cho học sinh thực hành, ứng dụng trong học tập và cuộc sống. Trên cơ sở lý thuyết giáo dục và giảng dạy MT, giáo viên sẽ tổ chức dạy cho các em học MT qua các hoạt động Vẽ cùng nhau, Vẽ theo nhạc, Vẽ biểu đạt, tạo hình 3D từ các vật tìm được, Xây dựng cốt truyện... Thông qua các hoạt động tạo hình sẽ khơi gợi và phát huy được năng khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ, gây hứng thú cho các em trước cái đẹp, tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mỹ của học sinh trong cuộc sống. Đây là một chương trình giáo dục MT tiểu học năng động, phát huy, rèn luyện được nhiều kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng sống, một sự thay đổi lớn cả về phương pháp lẫn mục tiêu giáo dục của bộ môn MT ở tiểu học. Ngoài việc thay đổi nội dung phân phối chương trình, sự thay đổi hình thức tổ chức lớp học phần lớn được thông qua hoạt động nhóm thì vấn đề để học sinh tiếp thu được kiến thức, phát triển tư duy, sáng tạo ra những sản phẩm MT là một trong những vấn đề trọng tâm khiến giáo viên không khỏi tránh được những khó khăn, vướng mắc. Vì theo phương pháp mới, mỗi chủ đề sẽ thực hiện bằng nhiều quy trình MT khác nhau, giáo viên hoàn toàn không hướng dẫn học sinh thực hành mà chủ yếu do học sinh tự tìm hiểu vấn đề.

Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học.

Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc mà cần bắt đầu bằng việc kết hợp, cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng. Ngoài ra, GV cần nằm vững kiến thức, phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học để HS có thể tiếp thu bài một cách nhanh nhất và phát huy năng lực tư duy, sáng tạo toàn diện. Việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý.

                                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Đông (2016), Tập bài giảng Phương pháp dạy học Mỹ thuật 1 – Phần LL&PP dạy học Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Đông (2016), Tập bài giảng Phương pháp dạy học Mỹ thuật 2 – Phần Thực hành Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  3. Trần Bá Hoành (2006), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Trần Thị Tuyết Oanh (Chủ biên), Phạm Khắc Chương, Nguyễn Ngọc Bảo, Bùi Minh Hiền, Bùi Văn Quân, Phan Hồng Vinh, Từ Đức Văn, Phạm Viết Vượng (2006), Giáo trình Giáo dục học tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Trần Thị Tuyết Oanh (Chủ biên), Phạm Khắc Chương, Phạm Viết Vượng, Nguyễn Văn Diện, Lê Tràng Định (2009), Giáo trình Giáo dục học tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  6. Nguyễn Quốc Toản, Triệu Khắc Lễ, Nguyễn Lăng Bình (1998), Mỹ thuật và phương pháp dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội