Nội san

MỸ THUẬT VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

16 Tháng Ba 2021

TS. Nguyễn Văn Cường

                                                                      Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Tóm tắt:  Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, kỷ nguyên công nghệ thông tin đã hình thành trên thế giới. Cùng với tiến bộ mọi mặt của khoa học công nghệ và đặc biệt là truyền thông đã làm đảo lộn nhiều thang giá trị xã hội, nhịp sống thay đổi, nhiều quan niệm mới về cuộc sống. Năm 1986 Việt Nam mở cửa, hội nhập với thế giới. Xu thế toàn cầu hóa với những vấn đề nảy sinh mới cũng tác động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam. Nhạy cảm, năng động và táo bạo, đó là diện mạo chung của các họa sỹ trẻ xuất hiện trong đời sống mỹ thuật Việt Nam kể từ thời kỳ mở cửa đến nay.

Từ khóa: Mỹ thuật Việt Nam, toàn cầu hóa, nghệ thuật đương đại; hoạt động nghệ thuật; họa sỹ trẻ.

 

VIETNAM FINE ARTS IN THE GLOBAL BACKGROUND

Abstract: Beginning in the 1960s of the last century, the era of information technology has formed in the world. Along with the advancement of all aspects of science and technology, especially the media, has upset many social values, changed the rhythm of life, and new conceptions of life. In 1986 Vietnam opened its doors and integrated with the world. The trend of globalization with new emerging issues also has a strong impact on Vietnamese society. Sensitive, dynamic and daring, it is the common face of young painters who have appeared in the Vietnamese art life since the opening up period to the present. 
Keywords: Vietnam Fine Arts, globalization, contemporary art; art activities; young artist

 

         Mỹ thuật Việt Nam đã đã tạo ra một tinh thần hứng khởi mới trong sáng tạo. Đây chính là giai đoạn mà bầu không khí cuồng nhiệt tự do dâng trào như một cơn lốc trong lòng họa sỹ và trong thị trường mỹ thuật. Đó có thể là sự bung nở ra khỏi sự kìm nén trong quá khứ, tạo đà để mỹ thuật Việt Nam khẳng định bước đi của mình trong xu thế hòa nhập với khu vực và thế giới. Đây thực sự là bước chuyển mình cần thiết của mỹ thuật nước ta. Với mỹ thuật, chưa bao giờ họa sỹ trẻ Việt Nam có cơ hội khẳng định mình như hiện nay. Những tôn trọng quá khứ chẳng làm cản trở bầu nhiệt huyết và khát vọng tạo dựng nên những nét mới, đa diện và hấp dẫn hơn trong hội họa. Chính điều này giúp các họa sỹ Việt Nam trưởng thành nhanh, bởi trong họ sẵn có lòng quyết tâm, bản lĩnh và sáng tạo. Những đổi mới chóng vánh và táo bạo thật đáng khích lệ, tạo nên những động lực mới cho những điều mới mẻ vốn là bản chất của sự phát triển nghệ thuật.

Ta dễ dàng nhận thấy, sau giai đoạn mở cửa, bên cạnh những thuận lợi về kinh tế với sự phong phú đa dạng của hàng hóa trong một nền kinh tế thị trường, các nghệ sỹ Việt Nam còn được “cởi trói” về tư tưởng. Họ không phải thường xuyên sáng tác những tác phẩm nghệ thuật phục vụ tuyên truyền mà còn được tự do tìm tòi, tự do khám phá cả về chất liệu, nội dung cũng như hình thức thể hiện. Làn gió mới này đã giúp cho những ý tưởng nghệ thuật thăng hoa, một thế hệ các nghệ sỹ Việt Nam đã trưởng thành mang đến cho đời sống nghệ thuật của Việt Nam một cách nhìn mới, một hình thức cảm thụ mới với những tác phẩm mang phong cách mới. Làn gió mới này không chỉ giúp các nghệ sỹ Việt Nam khẳng định tài năng trong nước mà còn hướng đến thị trường thế giới, nhiều tác giả và tác phẩm của nghệ sỹ Việt Nam đã được đưa đi triển lãm ở nước ngoài. Từ đây, cơ hội giao lưu với các nền nghệ thuật lớn trên khắp năm châu được mở rộng.

           Mỹ thuật Việt Nam dần thoát khỏi lối suy nghĩ đoàn thể, hướng đến xu hướng bộc lộ cá nhân và các tư tưởng tự do hơn. Nghệ sỹ Việt Nam bắt đầu xa rời chủ nghĩa rập khuôn và vươn tới sự đa dạng trong phong cách và quan điểm.Đầu những năm 1990, nghệ thuật trừu tượng, dù đã cũ với thế giới đến cả trăm năm nhưng mới rụt rè, lấp ló ở Hà Nội với một nhóm nhỏ các họa sỹ như Đỗ Minh Tâm, Lê Anh Vân, Nguyễn Trung, Trần Văn Thảo… thì giờ đây họa sỹ vẽ trừu tượng nhiều đến mức không thể đo đếm.

Tới những năm cuối của thế kỷ 20, Nghệ thuật Đương đại, với những hình thức mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và bung ra mạnh mẽ như một trào lưu, thậm chí trở thành một thứ mốt trong những năm gần đây.Các hình thức nghệ thuật mới như pop-art, installation, performance xuất hiện ngày một nhiều. Với những gương mặt ít nhiều để lại dấu ấn như: Vũ Dân Tân, Trương Tân, Đào Anh Khánh, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy… phản ánh nhu cầu thay đổi mạnh mẽ thậm chí là cực đoan của những nghệ sỹ trẻ cấp tiến.

         Nhưng, cũng từ đây, một số khiếm khuyết thể hiện rõ hơn bao giờ hết! Nhiều họa sỹ trẻ Việt Nam đã đủ sức sống dư dả bằng nghề khi thị trường tranh trong nước bắt đầu được giới sưu tập tranh quốc tế chú ý. Các họa sỹ trẻ hoàn toàn có cơ hội nhận hỗ trợ tài chính từ các quỹ văn hóa của Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc… hay sự đỡ đầu của các nhà sưu tập và gallery tư nhân Việt Nam. Bên cái được còn nhiều cái chưa được, cái mới cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật chỉ ra đời trong cơ sở truyền thống và tinh hoa nghệ thuật, mà truyền thống và tinh hoa nghệ thuật luôn là một giá trị tiếp tục, không chỉ là cái còn lại mà quan trọng hơn là cái tiếp theo như thế nào. Nếu không có sự kế thừa, cho dù có khéo vay mượn nó vẫn lồ lộ ra không phải là của mình, không khéo trở thành “áo gấm vá nâu” hay “áo nâu vá gấm”.

           Các tác phẩm trong thời kỳ hội nhập nhiều khi cho thấy không ít tác giả trẻ chỉ lo “đối ngoại”, mà quên mất “đối nội” (người thưởng ngoạn trong nước). Đối nội luôn là cái gốc của nghệ thuật, là sứ mệnh cao cả của nghệ sỹ. Cũng chính từ sự thuận lợi mới có do những giao thoa văn hóa thế giới mang lại, nhiều “căn bệnh” của các họa sỹ trẻ đã phát sinh. Nhiều họa sỹ trẻ sớm bị sự thành công đột ngột làm cho choáng ngợp. Từ mục đích cải thiện đời sống, họ tiến lên làm giàu và thương mại hóa nghệ thuật, điển hình là không ít họa sỹ tiến hành “siêu sản xuất” (nhân bản các tác phẩm ăn khách) hàng loạt khi mới nổi danh.         

Một vài nghệ sỹ mỹ thuật bắt đầu thay đổi, họ mạnh dạn rời bỏ lối vẽ mà họ cho rằng “mô tả sao chép hiện thực giản đơn” để bước đầu làm quen với những hình thức biểu hiện “cũ người mới ta”. “Cũ người mới ta” là bởi trong khi phương Tây và ngay cả các quốc gia châu Á phát triển đã được biết đến installation, performance (sắp đặt, trình diễn), mỹ thuật Việt Nam vẫn mày mò trên giá vẽ với những tranh cãi về trừu tượng, đồng hiện, siêu thực.         

Một điều cần phải nhấn mạnh là sự nôn nóng thể hiện của những “tài năng nở sớm” đã gây ra một tâm lý khá phổ biến là thích phô trương cái lạ và vội thỏa mãn với những điều “mới lạ” đó. Điều này ta có thể thấy nhiều trong tranh và các thực hành nghệ thuật của các nghệ sỹ trẻ. Có họa sỹ lão thành đã phải thốt lên: “Thật đáng ngại khi họ tỏ ra thỏa mãn, vội nghĩ rằng mình đã đến được nơi cần đến và tìm được cái cần tìm, tôi chỉ e đó chỉ là hư ảo”. Kết quả là những buổi triển lãm nghệ thuật thể hiện những hình thức xa lạ với tâm hồn con người Việt Nam nở rộ.Những trình, diễn sắp đặt với nhiều thông điệp “đao to búa lớn” nhưng bộc lộ sự hời hợt, bề ngoài, nhạt nhẽo, thậm chí tạo cảm giác ghê tởm khi đi ngược lại “thuần phong mỹ tục”, chiếm phần lớn các sự kiện mỹ thuật. Những họa sỹ tổ chức triển lãm than vắng bóng khán giả thưởng lãm mà chỉ còn lại những bạn bè đồng nghiệp tham dự và tung hô nhau.Bao nhiêu ở số đó thấy được cái hay trong nghệ thuật của họ một cách thực lòng? Nghệ sỹ của chúng ta có lỗi đã xa rời người xem, hay người xem đã có lỗi khi quay lưng lại với họ? Khó có thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác, song chắc chắn một điều rằng nghệ thuật chỉ có thể là nghệ thuật khi nó đi được vào trong tâm thức của người xem, khiến họ bị cuốn hút và mến mộ. Một môi trường mỹ thuật có phần hỗn loạn, các họa sỹ có phần hoang mang với những thang giá trị về mặt thẩm mỹ. Sự đa dạng, phong phú về quan niệm sáng tác tưởng chừng sẽ mở ra sự tự do sáng tạo không giới hạn, thì xem ra lại có thể là rào cản lớn cho sự tĩnh tại, kiên trì của các họa sỹ.

Chúng ta thống nhất với nhau rằng, giao lưu tiếp biến là quy luật bất biến không thể thay đổi với mọi nền văn hóa trong đó có mỹ thuật. Ở đây vấn đề quan trọng nhất là sự tiếp xúc đó được các họa sỹ thực hiện như thế nào khi nó diễn ra rất phức tạp và trong đó hàm chứa nhiều mâu thuẫn.

          Những bài học của hàng nghìn năm ảnh hưởng văn hóa Hán, hàng trăm năm văn hóa Âu, Mỹ cho chúng ta bài học sâu sắc rằng bản sắc văn hóa trong mọi hoàn cảnh đều phải giữ vai trò cội rễ cho sự phát triển. Những nét văn hóa, thẩm mỹ ngoại lai không được triệt tiêu văn hóa truyền thống của ta mà còn phải làm bệ đỡ nâng cánh cho những nét văn hóa truyền thống Việt Nam phát triểnvà thay đổi theo hướng tiến bộ những gì chúng ta đã có. Sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa nếu không lấy bản sắc văn hóa làm gốc thì đánh mất mình là điều khó tránh khỏi. Khi xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, tất yếu khách quan sinh một lực trái triều. Bên cạnh xu hướng nhất thể hóa, lại nổi lên nhu cầu giữ gìn, tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa như một phản ứng tự vệ. Tác phẩm mỹ thuật hiện đại giữ được bản sắc dân tộc được hiểu là một tác phẩm hiện đại, phản ánh hơi thở, sinh hoạt của đời sống hôm nay nhưng vẫn cho người xem thấy cái riêng, cái đặc thù được hình thành trong truyền thống. Bản sắc dân tộc cần được thể hiện trên mọi tác phẩm của một nền mỹ thuật, tuy nhiên nó không đồng nghĩa với sự hiện diện nhiều hay ít các mô- tuýp mỹ thuật truyền thống trong đó. Những hình thức thị giác, cách cảm, cách nghĩ của người nghệ sỹ Việt Nam được thể hiện trên tác phẩm một cách trân thực thì chắc chắn tác phẩm đó giàu tính dân tộc. Sở dĩ như vậy là vì trước tiên đó là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của một người Việt. Mấu chốt ở đây chính là sự trung thực của sự nhìn nhận, cảm nhận và tư duy có được thể hiện?.

          Làn sóng văn hóa nghệ thuật Âu - Mỹ càng ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, tích cực cũng lắm mà tiêu cực cũng nhiều.Rõ ràng, chúng ta vẫn chưa có nhiều họa sỹ tài năng chuyên nghiệp, mỹ thuật trẻ phát triển có phần rối loạn, khập khiễng “ăn vay” rồi biến tấu của chính mình. Điều này đòi hỏi chúng ta phải “gạn đục khơi trong” để phát huy những ưu điểm và loại thải những yếu tố học đòi, lai căng. Trên tinh thần hội nhập, chúng ta vẫn phải dựa trên sự kế thừa một nền mỹ thuật truyền thống với những thành tựu đã được khẳng định. Chỉ có vậy, mỹ thuật Việt nam mới có được một chỗ đứng riêng một cách trang trọng trên bản đồ nghệ thuật thế giới.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Duy Cảm (2005), Luận nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật Hà Nộị.
  2. David Piper (1997), Thưởng ngoạn Hội họa, Lê Thanh Lộc dịch, Nxb Văn hóa.
  3. Trần Duy (2008), Suy nghĩ về nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
  4. Trần Văn Giàu (1963), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  5. Ngyễn Phi Hoành (1993), Mỹ thuật và nghệ sỹ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.