Nội san

Giáo sư Nicholas Tapp - người phiêu bạt cùng văn hóa dân tộc Miêu

16 Tháng Ba 2021

GS. Trương Giang Hoa[1]

 TS. Trịnh Hiền Thương dịch[2]

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

 

Tóm tắt: Giáo sư Nicholas Tapp xuất thân là một nhà quý tộc Anh nhưng ông lại lựa chọn con đường phiêu lưu cùng với dân tộc H’mong (Miêu). Từ nước Anh, ông đi đến sống tại nhiều nơi xa xôi như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Úc… để theo đuổi những công trình nghiên cứu nhân học về người H’mong. Ngay sau khi GS. Nicholas Tapp qua đời vào năm 2015, GS. Trương Giang Hoa - một người bạn và cũng là đồng nghiệp của ông đã viết bài báo này. Trong ánh mắt của nhiều thế hệ học trò, Giáo sư Nicholas Tapp giống như một ngọn hải đăng của tinh thần say mê nghiên cứu và tận tuỵ vì nghề nghiệp. Ngọn hải đăng mà trong đêm tối mênh mông chúng ta hằng mong được nhìn thấy.

Từ khoá:  GS. Nicholas Tapp, H’mong/Miêu, Nhân học

 

Professor Nicholas Tapp - adventure with H’mong ethnic culture

Abstract:

Professor Nicholas Tapp is an English aristocrat, but he chose the adventurous path with the Hmong (Miao) ethnic group. From England he went to live in distant places such as China, Thailand, Vietnam, Singapore, Australia ... to pursue anthropological studies on the Hmong people.

Shortly after Prof. Nicholas Tapp died in 2015, Prof. Zhang Jianghua, a friend and colleague of Prof. Nicholas Tapp wrote this article. In the eyes of many generations of students, Professor Nicholas Tapp is like a beacon of passion for research and dedicated to the profession. The lighthouse in the vast darkness we look forward to seeing.

Keywords: Prof.Nicholas Tapp , H’mong/Miao,  Anthropology

 

Một ngày, trước khi Giáo sư Nicholas Tapp qua đời, vào ngày 9 tháng 10 năm 2015, tôi đến bệnh viện thăm ông. Lúc này, ông ấy đã nằm trên giường, bệnh viện không cho phép người thăm đến gần bệnh nhân, tôi chỉ có thể đứng ở ngoài cửa và nhìn ông ấy từ xa, trong lòng tràn ngập nỗi buồn. Từ bệnh viện, tôi gọi cho Giáo sư Bành Văn Bân và nói rằng Giáo sư Nicholas Tapp bị ốm nặng. Giáo sư Bành đã trầm mặc hồi lâu rồi nói: “Nick (tên thân mật bằng tiếng Anh của GIÁO SƯNicholas Tapp) đúng là có một cuộc đời phiêu bạt”.

Có lẽ Giáo sư Bành Văn Bân đã nói đúng, Giáo sư Nicholas Tapp lớn lên ở Anh vào năm 1952, nhưng ông lại dành phần lớn cuộc đời của mình ở phương Đông. Ngoài những khoảng thời gian ngắn ngủi trở về nước để dạy học, còn lại ông chủ yếu dạy học và làm nghiên cứu ở xa quê nhà. Ông đã từng dạy ở Đại học Trung Văn Hong Kong, đại học Edinburgh Scotland, Đại học Quốc gia Australia, sau cùng ông định cư tại Thượng Hải, trở thành Đặc phẩm Giáo sư[3] của trường Đại học Sư phạm Hoa Đông, khi trường này thành lập Khoa Nghiên cứu Nhân học. Theo cách nói của người Trung Quốc thì ông đã có một cuộc đời phiêu bạt.

Nhưng liệu Nicholas Tapp có tán đồng với cách nói này hay không? Nếu như phiêu bạt là một quá trình thụ động, ông ấy hẳn sẽ không đồng ý. Bởi cuộc sống phiêu dạt này là do ông ấy chủ động lựa chọn.

Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu mà nói, cuộc đời Nick đã phiêu bạt cùng một dân tộc – người Miêu (hay còn gọi là người H'Mông). Danh tiếng của Giáo sư Nicholas Tapp trong cộng đồng Nhân học quốc tế xuất phát từ sự hiểu biết và kiến giải của ông về xã hội và văn hóa không ngừng biến đổi của dân tộc này.

Dân tộc Miêu ban đầu là những cư dân sinh sống ở khu vực sông Hoàng Hà và khu vực trung du của sông Trường Giang (Trung Quốc), sau đó họ không ngừng di chuyển về hướng Tây Nam, tiến vào vùng núi Tây Nam và khu vực cao nguyên Vân Quý. Từ sau thời Minh - Thanh một bộ phận người Miêu đã vượt qua biên giới Trung Quốc, họ di chuyển đến các nước ở khu vực Đông Nam Á và phân bố đều ở các nước như: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar. Năm 1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập, hàng vạn người Miêu trở thành dân tị nạn, có các nhóm đã di cư sang Mỹ, Úc và Pháp. Kể từ đó, người Miêu có nguồn gốc từ Trung Quốc nay đã trở thành nhóm dân tộc sống phân bố trên toàn cầu. Mặc dù, người Miêu liên tục di cư nhưng họ vẫn nhớ quê hương và lưu giữ trên những tuyến đường di chuyển ấy bằng những câu chuyện truyền thuyết, các mẫu thêu hoa văn trên quần áo… Ngay cả trong thời hiện đại, người Miêu ở Châu Âu hay nước Mỹ xa xôi vẫn kiên trì lưu giữ bản sắc văn hóa của họ. Dân tộc Miêu (H’Mông), hay dân tộc có văn hóa khá gần gũi với họ là người Dao, ở trong mắt những nhà nhân học đều trở thành dân tộc “mãi mãi phiêu dạt” (như lời của Giáo sư Kiều Kiện).

Giáo sư Nicholas Tapp bước đầu nghiên cứu sơ bộ về người Miêu tại Thái Lan. Những năm đầu thập niên 80, ông bắt đầu tiến hành điền dã 18 tháng tại Thái Lan để nghiên cứu về người Miêu (còn gọi là người H’Mông) và hoàn thành luận văn tiến sĩ với đề tài: “Phật giáo và người Miêu: sự thích ứng xã hội từ một trường hợp nghiên cứu”. Năm 1989, ông xuất bản cuốn sách: “Chủ quyền và phản loạn: từ người Miêu ở bắc bộ Thái Lan”. Đây là cuốn sách đầu tiên dựa trên tiêu trí điều tra dân tộc học điền dã về người Miêu ở một thôn làng là chính yếu. Trước mắt, đây vẫn được xem là cuốn sách dân tộc chí hay nhất về lĩnh vực này. Trong cuốn sách, ông đề cập và thảo luận đến những vấn đề có liên quan đến người Miêu như chính trị, tôn giáo và tính dân tộc. Ở một mức độ nào đó, định nghĩa nghiên cứu về cấu trúc dân tộc thiểu số ở toàn bộ vùng cao ở Đông Nam Á. Giống như chúng tôi đặt câu hỏi nghi vấn đối với Giáo sư Nicholas Tapp ở phía trên, người Miêu phiêu bạt có phải thực sự là họ đang ở trạng thái bị động hay không? Trên thực tế, một số ý tưởng trong cuốn sách này cũng trực tiếp trở thành nguồn gốc quan trọng của lý thuyết “Zomia” mà James Scott viết cuốn The art of not being Govermed (tức Nghệ thuật để không bị cai quản), cuốn sách đã có ảnh hưởng to lớn những năm gần đây.

Khoảng thời gian này, Giáo sư Nicholas Tapp nhận chức vụ Chủ nhiệm khoa Nhân học của trường Đại học Trung Văn Hong Kong, ông với Giáo sư Kiều Kiện, Giáo sư Tạ Kiếm cùng nhau thúc đẩy nghiên cứu về người Miêu (H’Mông), người Dao ở phía Nam. Cũng trong năm 1989, ông và Giáo sư Kiều Kiện đồng chủ biên cuốn Tính dân tộc và nhóm dân tộc ở Trung Quốc, cuốn sách đã được xuất bản tại Hong Kong. Cuốn sách này nhận được sự tìm đọc của một số nhà nhân học nước ngoài và cũng trực tiếp khơi nguồn cảm hứng cho họ nghiên cứu về dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Khi ấy, ngành Nhân học ở Trung Quốc cũng mới bắt đầu mở rộng về điều tra điền dã, Đại học Trung văn Hong Kong trở thành nơi tập trung của các nhà nhân học nước ngoài khi nghiên cứu về dân tộc thiểu số ở Trung Quốc.

Bản thân Giáo sư Nicholas Tapp cũng tiếp tục tìm kiếm cơ hội để điều tra điền dã về người Miêu, trong khoảng thời gian năm 1988 – 1989, ông khắc phục khó khăn, đi đến thôn Xuyên Miêu, huyện Củng, tỉnh Tứ Xuyên để tiến hành điều tra điền dã. Khi ấy, vị giáo sư trẻ tuổi Bành Văn Bân lần đầu đảm nhiệm vai trò phiên dịch và phụ tá điều tra cùng Giáo sưNicholas Tapp - người hiển nhiên vì theo đuổi dân tộc Miêu mà đến điều tra tại Trung Quốc. Nhưng tại huyện Củng, ông lại gần như không tìm thấy người Miêu truyền thống. Tiếp đó, ông mở rộng điều tra đến vùng Quý Châu và Vân Nam để nghiên cứu về người Miêu. Ông phát hiện, trong quá trình biến đổi cần phải tìm hiểu ở các góc độ khác nhau. Thậm chí đã có biến đổi cực lớn ở người Miêu ở Trung Quốc đại lục, liên hệ suy luận ấy được thể hiện trong cuốn Người Miêu ở Trung Quốc: Tình trạng, tính năng động và sự tưởng tượng[4]xuất bản tại Hà Lan. Cuốn sách này được coi là đại diện tiêu biểu nhất của dân tộc chí đương đại trong số những tác phẩm nghiên cứu về dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Đồng thời, vào năm 2002 cuốn sách này cũng được đạt giải thưởng “Nghiên cứu học thuật kiệt xuất” tại Mỹ.

Những năm gần đây, các công trình điền dã của Giáo sư Nicholas Tapp đối với người Miêu mở rộng toàn cầu, ông đưa ra những suy nghĩ về tính quần thể của dân tộc xuyên quốc gia, xuyên biên giới, những “biến đổi” và “bất biến” ở họ. Sau khi đến Thượng Hải, ông cũng chú ý đến việc nghiên cứu người Miêu rời xa quê hương, từ các vùng nông thôn đến làm việc ở những đô thị phát triển như Thượng Hải.

Trong hơn 30 năm, Giáo sư Nicholas Tapp đã đưa đến cho giới học thuật quốc tế hàng trăm bài phát biểu, bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học và những cuốn sách chuyên khảo có sức ảnh hưởng ở tầm thế giới. Người nghiên cứu và sinh viên trong lĩnh vực này, kể cả bất đồng quan điểm với ông thì cũng ít nhiều tiếp nhận được những kiến thức quý giá từ ông.

Giáo sư Nicholas Tapp là người luôn chăm chú lắng nghe người khác. Tiếng Trung của ông không tốt lắm, đôi khi chúng tôi mải bàn luận mà bỏ quên ông ấy, nhưng Nick vẫn ở một bên lặng lẽ lắng nghe. Có những lúc thảo luận quan điểm nghiên cứu bất đồng nhưng ông ấy chưa bao giờ dùng thái độ gay gắt, quyết liệt để tranh biện cùng người khác. Giáo sưJames Wilkerson nói rằng Nicholas Tapp là một người “cho dù bất đồng quan điểm với người khác, ông cũng có thể dùng cách tốt nhất để giao tiếp”, đó là sự miêu tả rất thú vị về đặc điểm tính cách của Giáo sư Nicholas Tapp.

Giáo sư Nicholas Tapp đem sự hiểu biết của ông đối với người Miêu, khả năng giao tiếp và lý giải xuyên văn hóa của ông đối với tất cả mọi người, kinh nghiệm mà ông và gia đình đã trải qua ở nhiều quốc gia, quy nạp về việc đào tạo từ ngành khoa học Nhân học. Nói cách khác, ông đã coi tất cả trải nghiệm từ cuộc sống, việc làm ở HongKong, Australia và những nơi khác trở thành sự thể nghiệm văn hóa và quá trình thích ứng. Kinh nghiệm của ông đã giúp ông hiểu và thông cảm với những cuộc di cư của người Miêu. Trong quá trình điền dã, ông có thể nhận thức sâu sắc nỗi u sầu của người Miêu, sự đau buồn và mất mát trong những cuộc di cư này.

Trải nghiệm và thích ứng văn hóa hiển nhiên không phải là một quá trình nhẹ nhàng, dễ dàng. Ở Thượng Hải vài năm cũng khiến ông nhận thấy những khó khăn đối với một học giả nước ngoài khi sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Còn nhớ có một lần ông ấy kể với tôi rằng vợ của ông lái xe trên đường cao tốc, kết quả bị lạc đường, gọi điện cầu cứu, ông ấy đã đi taxi đến để “giải cứu”. Tôi đã rất kinh ngạc bởi tiếng Trung của ông vốn không tốt. Khi ông ấy bị bệnh, tôi đến viện thăm ông nghe ông kể việc mình và bác sĩ Trung Quốc gặp khó khăn trong giao tiếp, bác sĩ có vẻ thiếu kiên nhẫn với ông. Đương nhiên, trong công việc ông còn gặp nhiều rắc rối hơn, có rất nhiều điều đối với cơ chế ở bậc đại học Trung Quốc mà ông không lý giải được, thậm chí cảm thấy không thể tin được. Thế nhưng, ông vẫn luôn dùng thái độ ôn hòa nhất để kể cho tôi nghe mà không hề có chút oán giận. Đối với những thắc mắc của ông, một số điều tôi có thể giải đáp, một số điều tôi cũng chẳng có cách nào để lý giải và trả lời cho ông được. Tôi chỉ có thể nói với ông ấy rằng: “Ông hãy coi những chuyện đó như một chuyến điền dã. Nói không chừng sau này ông lại có thể viết một cuốn dân tộc chí về giáo sư nước ngoài làm việc tại Trung Quốc thế nào”. Giáo sư Nicholas Tapp nói rằngđó là một chủ ý hay.

Gia thế của Giáo sư Nicholas Tapp ở nước Anh rất tốt. Một số điều cụ thể mặc dù chúng tôi không tiện hỏi, nhưng ông vẫn kể với chúng tôi về gia đình, con cái, về ngôi nhà lớn ở nước Anh với rất nhiều những cuốn sách quý hiếm. Thực tế, chỉ cần nhìn việc ông thuê ngôi biệt thự ở trung tâm thành phố Thượng Hải với mức giá trên trời, cũng có thể biết được ông hoàn toàn có thể lựa chọn một cuộc sống an nhàn hơn, nhưng ông đã lựa chọn làm một phần tử trí thức.

Giáo sư Nicholas Tapp rất lạc quan. Hai tháng trước khi ông qua đời, ông nói với tôi rằng giờ mình đã trở thành một chuyên gia điều trị ung thư. Ông ấy nói, bệnh của ông 5 năm nữa sẽ có nguy cơ tái phát, tỉ lệ sống là 50%. Ông nói việc mình sẽ không đảm nhiệm chức vụ hành chính ở Đại học Sư phạm Hoa Đông nữa mà chỉ chuyên tâm làm công việc dạy học và nghiên cứu. Ông cũng bàn với tôi về việc tiếp tục nghiên cứu một dự án về người Miêu. Chúng tôi bàn đến tương lai hợp tác nghiên cứu việc người dân tộc thiểu số di cư đến sinh sống ở những đô thị lớn, từ địa bàn nghiên cứu ở Thượng Hải mở rộng ra toàn Trung Quốc. Ông đã truyền sự lạc quan của mình sang tôi. Chẳng thể ngờ, mấy tháng sau, một nhà trí thức ưu tú như ông đã rời bỏ chúng tôi mà đi.

Giáo sư Nicholas Tapp đã lựa chọn cuộc sống phiêu bạt cùng với người Miêu, cũng như ông lựa chọn trở thành một nhà trí thức.

 

Box:

Giáo sư Nicholas Tapp (1952 – 2015)

  • Tên thật: Nicholas Charles Theodore Tapp.
  • Nơi sinh: Nước Anh.
  • Tốt nghiệp:
  • Cử nhân Văn học Anh tại Đại học Cambridge năm 1975.
  • Thạc sĩ về Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học London năm 1979
  • Tiến sĩ Nhân học Xã hội tại Đại học London năm 1985.
  • Nicholas Tapp là một giáo sư nổi tiếng quốc tế, chuyên gia nghiên cứu về người H’Mông.
  • Chức vụ: Chủ nhiệm khoa Nhân loại học, trường Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải, Trung Quốc).
  • Một số cuốn sách tiêu biểu: Sovereignty and Rebellion: the White Hmong of Northern Thailand (Oxford University Press, 1989), The Hmong of China: context, agency, and the imaginary (Brill, 2010), The Impossibility of Self: an essay on the Hmong Diaspora (Lit Verlag, 2010)…
 

[1] GS. Trương Giang Hoa (Zhang Jianghua) – Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhân loại học và Văn hóa dân gian, Đại học Thượng Hải.

[2]Dịch theo Người biên dịch và phiên dịch văn hóa dân tộc Miêu của Giáo sư Trương Giang Hoa, đăng trên Tạp chí Tin tức Tài chính (Trung Quốc) số 45 năm 2015.

[3]Tại Trung Quốc, Đặc phẩm Giáo sư (Distinguished Professor) là học hàm vinh dự chỉ dành cho các giáo sư có công hiến to lớn trong nghiên cứu khoa học, hoặc một số giáo sư người nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc. Đặc phẩm giáo sư có thời hạn là 5 năm.

[4] Tựa tiếng Anh là: The Hmong of China : Context, Agency and the Imaginary.