Nội san

GIÁO DỤC THẨM MỸ TRONG XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA QUÂN ĐỘI

16 Tháng Ba 2021

                ThS. Lưu Thị Phương Thảo

                                       Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

 

Tóm tắt: Giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần, tư tưởng, tình cảm, bồi dưỡng nhân sinh quan cách mạng, lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho các cán bộ, chiến sĩ, góp phần phát triển toàn diện người chiến sĩ cách mạng mang phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Thông qua các hoạt động văn hóa đa dạng, lành mạnh trong quân đội, công tác giáo dục thẩm mỹ đã truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp theo hướng chân-thiện-mỹ tới bộ đội, tạo ra đời sống tinh thần phong phú, thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở các đơn vị quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Từ khóa: Giáo dục thẩm mỹ, hoạt động văn hóa, đời sống văn hóa quân đội

 

AESTHETICS EDUCATION IN BUILDING THE PEOPLE’S ARMY’S CULTURAL LIFE

 

 

Abstract:Aesthetics education in building the People’s Army’s cultural life plays a very important role in forming political bravery, spiritual, emotional and ideological development as well as fostering scientific and revolutionary world view, aesthetic tastes and thoughts for military staff and soldiers, which contributes efficiently to comprehensive development of “Uncle Ho” soldiers in the new period. Through various healthy cultural activities in the Army, aesthetics education has inspired them with cultural values based on the true - the good - and the beauty, enriching their spiritual life, encouraging them to complete their tasks assigned by military units, which meets the need to build up a politically strong army in the new context.

Key words:aesthetics education, cultural activities, military cultural life

 

Đặt vấn đề

Xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định cần phải đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người”[1]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với tư tưởng chủ đạo là tạo ra những giá trị mới về văn hoá đáp ứng đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân.

Tính đến nay, có rất nhiều quan niệm về đời sống văn hóa theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, đã được khu biệt, đời sống văn hóa gắn với đời sống tinh thần của con người. Có thể hiểu, đời sống văn hóa là tổng thể các hoạt động văn hóa xuất phát nhu cầu tinh thần của con người và nhằm hoàn thiện mỗi cá nhân và tập thể hướng theo các giá trị chân-thiện-mỹ. Các hoạt động văn hóa bao gồm hoạt động sáng tạo, thưởng thức, lưu giữ, truyền bá các sản phẩm văn hóa và thực hành các hoạt động văn hóa-xã hội. Đời sống văn hóa ở các đơn vị cơ sở Quân đội nhân dân Việt Nam là bộ phận cấu thành của văn hóa quân đội.“Muốn xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện thì phải xây dựng đời sống văn hóa-tinh thần lành mạnh, bồi dưỡng tình cảm cách mạng trong sáng, sâu sắc cho mọi cán bộ và chiến sĩ”[2].

Giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội là trực tiếp bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ cảm xúc thẩm mỹ trong sáng, đẹp đẽ; thị hiếu và nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, đúng đắn; lý tưởng và quan điểm thẩm mỹ cao đẹp, khoa học; năng lực, trình độ hưởng thụ, đánh giá thẩm mỹ; bồi dưỡng khả năng sáng tạo những giá trị thẩm mỹ trong đời sống, học tập, công tác và trong nghệ thuật. Mục tiêu cao nhất của giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội chính là bồi dưỡng và xây đắp cho bộ đội giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ mới, phát huy tốt các năng lực sáng tạo trong mọi lĩnh vực, tạo ra những con người có văn hóa thẩm mỹ, phát triển toàn diệnvànhân cách tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

1. Một số nguyên tắc giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội

            1.1. Tính Đảng:

            Mọi hoạt động giáo dục thẩm mỹ trong quân đội cần bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ thế giới quan Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp với ý chí, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nguyên tắc này đòi hỏi công tác giáo dục thẩm mỹ phải làm cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc về tính gay go, quyết liệt, phức tạp của cuộc đấu tranh trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bởi chiến lược “Diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch được thực hiện với mục đích xâm nhập bằng văn hóa là con đường êm dịu nhất. Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa văn hóa và mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động tiêu cực làm suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống của một bộ phận trong xã hội. Khi tính Đảng được xuyên suốt trong giáo dục thẩm mỹ, sẽ tạo ra sức đề kháng của bộ đội trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, đồng thời xây dựng bản lĩnh vững vàng của người quân nhân cách mạng.

            1.2. Tính thực tiễn:

            Để hoạt động giáo dục thẩm mỹ đạt hiệu quả tốt, không rập khuôn, cứng nhắc, đòi hỏi tính thực tiễn của giáo dục thẩm mỹ phải phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, trình độ của đối tượng và không thể thiếu các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí,… Các hoạt động văn hóa quân đội ngoài những đặc tính chung của hoạt động văn hóa còn mang tính đặc thù của hoạt động trong môi trường quân sự, nghĩa là phải phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội và đơn vị. Tính thực tiễn và tính thẩm mỹ được gắn bó chặt chẽ trong các hoạt động nhất là hoạt động xây dựng đời sống văn hóa quân đội sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn, tạo động lực và các giá trị tốt đẹp trong các hoạt động của bộ đội.

            1.3. Tính sáng tạo:

            Trong giáo dục thẩm mỹ, tính sáng tạo luôn đóng vai trò quan trọng. Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa quân đội luôn cần đổi mới hình thức, nội dung phong phú, đa dạng và sinh động, tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ. Chỉ như vậy mới làm cho bộ đội nhiệt tình, hào hứng tìm hiểu và sáng tạo cái đẹp. Sáng tạo không những ở nội dung, hình thức mà còn ở cách thức, phương pháp hoạt động để đem lại đời sống tinh thần tươi vui, lành mạnh, tăng hiệu suất công tác, học tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ hạt nhân văn hóa văn nghệ, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, phát huy tốt tiềm năng sáng tạo của bộ đội.

            1.4. Xây dựng hệ thống giá trị thẩm mỹ đi đôi với việc đấu tranh với những hiện tượng lệch chuẩn, phi thẩm mỹ

            Đây là hai mặt có quan hệ chặt chẽ với nhau mà việc giáo dục thẩm mỹ phải chú trọng, không nên xem nhẹ mặt nào. Hệ thống giá trị thẩm mỹ cần tuyên truyền cho bộ đội về cái đẹp trong lao động, sản xuất, học tập, công tác và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với những các giá trị chân-thiện-mỹ. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam,những giá trị văn hóa quân sự cũng cần được tiến hành thường xuyên thông qua các hoạt động văn hóa. Khi tập thể và mỗi cán bộ, chiến sĩ đã định hình một cách vững chắc những chuẩn mực về cái đẹp, cái cao cả, cái hùng, giá trị đích thực của nghệ thuật,… thì sẽ tích cực đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, những sản phẩm văn hóa xấu, độc. Qua đó, tình cảm, thị hiếu và năng lực thẩm mỹ của bộ đội sẽ được nâng cao và phát triển phong phú.

2. Nội dung, hình thức giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội

            Trong xây dựng đời sống văn hóa ở đơn vị cơ sở, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần hết sức quan tâm tới việc tổ chức, hướng dẫn cho bộ bộ đội thưởng thức, sáng tạo các giá trị thẩm mỹ thông qua các hình thức hoạt động văn hóa khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể từng đơn vị.Việc bồi dưỡng, giáo dục thẩm mỹ cho bộ đội cần hướng vào các nội dung sau: Nâng cao năng lực, trình độ hưởng thụ đánh giá thẩm mỹ trong văn hóa, nghệ thuật và cuộc sống; nâng cao nhận thức về lý tưởng thẩm mỹ và quan điểm thẩm mỹ Mác - Lênin; nâng cao năng lực cảm xúc thẩm mỹ, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho bộ đội trong thưởng thức nghệ thuật, trong các quan hệ ứng xử giao tiếp... Tựu chung lại, giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội tập trung vào các hoạt động văn hóa sau:

2.1. Hoạt động giáo dục truyền thống:Toàn quân hiện nay có 26 bảo tàng thuộc diện quản lý của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Đó là Bảo tàng Lịch sử Quân sự do Tổng cục Chính trị quản lý và 25 bảo tàng của các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, cơ quan cấp tổng cục và tương đương; hàng trăm nhà truyền thống, phòng truyền thống ở các sư đoàn, trung đoàn, nhà trường, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố. Đó là các trung tâm lưu giữ hiện vật truyền thống của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và những chiến công trong lao động, công tác, xây dựng đất nước của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Ở các đơn vị cơ sở, công tác giáo dục truyền thống được tiến hành thường xuyên vào những đợt huấn luyện tân binh hay các đoàn học sinh, sinh viên đến tìm hiểu truyền thống đơn vị, các dịp đón đoàn khách đến tham quan và làm việc với đơn vị... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, quân đội, các đơn vị đã tổ chức dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc tại bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống của đơn vị mình. Lễ báo công và nhiều lễ phát động thi đua của đơn vị và các tổ chức đoàn thể cũng được tiến hành ở đó. Thông qua hoạt động học tập, tìm hiểu truyền thống, bộ đội được nâng cao hiểu biết về lịch sử hào hùng của dân tộc, quân đội và đơn vị,  đồng thời ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.

2.2. Hoạt động thư viện, phát hành sách, báo: Hoạt động này đem lại nguồn tri thức vô tận của nhân loại, giúp cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Bên cạnh thư viện phục vụ bạn đọc theo kiểu truyền thống, một số đơn vị đã triển khai thư viện số với việc ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tốt yêu cầu cập nhật thông tin của người đọc. “Hoạt động đọc sách báo và việc tổ chức đọc sách đã dần dần trở thành nề nếp, chế độ sinh hoạt ở các đơn vị cơ sở nhất là từ khi thực hiện Hướng dẫn số 759/TTVH của Tổng cục Chính trị về tổ chức hoạt động “Tủ sách Phòng Hồ Chí Minh” và “Hộp sách báo thao trường” trong các đơn vị quân đội”[3]. Các hoạt động đó có tác dụng tích cực trong việc giải trí lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội trong giờ nghỉ và trên thao trường, bãi tập. Có thể khẳng định thông qua sách báo và các hoạt động định hướng của thư viện đã góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cao đẹp, nhận thức cho bộ đội, chống lại ảnh hưởng và sự xâm nhập của văn hoá phẩm xấu độc.

2.3. Hoạt động văn nghệ quần chúng, giao lưu văn hóa: Là hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật mang tính nghiệp dư của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được tiến hành ở thiết chế văn hóa ba cấp trong quân đội gồm nhà văn hóa, câu lạc bộ, Phòng Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động luôn thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Các buổi sinh hoạt văn nghệ được tổ chức thường xuyên ở cấp phân đội. Cấp tiểu đoàn tổ chức liên hoan văn nghệ hàng quí và trong một năm tổ chức được từ một đến hai buổi liên hoan hoặc hội diễn văn nghệ quần chúng, có sự giao lưu của các đơn vị kết nghĩa. Cấp Sư đoàn hàng năm đều tổ chức một lần hội diễn văn nghệ quần chúng và thường xuyên tổ chức hoặc tham gia tích cực các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ với các đơn vị kết nghĩa. Đặc biệt, liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang, thanh niên, sinh viên được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức 5 năm một lần, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ toàn quân. Qua đó bồi dưỡng, động viên và phát huy khả năng biểu diễn, sáng tác nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ, tạo phong trào sâu rộng về sinh hoạt văn hóa, chính trị, tinh thần trong bộ đội và nhân dân. Những chương trình văn nghệ quần chúng của các đơn vị trong hội diễn, liên hoan văn nghệ toàn quân luôn đạt chất lượng cao về nội dung chính trị, chất lượng nghệ thuật cũng như phong cách biểu diễn. Nhiều đơn vị đã khai thác phát huy có hiệu quả giá trị, bản sắc văn hóa dân gian, dân tộc, vùng miền, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, hình ảnh người chiến sĩ quân đội thời kỳ mới…Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng tổ chức các lớp học tại chỗ về kẻ vẽ, múa hát, học nhạc, học đàn, vũ quốc tế... Có nơi đã đổi mới phương thức tổ chức liên hoan, hội diễn kết hợp giao lưu văn hóa, hoạt động của các tổ, đội văn nghệ tuyên truyền xung kích đạt kết quả tốt như Quân khu 5, Bộ đội Biên phòng. Ngoài các hoạt động văn hoá nêu trên, có những hoạt động văn hoá với những hình thức mới như: Thi vẻ đẹp quân nhân, thi ứng xử, thi hát ca khúc cách mạng, thi đôi nhảy đẹp và đặc biệt là hình thức tọa đàm, hái hoa dân chủ cũng được tổ chức tốt ở một số đơn vị.

2.4. Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (văn học, ca, múa, nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật,…): Nghệ thuật là biểu hiện cao nhất của sự nhận thức và phản ánh thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Trong việc giáo dục thẩm mỹ, hoạt động nghệ thuật là phương thức đặc trưng, cơ bản và thường xuyên nhất. Do đó, cần phải phát huy sức mạnh to lớn của nghệ thuật. Cáchoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí trong quân đội (từ năm 1998 đến nay, định kỳ tổng kết 5 năm/01 lần); hoạt động xét và trao thưởng sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (từ năm 2004 đến nay, định kỳ 5 năm/01 lần); cuộc vận động “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (từ năm 2008 đến nay, định kỳ sơ kết 02 năm /01 lần) đã quy tụ đông đảo cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên trong cả nước tham gia, tạo cao trào những đợt sinh hoạt văn hóa, chính trị tinh thần có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực, trực tiếp vào đời sống bộ đội, góp phần giáo dục mục tiêu lý tưởng, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, xây dựng niềm tin, bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân[4].

2.5. Hoạt động thông tin cổ động: Đây là dạng hoạt động diễn ra hàng ngày, đặc biệt là các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, quân đội và đơn vị, nhằm mục đích đưa những tin tức thời sự quan trọng phản ánh tình hình đất nước, quân đội và của đơn vị, những sáng tác thơ, văn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.Hoạt động này luôn được tiến hành thường xuyên với các hình thức như thông báo, báo cáo chính trị, kẻ vẽ bảng tin, panô, ápphích, tranh cổ động phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động chính trị. Các đơn vị quân đội luôn duy trì việc tổ chức nghe đài, đọc báo, xem truyền hình theo nền nếp, chế độ, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng và đáp ứng nhu cầu văn hoá của cán bộ, chiến sĩ, hướng mọi người suy nghĩ và hành động theo những giá trị tinh thần tốt đẹp một cách tự giác.

2.6. Hoạt động câu lạc bộ: Một số đơn vị đã hình thành câu lạc bộ với các nhóm văn học, nghệ thuật, mỹ thuật, thể thao,...trong đó câu lạc bộ những người ham thích các môn thể thao như bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng hoạt động có hiệu quả tốt. Tiềm năng sáng tạo văn học, văn hóa nghệ thuật của bộ đội rất dồi dào nhưở Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã in được tuyển tập thơ và ca khúc “Pháo ta bảo vệ Ba Đình”, tổ chức đêm thơ “Nhớ Bác”, mang lại những giờ phút thư giãn bổ ích và động viên cán bộ chiến sĩ tham gia tích cực sáng tác thơ, nhạc, văn học v.v...

2.7. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa, chính quy và chủ động trong việc đấu tranh chống ảnh hưởng của các loại sản phẩm văn hoá xấu độc, tệ nạn xã hội thâm nhập vào đơn vị: Trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo về xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh và phong phú của Tổng cục Chính trị, với phương châm cơ bản lấy xây để chống, lãnh đạo, chỉ huy nhiều đơn vị rất quan tâm và tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt việc xây dựng nếp sống văn hoá, chính quy trong đơn vị.Thông qua các hoạt động vận động tuyên truyền mọi người thực hiện nếp sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, phát động phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, xây dựng các cá nhân điển hình, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ chấp hành tốt điều lệnh, điều lệ của quân đội và thực hiện tốt lễ tiết, tác phong quân nhân. Bên cạnh đó, kiên quyết và triệt để thực hiện bài trừ mê tín dị đoan và ngăn chặn các tệ nạn xã hội, văn hoá không lành mạnh, đồng thời tích cực giáo dục lối sống đẹp cho cán bộ chiến sĩ. Đảng ủy, người chỉ huy, lãnh đạo các đơn vị đều tăng cường công tác giáo dục nhận thức, thường xuyên bồi dưỡng năng lực tự nhận thức, đánh giá, chủ động ngăn chặn các hiện tượng, các sản phẩm văn hoá xấu độc thẩm lậu vào đơn vị. Các đơn vị đều triển khai sâu rộng tới cán bộ, chiến sĩ các Nghị định 87/CP, Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 19/QP của Bộ Quốc phòng, Chỉ thị 29/CT của Bộ Chính trị, về phòng chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm, cờ bạc, hủ tục mê tín dị đoan, chấp hành nghiêm các quy định về việc tang, việc cưới và lễ hội. Hình thành được dư luận quần chúng trong đơn vị lên án các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội hoặc thói quen xấu. Phong trào không hút thuốc lá, không uống rượu bia say... đã trở thành nếp sinh hoạt phổ biến ở nhiều đơn vị. Qua đó, nhiều đơn vị đã hình thành phong trào tự giác xây dựng nếp sống lành mạnh, phong cách làm việc văn minh, giao tiếp ứng xửvăn hoá, đơn vị thực sự trở thành tổ ấm của cán bộ, chiến sĩ, thấm đượm tình cảm đồng chí, đồng đội, nơi gắn kết tập thể với mỗi cá nhân. Ở đấy, mọi hoạt động đều mang dấu ấn của những giá trị văn hoá, góp phần trực tiếp xây dựng bản lĩnh chính trị, tình cảm, trách nhiệm, tình thương yêu, tính kỷ luật và dân chủ trong tập thể.

Kết luận

Có thể khẳng định, hoạt động giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng đời sống văn hóa quân đội là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và làm cho cái đẹp tỏa sáng trong các hoạt động và phẩm chất đạo đức, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” từ chiều sâu của sức mạnh văn hóa. Các hoạt động văn hóa trong quân đội luôn góp phần quan trọng vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho bộ đội, giúp họ phát huy những phẩm chất, năng lực thẩm mỹ; tạo ra sức đề kháng, miễn dịch cho cán bộ, chiến sĩ trước sự xâm nhập, tác động, ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa độc hại, các tệ nạn tiêu cực xã hội. Hoạt động đó cần được phát huy, có định hướng, tổ chức sáng tạo để đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần xây dựng các đơn vị quân đội trở thành điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân./.

 

 

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia.
  2. Khoa Triết học-Học viện Chính trị Quân sự (1990), Những nguyên lý cơ bản của mỹ học Mác-Lênin, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
  3. Lưu Thị Phương Thảo (chủ biên) (2014), Nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở hiện nay, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
  4. Tổng cục Chính trị (2017), Báo cáo tổng kết 25 năm thực hiện Cuộc vận động  “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 1992 - 2017.

 


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII, Nxb CTQG, H. 1998, tr 40

[2]Khoa Triết học-Học viện chính trị Quân sự (1990), Những nguyên lý cơ bản của mỹ học Mác-Lênin, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr 185.

[3]Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Đại úy, ThS Lưu Thị Phương Thảo, chủ biên (2014), Nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở hiện nay, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr 86.

[4]Báo cáo “Tổng kết 25 năm thực hiện Cuộc vận động  “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (1992 - 2017)” của Tổng cục Chính trị.