Nội san

MỸ THUẬT TẠO HÌNH HIỆN ĐẠI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN

18 Tháng Ba 2021

                                      ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân

                                  Trường Đại học An Giang

 

     Tóm tắt: Những biến động lịch sử mỗi thời kỳ đã mang đến cho tranh  tượng dân gian Việt Nam một sắc thái mới. Tuy nhiên, làm sao để ngôn ngữ tạo hình vừa có tính dân tộc lại vừa mang tính thời đại? Hình tượng con người làm những công việc trong đời sống hiện thực, những hoạt động xã hội của thời đại được đưa vào tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hay điêu khắc đình làng… là một sáng tạo lớn trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam thời phong kiến. Làm thế nào để khai thác được sự sáng tạo đó, ứng dụng vào việc sáng tác sao cho phù hợp với những nhu cầu mới hiện nay?

     Trong nghiên cứu này, chúng làm rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ, kế thừa nền mỹ thuật truyền thống đồng thời phát huy những giá trị đó ở mức cao hơn sao cho phù hợp với thời đại.

     Từ khóa: tranh dân gian, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, điêu khắc đình làng, mỹ thuật truyền thống, mỹ thuật Việt Nam

MODERN FINE ARTS

A POINT VIEW FROM THE INHERITANCE AND DEVELOPMENT

 

 

 Abstract: The change of history in each period has made the Vietnamese traditional painting and statue a new look. However, how to make the figure language both nationally and presently? The image of people are doing the work in real life, the social activities of the time that have been imaintained in the folk paintings of Dong Ho, Hang Trong, or sculpture of a village common house... all of them reflect a great creation in Vietnamese art history in the feudatory time. So, how to exploit the creativity and apply them to match the new needs today suitably?

In this research, we will clarify the importance of preserving and inheriting traditional art while promoting those values ​​at a higher level in accordance with the present times.

Keywords: Folk paintings, Dong Ho paintings, Hang Trong paintings, village sculpture, traditional art and Vietnamese art

1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử mỹ thuật dân tộc, mỹ thuật truyền thống Việt Nam mang một dấu ấn riêng, đậm tính nhân văn, là nền tảng cho sự phát triển mỹ thuật hiện đại. Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc trong mỹ thuật tạo hình hiện đại là mảng đề tài cần nghiên cứu, với mục đích có thêm hiểu biết về mỹ thuật tạo hình truyền thống và ứng dụng vào những sáng tác của bản thân cho phù hợp. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu là điêu khắc đình làng thế kỷ XVI – XVII, các dòng tranh dân gian, chủ yếu là tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống và những tác phẩm hiện đại mang tính kế thừa truyền thống ấy.

     2. Đặc điểm của mỹ thuật tạo hình dân gian

Có thể nói, đặc điểm dễ thấy nhất của mỹ thuật dân gian là tính hồn nhiên, ngộ nghĩnh, cách diễn tả không gian mang tính ước lệ. Đơn cử như trong điêu khắc đình làng, hầu như không có tượng tròn, chỉ có phù điêu được chạm khắc với nét khỏe, mộc mạc, quan niệm không gian thoải mái, mang tính ngô nghê. Cách bố cục các mảng chạm khắc tùy hứng, gắn liền với kiến trúc, đề tài thể hiện phong phú gắn với cuộc sống thực tại.

Trong tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống các nhân vật cũng mang tính ước lệ, cấu trúc và tỷ lệ không đúng như giải phẩu cơ thể người. Đường nét trong tranh Đông Hồ có xu hướng cách điệu và trang trí hơn là tả thực. Các nghệ nhân chú trọng đến khả năng biểu đạt các động thái, tư thế để đạt tới cái thần của nhân vật. Điều này hoàn toàn khác với hội họa phương Tây, các nghệ nhân làm tranh không bị lệ thuộc vào luật xa gần, tỷ lệ mực thước… Họ vẽ những gì họ thấy, họ cảm nhận và vẽ theo quan niệm của họ.

     3. Nét độc đáo của mỹ thuật tạo hình dân gian

     Nét độc đáo trong tranh Đông Hồ là ngoài vẽ trên giấy điệp, một loại giấy đặc biệt chỉ duy nhất có ở Việt Nam thì đường nét và màu sắc… là những yếu tố mang tính đồ họa cao, “chúng ta có thể tìm ra những đặc trưng dân tộc thông qua những yếu tố tạo hình như đường nét, bố cục và mảng” [4, tr. 106].

Đường nét trong tranh Đông Hồ thiên về cách diễn tả nét to, đơn giản nhưng cô đọng, chắc khỏe, phù hợp với sự hồn hậu, chất phác và thẩm mỹ của người nông dân. Trong tranh Hàng Trống là sự kết hợp hài hòa giữa in nét và vẽ tay, màu sắc phong phú, trau chuốt, phù hợp với thị hiếu của người dân chốn kinh kỳ xưa.

Bố cục tranh diễn tả theo không gian ước lệ. Theo luật viễn cận của hội họa phương Tây thì nhân vật càng xa càng nhỏ, nhưng trong tranh dân gian Việt Nam thì nhân vật phía sau hay ở xa thì thường được xếp nằm phía trên, tiêu biểu như tranh “Đám cưới chuột” của dòng tranh Đông Hồ.

Trong nghệ thuật phương Đông, sự phân bố các mảng chính phụ, hình tượng to – nhỏ tùy thuộc vào yêu cầu nội dung, chức năng của tranh và địa vị của nhân vật. Nhân vật chính, quyền uy nhất thường đặt ở trung tâm tranh và tỷ lệ lớn nhất (tranh “Ngũ Hổ”, “Tam Tòa Thánh Mẫu” – Hàng Trống). Tuy nhiên, dù bố cục thế nào thì vẫn đạt nguyên tắc quan trọng đó là sự thuận mắt, hình ảnh chủ đạo trong tranh luôn được tập trung diễn tả trong tương quan giữa mảng chính, mảng phụ, mang tính gợi hơn là tả.

Đối với điêu khắc đình làng là thế kỷ XVI - XVII. Đây là những tác phẩm của những  nghệ nhân nông dân Bắc Bộ. Những tác phẩm như một câu chuyện kể về cuộc sống đời thường bình dị, bộc lộ cái cảm của bản thân về hiện thực với nét chạm khắc không trau chuốt, cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống.

Trên một mặt phẳng, tác giả tái hiện cùng một lúc nhiều hoạt cảnh của đời sống với không gian, thời gian khác nhau. Chẳng hạn như trang trí trên cốn đình Hương Canh (Vĩnh Phúc) có cảnh đi săn, quan cưỡi ngựa, cảnh đấu vật, người hái củi… Điều này thể hiện tính dân chủ và bình đẳng trong cộng đồng làng xã, một đặc điểm khá nổi bật của văn hóa làng.

Trong tác phẩm “Đánh cờ”, người nghệ nhân đã đưa hai điểm nhìn từ trên xuống và nhìn ngang, không nhân vật nào bị che khuất, các nhân vật không theo định luật xa gần, nhưng cách thể hiện gương mặt từng nhân vật mỗi người một cách thể hiện cảm xúc khác nhau, kẻ thắng cuộc mặt dương dương tự đắc, người thua thì mặt không vui, kẻ ngồi ngoài không chơi mà chỉ cho người khác chơi, bị một anh đang chơi cờ đạp cho một cái… Tất cả những thể hiện mang tính khái quát rất cao.

Description: http://mavantiengartist.files.wordpress.com/2011/08/tno_0264171c491c3a1nh-ce1bb9d-tc3a1c-phe1baa9m-c491ic3aau-khe1baafc-dc3a2n-gian-e1bb9f-c491c3acnh-nge1bb8dc-canh-vc4a9nh-phc3bac-cc3b3-te1bbab-the1babf-k.jpg?w=614

Đánh cờ, đình Ngọc Canh, Vĩnh Phúc

TTLTK [8]

Ngoài ra, những tác phẩm trong tranh dân gian hay chạm khắc đình làng còn giàu tính nhân bản, là bài ca về cuộc sống và con người. Tính trữ tình và biểu cảm tràn ngập trong những tác phẩm. Những cảnh sinh hoạt được phản ánh một cách bình dị nhưng không kém phần sinh động như: mẹ cho con bú, gánh con, uống rượu, chọi gà, chăn lợn, đấu vật, chăn trâu thổi sáo… Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã nhận định: “Cảnh vật tự nhiên mộc mạc, cuộc sống và những cuộc đấu tranh hàng ngày liền được biểu hiện với những hình thức giản dị, trực tiếp, vật và người trong đời sống bình thường được thể hiện trong nghệ thuật, lấn át những con vật thần thoại và những nhân vật có tính ước lệ cao” [1, tr. 3].

Trong tranh cũng như trong chạm khắc, các nghệ nhân tuy thể hiện với đường nét không điêu luyện nhưng tính biểu cảm và phản ánh hiện thực cuộc sống rất sinh động, đồng thời cũng mang tính giáo dục, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội đương thời.

4. Truyền thống tạo hình dân gian thể hiện qua các tác phẩm mỹ thuật hiện đại

Sự khai thác và phát huy truyền thống dân tộc trong tạo hình, trước tiên là đi tìm cái thần, cái hồn trong từng tác phẩm mà cha ông ta đã sáng tác. Đó là sự bao trùm, là tổng hòa những quan điểm, thái độ, nếp nghĩ và cách nhìn của cả một lớp người, một thời đại trước xã hội, thiên nhiên, trước cái đẹp… Khai thác truyền thống dân tộc là làm sống lại nghệ thuật tạo hình dân gian, không đơn thuần là phục chế mà trên cơ sở đó tạo ra được những tác phẩm mới phù hợp với xã hội hiện tại, cũng như góp phần làm đa dạng phong phú thêm nền mỹ thuật tạo hình của nước nhà.

Xem qua những bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, từ màu áo nâu, quần lụa đen đậm chất Việt, nhân cách Việt được chứng minh bằng sự kế thừa truyền thống dân tộc, chất nho học và sự hoài cổ trong Nguyễn Phan Chánh đã nhuốm màu cho các bộ nâu sồng đượm trên nền lụa. Vì vậy, dù học mỹ thuật hiện đại của nhà trường thuộc địa nhưng họa sĩ đã Việt hóa đúng như truyền thống cha ông ta xưa. Cái chất quê mùa của ông đã biến ông trở thành một trong những danh họa Việt Nam. Chính chất quê đó đã đi vào tranh lụa với “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao”, “Bữa cơm ngày mùa”… đã đưa tác phẩm và tên tuổi của ông vượt xa biên giới Việt Nam.

Trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng, ta sẽ nhận thấy rõ mối liên hệ với mỹ thuật truyền thống. Ví dụ như tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (sơn mài, 1963). Hình ảnh anh bộ đội vai u thịt bắp, hình ảnh một “người nông dân mặc áo lính”, về nghệ thuật, các chuyển động của hình dáng trong tranh mang phong cách của tranh Đông Hồ, đó là các mảng phẳng tạo chất bằng điệp đã được chuyển thể một cách tinh tế sang sơn mài truyền thống với kỹ thuật dát vàng, bạc.

Description: https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRSY7y8gbOM7nbNmq10rvKO3rJ5A6G6tD-wUFOGcvH4mEpwo6eBoQ

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (1963), Nguyễn Sáng, chất liệu sơn mài

TLTK [9]

Kế tiếp là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với tác phẩm “Thánh Gióng” và các bức “Điệu múa cổ”, đây là những tác phẩm nổi tiếng khiến nhiều nhà nghiên cứu tốn nhiều giấy mực bình phẩm về tinh thần Việt cổ được thể hiện trong tranh của ông. Với sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, ông đã tạo được phong cách nghệ thuật đặc biệt từ việc học tập mỹ thuật dân tộc, kết hợp vốn cổ với nét hiện đại. “Những phù điêu trong đình, chùa là nơi ông tiếp thu truyền thống và lấy cảm hứng sáng tạo” [3].

Description: http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2012/201/2012_201_T08_anh1.jpg

Thánh Gióng (1990), Nguyễn Tư Nghiêm, chất liệu sơn mài

TLTK [10]

Điệu múa cổ (1970), Nguyễn Tư Nghiêm, chất liệu sơn mài

TLTK [11]

Khi xem bức tượng “Người con gái Việt” của Vũ Cao Đàm, ta thấy sự giản lược tinh tế trong xử lý hình khối, cái mũi hếch, khối mắt có độ giản thiểu về chi tiết mà vẫn đầy đủ khối hình trong tổng thể, chứ không đặc tả theo hiện thực.

Người con gái Việt (Thiếu nữ cài lược), Vũ Cao Đàm, Bảo tàng Quai Branly - Paris 

TLTK [12]

Giá trị của mỹ thuật truyền thống vẫn hiện diện trong xã hội hiện đại ngày nay với một sắc thái mới thông qua cách thể hiện của các họa sĩ trẻ. Điển hình như họa sĩ 9x Nguyễn Xuân Lam – tác giả của bộ tranh “Vẽ lại tranh dân gian”, thông qua buổi trò chuyện với chủ đề “Tranh dân gian qua lăng kính của các nghệ sĩ trẻ” diễn ra chiều ngaỳ 7 – 1 – 2018 tại Hà Nội đã thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. Hay Trịnh Thu Trang – giảng viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội, người sáng lập dự án Họa sắc Việt – dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại. Tranh dân gian có tạo hình đẹp, đáng để xem nhưng do công nghệ in thô sơ làm cho khi in thiếu nhiều phần của bức tranh, màu sắc cũng chưa thật sự bắt mắt nên chưa níu được mắt người xem. Các họa sĩ đương đại đã thổi luồng sinh khí mới vào những dòng tranh dân gian nhằm đưa những tác phẩm đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Không dừng lại ở tính thẩm mỹ, điều làm nên nét độc đáo ở những tác phẩm chính là tính ứng dụng vào các sản phẩm gắn liền với cuộc sống thường nhật. Các bức tranh của Xuân Lam đã được đưa vào các thiết kế thời trang, bưu thiếp, phong bì lì xì... để chúng thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống đương đại, hay dự án Họa sắc Việt của Trịnh Thu Trang  đã được in thành sách chuyên ngành dành cho dân thiết kế mỹ thuật, đây là kho tư liệu các họa tiết tranh Hàng Trống được làm trẻ trung, hiện đại hơn. 

Tranh Gà và hoa cúc do Nguyễn Xuân Lam vẽ lại từ tranh dân gian Đông Hồ

TLTK [13]

Trước đây, tranh Hổ của dòng tranh Hàng Trống cũng được sử dụng vào những con tem không kém phần đặc sắc.

TLTK [14]

Khi nói đến sự đổi mới về ngôn ngữ và quan niệm nghệ thuật, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương cho rằng: “…các ảnh hưởng này trong nhiều trường hợp đã ánh xạ qua lối tư duy thị giác độc đáo và thẩm mỹ riêng biệt của một dân tộc chưa trải qua văn minh công nghiệp, mới chập chững bước vào đô thị hóa, vẫn còn cảm xúc gắn với làng mạc, thiên nhiên, và một đời sống văn hóa đậm chất dân gian và tín ngưỡng”, niềm tin vào tín ngưỡng vẫn còn hiện hữu, đây là một thế mạnh, là đặc trưng khó nhằm lẫn trong thời hội nhập [7].

Chính vì thế đã có rất nhiều họa sĩ kịp ghi dấu ấn của họ vào nền hội họa khu vực. Người nước ngoài đến Việt Nam không phải để mua tranh trừu tượng hay ấn tượng mà họ cần một dấu ấn Việt Nam. Dường như số đông họa sĩ đều thành công trên thị trường mỹ thuật bằng việc tìm về bản sắc dân tộc Việt, tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, ngây thơ nhưng không kém phần triết lý. Mọi giá trị của hiện đại cho dù có đi xa đến đâu thì cũng bắt nguồn từ truyền thống dân tộc.

5. Kết luận

Trong tất cả mọi lĩnh vực nghệ thuật nói chung và mỹ thuật tạo hình nói riêng, người nghệ sĩ cần phải luôn luôn tự làm mới mình để không gây cho người xem cảm giác nhàm chán và làm cho tác phẩm của mình phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, những nghệ sĩ tạo hình Việt Nam cũng như những sinh viên đang học mỹ thuật ngày nay cần biết khai thác, phát huy những vốn nghệ thuật tạo hình dân gian truyền thống một cách nghiêm túc, sáng tạo với thái độ trân trọng, vì đó là đó là nguồn cội để người khác nhận diện ra một dấu ấn Việt Nam, mang hồn sắc của một dân tộc, chứ không phải chỉ riêng một cá nhân nào.

                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung (1975), Việt Nam điêu khắc dân gian, Nxb Ngoại Văn, Hà Nội.

[2] Phạm Thị Chỉnh (2005), Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

[3] Trịnh Chu (23-6-2016), Tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, baolamdong.vn, http://baolamdong.vn/vhnt/201606/tranh-cua-danh-hoa-nguyen-tu-nghiem-2707706/

 [4] Nguyễn Thái Lai (2002), Làng tranh Đông Hồ, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

[5] Nguyễn Bá Vân – Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa, TP. HCM.

[6] Chu Quang Trứ (2000), Tìm hiểu làng nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

[7] Phạm Văn Tuyến (2014), “Ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống trong mỹ thuật hiện đại”, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, Nxb Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Số 357).

[8] http://mavantiengartist.wordpress.com/2011/08/24/dieu-kh%E1%BA%AFc-dinh-lang-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-tr%E1%BA%A7n-van-c%E1%BA%A9n/

[9] hcmufa.­edu.­vn/­tap-­chi/­thong-­tin-­my-­thuat-­so-­13-­14/­son-­ta-­-­-­son-­mai-­-­phat-­trien-­hay-­thut-­lui-­/­

[10] http://designs.vn/tin-tuc/danh-hoa-nguyen-tu-nghiem-khai-thac-di-den-tan-cung-truyen-thong-se-gap-hien-dai_216629.html#.XVa_pPkzbIU

[11] https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-buc-ve-noi-tieng-cua-danh-hoa-nguyen-tu-nghiem-1016590.tpo

[12]  http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/vu-cao-dam-nghe-thuat-tu-dong-sang-tay/

[13] https://laodong.vn/archived/9x-ve-lai-tranh-dan-gian-bang-cong-nghe-hien-dai-715373.ldo

[14]  https://mythuatms.com/hoc-ve-tranh-tho-ngu-ho-d1375.html