Nội san

Hình tượng con người trên kiến trúc đình làng Nghệ An (Trường hợp các đình làng Đông Viên, Hoành Sơn và Trung Cần)

01 Tháng Tư 2021

Uông Thị Mai Hương

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Tóm tắt

Trong điêu khắc trang trí trên kiến trúc đình làng ở Nghệ An các thế kỷ từ XVI- XVIII, hình tượng con người nổi lên như một điểm nhấn độc đáo, góp phần tạo nên giá trị của loại hình kiến trúc này. Các đề tài phong phú mang đậm tính dân gian, dân dã cho thấy đời sống và sinh hoạt của người dân đã có ảnh hưởng đến nghệ thuật trang trí kiến trúc và ngược lại, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc chính là tấm gương phản ánh cuộc sống của người xưa.

Từ khóa: Hình tượng con người, kiến trúc đình làng, Nghệ An, nghệ thuật trang trí

The image of people on the architecture of communal house  in Nghe An

(Case of communal houses: Dong Vien, Hoanh Son and Trung Can)

Summary

The decorative sculpture on the architecture of communal house  in Nghe An from XVI to XVIIIcenturies. The image of people has emerged as a unique highlight, create values of this type of architecture. Rich topics filled folklore features show that the life and activities of the people have influenced on architectural decorative art and vice versa, architecture and sculptural art reflect the life of ancients.

Keywords: The image of people, the architecture of communal house, Nghe An, decorative art.

Dẫn nhập

Hình tượng con người trong tạo hình nghệ thuật cổ ta đã bắt gặp rất nhiều, trên các thạp đồng, trống đồng thời tiền sử được chạm khắc miêu tả với nhiều hoạt cảnh giã gạo, đua thuyền, nhảy múa, vui chơi. Trên trang trí chạm khắc đình làng Việt ở các thế kỷ từ XVI, XVII và cho đến thế kỷ XVIII, trên các mảng chạm trang trí kiến trúc các ngôi đình xứ Nghệ như Hoành Sơn, Trung Cần, Đông Viên cũng thể hiện rất rõ nhiều hoạt cảnh phản ánh các nội dung tư tưởng từ sinh hoạt đời thường đến phong tục tín ngưỡng, đề cao yếu tố Nho học thông qua việc đăng khoa, quan, dân... Toàn bộ các đề tài, chủ đề trên các mảng chạm là một hệ thống chủ đề “tứ dân” trong làng, không tách bạch, phân biệt thứ hạng: sỹ - nông - công- thương; quan - dân, giàu - nghèo, có học - thất học v.v. ... không sơ đồ cứng nhắc như canh - tiều - ngư - mục kiểu Trung Hoa... Đó chính là những đặc điểm đề tài trong chạm khắc ở các ngôi đình làng thuộc vùng ven sông Lam có niên đại thế kỷ XVIII. Trong kiến trúc thế kỷ XVIII, hình tượng con người được tạo hình có tính thiêng hóa thần tiên, tính khái quát đã bị hạn chế và ít chú ý đến tả thực hơn, đồng thời chú ý nhiều đến các tích truyện của Trung Hoa như những tình tiết của Tây Du Ký, Đông Chu Liệt Quốc, Tam quốc chí hoặc theo một số huyền thoại/tích Việt Nam. Từ luận điểm này có thể nhận thấy trên kiến trúc đình làng Hoành Sơn, Trung Cần, Đông Viên có một số mảng chạm về hình tượng con người gắn với các tích truyện như: Lã vọng câu cá, Kim bảng toàn trúng, chèo thuyền, chơi cờ, đu tiên, thậm chí là cảnh sỹ, nông, công, thương chỉ tới những ngành nghề trong xã hội đương thời. Như thế, hình tượng con người trên kiến trúc đình thế kỷ XVIII ở vùng ven đã gắn bó với nhiều mảng đề tài mang bóng hình con người. Điều đó khiến cho các nghệ nhân tạo tác không còn là sự trình diễn liệt kê, kể lể như những mảng chạm ở các thế kỷ trước, thay vào đó họ đã chú trọng tìm kiếm những khoảng bố cục hợp lí, có giá trị lớn về nghệ thuật được thể hiện trên các mảng cốn rộng hình chữ nhật, đường xà có kích thước to, rộng để tạo nên những tác phẩm có nội dung chủ đề mang các tích chuyện đó. Tất cả được chạm khắc, che phủ trên bề mặt các diện của kết cấu kiến trúc của đình, làm cho ngôi đình trở nên phong phú, ẩn hiện sự linh thiêng huyền nhiệm.

Hình tượng con người trong nghệ thuật trang trí đình làng ở Nghệ An

Có thể nói, mỗi ngôi đình làng như một cuốn sử kí bằng hình tượng về mảnh đất và con người xứ Nghệ miền Trung luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hóa Lam Hồng. Nơi sinh thành những người uyên thông nổi tiếng, học cao đỗ đạt Theo tài liệu điền dã, gia đình Thám Hoa Nguyễn Đức Đạt của mảnh đất này đã có 6 người thi đỗ trong khoảng thời gian không dài, những năm 1884-1912. Đó là một trong các lý giải cho sự hiện diện của một công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc đặc sắc mang nhiều ý nghĩa gắn liền với những tư tưởng, khát vọng, cầu mong của người dân vùng ven núi ven sông Lam trong ngôi đình này, đặc biệt ở chủ đề về lao động sản xuất (sĩ, nông, công, thương). Bên cạnh đó là một loạt các chủ đề như: Chủ đề về giáo dục truyền thống vinh quy bái tổ - khoa bảng làng xã: (Vinh quy bái tổ, Năm con cùng đỗ một khoa); Chủ đề điển tích Trung Hoa cổ đại, tiêu biểu có thể kể đến điển tích Thành Thang, Y Doãn - vua Thành Thang Trung Quốc ba lần đến mời Y Doãn, một hiền tướng của nhà Thương đang ở ẩn; hay điển tích Văn Vương lã vọng (còn gọi là điển tích Lã Vọng câu cá - Văn Vương nghinh Thái Công) được thể hiện trên các vị trí trung tâm của các gian đình Trung Cần như một bài học răn dạy con người luôn có đức, có tài, có tính kiên nhẫn thì mới làm được việc lớn, v.v... ; tất cả những chủ đề tích truyện cũng hàm ý chỉ về vùng đất Nghệ có truyền thống hiếu học từ lâu đời.

Nghệ thuật trang trí điêu khắc đình làng của người Việt là một loại hình nghệ thuật truyền thống mà tự bản thân nó ít nhiều đã chứa đựng sự hoàn chỉnh. Bởi vì trên mỗi kiến trúc ngôi đình đều có thể tách ra, trong đó chứa đựng đặc trưng về kiến trúc cũng như quan niệm về triết lý ngôi đình. Những mô típ trang trí điêu khắc đình làng là những biểu hiện nghệ thuật xa xưa truyền thống, đôi khi nó còn được sản sinh từ những câu chuyện, tích truyện hay truyền thuyết về tôn giáo có xuất phát điểm từ các giáo lí của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo - là những tôn giáo vốn được người Việt ở các khu vực Bắc Trung Bộ vốn rất tôn sùng. Nói cách khác, những hình tượng trong trang trí điêu khắc trên kiến trúc đình làng ở cả ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII đều được sản sinh trong không khí tín ngưỡng và niềm tin vô bờ bến của con người đương thời.

Sự tiếp nhận văn hóa Ấn, đặc biệt là đạo Phật trên tinh thần là hỗn dung tôn giáo của mảnh đất miền Trung xứ Nghệ đã khoác cho các hình tượng chạm khắc những tư tưởng giáo lí, tín ngưỡng và đem lại ý nghĩa về thực tế cuộc sống của người dân nơi này. Chúng ta còn có thể thấy rất nhiều chạm khắc khác như: những hình tượng hổ phù trên các ngôi đình làng được thao diễn dưới nhiều dạng khác nhau: hổ phù oẹ ra chữ Thọ hay oẹ ra mặt trăng, đó là biểu tượng cầu được mùa. Hay, những vân xoắn được gắn với lá cúc, đây là hiện tượng thiêng hoá lá cúc, bởi có nhiều trường hợp hoa cúc là biểu tượng của mặt trời, hoặc tinh tú, khi kết hợp với lá cúc và vân xoắn, chúng tạo nên hình tượng nguồn sáng cùng những tia sáng, giúp thiêng hoá cả không gian ngôi đình làng. Phật giáo đã tiếp xúc với tín ngưỡng bản địa của dân tộc và cùng chung sống, từ các hiện tượng thờ tín ngưỡng tự nhiên, thờ nữ thần nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực bản địa, người Việt đã thâu tóm những yếu tố của đạo Phật và tạo nên một dòng Phật giáo dân gian như trên các mảng chạm ở các ngôi đình làng Nghệ thể hiện. Phải chăng, tư tưởng tiếp biến văn hoá cũng được vận dụng triệt để ở những ngôi đình Nghệ An.Việc thờ Tứ pháp là chứng tích cho sự kết hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thuỷ ở Việt Nam được thể hiện trên những biểu tượng mây, sấm, chớp... Điều đó đã chứng tỏ rằng hệ thống kiến trúc, nghệ thuật tạo hình chạm khắc trên các công trình đình làng Nghệ An vẫn khoác trên mình một tấm áo đặc sắc của hệ tư tưởng văn hóa tôn giáo Phật, Nho, Lão.

Hình tượng “Ông Khổng Tử vào đình đất Nghệ” - ông tổ của Nho học cũng có thể được coi là Thành hoàng làng và phải chăng vì hoàn cảnh lịch sử trên miền đất xứ Nghệ xưa, người dân Nghệ An vẫn luôn đề cao sự học hành; các cụ vẫn thường nói:Đất Nghệ - đất Khổng Nho”, điều đó đã nói lên những quan niệm chuẩn mực trong đạo đức và lối sống của người dân nơi đây, đó là tam cương, ngũ thường, mà trong đó nổi bật là tư tưởng trung với vua - vua được xếp lên hàng đầu tột đỉnh của thang giá trị được thể hiện trên bức diềm cửa võng bằng gỗ được khắc chạm tỉ mỉ dòng chữ Hán, dịch nghĩa: “Hoàng thượng vạn vạn tuế”. Từ thực tế xã hội đó đã tạo lên một loại hình nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc của các ngôi đình làng, từ chạm khắc này ít nhiều người ta tìm hiểu được về thực tế xã hội đương thời, để tạm thấy rằng loại hình nghệ thuật này không phải cái rập khuôn mà nghệ thuật là một loại hình tạo hình mỹ thuật độc bản có giá trị nghệ thuật và có các nội dung nhằm phản ánh lịch sử xã hội của thời kỳ sản sinh ra nó.

Đặc trưng lớn nhất của trang trí kiến trúc trên các ngôi đìnhở Nghệ An thế kỷ XVIII là mảng đề tài về hình tượng con người trong cảnh sinh hoạt đời thường xuất hiện rất phổ biến. Ở mỗi chủ đề về hình tượng con người là một câu chuyện riêng về cuộc sống, tất cả đều rất sống động do những nội dung phản ánh được gắn với sinh hoạt đời thường và chúng đều toát lên niềm lạc quan yêu đời, rất gần gũi với cuộc sống hiện thực và mang đậm tính dân dã. Tiêu biểu có thể kể đến:

* Chủ đề về trò chơi dân gian giải trí: đua thuyền trên sông Lam, đánh cờ, uống rượu, chơi đu/đu tiên, múa hát, đấu võ, bắn cung,… trong bối cảnh đất nước thanh bình. Đua thuyền hay chèo thuyền là chủ đề vốn rất quen thuộc, gần gũi xuất hiện hầu hết trên các kiến trúc đình làng Việt ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Miền Trung xứ Nghệ, chúng ta nhận thấy trên hầu hết ở các công trình kiến trúc vùng ven sông Lam, trên các cấu kiện trang trí được khắc họa hình tượng thuyền rồng trong một bố cục có kích thước rất lớn; Một đặc điểm khác, về nghệ thuật tạo tác ở đình làng Hoành Sơn có nhiều mảng chạm, nhất là những cảnh chèo thuyền hay những mảng chạm có chứa nhiều yếu tố dân gian dân dã thì chúng ta có thể thấy những con thuyền mà người chèo thuyền không còn ở đấy nữa song dấu tích (hình bóng) của họ vẫn còn in hằn trên ván. Như vậy, chúng ta có thể hiểu cái ván ấy và cả con thuyền đã được chạm ở bên ngoài rồi gắn vào cái nền đã được chọn sẵn của ngôi đình. Hình ảnh những con thuyền xuôi ngược vốn rất phổ biến ở những ngôi đình khác của xứ Bắc như đình Hoàng Xá (Vân Đình, Hà Đông) hay ở chùa Tự Khoát, Thanh Trì, Hà Nội, hoặc ở rất nhiều di tích khác. Điều đó nói lên những con thuyền xuôi ngược đã “chở” nghệ thuật của các vùng hội tụ lại ở đây, hay nói cách khác, thương mại chính là mạch máu của đất nước đã tạo nên sự thống nhất của cả cộng đồng. Và cũng trên cốn gỗ đình Hoành Sơn - lại được chạm cảnh chèo thuyền với kích thước lớn hơn rất nhiều so với các bức chạm thời trước nó, thuyền được chạm hình rồng cong cong ở hai đầu. Cách chia cột buồm và sự phân tầng làm cho kết cấu của thuyền chứa những người ngồi có vẻ như phức tạp và cầu kỳ hơn trước. Các lớp lang và phân chia tầng theo bố cục: tầng dưới năm người lái chính, hai đầu có hai người giơ tay như ra hiệu, thúc giục, tầng trên là những cột buồm, cờ tung bay trong gió, cũng ở hai đầu có hai người ngồi trong tư thế hưởng thụ, ngắm cảnh. Bên cạnh đó ta còn nhìn thấy trên xà nách của đền Tam Lang - Hà Tĩnh - cũng thế kỷ XVIII được chạm một chiếc thuyền rộng kiểu hình rồng với năm người lái chính, đường lượn nhịp nhàng của sóng nước như thế cân bằng đưa thuyền trôi trên mặt nước. Kỹ thuật chạm có khác hơn so với thời kỳ trước, đó là sự tạo khối cứng, khỏe và mạnh bạo. Phải chăng đây là sự chuyển tiếp từ phong cách chạm khắc hồn nhiên, ngây thơ, dí dỏm của thế kỷ XVI - XVII ở miền Bắc sang lối chạm khắc hình thức cầu kỳ, chau chuốt trên kiến trúc gỗ thế kỷ XVIII mà rất rõ trên các ngôi đình Nghệ. Hoặc trên chính giữa xà hạ đền Lê Khôi (Hà Tĩnh) hiện ra hai vị tiên hiền ngồi chơi cờ xung quanh có nhiều mây uốn lượn bao quanh, vệt sáng chiếu thẳng từ nóc đền làm tăng thêm sự huyền nhiệm, bí hiểm như giao hòa giữa trời mây nơi vùng đảo mênh mông. Thống nhất cùng chủ đề, bố cục hay phong cách chạm khắc mạch lạc dứt khoát của thế kỷ XVIII để thấy rằng cách trang trí hình thức sắp đặt các nội dung chủ đề, bố cục có sự tương đồng.Phải chăng đây cũng là bước chuyển từ kỹ thuật chạm nhiều lớp ở thế kỷ XVI, XVII mà sang thế kỷ XVIII, nghệ thuật đình làng đã phát triển ở khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ở miền Bắc từ mảng chạm chèo thuyền hay đấu vật đình Phù Lưu (Bắc Ninh), Phong Cốc (Quảng Ninh),.. ở thế kỷ XVII cũng đã có kiểu bố cục mang tính kết hợp nhiều hoạt cảnh trong cùng một bố cục nhưng chúng ta thấy trên các mảng chạm khắc ở đình làng Nghệ như Hoành Sơn, Trung Cần, Đông Viên không những trong cùng một không gian bố cục có nhiều đề tài mà còn là sự phổ biến về cách khắc chữ trên các hình chạm của mỗi chủ đề.

*  Hoạt cảnh Đánh cờ

Đánh cờ là một trò chơi giải trí của con người mang tính trí tuệ, là một dạng hoạt động văn hóa có từ lâu. Trên các vị trí ván nong của các đình làng Đông Viên, Hoành Sơn, Trung Cần có xuất hiện các bức chạm đánh cờ với các bố cục khá hoàn thiện. Bức chạm Đánh cờ ở đình làng Hoành Sơn còn được gọi là Khúc ca thái bình; đình làng Trung Cần có bức chạm Đế Thích chơi cờ được chạm trên một bộ ván nong vì kèo của gian đình với hình tượng một mâm, hai người đang ngồi uống và nhóm trung tâm bố cục là một bàn cờ, hai người ngồi đánh, hai bên có hai câu đối được sắp xếp tạo điểm nhấn cho bố cục mang tính ước lệ trong không gian đó là “Hồ Trung Nhật Nguyệt Trường - Cục Ngoại Càn Khôn Tiểu” dịch nghĩa: “Ngồi vào bàn cờ trời đất cũng nhỏ - Ngồi vào bàn rượu ngày tháng dài ra”. Có lẽ từ hai bức chạm của hai di tích thuộc khu vực Bắc Trung bộ này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cách xây dựng bố cục có thay đổi với hai thế kỷ trước, đó là sự mở rộng về chu vi bức chạm, cách đan xen vào hình tượng con người và nghệ thuật khắc chữ ở các bức Đánh cờ như ở đình làng Hoành Sơn, Đông Viên, và Trung Cần đã tạo nên một nét đặc sắc của lối tạo hình mỹ thuật dân gian thế kỷ XVIII được phát triển rực rỡ trong nhiều hình thức tạo hình như chạm khắc dân gian truyền thống trên kiến trúc và tranh khắc gỗ dân gian của Việt Nam từ những thế kỷ trước. Ngoài ra, còn thấy với những cách tạo hình này được chạm trên kiến trúc đền Lê Khôi (Hà Tĩnh). Đây là một di tích nằm ở vùng biển đảo cũng có nhiều mảng chạm đẹp mang niên đại thế kỷ XVIII, đánh dấu sự di chuyển về địa giới và phong cách chạm khắc trên gỗ. Bức chạm này còn được gọi là Đế Thích chơi cờ, trên chính giữa xà hạ hiện ra hai vị tiên hiền ngồi chơi cờ xung quanh có nhiều mây uốn lượn bao quanh, vệt sáng chiếu thẳng từ nóc đền làm tăng thêm sự huyền nhiệm, bí hiểm như giao hòa giữa trời mây nơi vùng đảo mênh mông của mảnh đất Bắc miền Trung. Điều này phần nào cho thấy sự thống nhất về phong cách chạm khắc mạch lạc, dứt khoát trên các ngôi đình xứ Nghệ thế kỷ XVIII.

Lời kết

Nhìn chung, trang trí kiến trúc các bức tranh chạm khắc đã gợi lên những cảnh quan làng xã xa xưa; đã để lại cho đến ngày nay như một thông điệp về những giá mỹ thuật Nghệ An và cũng chĩnh là biểu trưng cho các ngôi làng có nền văn hóa văn minh vừa cổ kính vừa dân dã, gần gũi và thân thiết. Các bức tranh được bày trí hài hòa trong không gian của ngôi đình, đường nét điêu luyện, ý cảnh, thần sắc vừa thực vừa ảo tạo nên cả không gian thiêng cho ngôi đình làng xứ Nghệ.

Với những đặc trưng như vậy, nghệ thuật chạm khắc trang trí trên kiến trúc đình làng Nghệ vừa mang đậm tính nhân văn, tính cộng đồng và dân chủ. Hơi thở của cuộc sống làng quê cũng được phản ánh rõ nét. Với khả năng tư duy sáng tạo của nghệ nhân mà hình tượng con người được thể hiện theo nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Nhưng dù được chạm khắc theo nội dung gì và thể hiện dưới hình thức nào thì những bức chạm con người ở đình làng cũng được các nghệ nhân thể hiện rất gần gũi với đời sống cộng đồng làng; thấm đượm tư tưởng nhân ái, lòng lạc quan yêu đời một bản chất của người dân Việt.

           

                           Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Lan Anh (2002), “Đình Văn Khê - Ngôi đình thế kỷ XVIII”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.442.
  2. Phương Anh (1969), “Con người Việt Nam trong nghệ thuật tạo hình xưa”, Tạp chí Mỹ thuật, số 5, tr.71-75.
  3. M. Bernanoss (1979), Nghệ thuật trang trí ở Bắc kỳ, Tư liệu dịch từ tiếng Pháp, Nhà in Viễn Đông Hà Nội.
  4. Trần Lâm Biền (1980), Di tích đình Hoành Sơn - đền Rậm, Báo cáo khảo sát điền dã tại Nghệ Tĩnh, Tư liệu Viện Mỹ thuật, Hà Nội.
  5. Trần Lâm Biền (1993), Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  6. Trần Lâm Biền (2013), Đình làng Việt (Đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  7. Nguyễn Du Chi (1984), “Chất dân gian trong chạm khắc thế kỷ XVI – XVIII”, Tham luận Hội nghị Nghệ thuật tạo hình dân gian, Viện Văn hóa dân gian tổ chức.
  8. Nguyễn Du Chi (1995), “Địa chí Văn hóa Dân gian Nghệ Tĩnh”, trong Nghệ thuật dân gian, Nxb Nghệ An, Nghệ An.
  9. Nguyễn Văn Cương (2000) “Về yếu tố đặc sắc của đình làng Bắc Bộ”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 7, tr.39-44.
  10.  Nguyễn Văn Cương (2006), Mỹ thuật đình làng đồng bằng Bắc bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.