Nội san

DẠY HỌC TỰ PHÁT HIỆN - PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRONG MÔN ÂM NHẠC Ở PHỔ THÔNG

09 Tháng Tư 2021

                  PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai

           Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

TÓM TẮT:

Có nhiều phương pháp dạy học (PPDH) phát triển năng lực như: giải quyết vấn đề, tự phát hiện (TPH), dạy học kiến tạo, dạy học theo dự án, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm, dạy học theo góc, theo hợp đồng, dạy học hợp tác, thông qua trò chơi… Dạy học tự phát hiện là một trong những phương pháp của dạy học tích cực, dạy học phát triển năng lực người học, có thể áp dụng tốt trong dạy học môn Âm nhạc ở phổ thông.

Từ khóa: Dạy học tự phát hiện; dạy học phát triển năng lực; phương pháp dạy học, môn Âm nhạc.

 

ABSTRACT:

There are many methodes of teaching and developing competencies such as problem solving, self-discovery, tectonie teaching, project-base teaching experiential teaching, corner-based and contract-basd teaching. Cooperative teaching, through games… Self-discovery teaching is one of methods of active teaching, teaching to develop learners’ capacity, wich can be applied whell in teaching Music in high school.

Keywords: Self-discovery teaching; teaching method; music subject

 

Đặt vấn đề

Hiện nay, toàn ngành giáo dục đang khẩn trương thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chương trình phổ thông tổng thể đã được ban hành năm 2017 và các chương trình chi tiết bộ môn ban hành năm 2018, bắt đầu thực hiện theo sách giáo khoa mới cho lớp 1 từ năm học 2019 - 2020. 

Dạy học phát triển năng lực được hiểu là một mô hình giáo dục, lấy mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học là mục tiêu cốt lõi và đi kèm theo đó là sự đổi mới về nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK), hình thức tổ chức, phương pháp dạy học (PPDH)...

            Khác với xu thế truyền thống là dạy học theo hướng trang bị kiến thức, lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ để đánh giá kết quả, dạy học phát triển năng lực lấy chuẩn năng lực người học với các kết quả, yêu cầu cụ thể hay qua hệ thống các năng lực (Competency) là thước đo đầu ra. Vì thế, dạy học phát triển năng lực tạo điều kiện cho người học được chủ động chiếm lĩnh kiến thức, phát huy tối đa năng lực sáng tạo và năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Nội dung

Bản chất của dạy học phát triển năng lực là dạy học tích cực, hướng vào người học. PPDH phát triển năng lực là PPDH mới mà dạy học hiện đại chú trọng. Có nhiều PPDH phát triển năng lực như: Giải quyết vấn đề, tự phát hiện, dạy học kiến tạo, dạy học theo dự án, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm, dạy học theo góc, theo hợp đồng, dạy học hợp tác, thông qua trò chơi… Trong môn Âm nhạc ở phổ thông hiện hành, sử dụng  dạy học tự phát hiện là một trong những hình thức của PPDH theo phát triển năng lực và có ý nghĩa to lớn đối với các phân môn Âm nhạc trong chương trình phổ thông.

1. Lý luận về phương pháp

Dạy học tự phát hiện là một trong những phương pháp của dạy học tích cực, dạy học phát triển năng lực người học.

Dạy học tự phát hiện là PPDH mà giáo viên (GV) hướng cho người học có khả năng tự phát hiện ra vấn đề và có thể tự giải quyết vấn đề. Đây là PPDH của lý thuyết kiến tạo, phát huy tối đa khả năng tự giác, tích cực, chủ động sáng tạo của người học. Thông qua dạy học tự phát hiện, học sinh (HS) phát triển năng lực chủ động, sáng tạo.

 Đặc điểm dạy học tự phát hiện

Đặc điểm cơ bản của dạy học tự phát hiện là GV phải đưa HS vào tình huống biết tự phát hiện và giải quyết vấn đề, qua đó, HS chiếm lĩnh tri thức.

 PPDH tự phát hiện tạo ra cách thức thu hút người học tham gia vào các hoạt động khoa học/hoạt động nhận thức nhằm giúp các em hiểu các khái niệm và nguyên lý mới. “Trong các hoạt động như vậy, học sinh sẽ tham gia vào quá trình quan sát, đo đạc, suy luận, dự đoán và phân loại. Sản phẩm của quá trình nhận thức (kết quả học tập của học sinh) mới đích thực là của chủ thể học sinh” [5; 15].

PPDH tự phát hiện đòi hỏi ở HS sự độc lập, tích cực suy nghĩ. HS tự phát hiện ra vấn đề cần giải quyết có thể không cần sự gợi ý hoặc qua sự gợi ý của GV. Tuy vậy, nhìn chung GV vẫn cần phải biết cách để đưa HS vào tình huống tự phát hiện. Các thí nghiệm, hoạt động khoa học, các dự án trong học tập đều cần sự hướng dẫn đưa ra ý tưởng hoặc gợi ý tình huống tự phát hiện của GV.

Tình huống đưa HS vào tự phát hiện có thể không cụ thể, có sự trừu tượng nhất định, đòi hỏi HS phải vận động tư duy trí não. Chẳng hạn, với môn Âm nhạc ở phổ thông, tình huống được đặt ra khi học xong một bài hát/Tập đọc nhạc/Thường thức âm nhạc là: “Em phát hiện điều gì cần chú ý nhất trong bài hôm nay?”. Tình huống được đặt ra không cụ thể, khá trừu tượng, chỉ được gợi ý bởi cụm từ “điều gì cần chú ý nhất”. Mục tiêu của vấn đề đặt ra là HS tự tìm được nội dung trọng tâm hay kiến thức/kỹ năng trọng tâm của bài. Như vậy, chắc chắn sẽ có rất nhiều phương án trả lời. Những HS có năng lực tự phát hiện tốt sẽ đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt, thông qua tự phát hiện, tự giải quyết vấn đề, HS nâng cao năng lực tự học.  

Trong dạy học tự phát hiện có thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau: PPDH theo dự án, trải nghiệm; theo nhóm, thảo luận, thí nghiệm, vấn đáp; sử dụng các kỹ thuật đặt câu hỏi, sơ đồ tư duy, khăn phủ bàn, mảnh ghép, KWL (K: Known - những điều đã biết; W: Want to know: những điều muốn biết; L: Learned - những điều đã học được)…

Dạy học tự phát hiện không nhất thiết là HS tự lực giải quyết tất cả vấn đề được phát hiện mà có thể tham gia từng phần. Có nhiều mức độ của PPDH tự phát hiện:

Về mức độ phát hiện có thể chia 2 mức: Mức độ HS phát hiện một phần vấn đề; Mức độ HS độc lập tự phát hiện toàn bộ vấn đề.

Về vấn đề được phát hiện cũng ở nhiều mức độ: Vấn đề được phát hiện mà cá nhân có thể tự giải quyết hoặc giải quyết bằng thảo luận nhóm, vấn đáp trao đổi trong phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Chẳng hạn câu hỏi “Em phát hiện điều gì cần chú ý nhất trong bài hôm nay?” là một dạng của mức độ này; Vấn đề được phát hiện mà có thể giải quyết như một dự án, thí nghiệm, hoạt động khoa học và cần thiết có khảo sát, kiểm chứng. Mức độ này đòi hỏi cao hơn, cần nhiều thời gian để giải quyết hơn và có thể có nhiều HS cùng tham gia.

 Các bước trong PPDH tự phát hiện

Dạy học tự phát hiện thường có 4 bước: (1) GV tạo tình huống để HS tự phát hiện; (2) HS tự phát hiện vấn đề; (3) HS lập kế hoạch giải quyết (tìm phương án giải quyết); (4) HS thực hiện kế hoạch (giải quyết vấn đề).

Các bước này có thể linh hoạt tùy từng tình huống vấn đề được phát hiện mà có đủ 4 bước hay không.

 Ưu điểm và hạn chế của PPDH tự phát hiện:

Ưu điểm: Tạo điều kiện cho HS phát huy tính tích cực chủ động; hình thành ở HS phẩm chất nhạy bén, linh hoạt; góp phần phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng được hình thành một cách vững chắc, sâu sắc; nâng cao năng lực tự học; góp phần bồi dưỡng HS giỏi; hình thành năng lực cơ bản, rất cần thiết trong cuộc sống sau này: Năng lực sáng tạo, tự học là mục tiêu mà dạy học phát triển năng lực hướng tới.

Hạn chế: GV phải đầu tư nhiều thời gian chuẩn bị; thao tác thực hiện cho dạy học tự phát hiện cần sử dụng nhiều PPDH và kỹ thuật dạy học khác nên tốn khá nhiều thời gian trên lớp; không phải tất cả HS đều đáp ứng tốt PPDH này; kết quả không cao nếu thiếu điều kiện về trang thiết bị dạy học.

Nắm được ưu điểm và hạn chế của PPDH tự phát hiện để tìm cách phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm, tìm ra những cách thức mang tính vừa sức cho đối tượng HS cũng như phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Mặt khác, GV cần biết khắc phục khó khăn, cùng huy động HS tự tạo ra phương tiện/dụng cụ dạy học cho các nội dung cần PPDH tự phát hiện như dụng cụ thí nghiệm, đo đạc…; với môn Âm nhạc ở phổ thông có thể là trang phục tự tạo, các hình trang trí tự tạo, nhạc cụ bằng mô hình, nhạc cụ gõ tự chế… 

2. Cách thức thực hiện dạy học tự phát hiện đối với môn Âm nhạc ở phổ thông

Trong dạy học các phân môn Âm nhạc ở phổ thông như Hát, Nhạc lý, Tập đọc nhạc, Thường thức âm nhạc... đều có thể sử dụng PPDH tự phát hiện. Đây là phương pháp khó, nhất là đối với học âm nhạc không chuyên nghiệp, các nội dung mang tính sáng tạo đối với HS phổ thông không thể yêu cầu quá cao. Tuy nhiên, ở mức độ phù hợp với HS phổ thông vẫn có thể có nhiều vấn đề, tình huống để HS tự phát hiện, kể cả đối với HS năng khiếu kém hay tư duy hạn chế. 

Dạy học tự phát hiện cần có những cách thực hiện cụ thể là lựa chọn nội dung sử dụng phương pháp tự phát hiện và hướng dẫn HS giải quyết vấn đề được phát hiện.

Lựa chọn nội dung sử dụng phương pháp tự phát hiện nghĩa là tìm ra tình huống có vấn đề để HS tự phát hiện. Việc tạo ra các tình huống cần dựa vào mục tiêu yêu cầu của bài dạy, của nội dung từng phần cần đạt tới… Tất cả những tình huống được lựa chọn cần có những cấp độ, mức độ khác nhau. Đặc biệt, làm sao phải đạt tới mục tiêu HS có thể sáng tạo, nâng cao khả năng tự học.

Hướng dẫn HS giải quyết vấn đề được phát hiện là hết sức cần thiết bởi người thầy chính là người tổ chức, dẫn dắt chỉ đạo quá trình dạy học. Sau đây là một số nội dung cụ thể về cách thức lựa chọn nội dung có vấn đề và hướng dẫn khi sử dụng PPDH tự phát hiện trong các phân môn Âm nhạc. Ở mức độ không quá khó, việc lựa chọn nội dung có vấn đề trong bài có thể ở dạng phát hiện kiến thức mới bằng cách so sánh giữa kiến thức mới với kiến thức cũ; phát hiện những điểm khác thường so với quy luật bình thường… Ở mức độ khó, có thể đưa ra vấn đề để HS tìm ra cách thể hiện âm nhạc hoặc tự sáng tạo những yếu tố mới.

 Phân môn Hát

So sánh giữa kiến thức mới với kiến thức cũ có thể như sau:

Khi dạy một bài hát, ở giờ đầu HS mới chỉ được học hát đúng giai điệu nhưng chưa hoàn thiện. Giờ thứ hai, bài hát được hoàn thiện: đúng tốc độ, sắc thái tình cảm, có vận động, có gõ đệm… GV có thể nêu một vấn đề tương đối chung chung, không cụ thể như: Bài hát hôm nay được thể hiện có gì mới so với giờ trước? Nếu HS không trả lời được (không giải quyết được vấn đề) thì cần hướng dẫn cách giải quyết, gợi ý về tốc độ hát như thế nào, thể hiện bài hát thế nào…

Phát hiện những điểm khác thường so với quy luật bình thường:

Có thể cho HS nhận xét về tiết tấu của bài, về tuyến giai điệu, về cách hát ở một điểm nhấn nào đó có những sự khác thường... Ví dụ, dạy hát bài Hành khúc tới trường, khi hát hết hai câu đầu, sang câu thứ ba và thứ tư có thể nêu ra vấn đề nhìn trên bản nhạc, câu hát thứ ba và thứ tư có điểm gì khác so với hai câu hát đầu?

Ví dụ số 1                     HÀNH KHÚC TỚI TRƯỜNG

                                        Nhạc Pháp, lời Việt: Phan Trần Bảng, Lê Minh Châu

    

    

 

HS sẽ quan sát, suy nghĩ, so sánh, tìm ra điểm khác biệt: đó là câu hát thứ ba và thứ tư có cao độ nhắc lại nhau nhiều hơn, về trường độ có nhiều móc giật hơn, tuyến giai điệu của câu thứ ba lên cao hơn... Phát hiện được đặc điểm khác biệt đó để hướng HS hát đúng hơn về cao độ và tiết tấu ở 2 câu hát sau.

Cũng với bài Hành khúc tới trường, sử dụng âm hình gõ đệm như dưới đây, cho HS luyện tập hoặc GV làm mẫu trước rồi nêu ra vấn đề để HS phát hiện: tiết tấu của âm hình này có ô nhịp nào khác biệt? 

Ví dụ số 2:

 

HS xem GV thực hành mẫu, HS luyện tập, làm theo và tự phát hiện, mỗi câu hát được đệm bằng âm hình trên có đặc điểm: cứ ở ô nhịp thứ 3 (gần cuối mỗi câu hát) cần gõ 2 nốt đen trong khi tất cả đều gõ nốt trắng. Phát hiện được đặc điểm này thì HS sẽ luyện tập theo rất nhanh và đúng.

HS tự phát hiện cách hát:

Đây là mức độ cao của dạy học tự phát hiện. Đối với phân môn Hát, việc tìm ra cách hát là một yêu cầu với người học hát, song muốn làm được điều đó, HS phải được trải qua những bước được hướng dẫn rồi mới đến giai đoạn tự phát hiện cách hát. Chẳng hạn, với bài trữ tình, giai điệu mềm mại HS tự biết hát liền tiếng, quyện miết, không hát thô, rời rạc. Với bài hành khúc ở trên, phát hiện được cần hát mạnh mẽ, dứt khoát... Khi đã có những kỹ năng hát nhất định, HS có thể phát hiện được cách hát lên cao cần phải thực hiện như thế nào ở từng bài... 

Để HS phổ thông tự phát hiện được cách hát, cần có một quá trình luyện tập có sự hướng dẫn của GV, khi gặp những bài hát có giai điệu tương tự những bài đã học, GV đưa HS vào tình huống để HS tự phát hiện ra cách hát bằng cách đặt câu hỏi, gợi ý so sánh... thì HS sẽ thấu hiểu sâu sắc hơn.

Với 3 dạng của phân môn Hát: So sánh giữa kiến thức mới với kiến thức cũ, phát hiện những điểm khác thường so với quy luật bình thường, tự phát hiện cách hát như nêu trên thì quy trình sử dụng PPDH tự phát hiện có thể không cần qua đủ 4 bước.

HS tự phát hiện cách trình diễn tiết mục theo ý tưởng của mình:

Đây là mức độ rất cao của dạy học tự phát hiện trong phân môn Hát, là bài tập lớn phát huy tối đa sự sáng tạo trong ca hát của HS. Dạng này cần trải qua đủ 4 bước của quy trình sử dụng PPDH tự phát hiện.

Trong bài tập này, HS tham gia vào hoạt động trình diễn không theo dàn dựng của thầy/cô mà tự phát hiện các ý tưởng dàn dựng: cách hát, cách sắp xếp đội hình, cách thực hiện ra vào, dạo đầu, hát bè, múa phụ họa, ý tưởng về lựa chọn trang phục biểu diễn, đạo cụ.... HS sẽ phải tập trung trí lực của nhiều bạn, làm việc theo nhóm, có sự hợp tác, xin ý kiến tư vấn chuyên gia nếu cần, rèn luyện kỹ năng một cách cẩn thận... Và lẽ đương nhiên, HS sẽ phải dành nhiều thời gian ngoài giờ lên lớp để luyện tập. Dạng hoạt động này có thể coi là tương đương với dạng tham gia vào hoạt động thí nghiệm khoa học của môn học khác và sản phẩm đích thực của các em đó là tiết mục hát (thường là tốp ca hoặc đồng ca) được dàn dựng. Với dạng học tự phát hiện ở mức độ cao này, GV chính là người với tư cách chuyên gia để các em xin ý kiến tham vấn. Ý kiến của GV nên dựa trên sự tự phát hiện, sáng tạo của HS để phát triển hoặc có thể gợi ý khi HS chưa tìm ra. HS được học ở dạng này chắc chắn sẽ phát triển rất tốt về năng lực ca hát nói riêng và năng lực âm nhạc nói chung. Tuy nhiên, tự dàn dựng để trình diễn tiết mục rất cần nhiều thời gian nên trong một năm học, có thể chỉ cho HS thực hiện được 1 đến 2 lần. 

Phân môn Tập đọc nhạc (TĐN)    

Phân môn TĐN cũng có thể tạo ra vấn đề để HS tự phát hiện như: cho HS quan sát bài TĐN, tự phát hiện có trường độ hay cao độ mới so với giờ học trước, nhận xét đặc điểm nổi bật trong bài, so sánh các câu nhạc, nét nhạc có sự giống nhau hay khác nhau để thực hiện đọc cho nhanh và đúng... Các dạng tự phát hiện này của TĐN cũng không cần thực hiện đủ 4 bước của quy trình.

Chẳng hạn, với bài TĐN dưới đây, cần cho HS tự phát hiện đặc điểm về tiến hành cao độ trong giai điệu của bài là chủ yếu đi liền bậc và hướng giải quyết là dựa vào gam La thứ để đọc cho đúng: 

Ví dụ số 3                    TRỞ VỀ SURIENTO

                                          (Trích)                      Nhạc Italia

 

  Có thể cho HS tự phát hiện âm hưởng của gam Son trưởng, Pha trưởng cũng giống như âm hưởng của Đô trưởng; gam Rê thứ và Mi thứ cũng giống như âm hưởng của gam La thứ khi cho HS đọc gam của các giọng này bởi khoảng cách giữa các bậc trong gam giống nhau. Việc phát hiện này rất quan trọng vì HS chỉ cần áp dụng âm hưởng của gam Đô trưởng vào với các gam trưởng khác, áp dụng âm hưởng của gam La thứ vào các gam thứ khác.

Ví dụ số 4: Gam của giọng Son trưởng

Ví dụ số 5: Gam của giọng Đô trưởng

2.3. Phân môn Thường thức âm nhạc (TTAN)

Với phân môn TTAN, có nhiều nội dung có thể áp dụng PPDH tự phát hiện. Những trường hợp tự phát hiện ở mức đơn giản thì tương tự như Hát hoặc Nhạc lý là tự phát hiện về kiến thức ngay trong giờ học trên lớp như tìm ra đặc điểm quan trọng trong bài học, ý nghĩa của bài học; nhận xét về sự giống và khác nhau giữa các thể loại âm nhạc được học, các nhạc cụ được học, đặc điểm âm nhạc của các nhạc sĩ;... Chẳng hạn như, khi HS đã được học về nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, có thể nêu ra vấn đề để HS tự phát hiện như: Em thấy hai nhạc sĩ có những điểm nào giống nhau? Tuy chỉ là mức độ đơn giản của học tự phát hiện nhưng đó cũng là những yêu cầu khá cao đối với HS phổ thông khi học môn Âm nhạc. HS không chỉ tìm kiếm lại thông tin cũ về nhạc sĩ Văn Cao mà phải so sánh, kết nối để giải quyết được vấn đề là: cả hai nhạc sĩ đều là nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, đều được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, cả hai nhạc sĩ đều có nhiều bài hát hành khúc nổi tiếng… Các dạng tự phát hiện này của TTAN có thể cũng không cần thực hiện đủ 4 bước của quy trình.

Ngoài ra, có thể có nhiều kiến thức để HS tự phát hiện như tự tưởng tượng vẽ tranh theo âm nhạc, kể lại câu chuyện âm nhạc theo ý mình… Đây là mức khá cao của phương pháp tự phát hiện. Ở mức cao nhất là có thể tham gia vào chiếm lĩnh kiến thức của TTAN qua những điều tự phát hiện trong một bài tập lớn như dự án như: Tìm hiểu một thể loại dân ca địa phương; tìm hiểu về một nhóm nhạc sĩ mà em yêu thích; quan điểm của em về sở thích âm nhạc của HS hiện nay... Các dạng tự phát hiện này của TTAN cần thực hiện đủ 4 bước của quy trình.

2.4. Phân môn Nhạc lý

Với Nhạc lý, có thể cho HS tự phát hiện những dạng như: tìm đặc điểm khác hay giống nhau để rút ra kiến thức; phát hiện kiến thức đã có ở bài hát, TĐN nào; tự lấy dẫn chứng minh họa cho kiến thức được học...

Dưới đây là dạng tự phát hiện thông qua tìm đặc điểm khác hay giống nhau để rút ra kiến thức, khi học bài Nhạc lý về giọng La thứ hoà thanh, GV trình bày gam của La thứ tự nhiên và hòa thanh.

Ví dụ số 6: Gam của giọng La thứ tự nhiên

 

Ví dụ số 7: Gam của giọng La thứ hoà thanh

Đưa HS vào tình huống phải tự phát hiện như sau: Em nhận xét gì về 2 dạng gam như trên? HS sẽ phải tự phát hiện ra sự khác nhau của 2 gam là ở nốt Son (Son thường ở La thứ tự nhiên và Son thăng ở La thứ hòa thanh), từ đó dẫn đến khung cấu tạo (số cung giữa các bậc) thay đổi và màu sắc của gam thay đổi.

Ví dụ số 8: Gam của giọng La thứ tự nhiên

   

Ví dụ số 9: Gam của giọng La thứ hòa thanh

Các dạng tự phát hiện này của phân môn Nhạc lý có thể không cần thực hiện đủ 4 bước của quy trình.

Kết luận

Sử dụng PPDH tự phát hiện trong môn Âm nhạc cho HS phổ thông rất phong phú, đa dạng. GV cần dựa vào mục tiêu cần đạt của bài học để tìm ra những vấn đề phù hợp, phát huy sự tự tìm tòi, tự phát hiện ở HS. Dạy học tự phát hiện là một trong những tiêu chí cần có của dạy học phát triển năng lực, hình thành ở HS phẩm chất nhạy bén, linh hoạt và năng lực tự học, năng lực sáng tạo. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Đặng Từ Ân (2017), Mô hình trường học mới của Việt Nam, phương pháp giáo dục, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  2.  Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) (2018), Dạy và học tích cực - một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, in lần thứ ba, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
  3.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể.
  4.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông - Môn Âm nhạc.
  5.  Phó Đức Hòa (2010), Dạy học tích cực và cách tiếp cận trong dạy học Tiểu học, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  6. UNESCO (2017), Giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững, Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc xuất bản.