Nội san

HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN MÚA RỐI NƯỚC TRUYỀN THỐNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NỘI

08 Tháng Tư 2021

Đinh Nhật Lê

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Tóm tắt:

          Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và phong phú, với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn như Chèo, Tuồng, Múa rối nước, Quan họ... Đây là tài nguyên du lịch văn hóa rất quan trọng, góp phần phát triển du lịch, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong thời kỳ phát triển, hội nhập kinh tế - văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của nghệ thuật truyền thống đang thu hút được nhiều sự quan tâm. Múa rối nước là một trong những hình thức tiêu biểu của văn hóa sân khấu, thể hiện trí tuệ và trí thông minh của người dân Việt Nam và gắn liền với nền văn minh lúa nước. Tại Hà Nội, hiện nay có 3 địa điểm tiêu biểu thường xuyên biểu diễn múa rối nước phục vụ du khách đó là: Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm. Việc khám phá các giá trị độc đáo của múa rối nước ở Hà Nội như một tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể là điều cần thiết trong bối cảnh du lịch được xác định là lĩnh vực trọng tâm trong đầu tư phát triển của thủ đô.

Từ khóa: biểu diễn múa rối nước, phát triển du lịch, Hà Nội

TRADITIONAL WATER PUPPET SHOWS IN HANOI TOURISM DEVELOPMENT

Abstract:

          Vietnam has a long and rich culture, with many kinds of performing arts such as Cheo, Tuong, Water puppetry, Quan ho... It is a very important resource for cultural tourism, contributing to the development of tourism, introducing Vietnamese culture to international friends. In the period of development, economic-cultural integration as strong as today, the issue of conservation and sustainable exploitation of the values of traditional arts are paid much attention. Water puppetry is one of the typical forms of theatrical culture, expressing the wisdom and intelligence of the Vietnamese people and attached to the wet rice civilization. In Hanoi, there are 3 typical venues: Thang Long Puppet Theater, Vietnamese Puppet Theater, miniature water puppet theater by artist Phan Thanh Liem. The exploration of the unique values of water puppetry in Hanoi as an intangible cultural tourism resource is essential in the context of tourism as a focus of investment the development of the capital.

Keywords: water puppet show, tourism development, Ha Noi

  1.  Giới thiệu

            Múa rối nước ra đời từ lâu và phát triển mạnh vào thời Lý (1010 - 1225). Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng những nghệ sĩ vẫn cố gắng duy trì bộ môn nghệ thật này. Tháng 3 năm 1956, Nghệ thuật sân khấu Rối chuyên nghiệp Việt Nam chính thức được ra đời.

          Nghệ thuật múa rối nước là sự hòa quyện của ba yếu tố chính: quân rối, tích truyện và âm nhạc. Điều đặc biệt của múa rối nước là mặt nước trở thành sân khấu biểu diễn. Bởi lẽ đó, kĩ thuật để những nghệ nhân khiến con rối có thể chuyển động linh hoạt, sinh động trên mặt nước khiến không ít khán giả tò mò và muốn tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này. Không chỉ vậy tiết mục rối rất ngắn gọn, kịch tính, hầu hết phản ánh chân thực cuộc đấu tranh, cải tạo thiên nhiên, cải tạo cuộc sống giữa con người với con người, giữa con người với hoàn cảnh. Đây không chỉ là bộ môn giải trí mà ít nhiều mang tính giáo dục, động viên hoặc uốn nắn người xem hướng tới nhận thức, tư tưởng, quan niệm nhất định về đời sống. Khán giả không chỉ xem những con rối ngộ nghĩnh, chuyển động tài tình trên mặt nước, mà còn được thưởng thức không khí biểu diễn náo nhiệt, sôi động. Âm nhạc là công cụ đắc lực trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm của con rối vô tri mà lời thoại không thể chuyển tải hết và gắn kết các trò diễn với nhau, giúp người xem không có cảm giác vụn vặt giữa các trò diễn, tạo nên sự gần gũi giữa con rối và người xem. Chính điều này làm cho khán giả thoải mái, thích thú theo dõi từ đầu đến cuối.

          Du khách đến Hà Nội không thể nào không thưởng thức múa rối nước, như một hoạt động cần trải nghiệm để hiểu hơn về văn hóa Việt. Vì vậy, tìm hiểu hoạt động biểu diễn của các đơn vị biểu diễn phục vụ du khách để góp phần định hướng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch thủ đô là rất cần thiết. Trong nghiên cứu này, tác giả tìm hiểu về hoạt động biểu diễn múa rối nước ở 3 địa điểm là: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Sân khấu múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.

  1.  Lịch sử nghiên cứu

          Múa rối nước đã được đề cập chi tiết trong các cuốn sách của nhiều học giả nổi tiếng như Nguyễn Huy Hồng, Hữu Ngọc, Trung Dũng, Lê Văn Ngọ… Bên cạnh đó đã có nhiều công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí, luận văn, báo cáo hội thảo… về múa rối nước.

          - Trong “Lịch sử nghệ thuật múa rối Việt Nam”, tác giả Nguyễn Huy Hồng (2005) giới thiệu tới độc giả nghệ thuật múa rối ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến nghệ thuật múa rối giai đoạn 1945 - 1995. Ngoài ra tác giả còn giới thiệu tới người đọc nhiều từ vựng về nghệ thuật múa rối, các thuật ngữ múa rối...

            - Tác giả Lê Hương Giang (2008), Nghệ thuật Múa rối nước ở Hà Nội đã khái quát lại những nội dung cơ bản về múa rối nước đồng thời phân tích về hoạt động múa rối nước đang diễn ra tại Hà Nội.

          - Nguyễn Hoàng Minh Vân (2011), Hoạt động của các phường rối nước ở châu thổ sông Hồng - Thực trạng và giải pháp, tập trung phân tích những mô hình múa rối nước đang hoạt động ở châu thổ sông Hồng, đồng thời so sánh điểm mạnh - yếu của các hình thức đó và đưa ra phương hướng phát triển.

3. Phương pháp nghiên cứu

          - Phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp

          - Phương pháp điền dã và bảng hỏi đánh giá mức độ hài lòng của du khách sau khi xem biểu diễn.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thực trạng hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long

4.1.1. Giới thiệu chung về Nhà hát Múa rối Thăng Long

          Nhà hát múa rối Thăng Long được thành lập tháng 10 năm 1969, tên gọi ban đầu là Đoàn Nghệ thuật Kim Đồng, với 9 thành viên, nhiệm vụ là biểu diễn rối cạn phục vụ thiếu nhi Thủ đô. Đến năm 1993, đoàn có trụ sở riêng tại 57B Đinh Tiên Hoàng mang tên Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội. Sau nhiều khó khăn, đến nay nhà hát đã có nhiều tác phẩm đặc sắc, được công chúng đón nhận và dành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan múa rối chyên nghiệp trong nước, quốc tế.

          Nhà hát Múa rối Thăng Long rộng 800m2, phòng diễn mới được tu sửa lại vào đầu năm 2017 với 291 ghế. Nhà hát có 101 nhân viên chính thức trong đó có 50 diễn viên - những người phụ trách điều khiển con rối. Năm 2003, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh lần đầu tiên đào tạo sinh viên chuyên ngành múa rối nước, sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, Nhà hát đã nhận 14 sinh viên vào làm việc cho tới bây giờ. Nhân viên bán vé, soát vé đều được trang bị tiếng anh căn bản có thể giao tiếp với khách nước ngoài.

          Nhà hát liên kết với hơn 100 tổ chức, công ty du lịch lớn nhỏ trong và ngoài nước như: Tổng cục Du lịch Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch APEX Việt Nam, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Á Đông, Công ty cổ phần Du lịch Exotissimo Việt Nam...

4.1.2. Hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long

Giá vé và suất chiếu:

          - Suất chiếu: hàng ngày, với các ca: 15h00, 16h10, 17h20, 18h30, 20h00

          - Giá vé:

          + Vé lẻ: người lớn 100.000 đồng/ vé; trẻ em dưới 1,2m: 60.000 đồng /vé

          + Vé đoàn: Nhà hát bán vé trước một tháng và giảm 10% tổng giá vé.

Nội dung

          Chương trình tại Nhà hát Múa rối Thăng Long được chia thành 2 phần: mở màn và rối nước. Phần mở màn là tiết mục hòa tấu các nhạc cụ dân tộc. Người nghệ sĩ kết hợp những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như sáo, đàn tranh, đàn bầu, đàn tì bà, các nhạc cụ gõ như trống cái, trống con, trống cơm, mõ, thanh la, não bạt để tạo nên một bản hòa tấu mang đậm màu sắc dân tộc. Trong kho tàng hơn 400 trò rối cổ Việt Nam, nhà hát đã chọn lọc ra 14 tiết mục đặc sắc nhất để biểu diễn gồm: Tễu giáo trò, Trống hội Thăng Long, Em bé chăn trâu thổi sáo, Đánh cáo bắt vịt,  Truyền thuyết Lê Lợi trả gươm,  Múa Tứ linh…

4.1.3. Kết quả kinh doanh của Nhà hát Múa rối Thăng Long

          Những ngày đầu Nhà hát chỉ diễn 1 suất/ngày vào thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Sau một thời gian phát triển, Nhà hát diễn liên tục 7 ngày trong tuần, cao điểm có ngày lên tới 7 suất diễn. Năm 2013, Nhà hát có doanh thu đạt trên 37 tỷ đồng và nhận một trong ba kỷ lục châu Á, là đơn vị có tần suất dịch vụ giải trí cao nhất, diễn 365 ngày suốt năm không nghỉ. Trung bình mỗi tháng Nhà hát đón gần 10.000 lượt khách quốc tế, 3.000 lượt khách nội địa, lượng khách tour chiếm 70 - 80%. Theo NSƯT Chu Lượng - Giám đốc nhà hát, năm 2016, nhà hát đã biểu diễn 1.783 buổi, thu hút 410.090 lượt người xem thu gần 42 tỷ đồng, trong 3 tháng đầu năm 2018, doanh thu của nhà hát đạt hơn 10 tỉ đồng, lượng khách đến với nhà hát tăng 20%.

          Nhà hát thường xuyên đón khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu, Trung Quốc… Từ năm 2016, Thành phố Hà Nội triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm từ 19h thứ 6 tới 24h Chủ nhật hàng tuần đã thu hút thêm khách nội địa tới xem biểu diễn.

4.1.4. Nhận xét hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long

          Nhà hát Múa rối Thăng Long là điểm đến không thể thiếu của du khách nước ngoài khi thăm Hà Nội. Chương trình rối nước được chắt lọc, nâng cao và phát triển, đã mang đến cho công chúng những ấn tượng về loại hình nghệ thuật độc đáo, duy nhất trên thế giới. Đối với câu hỏi “Đánh giá mức độ hài lòng về Hoạt động tổ chức biểu diễn múa rối tại Nhà hát múa rối Thăng Long”, có 46% khách trả lời Rất hài lòng, 31% Hài lòng, 21% bình thường và chỉ có 2% khách không hài lòng. Có thể nói, hoạt động tổ chức biểu diễn tại Nhà hát đang phát triển tốt, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của du khách. Nhà hát đang là điểm biểu diễn múa rối nước nổi tiếng nhất, thu hút đông đảo nhất khách du lịch xem biểu diễn ở Hà Nội hiện nay.

4.2. Thực trạng hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Việt Nam

4.2.1. Giới thiệu chung về Nhà hát Múa rối Việt Nam

          Nhà hát Múa rối Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với nhiệm vụ xây dựng nghệ thuật múa rối truyền thống và hiện đại. Nhà hát được thành lập ngày 12 tháng 3 năm 1956, tọa lạc tại số 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong thời gian chiến tranh dù gặp vô vàn khó khăn, các nghệ sỹ vẫn cố gắng xây dựng được nhiều vở diễn nhằm động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

          Với diện tích trên 7000m2, Nhà hát được xây dựng theo kiến trúc Á Đông tạo nên một không gian mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Nhà hát có ba sân khấu biểu diễn: Thủy đình ngoài trời (gần 400 ghế); Sân khấu biểu diễn rối cạn gồm 2 tầng (mỗi tầng có khoảng 300 ghế); Sân khấu rối nước trong nhà khoảng 200 ghế. Bên cạnh đó còn có sân khấu múa rối lưu động và bảo tàng trưng bày, giới thiệu nguồn gốc xuất xứ của nghệ thuật múa rối và một số hiện vật từ các các phường rối dân gian…

             Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện liên kết với hơn 90 công ty du lịch lớn nhỏ trong và ngoài nước như: Công ty Quản lý điểm đến châu Á, Công ty cổ phần Tư vấn Du lịch Việt Nam, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Công ty cổ phần Du lịch Exotissimo Việt Nam...

4.2.2. Hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Việt Nam

Giá vé và suất diễn:

          - “Đồng vọng rối Việt”: 17h00 và 18h30 hàng ngày; giá vé: 80.000 VND/người

          - “Múa Rối Nước truyền thống”: theo hợp đồng, giá vé: 80.000 VND/người

          -  “Hồn quê” và “Andersen” chỉ phục vụ khán giả dịp đặc biệt, hoặc theo yêu cầu.

Nội dung

          - “Đồng vọng rối Việt” là kết quả đề án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tham quan các bảo tàng kết nối với sản phẩm biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực tại Hà Nội” bắt đầu công diễn ngày 19/01/2018, góp phần giới thiệu các điểm du lịch, văn hóa nghệ thuật đặc sắc, ẩm thực phong phú của Hà Nội đến với du khách trong và ngoài nước. Đây là sự kết hợp hài hòa, đầy mới lạ giữa rối nước, rối cạn cùng âm nhạc dân gian, một sự giao thoa đặc sắc giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại.

          - “Múa Rối Nước truyền thống” là vở diễn chắt lọc kỹ càng từ những trò rối cổ như “Đánh cáo bắt vịt”, “Nhi đồng hý thủy”, “Đánh cá”, “Múa tứ linh”, “Rồng phun lửa”,…

          - “Hồn quê” mang dấu ấn của kịch nói, kết hợp rối cạn, rối nước và nghệ thuật sắp đặt, sử dụng nhạc điện tử của nhạc sĩ Quốc Trung và thơ Phan Huyền Thư. “Hồn quê” mang hồn của đất và nước, có cả vị ngọt ngào cùng nỗi vất vả của những người nông dân. “Hồn quê” đã đạt Huy chương vàng tại Liên hoan múa rối quốc tế 2008 tại Hà Nội.

          - “Andersen” được đạo diễn Ngô Quỳnh Giao chuyển thể từ bốn truyện ngắn tiêu biểu “Chim họa mi”, “Chú lính chì dũng cảm”, ‘Vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá” trong Truyện cổ Andersen thành kịch bản rối nước. Vở diễn đã được công diễn tại Pháp vào năm 2013 và được đông đảo khán giả đón nhận.

4.2.3. Kết quả kinh doanh của Nhà hát Múa rối Việt Nam

          Hiện tại Nhà hát có lịch chiếu cố định trong tuần và những chương trình đặc biệt phục vụ sự kiện. Ngoài việc diễn cho khán giả tại Việt Nam, Nhà hát còn biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với hơn 1700 buổi biểu diễn năm 2015, năm 2017 thực hiện 9 chuyến lưu diễn tại 9 quốc gia... đã chứng minh sức hút của bộ môn nghệ thuật rối nước đối với khán giả trong và ngoài nước. Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: hiện nay nhà hát đã thực hiện tự chủ về tài chính, năm 2015 đã cắt giảm 30% kinh phí Nhà nước cấp, năm 2018 tự chủ 100%, dù có nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho Nhà hát. Nhờ sự yêu thích và đón nhận của khán giả, Nhà hát Múa rối Việt Nam nhiều năm nay luôn đạt doanh thu cao vượt chỉ tiêu đề ra.

4.2.4. Nhận xét hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Việt Nam

          Qua những chuyến lưu diễn nước ngoài, Nhà hát đã mang nghệ thuật dân tộc Việt Nam đến với kiều bào và bạn bè năm châu. Nhờ định hướng rõ ràng, Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn đi đầu bởi những sáng tạo mang tính thử nghiệm đột phá, như: Mở rộng khai thác đề tài nước ngoài vào sân khấu rối nước truyền thống, mở rộng không gian cho sân khấu rối, kết hợp nhiều hình thức thể loại rối trong một chương trình, tìm sự hỗ trợ đắc lực từ vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng… đã giúp cho những tiết mục, chương trình của nhà hát luôn tạo được phong cách nghệ thuật riêng. Qua khảo sát, có trên 80% khách đánh giá hài lòng với nội dung và tạo hình của những tiết mục biểu diễn tại Nhà hát. Những sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ của Nhà hát là hướng đi đúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khán giả.  

4.3. Thực trạng hoạt động biểu diễn tại Sân khấu múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm

4.3.1. Giới thiệu chung về Sân khấu Múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm

          Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời về biểu diễn múa rối nước ở thôn Trạc, Nam Định. Cha của ông là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người đã góp công đào tạo biểu diễn rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên của Nhà hát Múa rối nước Việt Nam và các địa phương, đồng thời là tác giả của thủy đình lưu động. Năm 2000, sân khấu múa rối nước thu nhỏ đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội.

          Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm có 02 sân khấu rối nước thu nhỏ. Cơ sở 1 là nhà số 1, ngõ 260 ngách 17/18 Khâm Thiên, Hà Nội và cở sở 2 ở số 22, ngõ 145/8, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Sân khấu ở Long Biên đón được 20 khách, trong khi Khâm Thiên chỉ chứa 11 khách. Ở cả 2 cơ sở, tầng 1 là nơi giới thiệu lịch sử rối nước, tầng 2 giới thiệu kỹ thuật chế tác rối, tầng 3 là nơi biểu diễn. Vì là sân khấu thu nhỏ, diện tích để điều khiển rối không lớn nên nghệ sĩ thường cùng một học trò biểu diễn, khi số lượng con rối lớn, ông có thêm sự trợ giúp từ vợ.

          Sân khấu Múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm hiện nay liên kết với hơn 60 công ty du lịch lớn nhỏ như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dolphin (Dolphin Tour), Công ty cổ phần Fiditour, Công ty Du lịch quốc tế SVietnam Travelland,...

          Không chỉ tích cực phục vụ khán giả ở trong nước, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã lưu diễn thành công tại nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Ba Lan, Italia, Canada, Thái Lan...

4.3.2. Hoạt động biểu diễn tại Sân khấu Múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm

Suất diễn

          Diễn hàng ngày trong tuần: sáng từ 8h30 - 12h00, chiều từ 14h - 20h00. Ngoài ra nghệ sĩ còn nhận biểu diễn các ngày lễ, Tết hoặc đến tận nơi biễu diễn theo yêu cầu. Giá thỏa thuận.

Nội dung

          Vẫn là những tích trò truyền thống, nhưng du khách sẽ có những trải nghiệm khác với việc xem biểu diễn ở các Nhà hát thông thường. Sau khi đón khách, du khách được nghe giới thiệu về lịch sử múa rối nước truyền thống và thân thế gia đình nghệ nhân Phan Thanh Liêm, xem các tư liệu về múa rối nước trong những chuyến lưu diễn trong nước và quốc tế, những tài liệu liên quan đến rối nước thu nhỏ. Sau đó du khách lên tầng 3 xem biểu diễn trong 30 phút. Sau khi xem xong, nghệ sĩ sẽ hướng dẫn cho khách điều khiển con rối. Kết thúc trải nghiệm học điều khiển con rối, du khách xuống xưởng làm rối và nghe giới thiệu về kỹ thuật, chất liệu sơn và cùng nghệ sĩ tập làm con rối. Cuối cùng nếu du khách có nhu cầu đặt ăn các món truyền thống và đi chợ thì gia đình sẽ phục vụ.

          4.3.3. Kết quả kinh doanh của Sân khấu Múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm

          Tuy hoạt động chưa lâu, nhưng Sân khấu múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã đón nhận được sự yêu mến của khán giả trong và ngoài nước. Mỗi ngày ông đều đặn diễn 2 buổi sáng và chiều, rất ít khi có ngày nghỉ. Những đoàn khách nhỏ từ 5 - 6 người giá dao động từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng và luôn có những ưu đãi dành cho sinh viên. Phần lớn khách đến với Sân khấu này là khách du lịch châu Âu, Hàn Quốc…

4.3.4. Nhận xét hoạt động biểu diễn Múa rối nước tại Sân khấu Múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm

          Sân khấu múa rối nước của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã trở thành một trong những điểm đến độc đáo với du khách muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Sân khấu được đầu tư công phu, du khách có thể xem múa rối nước ở khoảng cách gần nhất.

          Ngoài những chương trình cơ bản, nghệ sĩ đã xây dựng nhiều tiết mục mới hiện đại phù hợp với nhu cầu của khán giả, mà vẫn giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Qua khảo sát với các  du khách sau khi trải nghiệm buổi biểu diễn của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, 87% hài lòng và 13% đánh giá bình thường về trải nghiệm. Thủy đình trong căn ngõ nhỏ mang lại cho du khách cảm nhận chân thực hơn về múa rối nước ở làng quê Việt Nam.

5. Thảo luận

          Múa rối nước là một bộ môn nghệ thuật chứa đựng tinh hoa, bản sắc Việt Nam. Múa rối nước đã và đang thực hiện tốt vai trò lưu giữ truyền thống cha ông đồng thời giới thiệu nét đẹp Việt tới các du khách quốc tế.

          Hiện nay múa rối nước đang được quan tâm và phát triển với nhiều đơn vị biểu diễn, đóng góp to lớn vào việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Nhiều nhà hát phục vụ du khách cả tuần liên tục không nghỉ với nhiều suất chiếu trong ngày.            

          Để múa rối nước phát triển hơn nữa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Múa rối nước có sự khác nhau từ Nhà hát Trung ương đến các đoàn nghiệp dư của địa phương. Sự khác biệt ở quy mô, điều kiện, tầm hoạt động (tính chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư), vùng miền… Nên tuy diện mạo rất phong phú, nhưng trình độ biểu diễn của mỗi phường rối lại không đều và tình trạng chung là thiếu những người tài năng và tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này. Từ trước tới nay, việc đào tạo nghệ thuật sân khấu múa rối nước tồn tại hai hình thức, một là đào tạo theo lối truyền nghề, hai là đào tạo theo trường lớp bài bản. Với hình thức thứ 2, học viên khi tốt nghiệp có khả năng tư duy và hiểu biết tổng thể hơn. Tuy nhiên, múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, truyền nghề là chính, vì thế vai trò của nghệ nhân rất quan trọng. Người nghệ nhân đảm nhận từ tạo hình con rối, làm máy móc điều khiển và biểu diễn, vì thế phải đưa các nghệ nhân vào đào tạo lực lượng diễn viên múa rối nước trẻ. Đào tạo rối nước cũng phải gắn với thực hành, phải để diễn viên trẻ được được rèn kỹ năng, được tiếp cận thường xuyên với công chúng. Việc nâng cao ngoại ngữ cho những nhân viên làm trong các địa điểm biểu diễn múa rối nước cũng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

KẾT LUẬN

          Nghệ thuật múa rối nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc cũng như là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch. Múa rối nước là loại hình đặc biệt chỉ có tại Việt Nam bởi vậy đây cũng là điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của du khách tới bộ môn nghệ thuật này. Rối nước với những hình ảnh gần gũi mà giản dị, những câu chuyện về hoạt động nông nghiệp đã mang đến một màu sắc mới lạ, kéo con người thoát ra khỏi cuộc sống bộn bề, trải nghiệm, cảm nhận những chuyển động linh hoạt của con rối qua từng tiết mục khác nhau. Việc khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật múa rối để tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo sẽ thu hút ngày càng đông đảo du khách, góp phần phát triển du lịch thủ đô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Hương Giang (2008), Nghệ thuật Múa rối nước ở Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  2. Nguyễn Huy Hồng (2005), Lịch sử nghệ thuật Múa rối Việt Nam, Nxb. Sân khấu, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thành Nhân (2006), Nghệ thuật Rối và một số đặc trưng của sân khấu rối Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.