Tin tức – Sự kiện

Giáo dục chuyển động với quyết tâm và khởi sắc

24 Tháng Năm 2021

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Trong cuộc phỏng vấn với Báo Giáo dục và Thời đại tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Thủ tướng đã nêu và chỉ đạo rất trúng về một thực trạng, một vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện tại. Đó là yêu cầu phải giải quyết một vấn đề lớn đang đè nặng ngành giáo dục và cả xã hội. Học thật, thi thật, nhân tài thật, tất cả gộp cả trong một chữ THẬT. Một chữ thôi, nhưng chứa đựng trong nó đòi hỏi rất cao, là sức nặng của một định hướng vô cùng lớn, vô cùng khó nhưng ngành giáo dục cần làm, phải làm và quyết tâm làm.

Quyết tâm vì mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”

Chia sẻ về những quan điểm định hướng lớn để chuẩn bị cho công cuộc chuyển hóa về chất, hướng về học thật, thi thật, nhân tài thật, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, tạo ra năng lực thực, tức những cái mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học. 

Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh... Do đó để học thật trước hết là là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại, không “ngồi nhầm lớp", luận án không chất lượng thì không cho qua...

Để có được chữ THẬT trong giáo dục, từ góc độ của ngành, Bộ có rất  nhiều việc phải làm. Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, bỏ cái hình thức phù phiếm, vô bổ.

Bậc phổ thông thì chú trọng dạy người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.

Bậc đại học thì từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp.

Cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình. Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Cần nghiêm trong kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng...”

Xem bài phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn TẠI ĐÂY.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm năm 2021 tăng

Kết thúc thời gian đăng ký, theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), số liệu trên hệ thống đến 17h ngày 16/5, trên cả nước có 1.021.341 thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm là hơn 3,8 triệu, gấp khoảng 7 lần tổng chỉ tiêu (trên 545.000). Trong đó, số lượng nguyện vọng 1 là 791.990. Số lượng nguyện vọng 2 là 690,551 (chiếm 87,19% so với đăng ký xét tuyển). Số lượng nguyện vọng 3 là: 579.968 (chiếm 73.23%) Số lượng nguyện vọng 4 là 455.949 (chiếm 57,57%); Số lượng nguyện vọng 5: 350,231 (chiếm 44,22%). Số lượng nguyện vọng còn lại: 952.761.

Vụ Giáo dục đại học cũng đã công bố 6 nhóm ngành đang có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất gồm kinh doanh và quản lý, khoa học xã hội và hành vi, máy tính và công nghệ thông tin, nhân văn, công nghệ kỹ thuật, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Trong số đó, nhóm ngành kinh doanh và quản lý có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với hơn 1,2 triệu nguyện vọng trên tổng số gần 118.700 chỉ tiêu, chiếm tới gần 32,8% trong tổng số nguyện vọng xét tuyển.

Học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương 2021.

HS Việt Nam đạt điểm cao nhất Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương

Kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2021 do Đài Loan (Trung Quốc) đăng cai tổ chức, có 23 đoàn từ các nước và vùng lãnh thổ với 181 thí sinh. Trong đó, có 5 đoàn khách, với 37 thí sinh.

Theo thông tin về kết quả chính thức, cả 8/8 học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam đều đoạt giải. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có học sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi này. 8 giải của học sinh Việt Nam gồm: 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen.  

Đặc biệt, em Nguyễn Mạnh Quân, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hà Nội đạt điểm cao nhất của kỳ thi và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng Bằng khen. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt được thành tích này khi tham gia APhO.

Thành tích xuất sắc của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại APhO 2021 tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ GD&ĐT. Thành tích này trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 càng khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của các học sinh, các thầy cô giáo, các nhà trường và của ngành giáo dục trong sự nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19 vừa thi đua dạy tốt, học tốt.