Tin tức – Sự kiện

BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG BIỂU DIỄN CA KHÚC TRỮ TÌNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

24 Tháng Năm 2021

Hoàng Thị Thảo

K11 - Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

Hiện nay, giáo dục âm nhạc ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với việc giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, đặc biệt trong mục tiêu phát triển con người toàn diện. Giáo dục âm nhạc ngày càng có nhiều đổi mới phù hợp với nhu cầu, thẩm mĩ, thị hiếu âm nhạc và khả năng tiếp thu của học sinh. Trong âm nhạc, ca khúc có rất nhiều thể loại, nhưng gần gũi hơn, quen thuộc hơn, dễ cảm nhận hơn, có lẽ là các ca khúc trữ tình. Ca khúc trữ tình thường có nhịp độ vừa phải, giai điệu không quá khó, ca từ thường giản dị, dễ hiểu, học sinh dễ hát theo nên thông qua các hoạt động âm nhạc vừa rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, vừa được học cách tương tác tích cực với những người xung quanh một cách nhạy bén hơn. Rèn luyện kỹ năng thể hiện ca khúc là hoạt động rất quan trọng và không thể thiếu trong mỗi giờ học âm nhạc.

  1. Thực trạng hoạt động rèn luyện kỹ năng biểu diễn ca khúc trữ tình cho học sinh THCS Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

 Về dạy học âm nhạc chính khóa

Trong một chương trình dạy học âm nhạc chính khóa ở trường THCS Lang Quán bao gồm 4 phân môn: Học bài hát, Tập đọc nhạc, Nhạc lí, Âm nhạc thường thức. Với thời lượng chương trình âm nhạc trên, không phải là nhiều so với các môn học khác, nhưng mục tiêu chương trình học vẫn phải truyền tải được đầy đủ những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo phù hợp với độ tuổi một cách có phương pháp, có hệ thống. Nhà trường cũng như giáo viên âm nhạc đều thực hiện đúng và đủ, bám sát theo chương trình kế hoạch môn học.

 Hoạt động ngoại khóa

Đặc thù của  môn học Âm nhạc tại các trường phổ thông nói chung, ngoài các tiết học trên lớp, phong trào văn hóa văn nghệ luôn được coi trọng. Ở Trường THCS Lang Quán, hoạt động âm nhạc tập thể thường diễn ra vào các ngày lễ như: Khai giảng, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bế giảng năm học. Ngoài ra, khi được sự chỉ đạo, phân công của huyện tham gia văn nghệ cho các chương trình đại hội, ngày lễ, các cuộc thi, Hội diễn, Hiệu trưởng Nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên âm nhạc hướng dẫn học sinh tập hát, tập múa để các em biểu diễn.

Thực tế cho thấy, hoạt động biểu diễn của học sinh (HS) chưa thực sự có chất lượng, hình thức tổ chức biểu diễn còn sơ sài, đơn điệu. Do những hạn chế nên HS Trường THCS Lang Quán chưa đạt được nhiều thành tích trong các Hội diễn hay các cuộc thi văn nghệ.

 Khả năng âm nhạc của học sinh Trường THCS Lang Quán

*  Thuận lợi

- Về khả năng tiếp thu âm nhạc của HS trường THCS Lang Quán, nhìn chung các em có thể bắt chước và cảm thụ tương đối tốt với các phân môn trong chương trình âm nhạc.

- Về khả năng ca hát, HS trường THCS Lang Quán có thể bắt theo được cao độ, trường độ trong các ca khúc. Khi được hát khớp với nhạc, các em hầu như có thể bắt được theo nhịp điệu của bài.

- Về khả năng biểu diễn: Từ những thuận lợi và khó khăn về đặc diểm tâm lý của HS Lang Quán, có thể đánh giá về khả năng biểu diễn của HS Lang Quán như sau:

- Tích cực: Hầu hết HS hào hứng, tích cực và hưởng ứng mọi hoạt động biểu diễn của Nhà trường hay lớp tổ chức.

- Hạn chế: Nhiều em còn xấu hổ, rụt rè, chưa mạnh dạn, tự tin khi tham gia các hoạt động tập thể nên chưa chủ động, chưa phát huy hết năng khiếu, kỹ năng biểu diễn lúng túng, một số em còn chệch nhịp.

*  Khó khăn

            Qua tìm hiểu về khả năng âm nhạc của học sinh Trường THCS Lang Quán, Yên Sơn, Tuyên Quang cho thấy, nhìn chung về cơ bản các em có giọng hát và với giọng tự nhiên, trong sáng. Các em rất hào hứng và thích thú trong các giờ học môn Âm nhạc. Tuy khả năng âm nhạc của học sinh Trường THCS Lang Quán chưa thực sự đồng đều, nhưng nhìn chung các em lại khá linh hoạt trong việc rèn luyện kỹ năng thực hành thể hiện âm nhạc.

Về biểu diễn ca khúc trữ tình

Trong các tiết học âm nhạc tại trường THCS Lang Quán, học sinh chủ yếu rèn luyện các ca khúc nằm trong chương trình chính khóa, đôi khi có sử dụng ca khúc nằm trong phần bổ sung thay thế và chọn lựa một số ca khúc thiếu nhi khác ngoài chương trình phù hợp với lứa tuổi để tập luyện biểu diễn cho các ngày lễ, khai giảng, hay có cuộc thi của Phòng Giáo dục phát động.

            Để lựa chọn các hình thức biểu diễn phù hợp, không chỉ dựa trên nội dung, tính chất, lời ca và giai điệu âm nhạc của ca khúc, mà còn dựa trên ý tưởng của người dàn dựng chương trình. Vì vậy, vai trò của người dàn dựng biểu diễn rất quan trọng, họ chính là người hướng dẫn, định hướng kỹ năng biểu diễn cho học sinh.

  1. Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng biểu diễn ca khúc trữ tình cho học sinh trường Trung học cơ sở Lang Quán - Thành phố Tuyên Quang

Kỹ năng biểu diễn có vai trò rất quan trọng trong quá trình thể hiện tác phẩm đối với học sinh. Bên cạnh khả năng về giọng hát tốt, học sinh có được kỹ năng biểu diễn một cách truyền cảm, lôi cuốn sẽ truyền tải được cho người nghe và người xem những cảm xúc vẻ đẹp về nội dung và tư tưởng của tác phẩm. Vì thế, bên cạnh việc trang bị các kiến thức và kỹ thuật hát trong các giờ học trên lớp, học sinh cần được rèn luyện kỹ năng biểu diễn phù hợp, đặc biệt là với các ca khúc trữ tình.

 Về phối hợp hình thức thể hiện ca khúc

          Trong biểu diễn ca hát có nhiều hình thức khác nhau như: đơn ca, song ca, tam ca, đồng ca,… mỗi một hình thức thể hiện có một sự khác biệt về tính nghệ thuật, sự thu hút và hấp dẫn người nghe, người xem. Hình thức thể hiện xuất phát từ ý tưởng người dàn dựng, nhưng cũng phải dựa trên nội dung, tính chất âm nhạc của các ca khúc để lựa chọn hình thức biểu diễn sao cho phù hợp, vừa nâng cao được hình tượng của ca khúc.

 Về biểu cảm

Biểu cảm trong từ điển Tiếng Việt được định nghĩa là một “biểu hiện tình cảm, cảm xúc”. Để biểu hiện được những xúc cảm của ca khúc, ngoài việc phải hiểu được nội dung, tư tưởng của tác phẩm thì người ca sĩ phải biết cách đặt tình cảm và những cảm xúc của mình vào trong từng nét giai điệu, ý nghĩa nội dung của câu hát qua sự thể hiện trên ánh nhìn của đôi mắt và những xúc cảm trên khuôn mặt.

 Về  hình thể

          Giải phóng hình thể, ta có thể hiểu nôm na là những động thái, động tác, nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, đều phải được giải phóng. Giải phóng năng lượng, giải phóng năng lực để sẵn sàng để thể hiện tất cả cảm xúc trong một tác phẩm nào đó.

Ở phần này, trước khi vào rèn luyện GV cần cho HS xem một số video tham khảo cách biểu diễn ở một số ca khúc thể loại vui nhộn, dí dỏm, buồn và cách biểu diễn với các ca khúc trữ tình để HS có hình dung được về kỹ thuật giải phóng thể hình trong biểu diễn.

Kỹ năng sáng tạo và làm chủ sân khấu

* Kỹ năng sáng tạo             

Ở bất kỳ hình thức biểu diễn nào cũng cần sự sáng tạo, bởi sự sáng tạo sẽ tạo nên những ấn tượng, mới lạ, hấp dẫn cho khán giả. Đối với người sáng tác ca khúc được gọi là một lần sáng tạo, người ca sĩ thể hiện tác phẩm có thể gọi là người sáng tạo thứ hai và biểu diễn ca khúc là sự sáng tạo thứ ba. Kỹ năng biểu diễn thì có sự sáng tạo trong thể hiện sự rung cảm qua các động tác, chuyển động của cơ thể.

*  Kỹ năng làm chủ sân khấu

          Làm chủ sân khấu hay còn gọi là bản lĩnh sân khấu là một phần quan trọng trong biểu diễn. Đối với các em học sinh, các ca sĩ trẻ,... lần đầu lên sân khấu thường không tránh khỏi sự lo lắng, hồi hộp, run sợ, bởi sự choáng ngợp trước không gian, ánh đèn sân khấu, trước đám đông khán giả hướng mắt theo dõi mình. Vì vậy, cần phải rèn luyện cho HS bản lĩnh, sự tự tin để các em có kỹ năng làm chủ sân khấu.

 Kỹ năng giao lưu

Như chúng ta đã biết “giao lưu” là một yếu tố không thể thiếu để giúp quá trình biểu diễn trở nên thành công hơn. Giao lưu giúp cho quá trình biểu diễn trở nên sinh động, thú vị hơn, giúp người hát chạm đến được những rung cảm của khán giả để truyền tải những ý tứ, thông điệp mà người thể hiện muốn gửi tới, để khán giả có thể hiểu và hòa cùng vào những xúc cảm của họ và giúp họ ghi nhớ thông điệp dễ dàng hơn.

Có thể nói, giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng là một phần không thể thiếu trong giáo dục bắt buộc ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như Việt Nam. Không chỉ ở các trường đào tạo chuyên về âm nhạc mà còn ở các trường từ Mầm non, tiểu học, THCS và sắp tới đây âm nhạc cũng sẽ được Bộ GD&ĐT đưa vào thành một môn học trong trường THPT. Bởi cũng như các môn học khác, âm nhạc không chỉ góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mĩ mà đồng thời còn phát triển về phong trào văn hóa, văn nghệ, tạo bầu không khí vui tươi, sôi nổi trong các nhà trường. Vì thế, các em không chỉ được học hát mà còn phải được rèn luyện biểu diễn, và sáng tạo trong biểu diễn.

 

                                                         Tài liệu tham khảo

  1. Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. Doãn Thị Hạnh (2010), Đề cương bài giảng: Phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc.
  3. Dương Thị Diệu Hoa (chủ biên), Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Kế Hào, Dương Trọng Ngọ, Đỗ Thị Hạnh Phúc (2015), Giáo trình tâm lý học phát triển, Nxb Đại học sư phạm.