Tin tức – Sự kiện

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA KIM ĐỒNG

24 Tháng Năm 2021

 Nguyễn Thị Thúy

K7 – Quản lý văn hóa

 

Hoạt động chuyên môn là một loại nhiệm vụ, chức năng được quy định chuyên biệt cho một cơ quan, đơn vị nào đó. Do đó, lực lượng lao động tham gia vận hành đòi hỏi phải có kỹ năng chuyên nghiệp, đặc thù, phù hợp với vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Với vai trò là một trung tâm văn hóa, một rạp chiếu phim, Trung tâm văn hóa (TTVH) Kim Đồng có chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ thanh, thiếu niên, nhi đồng của Thủ đô và của cả nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm theo đúng quy định hiện hành của pháp luật, trong đó có hoạt động chuyên môn chính là hoạt động chiếu phim.

Đối với TTVH Kim Đồng, công tác quản lý các hoạt động chuyên môn được triển khai thông suốt, nắm vững vị trí, vai trò, nhiệm vụ, chức năng của rạp với đặc trưng là một trung tâm văn hóa, một rạp chiếu phim công lập. Trong đó chủ yếu là tổ chức chiếu phim phục vụ thanh thiếu niên nhi đồng và khán giả Thủ Đô; tổ chức quay tư liệu lưu trữ các hoạt động Văn hóa, Chính trị, Xã hội theo kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung và các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Chương trình Chào năm mới với chuỗi các hoạt động dành tặng khán giả như: Ca nhạc, vui chơi có thưởng, chụp ảnh lưu niệm cho khán giả, giao lưu khán giả, lì xì đầu năm; tổ chức Lễ hội Khai Xuân đầu năm với các tiết mục múa Lân, Ca nhạc, vui chơi có thưởng; Tổ chức thành công cuộc thi múa Solo - Duo Thiếu niên Nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ III, lần thứ IV vào năm 2018 và 2019. Đây là cuộc thi nhằm đáp ứng nhu cầu nghệ thuật múa của thiếu nhi Thủ đô do Hội nghệ sĩ múa Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.

Ngoài ra là các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm liên quan tới ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày thống nhất đất nước, chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Giải phóng Thủ đô… Nhìn chung, các chương trình kỷ niệm được lên kịch bản bài bản; sân khấu và hệ thống âm thanh, ánh sáng được chuẩn bị chu đáo đã tạo nên hiệu ứng tuyên truyền hiệu quả, đảm bảo về nội dung, hình thức.

Một trong những hoạt động chuyên môn trọng tâm của TTVH Kim Đồng là hoạt động chiếu phim phục vụ thanh, thiếu niên và nhi đồng theo kế hoạch. Hoạt động chuyên môn cũng bao gồm việc triển khai quay tư liệu lưu trữ các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội theo kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung và bảo quản lưu trữ và khai thác kho phim tư liệu 16 ly với mục đích ghi lại những hoạt động thể thao, du lịch, văn hóa nghệ thuật, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện của ngành văn hóa hàng năm. Bên cạnh đó, rạp cũng phối hợp tìm chọn nhà thầu để thực hiện quay phim tư liệu, đảm bảo thực hiện đúng luật Đấu thầu, Nghị định hướng dẫn thi hành luật và quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố Hà Nội về đấu thầu.

TTVH Kim Đồng luôn xác định nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ cơ bản, thông qua các tác phẩm Điện ảnh góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ Đô.  Do đó, công tác chiếu phim được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên các đợt phim miễn phí phục vụ chính trị, xã hội đều đạt kết quả cao. Các đợt chiếu phim kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5, Ngày giải phóng Thành cổ Quảng Trị, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng Thủ Đô 10/10, Ngày toàn quốc Kháng chiến 19-22/12… với các bộ phim như: “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hoa đào”, “Long Thành Cầm giả ca”,“Mùi Cỏ Cháy”… kết hợp cùng các chương trình nghệ thuật đã tạo hiệu ứng, góp phần truyền tải, giáo dục sâu sắc về truyền thống lịch sử, về chủ nghĩa nhân văn - anh hùng cách mạng, về tinh thần yêu nước của dân tộc.

Chiếu phim cho trẻ em là một mảng hoạt động quan trọng của TTVH Kim Đồng. Đây là mảng vừa chiếu miễn phí, vừa có thu với các bộ phim điện ảnh, hoạt hình thú vị dành cho thiếu nhi, có cả những bộ phim “bom tấn” như tại các rạp tư nhân. Theo khảo sát, trong thời gian gần đây, số lượng người đến xem rạp Kim Đồng không nhiều. Các ý kiến thu được cho thấy, số lượng người xem giảm nhiều so với những năm đầu thành lập. Điều này phù hợp với tình hình thực tiễn cạnh tranh giữa rạp Nhà nước và rạp tư nhân trong giai đoạn vừa qua khi các rạp có vốn đầu tư nước ngoài áp đảo rạp nội địa do có cơ sở vật chất hiện đại và quy mô hoạt động lớn

Nhìn chung, trong hoạt động chiếu phim, xu hướng chung là giảm tổng số lượt người xem. Điều này phản ánh tuy có số tăng về buổi chiếu nhưng lại tỉ lệ nghịch với số khán giả đến xem phim. Do đó, cần có những giải pháp hiệu quả để thu hút lượt người xem, đảm bảo vừa tăng buổi chiếu, vừa tăng lượt người xem nhằm đảm bảo doanh thu và có lãi.

Để đẩy mạnh công tác chuyên môn nghiệp vụ gắn với đặc thù hoạt động của TTVH Kim Đồng, cần thực hiện những công việc sau:

Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của TTVH Kim Đồng để đảm bảo sự vận hành, tổ chức hoạt động chuyên môn hiệu quả:

Nhà nước ta trong nhiều năm qua đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó có thiết chế rạp chiếu phim nhằm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Ở Hà Nội, nhiều rạp chiếu phim công lập đã trở thành thương hiệu, ghi dấu ấn như Rạp Tháng Tám, Rạp Đại Nam, TTVH Kim Đồng, Rạp Ngọc Khánh… và đã góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước.

 Tuy nhiên, cùng với thời gian, sự đổi mới cơ chế và sự xuất hiện của nhiều công nghệ giải trí hiện đại, các thiết chế rạp chiếu phim trở nên lạc hậu, xuống cấp cả về diện mạo, cơ sở vật chất và nội dung hoạt động, không đáp ứng được nhu cầu, dẫn tới hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ phải giải thể như rạp Dân Chủ; nhiều rạp phim đã phải chuyển đổi mô hình hoạt động sang những lĩnh vực mới như: Rạp Đại Đồng, Mê Linh thành vũ trường, Rạp Bạch Mai thành quán bán đồ ăn nhanh, TTVH Kim Đồng từng có một thời thành bãi gửi xe… Một số rạp kinh doanh không hiệu quả nên đã phải trả lại mặt bằng cho Nhà nước như như Long Biên, Bắc Đô, Sóc Sơn.

Trong bức tranh không mấy tươi sáng của các rạp chiếu phim nhà nước, Trung tâm chiếu phim Quốc gia là một điểm sáng khá nổi bật. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Trung tâm chiếu phim Quốc gia là đã nỗ lực bằng cách hoàn thiện cơ sở vật chất khá tốt, không quá thua kém so với các rạp được nước ngoài đầu tư, dịch vụ ăn uống phụ trợ cũng phát triển thích hợp với đối tượng khán giả trẻ. 

Bởi vậy, cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, trong đó có vốn xã hội hóa để tập trung nguồn lực tái thiết cơ sở vật chất của rạp. Hiện tại, TTVH Kim Đồng thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ thiếu niên nhi đồng và tổ chức các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thủ Đô. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của TTVH Kim Đồng chưa thể đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân Thủ Đô. Với chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động văn hóa mang tính tổng hợp, đòi hỏi được nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để thuận lợi trong việc tổ chức sự kiện, cũng như đáp ứng nhu cầu xem phim ngày càng đa dạng của khán giả.

Do đó, để TTVH Kim Đồng phát triển trong tương lai, cần có kế hoạch cải thiện cơ sở vật chất, giải quyết triệt để các vấn đề xuống cấp sau khi được xây mới; đầu tư nâng cấp các phòng chiếu theo tiêu chuẩn hiện đại và “cần đầu tư đồng bộ, đảm bảo các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ cộng đồng, tăng khả năng kinh doanh, bảo đảm hoạt động bền vững của công trình, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của nhân dân”. Chỉ có cách đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất mới có thể cạnh tranh lâu dài với các rạp chiếu phim tư nhân.

Nâng cao hiệu quả về quản lý hoạt động TTVH Kim Đồng:

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, TTVH Kim Đồng nên đổi mới tư duy để bắt kịp xu thế thị trường và xã hội hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao số lượng và chất lượng tác phẩm điện ảnh nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của mọi tầng lớp nhân dân sẽ là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh các hoạt động kinh tế cần phải đáp ứng các quy luật kinh tế thị trường. Kinh nghiệm của Trung tâm chiếu phim Quốc gia trong việc chủ động hợp tác với các đơn vị tư nhân là cho phép họ kinh doanh trong rạp với nhiều điều kiện về hợp đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng và vật chất đã giúp rạp được nâng cấp, trở nên khang trang, thu hút khách và tăng doanh thu. Đây có thể là phương thức hiệu quả để TTVH Kim Đồng có thể phát triển trong tương lai. Ngược lại, nếu giữ tư duy hoạt động như hiện tại, TTVH Kim Đồng sẽ tụt hậu với so với sự phát triển chung của thị trường kinh doanh rạp chiếu phim và tụt hậu so với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Do đó, sẽ dần thiếu hụt nguồn lực để duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực cùng với đòi hỏi mới của cơ chế thị trường, việc đổi mới phương thức quản lý hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động chiếu phim của các đơn vị công lập như TTVH Kim Đồng là sự đòi hỏi mang tính tất yếu. Đảng và Nhà nước cũng đã có các cơ chế chính sách từ Nghị quyết đến Luật và các Quy hoạch về lĩnh vực văn hóa nói chung, lĩnh vực điện ảnh, rạp chiếu phim nói riêng nhằm tạo hành lang pháp lý, xóa bỏ các rào cản ảnh hưởng tới sự phát triển của sự nghiệp văn hóa nước nhà.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các hoạt động văn hóa, TTVH Kim Đồng cần nắm bắt các ảnh hưởng, đòi hỏi mới của cơ chế thị trường; nắm rõ quan điểm, định hướng và nhiệm vụ hoạt động; nghiên cứu các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cơ chế tài chính cũng như công tác chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra để hoạt động thêm hiệu quả cả về văn hóa, tư tưởng và kinh tế, bên cạnh việc phát huy vai trò, vị thế của một đơn vị công lập có truyền thống và thương hiệu trong quá khứ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Ban Chấp hành Trung ương (1998), Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2006), Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
  3. Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/06/2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
  4. Chính phủ (2008), Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
  5. Đảng cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  6. Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học văn hóa, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  7. Đinh Xuân Dũng (2000), Xã hội hóa hoạt động văn hóa - một số vấn đề Lý luận và thực tiễn, Nxb Hà Nội.
  8. Phạm Duy Đức (chủ biên) (2010), Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 Xu hướng và giải pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  9. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 88/QĐ-Ttg ngày 09/01/2013 về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020”
  10. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế Văn hóa Thông tin cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.
  11. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  12. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 14/8/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.