Tin tức – Sự kiện

NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng: “Phát huy truyền thống, quyết tâm đưa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thành trường trọng điểm về lĩnh vực Giáo dục Nghệ thuật”

25 Tháng Năm 2021

NUAE - Trong không khí hân hoan, tràn đầy niềm tự hào Kỷ niệm 51 năm sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật và 15 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (26/5/2006 - 26/5/2021), Website NUAE đã có cuộc trao đổi với NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW về quá trình phấn đấu và trưởng thành của Nhà trường. Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

      PV: Thưa NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã trải qua 51 năm sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật và 15 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (26/5/2006 - 26/5/2021), Thầy có thể đánh giá những thành tựu nổi bật của Nhà trường?

      NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng: Tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương được thành lập năm 1970 với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên có chuyên môn về Thể dục, Âm nhạc và Hội họa, để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ Hội nhập, ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 117/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương. Năm 2020, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Nhà trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và góp phần vào sự phát triển đất nước. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho trường, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của tập thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên cho sự nghiệp giáo dục nghệ thuật của cả nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

Trên chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Nhà trường đã có những bước phát triển đáng kể, xin nêu một số thành tựu nổi bật mà Nhà trường đã đạt được là:

            Công tác đào tạo được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường. Từ chỗ, Trường chỉ có 02 mã ngành (Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc và Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật), đến nay, Nhà trường đang triển khai 20 mã ngành và chuyên ngành đào tạo (với 16 mã ngành trình độ Đại học: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Âm nhạc Mầm non, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Mỹ thuật Mầm non; Quản lý văn hóa, Quản lý văn hóa Nghệ thuật, Quản lý Du lịch, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, Hội hoạ, Thanh nhạc, Piano, Diễn viên kịch - điện ảnh, Công nghệ may, Công tác xã hội, Du lịch; 03 mã ngành đào tạo trình độ cao học: Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Quản lý Văn hóa, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật; 01 mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc).

Giai đoạn vừa qua, cũng đã ghi những dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động đổi mới giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục nghệ thuật với "Chương trình giáo dục phổ thông mới" được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông qua. Một lần nữa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và cá nhân tôi tiếp tục được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ tham gia vào việc xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nghệ thuật để đáp những yêu cầu đổi mới này. Đồng thời, với vị thế là trường đại học số một về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, trên cương vị Hiệu trưởng Nhà trường tôi đã được các trường đề xuất và Hiệp Hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ra Quyết định bổ nhiệm làm Chủ nhiệm "Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật". Điều đó cũng khẳng định thêm vị thế quan trọng của Nhà trường - là “địa chỉ đỏ” trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật đáp ứng theo nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Song song với hoạt động đào tạo, Hợp tác quốc tế là một công tác quan trọng góp phần triển khai và thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với các trường Đại học, các tổ chức quốc tế, góp phần xây dựng vị thế của Nhà trường trong khu vực và trên thế giới.nTrong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế  của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thực hiện với nhiều hình thức: Hợp tác đào tạo trao đổi giảng viên, sinh viên, ngoài việc tiếp nhận sinh viên, học viên các nước tới học tập, nghiên cứu tại trường, Nhà trường cũng đã có nhiều sinh viên được cử đi học tập, trao đổi tại các trường đại học, học viện nghệ thuật uy tín tại các nước: Ý, Nga, Hungari, Pháp…; Trao đổi văn hóa, biểu diễn nghệ thuật với một số cơ sở đào tạo nghệ thuật danh tiếng của nước ngoài như: Đại học Brigham Young (Mỹ) , Đại học Công nghệ Queensland (Úc), Trường Đại học Messina, Đại học Bologna (Italy), Dự án Voyage - (Dự án Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên Việt Nam) do tổ chức AlmaLaure, Cộng hòa Italy chủ trì và được tài trợ của Uỷ ban châu Âu.

Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường được quan tâm và phát triển, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Tháng 3/2018, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Bộ GD&ĐT do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tiến hành. Tháng 7/2018, Trường chính thức đón nhận chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là kết quả sau quá trình tự đánh giá của nhà trường, là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trên chặng đường phát triển của Nhà trường; là sự đo lường khách quan, công bằng, ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của mỗi thành viên trong nhà trường trong giai đoạn phát triển đại học cạnh tranh và đầy biến động.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước đáp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đại học và sau đại học. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường hiện nay, có gần 400 cán bộ - giảng viên và hàng trăm giảng viên thỉnh giảng, các giảng viên của trường đều là những nhà giáo, nghệ sĩ có uy tín. Cho tới nay, Trường đã có hơn 30 tiến sĩ và nhiều thạc sỹ đang là Nghiên cứu sinh tại các trường đại học, học viện uy tín trong và ngoài nước như: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương,… 100% giảng viên ở các khoa chuyên môn của trường đều có trình độ sau đại học.

Nói đến thành quả của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn vừa qua, không thể không nhắc tới công tác cơ sở vật chất đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Khắc phục những khó khăn do điều kiện tài chính còn hạn chế, Nhà trường đã đã đầu tư có trọng điểm, hợp lý đề từng bước có một cơ sở làm việc, học tập khang trang. Những công trình như: Xưởng thực hành may, Phòng truyền thống, Phòng hòa nhạc, Phòng thu âm, Sân vận động, Ký túc xá… được tu sửa, nâng cấp, làm mới cùng với trang thiết bị hiện đại đã và đang từng bước đáp ứng được yêu cầu của một cơ sở giáo dục đại học.

      PV: Những thành tích trên đã minh chứng cho bề dày lịch sử và truyền thống tốt đẹp mà Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tích lũy từ khi mới thành lập đến nay. Là người lãnh đạo cao nhất của Nhà trường, xin Thầy cho biết những yếu tố nào đã làm nên thành công đó?

                NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng: Để Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đạt được những kết quả trên, là nhờ một số yếu tố sau:

Trước hết, đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Trường phục vụ nhiệm vụ giáo dục - đào tạo.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên thực hiện dân chủ, củng cố, tăng cường khối đoàn kết thống nhất nội bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác tư tưởng, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhà trường luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, giảng viên nhất là đội ngũ giảng viên và cán bộ khoa học. Đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện theo hướng hiện đại, kịp thời đáp ứng quy mô, yêu cầu công tác giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong công tác thi tuyển, thi đua, khen thưởng… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác học tập, giảng dạy tại Trường. Chính sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi cá nhân là nhân tố quyết định làm nên thành công, tạo đà cho sự phát triển của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

             PV: Với mục tiêu xây dựng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật có uy tín ở Việt Nam và hội nhập quốc tế, xin Thầy chia sẻ về mục tiêu của Nhà trường trong giai đoạn tiếp theo!

             NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng: Trước mắt, Đảng ủy Ban giám hiệu Nhà trường đang chỉ đạo tập trung vào mở rộng khuôn viên của trường; triển khai xây dựng nhà đa năng các môn giáo dục nghệ thuật, xây dựng thêm Trường phổ thông Thực nghiệm Sư phạm Nghệ thuật trực thuộc trường.

Thực hiện đẩy nhanh tiến độ Đề án mở mã ngành Trung cấp Piano, Trung cấp Thanh nhạc, Thạc sĩ Mỹ thuật ứng dụng, Tiến sĩ Quản lý văn hóa; nghiên cứu mở các mã ngành mới như Truyền thông đa phương tiện...

Với tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đưa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật có uy tín ở Việt Nam và hội nhập quốc tế. Định hướng của Trường phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật có chất lượng trong nền kinh tế tri thức vì lợi ích cộng đồng và xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện để cạnh tranh với những cơ sở đào tạo có uy tín cùng lĩnh vực trong nước, từng bước tiếp cận với chất lượng của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; Chủ động mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để nâng cao hình ảnh, uy tín của Trường; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu để có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong thời kì mới.

                PV: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường ĐHSP Nghệ thuật TW trên cơ sở nâng cấp trường CĐSP Nhạc - Họa Trung ương, Thầy có điều gì muốn chia sẻ, gửi gắm đến tập thể cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên của Nhà trường?

NGƯT, PGS.TS. Đào Đăng Phượng: Trước hết, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tôi xin cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự hợp tác, giúp đỡ của các đơn vị, địa phương đã dành cho Nhà trường.

      Để có được như ngày hôm nay, đó là sự kế thừa trên nền tảng truyền thống 50 năm, chúng tôi trân trọng đóng góp của biết bao thế hệ nhà giáo đối với sự phát triển của Nhà trường. Chúng tôi sẽ luôn lưu giữ, nâng tầm những giá trị tốt đẹp, chọn lọc và phát huy những kinh nghiệm trong công tác quản lý của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Với ý nghĩa đó, toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường hôm nay hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, chung sức chung lòng, quyết tâm khẳng định vị thế của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW - một cơ sở đào tạo hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.

      Xin trân trọng cảm ơn Thầy!

Hạnh Nguyên - Trung tâm Thông tin và Truyền thông