Hoạt động nghiên cứu

Hội thảo tổng kết dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học

13 Tháng Mười Hai 2010

Các em học sinh khi tới trường giống như những cây non có rễ cứng cáp và đầy tiềm năng. Giáo viên đóng vai trò là những người thúc đẩy, biết cần phải thêm chất xúc tác gì vào nước tưới để giúp những cây non đó phát triển”, đó là thông điệp bà Kirsren Fugl, chuyên gia tư vấn Đan Mạch muốn gửi gắm tại Hội thảo tổng kết dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học (gọi tắt là SAEPS) giai đoạn 2006-2010. Hội thảo diễn ra tại khách sạn La Thành trong hai ngày 6 và 7/12/2010, với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Đại học Sealand, Bộ Giáo dục Đan Mạch, các giảng viên nhóm nòng cốt dự án, đại diện các sở giáo dục, giáo viên dạy mỹ thuật các tỉnh thành và đông đảo các cơ quan truyền thông đại chúng.

Hội thảo nhằm tổng kết quá trình hoạt động của dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học trong 4 năm, với những điều đã thực hiện, từ đó vạch ra kế hoạch, dự định trong giai đoạn tiếp theo, nhằm hướng tới mục tiêu giúp giáo viên mỹ thuật truyền cảm hứng để hỗ trợ học sinh tiếp thu thẩm mỹ và sáng tạo bằng cách khuyến khích các em trải nghiệm, bày tỏ, hợp tác và giao tiếp với nhau.

Trong đề dẫn khai mạc, PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng, Trưởng Ban quản lý Dự án trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã nêu lên tầm quan trọng của việc đào tạo cũng như yêu cầu nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên mỹ thuật hiện nay, đặc biệt là việc học hỏi phương pháp dạy học tích cực của các nền giáo dục quốc tế. Hướng tới mục tiêu đó, dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học đã triển khai những bước đầu tiên trong quá trình thay đổi phương pháp dạy-học mỹ thuật hiện nay tại các trường tiểu học, bằng việc tập trung vào tổ chức các quy trình học tập mỹ thuật; trong đó từng học sinh có thể khám phá, thể hiện, suy nghĩ về các trải nghiệm, quan điểm, cảm xúc và khả năng tưởng tượng của mình. Những kết quả mà dự án đã đạt được trong giai đoạn 2006-2010 chính là cơ sở, nền tảng cho việc thực hiện dự án trong những giai đoạn tiếp theo.

 

PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa đề dẫn khai mạc hội thảo

 

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến phát biểu của ông Lars Thore Jensen (Trưởng khoa đào tạo, Đại học Sealand), ông John Nielsen (Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam) và ông Jorn Skovsgaard (chuyên gia từ Bộ Giáo dục Đan Mạch). Cả ba ông đều đánh giá cao ý tưởng, sáng kiến và những kết quả dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học bước đầu đạt được trong thời gian qua, đồng thời hi vọng: tuy Đan Mạch và Việt Nam khác nhau về văn hóa cũng như giáo dục, nhưng điều này cũng không ngăn cản được sự nỗ lực của hai bên nhằm cùng nhau đưa ra những sáng kiến, ý tưởng mới mang tính khả thi trong giáo dục nói chung, giáo dục mỹ thuật tiểu học nói riêng. Những kết quả đáng kể dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học đã đạt được là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo cũng lắng nghe những suy nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm khi tham gia dự án của ông Nguyễn Huy Trung – đại diện nhóm giảng viên nòng cốt, bà Nguyễn Thúy Hường – giáo viên trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Nội, bà Phạm Thị Thủy – trường tiểu học Điện Biên 1 và ông Lê Đình Khanh – trường tiểu học Thị Trấn Rừng Thông, Thanh Hóa.

Tại hội thảo, những băn khoăn xung quanh việc triển khai dự án tại địa phương của các đại biểu đã được giải đáp. Trước câu hỏi liệu chăng có tồn tại mâu thuẫn giữa việc muốn áp dụng những phương pháp, cách thức sáng tạo, linh hoạt và hấp dẫn của dự án trong khi nội dung chương trình giáo dục tiểu học hiện nay chưa cho phép, ông Nguyễn Hữu Hạnh, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học, BGD&ĐT khẳng định: việc kết hợp này là hoàn toàn có thể, bởi lẽ các thầy cô có thể vận dụng những phương pháp đó vào giảng dạy trong những giờ học thêm buổi chiều. Hay với thắc mắc rằng, việc thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở một số trường có là trở ngại khi áp dụng phương pháp dạy học mới của dự án hay không, ông Nguyễn Hữu Hạnh nhấn mạnh: nhiều tỉnh thành chưa có điều kiện vật chất đầy đủ nhưng khi thí điểm dự án, kết quả thu được khá cao, như vậy ở đây, điều quan trọng chính là ở chỗ, người giáo viên phải biết lấy học sinh làm trung tâm của quá trình giảng dạy, hiểu trình độ từng em, từ đó có những hành động thiết thực để cải thiện điều kiện học tập và kết quả học tập của các em… Các đại biểu cũng đã chia thành nhiều  nhóm nhỏ thảo luận về các nội dung xoay quanh thực trạng giáo dục mỹ thuật bậc tiểu học như: vấn đề hỗ trợ họa phẩm, công nghệ thông tin… cho những vùng khó khăn; giáo dục mỹ thuật nhìn từ góc độ quản lý; vấn đề nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên mỹ thuật tiểu học; việc liên kết giáo viên mỹ thuật và tổ chức mạng lưới giáo dục mỹ thuật các cấp học…

 

Các đại biểu thảo luận nhóm về những vấn đề của dự án dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hữu Hạnh, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học,

Bộ GD&ĐT

 

Hội thảo cũng đã lắng nghe những tham luận của đại diện các sở giáo dục tham gia thí điểm: Cơ hội và thách thức trong giảng dạy mỹ thuật (ông Trịnh Đức Minh, Sở GD&ĐT Hà Nội), Kinh nghiệm về phát triển hệ thống trong dự án (ông Bùi Anh Tuấn, Sở GD&ĐT Nam Định); Sự uyển chuyển trong phương pháp dạy học mỹ thuật cấp tiểu học (bà Nguyễn Minh Hảo, Sở GD&ĐT Thanh Hóa), Kinh nghiệm triển khai dự án tại Thái Nguyên giai đoạn 2006-2007 (ông Nguyễn Gia Bảy, trường CĐSP Thái Nguyên)…

Dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật cấp tiểu học đã trải qua 2 giai đoạn với những kết quả đáng tự hào. Trên cơ sở tiếp thu những điều đã đạt được, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã giới thiệu kế hoạch, chương trình phát triển dự án trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, dự án trong giai đoạn này sẽ hướng tới mục tiêu: những phương pháp dạy học mới sẽ được thể hiện trong chương trình sách giáo khoa năm 2015; các tài liệu về phương pháp này sẽ được chỉnh sửa và sử dụng tại các trường tiểu học trên cả nước; giáo viên mỹ thuật bậc tiểu học sẽ được tập huấn về phương pháp dạy học mới thông qua đội ngũ cốt cán trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; chuyên gia Đan Mạch sẽ có khóa đào tạo tại chỗ và triển khai thí điểm tại 6 tỉnh trong năm 2011 (ít nhất có 1 tỉnh phía nam); tiến hành nghiên cứu tại 8 trường thí điểm và 8 trường không thí điểm để nhận xét, so sánh; tổ chức 12 lớp tập huấn tại ba miền; tổ chức một chuyến tham quan khảo sát tại Đan Mạch về giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học…

Bằng sự sáng tạo, nhiệt tình và tâm huyết với nghề, các giảng viên và giáo viên dạy mỹ thuật tham gia dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học đã phát triển và thực hiện hiện thí điểm các quy trình mỹ thuật tích hợp, thường xuyên truyền cảm hứng, hỗ trợ lẫn nhau, cũng như điều chỉnh những ý tưởng để phù hợp với các điều kiện giảng dạy tại địa phương. Đó chính là động lực để các thành viên tham gia dự án tiếp tục thực hiện những giai đoạn sau, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy-học mỹ thuật bậc tiểu học hiện nay.

 

Nhằm hỗ trợ công tác triển khai giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học, dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học khởi đầu bằng việc nâng cao năng lực và đào tạo giáo viên mỹ thuật ở trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên và sau đó là trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Các giáo viên 6 tỉnh tham gia thí điểm (Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa) đã nhận thấy rằng, các tiết học này đã thúc đẩy khả năng tự nhận thức, trách nhiệm, ý thức độc lập, năng lực giao tiếp, hợp tác của học sinh, đồng thời khuyến khích các em nâng cao hiểu biết về văn hóa và phát triển các kỹ năng sống.

Thông tin, tài liệu về dự án Hỗ trợ Giáo dục Mỹ thuật Cấp tiểu học sẽ được đăng tải trên website http://duanmythuat.learningpeople.net.