Tin tức

Những thách thức trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình hiện nay

04 Tháng Sáu 2018

Hà Đình Trung [*]

Trường Yên là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời, với điều kiện tự nhiên thuận lợi và có vị trí chiến lược về quân sự, vì vậy Trường Yên từng được chọn là nơi đóng đô, kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Với 42 năm phát triển rực rỡ (968-1010), trải qua ba triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu triều đại nhà Lý, để lại cho các thế hệ sau nhiều di sản văn hóa quý giá, đây là điều kiện thuận lợi để người dân Trường Yên giữ gìn và phát huy giá trị của di sản vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích trên địa bàn xã Trường Yên luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân, đạt được nhiều kết quả đáng nghi nhận. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Trường Yên còn nhiều bất cập và gặp nhiều thách thức, đó là:

1. Các nhân tố về sức ép phát triển

Tăng dân số, đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng: Trường Yên là địa phương có mật độ dân số đông nhất trong huyện, vì vậy sự gia tăng dân số tự nhiên sẽ làm tăng sức ép lên khu vực bảo tồn các di tích. Đồng thời đây cũng là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, các ngành nghề dịch vụ du lịch phát triển mạnh, nên  có nhu cầu về đất đai để xây dựng khách sạn, kinh doanh nhà hàng, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, bao gồm cả phát triển hệ thống giao thông. Tuy nhiên hiện nay các nhân tố này chưa đe dọa trực tiếp đến hệ thống các di tích lịch sử văn hóa.

Số lượng người buôn bán các dịch vụ gia tăng: Số lượng người kinh doanh buôn bán, dịch vụ chụp ảnh, bãi đỗ xe trong khu vực các di tích trên địa bàn xã Trường Yên tăng lên nhanh chóng, gây sức ép rất lớn đối với công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội.

Tác động của nông nghiệp: Tình trạng một số người dân địa phương vẫn tự ý chăn thả gia súc như trâu bò, dê trong khu vực di tích, điều này có thể tác động và ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, khảo cổ học cũng như các khu vực tự nhiên. Đồng thời, việc người dân đốt rơm rạ trên các cánh đồng vào cuối mùa gặt hàng năm, tạo ra ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng đến du khách tham quan tại các di tích trên địa bàn xã.

Thiếu an ninh cho các hiện vật khảo cổ và di tích lịch sử: Là địa bàn có nhiều di tích lịch sử văn hóa nhưng hiện nay vẫn chưa có bảo tàng hoặc nhà triển lãm trong khu di tích Cố đô Hoa Lư và cả khu Danh thắng Tràng An. Hiện nay hầu hết các hiện vật của khu di tích Cố đô Hoa Lư được lưu giữ tại vị trí di tích gốc và các hiện vật khảo cổ được lưu giữ trong một nhà kho ở khu vực đền Trần phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phân loại.

2. Những nhân tố ảnh hưởng từ thảm họa thiên nhiên

Ảnh hưởng của lũ lụt: Trường Yên là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9, vì vậy các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã cũng là đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các di tích đang xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư tu bổ và các công trình phụ trợ như hệ thống cây xanh khuôn viên, cơ sở hạ tầng giao thông.

Ảnh hưởng của hạn hán và cháy rừng: Hiện nay có một số di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, vì vậy hỏa hoạn cháy rừng là một mối nguy cơ rất cao, đặc biệt là trong mùa khô.

3. Vấn đề từ nhận thức của cộng đồng dân cư

Bên cạnh những tác động mang tính tích cực mà quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mang lại, chúng ta cũng nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến các di tích lịch sử văn hóa. Quá trình phát triển của xã hội và đô thị hóa dẫn đến những biến đổi trong đạo đức, lối sống của người dân từ cách nghĩ, nếp làm, hành vi đạo đức, phong tục, tập quán, những chuẩn tư cách và quy tắc sinh hoạt của cộng đồng trong xã hội. Hoạt động sinh hoạt văn hóa làng xã như hội hè, đình đám ngày càng thu hẹp lại. Thêm nữa, hiện nay lớp trẻ ít quan tâm tới văn hóa truyền thống, thích ăn mặc, thưởng thức văn hóa hiện đại theo lối thị dân. Nhiều nếp sống, thuần phong mỹ tục làng quê đang có nguy cơ biến mất trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Người dân quan niệm rằng hoạt động bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa là việc làm của các cơ quan chức năng và bộ phận dân cư cao tuổi về hưu, an trí tuổi già, chưa thu hút được giới trẻ.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã làm cho mô hình làng xã truyền thống bị thay đổi nhiều, hình ảnh lũy tre bao bọc quanh làng đã thay bằng những khu nhà cao tầng mọc san sát; đường đi lối lại trong làng được bê tông hóa, nhà ven đường làng cũng được chia lô như những dãy phố; dân cư đông đúc, sống xen với các di tích…Vì vậy, để bảo vệ các di vật, cổ vật, các di tích phải xây tường bao cao đã làm thay đổi diện mạo, không gian cảnh quan, không gian thiêng, sự uy nghi, cổ kính của di tích bị mất đi. Việc bê tông hóa không chỉ đối với các công trình kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân mà còn diễn ra ngay tại nhiều đình, chùa với việc xây dựng lại bằng cột bê tông, đổ mái bằng, lát gạch đá hoa… Điều này làm thay đổi hẳn diện mạo không gian truyền thống của di tích vốn dĩ luôn gắn bó, gần gũi với người dân trong làng, xóm.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa, khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động quản lý các di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên trong thời gian tới, cần đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế các nhân tố ảnh hưởng đến di tích lịch sử, văn hóa:

Thứ nhất, giảm thiểu sức ép về dân cư và quá trình đô thị hóa. Mục tiêu quản lý các nhân tố về sức ép dân cư là phải chủ động trong kiểm soát mức độ gia tăng dân số, đảm bảo rằng sự phát triển của dân số nằm trong vòng kiểm soát. Sự gia tăng dân số phải được giới hạn trong sức chứa về mặt môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của di sản văn hóa, để giá trị thiên nhiên và giá trị văn hóa của di tích được bảo vệ toàn diện trong quy hoạch ngắn hạn và dài hạn. Di dời các hộ dân tại các di tích đặc biệt sang những vùng khác, thông qua các chính sách khuyến khích về quyền lợi vật chất, tạo cơ hội về việc làm và thu nhập, thực hiện việc phân bố lại mật độ dân cư trên địa bàn, làm cho cộng đồng dân cư có thể sinh sống, đồng hành cùng di sản và được hưởng lợi từ việc tham gia bảo vệ di sản văn hóa.

Kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng các dịch vụ kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, nhà ở, giao thông, bến bãi…Đảm bảo duy trì được một cảnh quan phát triển chung, phù hợp. Hạn chế phát triển các công trình hạ tầng cơ sở chiếm dụng nhiều không gian mặt đất cả về chiều rộng và chiều cao. Tất cả các hoạt động xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch… đều phải được tiến hành theo quy hoạch, phê duyệt, cấp phép bằng văn bản chính thức của các cấp có thẩm quyền và được tiến hành đúng những quy định của pháp luật.

Quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, nghiêm cấm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác bảo tồn môi trường cảnh quan thiên nhiên của di tích. Bên cạnh các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích người dân địa phương tạo ra những sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch - văn hóa đặc thù có giá trị nổi bật về mặt văn hóa nhưng cũng là những sản phẩm có giá trị thương phẩm có thể bán nhiều lần, cho các loại khách tham quan với những loại nhu cầu khác nhau.

Thứ hai, giảm thiểu các nhân tố về thảm họa thiên nhiên. Với mục tiêu là đảm bảo các tác động của thiên nhiên không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, tính toàn vẹn và các giá trị của di tích lịch sử văn hóa, nhờ đó mà các giá trị của di tích được bảo vệ lâu dài và bền vững. Cấp ủy, chính quyền huyện Hoa Lư và xã Trường Yên thường xuyên chỉ đạo và áp dụng một số biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng lũ lụt có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đến các di tích như: Thường xuyên tu bổ, tôn tạo các công trình di tích; đầu tư thêm các phương tiện hỗ trợ như xe, thuyền, vật liệu chống bão lụt; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trách nhiệm, kĩ năng ứng phó với mọi tình huống khi lũ lụt xảy ra cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách và các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư. Đồng thời cũng đề ra các giải pháp chống ẩm, mốc do thời tiết có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến hiện vật, bộ sưu tập và hồ sơ lưu trữ.

Thứ ba, giảm thiểu các nhân tố về môi trường. Nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế - xã hội tới môi trường cảnh quan trong khu vực di tích lịch sử văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động bảo vệ môi trường trong các khu di tích. Để thực hiện được mục tiêu trên cần phải có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư địa phương tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Hạn chế và ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mức độ ô nhiễm môi trường từ các nguồn chất thải sinh hoạt, chất thải từ sản xuất thủ công nghiệp, nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường. Xử lý kịp thời các tình huống ô nhiễm, đảm bảo giữ gìn môi trường trong sạch.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư. Việc giáo dục, tuyên truyền về di tích cũng cần chú ý tới thế hệ trẻ, định hướng để cho thế hệ này có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến giá trị di tích trong các trường học, lồng ghép với các chương trình giảng dạy hoặc thông qua các lớp bồi dưỡng, học ngoại khóa, tổ chức tham quan di tích, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, di tích của địa phương. Thông qua các hoạt động này giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương một cách chân thực, sinh động. Từ đó góp phần vào việc hoàn thiện nhân cách, đạo đức, biết trân trọng di sản của địa phương, của dân tộc.

Để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, cấp ủy, chính quyền huyện Hoa Lư, xã Trường Yên cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cần đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác, là một phần trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương, sự chung tay góp sức của các tầng lớp xã hội, đem lại lợi ích cho việc quản lý, bảo tồn di tích và lợi ích chung của cộng đồng dân cư.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Văn hóa thông tin (2003), Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT về việc Ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, Hà Nội.
  2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình (2018), Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), Ninh Bình.
  3. Phan Duy Đức (Chủ biên) (2012), Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch của Ninh Bình: Thực trạng và giải pháp, Kỷ yếu Hội thảo “Ninh Bình 20 năm đổi mới và phát triển”.
  4. Phòng VHTT huyện Hoa Lư (2017), Báo cáo công tác quản lý Di tích lịch sử - Văn hóa trên địa bàn huyện Hoa Lư (2017), Tài liệu lưu hành nội bộ, Hoa Lư.
  5. Phòng VHTT huyện Hoa Lư (2018), Bảng danh mục các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Hoa Lư, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hoa Lư.

----------------------------------------------------------------

       [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa