Tin tức

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động cung – cầu giáo viên

06 Tháng Mười Hai 2019

GD&TĐ - Trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Tuy Phước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm thống kê giáo viên theo môn, theo tuổi, theo trình độ chuyên môn, theo chuẩn nghề nghiệp để đánh giá việc thừa – thiếu giáo viên của các cấp học.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến của cử tri tại huyện Tuy Phước.

Tại buổi tiếp xúc vào ngày 4/12, nhiều vấn đề cử tri, nhân dân huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) quan tâm liên quan đến đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, làm rõ. Bộ trưởng khẳng định, những vấn đề mà cử tri, nhân dân huyện Tuy Phước nêu lên đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo không chỉ của riêng một địa phương nào mà đó là vấn đề được toàn xã hội đang hết sức quan tâm. Và đó chính là động lực để toàn ngành giáo dục có thêm động lực tiếp tục sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.

Liên quan đến vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạophải theo lộ trình. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm học 2020-2021 với lớp 1.

Theo đó, lộ trình thay sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo từng năm học, từng cấp, bậc học. Khi chương trình mới được áp dụng hoàn toàn thì những bất cập của ngành giáo dục sẽ dần dần được khắc phục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trả lời được câu hỏi học sinh học xong biết làm gì thay vì biết được gì như hiện nay. Chương trình mới đảm bảo tính liên thông, liền mạch giữa các môn học, giữa các cấp học, phát huy tính sáng tạo của cả người dạy và người học. Đồng thời sẽ phân hoá học sinh ở bậc phổ thông trung học tốt để giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai.

Đối với vấn đề lựa chọn sách giáo khoa như thế nào, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật Giáo dục 2019 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Tuy nhiên, đến ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi sách giáo khoa phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 31/.3/2020 để kịp thời cung cấp sách giáo khoa năm học 2020 - 2021.

Vì vậy, hiện nay, Bộ GDĐT đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, đảm bảo việc lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đạt yêu cầu đề ra.

Chủ động giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi bên lề Hội nghị với các cử tri tại huyện Tuy Phước.

 

Một vấn đề phát sinh khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là thừa - thiếu giáo viên, nhất là đối với các môn tự chọn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GDĐT đã nhận diện được hai vấn đề. Thứ nhất, là nhiều giáo viên hiện hành khi chuyển sang chương trình mới phải điều chỉnh. Thứ hai, đối với một số môn học mới thì phải có kế hoạch đào tạo bổ sung.

Để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ giáo viên, Bộ GDĐT đã xây dựng các chương trình chuyển đổi giữa các cấp học. Để có thể đánh giá được việc thừa - thiếu giáo viên của các cấp học, Bộ GDĐT đã xây dựng phần mềm thống kê giáo viên theo môn, theo tuổi, theo trình độ chuyên môn, theo chuẩn nghề nghiệp. Từ đó đưa ra một đánh giá tổng thể về nguồn nhân lực giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa ra các khuyến cáo đối với Bộ Nội vụ, các ngành chức năng và các địa phương để có kế hoạch chuẩn bị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ GDĐT cũng tham mưu cho Chính phủ đề án sắp xếp các trường sư phạm trọng điểm để khắc phục tình trạng đào tạo giáo viên sư phạm nhưng không gắn với nhu cầu thực tế. Các địa phương căn cứ vào số liệu thống kê trên hệ thống dữ liệu sẽ biết địa phương của mình sẽ cần bao nhiêu giáo viên, ở những môn học nào để phối hợp với các trường sư phạm đào tạo. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, về mặt chuyên môn, Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, địa phương tổ chức thực hiện.

Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu 8 trường Sư phạm trọng điểm phải xây dựng chương trình đào tạo giáo viên đảm bảo tính thống nhất trong chất lượng đào tạo, phục vụ tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xuân Phú