Nghiên cứu lý luận

VẬN DỤNG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ VÀO DẠY HỌC MÔN MỸ THUẬT Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG CƠ SỞ

01 Tháng Chín 2021

            Phạm Bá Thương

Học viên  K8 Lý luận và Phương pháp dạy học môn Mĩ thuật.

Tranh dân gian Việt Nam là kho tàng độc đáo, mang đậm đà bản sắc dân tộc và có lịch sử từ rất lâu đời. Những dòng tranh tiêu biểu như Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh đỏ Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh Làng Sình (Huế)... Tranh Đông Hồ mang giá trị nghệ thuật tạo hình độc đáo như: Màu sắc, mảng, nét, bố cục...Nội dung phản ánh về hiện thực cuộc sống, ước mong của con người, có ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như nhân cách con người.

         1. Khái quát chung về tranh dân gian Việt Nam và Tranh dân gian Đông Hồ.

 Có nhiều khái niệm khác nhau về tranh dân gian. Nhưng điểm chung đều ghi nhận “ Tranh Dân gian Việt Nam có lịch sử từ lâu đời, do các nghệ nhân dân gian sáng tạo nên, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay. Đã có những thời gian hưng thịnh phát triển rất mạnh, với ngày nay vẫn còn được giữ gìn và bảo tồn trong bảo tàng, một số làng nghề, một số nghệ nhân truyền thừa cho đời sau , gia đình nghệ nhân làm tranh.

           Cũng có khái niệm cho rằng” Tranh Dân gian Việt Nam là một trong những loại hình nghệ thuật xa xưa, là sản phẩm của quá trình sáng tạo nghệ thuật của những nghệ nhân dân gian.Những sản phẩm nghệ thuật ấy thể hiện khát vọng, mong ước của con người về cuộc sống. Tranh thường được dùng trong những dịp lễ tết hay những sinh hoạt tín ngưỡng, nên còn gọi là tranh tết.

          Tranh dân gian Đông Hồ được sản xuất tại làng Đông Hồ, Huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Tranh luôn gắn bó tính đại chúng và in đậm dấu ấn trong cuộc sống, tư tưởng tình cảm của con người Việt Nam. Chủ đề tư tưởng cùng những đặc trưng độc đáo riêng của tranh là những yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật của tranh. Tranh dân gian Đông Hồ giản dị, gần gũi mộc mạc hàm chứa một vẻ đẹp nhẹ nhàng gần gũi hấp dẫn cảm xúc đầy ấn tượng, những ý nghĩa giáo dục sâu sắc răn dạy cuộc sống con người.

Tranh Đông Hồ gắn liền những sinh hoạt trong đời sống, mùa xuân xưa được gửi gắm vào tranh. Đề tài phong phú trong đó đề tài chúc tụng như Vinh hoa, phú quý, gà đại cat,.. đề tài sinh hoạt có các trò chơi Bịt mắt bắt dê, Đấu vật,.. trong các lễ hội Nghinh long, phụng lân, .. sự đa dạng bố cục hình elip, hình tròn, hình sin, tam giác, hình thang, bán nguyệt, hình vuông, chữ nhật. Đường nét tạo hình phóng khoáng, màu sắc tươi sáng rực rỡ lấy từ thiên nhiên. Gần gũi giản dị dễ tiếp cận gần với lứa tuổi học sinh THCS, tính hồn nhiên, vui tươi, mộc mạc vừa đang phát triển tâm lý lứa tuổi, trong học tập thẩm mĩ, càng cần lồng ghép dạy – học mĩ thuật, khi tiếp cận tranh dân gian Đông Hồ. “ Vận dụng thể loại tranh tết, lễ hội ở tranh dân gian Đông Hồ vào dạy học mĩ thuật Phổ Thông”. Thông qua học tập phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh, hiểu và vận dụng sáng tạo, có ý thức gìn giữ bảo tồn di sản quý báu dân tộc, vận dụng phát huy từ vốn tinh hoa độc đáo, nét đẹp thể loại tranh Tết, lễ hội ở tranh dân gian Đông Hồ trong dạy và học. Tiền đề căn bản học tự chọn ở cấp Phổ thông trung học và định hướng nghề nghiệp.

2. Vận dụng tranh Tết, lễ hội trong tranh dân gian Đông Hồ vào dạy học môn mỹ thuật THCS.

2.1 Vận dụng nghệ thuật bố cục

         Bố cục là sự sắp xếp, hình mảng chính, phụ hài hòa, nêu bật nội dung chủ đề của mỗi bức tranh. Hiện nay với những Chủ đề vẽ tranh đề tài học sinh lúng túng trong lựa chọn cách bố cục nhân vật, hình ảnh chính phụ hoặc cứ vẽ không có hướng sắp xếp bố cục cụ thể nào, chép lại tranh trong các bài vẽ tranh đề tài ở sách giáo khoa. Màu sắc đậm nhạt trong tranh đề tài và bài trang trí thiếu trọng tâm. Hạn chế này đa phần là học sinh khối lớp 6 và khối 7.

          Bố cục luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nắm vững cách xây dựng bố cục, các dạng hình bố cục cơ bản, kết hợp sự đa dạng về bố cục dạng tròn, ê-líp, dạng hình vuông, dạng hình chữ nhật, tam giác hay kết hợp hình thang, hình sin, nhịp điệu trong từng thể loại tranh và có một giá trị nhất định, mỗi dạng bố cục phản ánh hiệu quả nhất định nội dung ý nghĩa tranh. Khi vận dụng vào bài dạy cụ thể giáo viên cần chọn lọc nét độc đáo đặc sắc cho từng bài học. Chủ đề vẽ tranh đề tài, trang trí,trang trí ứng dụng.

          - Thể loại tranh Tết:

          Dạng bố cục e-líp được thể hiện trong rất nhiều bức tranh mang ý nghĩa chúc tụng như;  Vinh hoa, Phú quý, Bé ôm tôm, Bé ôm cá,dạng bố cục ê-lip. Các nhân vật được thể hiện thành một khối thống nhất về hình mảng, đường nét tạo thành một mảng lớn có xu hướng của hình e-líp trên nền giấy điệp. Với bố cục trên cho liên tưởng đến tròn đầy, bụ bẫm no đủ của cuộc sống. Giáo viên vận dụng Chủ đề 9 : Tranh chân dung (lớp 6), vì thể hiện sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt là chủ yếu, mảng hình lớn.

         Bố cục hình vuông, hình chữ nhật

          Trong các tranh;  Hạnh phúc, Lợn đàn, Gà đàn,… Bố cục dạng hình vuông, kết hợp hình chữ nhật, phù hợp với thể hiện vững chắc quy củ mang vẻ như quy luật, có tổ chức hoặc tạo sự cân bằng sắp xếp hình có trên dưới, có trật tự trước sau. Giáo viên vận dụng Chủ đề 8: Khu nhà yêu thích

(lớp 6).  Chủ đề 10: Giao thông (lớp 7)

         Bố cục theo nhịp điệu

          Trong tranh Gà thư hùng , mô tả một gia đình nhà gà gồm gà trống, gà mái và đàn con quấn quýt. Hình ảnh gà trống với tư thế đầu ngẩng cao vững chắc oai vệ, gà mái mẹ cúi đầu che chở đàn con mỗi chú mỗi vẻ, vui khỏe thể hiện cuộc sống no đủ, hạnh phúc gia đình đầm ấm. Giáo viên vận dụng cho bài vẽ gia đình (Tiết thực hành Ngày Tết, mùa xuân Chủ đề 7 (lớp 6)

          - Thể loại tranh lễ hội:

          Dạng bố cục hình tròn được thể hiện qua bức tranh;  Bịt mắt bắt dê. Đôi trai gái đang đuổi bắt con dê, chàng trai bị bịt mắt được sắp đặt gần chính giữa dẫn mắt người xem như cuốn theo trò chơi. Hình cô gái và con dê. Phía góc phải tranh hình ảnh dê đang chạy. Ba nhân vật chính được thể hiện sinh động với các động tác hấp dẫn, mảng hình phong phú, nhịp điệu uyển chuyển. Phía sau chàng trai và cô gái là khán giả, những người cổ vũ cho trò chơi với nét mặt rất chăm chú cho thấy trò chơi hấp dẫn cuốn hút, vòng tròn liên kết hòa với không khí tưng bừng của mùa xuân. Giáo viên vận dụng cho Chủ đề 7: thực hành vẽ tranh đề tài ngày tết và mùa xuân( lớp 7). Chủ đề 5: Cuộc sống quanh em (lớp 6).

           

H1. Tên tranh: Chúng em học nhóm,

                         Chất liệu: sáp màu của Văn Thị Tuyên lớp 7B.

          Bố cục hình tam giác, hình thang, chữ nhật, bán nguyệt trong lễ hội:

          Với tranh có nội dung cần nhấn mạnh yếu tố vững vàng , chắc khỏe hoặc có sự phát triển lên trên như tranh: Đấu vật, hình ảnh chính là ba cặp đô vật được sắp xếp trong hình tam giác lớn với các tư thế, động tác khác nhau. Cặp đôi bên trái tạo hình thang cân, cặp bên phải trong hình bán nguyệt, cặp ở giữa trong hình tam giác cân. Hai giây pháo phía trên tạo không gian và thời gian diễn ra vào mùa xuân, mùa lễ hội. Giáo viên vận dụng cho vẽ Chủ đề 2: Tạo hình căn phòng; Chủ đề 4: Phong cảnh thiên nhiên (Lớp 7).

          Bố cục theo nhịp điệu:

          Nhịp điệu hình sin như; Nghinh long,Phụng lân, phần trên là sự uốn lượn nhịp điệu thân rồng hình sin và phần dưới các nhân vật đánh trống,cầm cờ hay cầm đèn lặp lại cùng nhịp điệu, tạo thành hướng di chuyển nhộn nhịp thống nhất. Các yếu tố chuyển động, mềm mại và được lặp lại, chọn lọc để tạo ra hiệu quả thẩm mỹ được các nghệ nhân Đông Hồ. Giáo viên vận dụng cho bài vẽ Chủ đề 5: Cuộc sống quanh em (Lớp 7)                      

          Tranh dân gian Đông Hồ đặc trưng của một dòng tranh độc đáo từ chất liệu, bố cục đa dạng, sống động với không gian ước lệ tạo nên cái riêng, cái sâu sắc ý vị thẩm mỹ riêng. Phù hợp lứa tuổi và cần thiết ứng dụng đưa vào dạy học mĩ thuật THCS.

2.2. Vận dụng mầu sắc hình khối, nét

          Nghệ thuật của màu sắc, hình khối, nét trong tranh Tết, lễ hội tạo sức cuốn hút đặc biệt bởi màu sắc, hình ảnh, nét đơn giản tinh tế thuần khiết, đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn với đời sống như;  con gà, con trâu, con cóc, con vịt,...Các trò chơi trong lễ hội vui dịp ngày xuân như;  Bịt mắt bắt dê, đánh đu, đấu vật, rước rồng , rước lân… Ngoài nét khắc tinh tế giản dị, trong sáng, tính chất trang trí của màu sắc: khoáng đạt không cầu kì màu sắc rực rỡ. Việc dùng màu sắc, hình, nét trong tranh cũng có chọn lựa phù hợp với mỗi thể loại khác nhau, ý nghĩa riêng và để lột tả được cái không khí trong tranh.

          - Thể loại tranhTết; Chỉ với những màu được lấy từ thiên nhiên như;  trắng điệp, xanh, đen, đỏ, vàng, tượng trưng cho ngũ hành “kim – mộc – thủy – hỏa - thổ” sử dụng cặp màu sắc tương phản kết hợp hình khối, nét. Sắp xếp hình khối lớn nhỏ, tầng lớp. Nhân vật chính có hình khối lớn hơn nhân vật còn lại, cảnh xung quanh nhỏ theo khoảng không gian còn lại trong tranh. Tranh Vinh hoa,phú quý, Thu đáo xuân lai, màu hồng trên da thịt em bé thể hiện sắc khỏe của sức tràn trề, đủ trai đủ gái vinh hoa, phú quý trên nền vàng tràn sắc xuân. Yếu tố tương phản của màu sắc trang trí khi đặt cạnh nhau có sự đối lập nhau về sắc độ mạnh mẽ hay đối lập nhau về sáng tối, làm tôn nhau thêm rực rỡ, lung linh, tươi vui, rộn rã “màu sắc biết nhảy múa” đã lột tả không khí của ngày Tết. Nét chữ cũng là nét vẽ độc đáo cách xử lí khoảng trống hay cái tinh tế hài hòa, phù hợp. Nét và mảng bố cục màu trong tranh rất phong phú, không những nêu bật được nội dung, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, mà còn gợi khối, tả chất. Chú trọng giá trị nội dung, xây dựng điển hình, mảng hình bẹt, bỏ qua vờn khối.Thủ pháp ước lệ tạo hình, vận dụng tinh tế quy luật tự nhiên màu sắc tươi sáng thể loại tranh Tết.

          Giáo viên vận dụng cho vẽ màu da, màu nền, nhân vật chính nét cong dài  mảng hình lớn, nét ngắn cho mảng phụ. Hình ảnh, họa tiết cho trang trí Chủ đề 3 : Màu sắc. Chủ đề 4 : Trang trí đường diềm và ứng dụng.

                

H2. Đường diềm và ứng dụng.

           Chất liệu : sáp màu, màu bút dạ của Phạm Khiêm lớp 6B

                                                                              

 Chủ đề 5 : Tạo sản phẩm và quảng cáo trang phục. Chủ đề 6 : Tranh tĩnh vật (phần trang trí). (lớp 6).

          - Thể loại tranh lễ hội: sinh ra từ Kinh Bắc, một vùng văn hoá tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ, phải chăng một vùng lễ hội, tất cả những tranh dân gian Đông Hồ đều rực rỡ, tươi tắn như; Rước rồng, rước lân, sắp xếp màu sắc uốn lượn trong hình sin được hệ thống nét bao và nét thể hiện vây, lưng, đuôi đường hướng tả khối bụng, đầu phần trên, kết hợp với hình sin màu sắc đan xen nhảy nhót của phần dưới, tạo thể thống nhất phần lễ và hội được đan xen trên nền vàng cam sắc lễ hội rộn ràng. Cảm xúc không phải là sự nghiêm trang, mà vui nhộn, ước lệ tượng trưng linh thiêng ý tưởng nghệ thuật không gây sự xa lạ hay siêu thực. Trò chơi trong lễ hội như; Đấu vật, Bịt mắt bắt dê, Đánh đu, Phối hợp nét cong và nét thẳng, dài ngắn,.. theo tiết diện nhất định cảm giác niềm vui được nhân lên. Các đường nét, mảng và màu sắc cũng như sự hài hòa về hình thể và khoảng trống tỷ lệ hợp lý, các mảng màu tươi sáng đặt cạnh nhau, được làm dịu bởi nét đen thông qua tác dụng tương phản và bổ túc. màu sắc đậm chất dân gian về một lễ hội Việt xưa đầy màu sắc. Nghệ thuật tạo hình đã sử dụng không gian và nét. Nét bao hình mảng màu sắc và không gian, nét diễn tả được hình khối, diễn tả sự vận động, tĩnh của sự vật và còn biểu đạt được trạng thái tình cảm của con người, thái độ của con người với sự vật. Giáo viên hướng dẫn học sinh vận dụng màu tường phản, bổ túc, nét viền cho bài vẽ trang trí; màu hình mảng, nét họa tiết lớn chính, nhỏ phụ hay lặp lại nhịp điệu hình sin bài trang trí đường diềm, vận dụng họa tiết hoa sen, lá, nét cong vòng, xoáy âm dương, hình vật trang trí ứng dụng đồ vật, trang phục, chữ trang trí,...  Chủ đề 3 : Chữ trong trang trí. Chủ đề 9 : Trang trí ứng dụng trong đời sống (lớp 7).

 Trên đây là ví dụ vận dụng cho khối lớp 6,7 tương tự vận dụng với khối 8,9 cấp THCS.

Kết luận

 Để vận dụng khai thác mỹ thuật truyền thống vào dạy học môn Mỹ thuật ở trường phổ thông, chúng ta nên tìm hiểu, nghiên cứu phân tích những nét đặc sắc, độc đáo về đường nét, hình mảng, bố cục và ý nghĩa giáo dục. Tranh dân gian đông Hồ độc đáo về giá trị nghệ thuật, khi cho học sinh vận dụng trong từng bài học cụ thể, giáo viên nên hướng cho các em tìm hiểu phân tích được các dạng bố cục, tính độc đáo đặc sắc về đường nét phân định các mảng hình lớn nhỏ ( học tập viền nét cho hình ảnh chính trong các bài thực hành của học sinh cả về các bài vẽ tranh đề tài, các bài trang trí, trang trí ứng dụng). Màu sắc có thể vận dụng cách vẽ màu tương phản, bổ túc hoặc sử dụng màu có sẵn từ những đồ vật thu lượm được dùng cho trang trí,...

Khi vận dụng dạy học, giáo viên đưa câu hỏi gợi mở dựa trên trực quan tranh ảnh, clip ... cần tương tác cá nhân, cá nhân với nhóm học sinh phân tích bằng hình ảnh cụ thể trực quan. Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, linh hoạt mở rộng trải nghiệm tạo hứng thú, tự giác tích cực chủ động chiếm lĩnh kiến thức, để các em hiểu sâu hơn nét độc đáo mỹ thuật truyền thống, giúp các em hiểu thêm về lịch sử của dân tộc. Vận dụng trong học tập, sinh hoạt trong đời sống.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Tiến Chung (1971)  Nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian việt Nam, Nxb Mỹ Thuật.
  2. Trang Thanh Hiền ( 2016), Tranh Tết: Nét tinh hoa truyền thống Việt, NXB Mỹ Thuật.
  3.  Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, (1989),  Mỹ thuật của người Việt cổ NXB Mỹ thuật.
  4.  Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược,  (2000)  Đồ họa cổ Việt Nam Nxb Mỹ thuật. Tác giả nêu rõ về cách thức in, khắc tranh Kim hoàng, Làng sình, tranh thờ.