Nghiên cứu lý luận

Một số phương pháp truyền dạy hát then tại Cung thiếu nhi Lạng Sơn

02 Tháng Hai 2018

              Hà Thị Minh Tuyền

Lớp cao học K6 - Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

 

     Hát Then là một loại hình ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng, Thái. Có thể xem hát Then là một thể thức diễn xướng mang màu sắc tín ngưỡng, tường thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc Hoàng giải quyết một vấn đề gì đó cho gia chủ.

     Chương trình giảng dạy tại Cung thiếu nhi Lạng Sơn có đưa hát Then vào và đã đạt được những thành tích, kết quả khả quan. Tuy nhiên khi mời các nghệ nhân Then hoặc các giáo viên âm nhạc biết hát Then về giảng dạy, mỗi người lại dạy theo một phương pháp khác nhau, chủ yếu là dạy theo kinh nghiệm bản thân nên chất lượng dạy và học chưa mang tính tích cực, chủ động, sáng tạo, chưa phù hợp với khả năng tư duy âm nhạc của học sinh. Bởi vậy, tác giả xin đưa ra một số phương pháp truyền dạy hát Then tại Cung Thiếu nhi Lạng Sơn nhằm đạt được hiệu quả cao và đồng bộ hơn như sau:

     1. Phương pháp làm mẫu, truyền dạy

     Làm mẫu là phương pháp dạy học trong đó giáo viên trực tiếp biểu diễn các thao tác, động tác mẫu hoặc gián tiếp biểu diễn chúng thông qua các phương tiện dạy học, có kết hợp với việc giải thích để giúp học sinh lĩnh hội được nội dung bài học.

     Đây là phương pháp chủ yếu mà các nghệ nhân, nghệ sĩ, giáo viên nhạc thường sử dụng nhất trong truyền dạy hát Then. Với cách dạy và học này, học sinh tiếp cận với âm nhạc bằng tai nghe chứ không phải bằng mắt. Học sinh được nghe và học các âm thanh bằng giọng thật của các nghệ nhân, nghệ sĩ. Bởi vậy, ngay từ lúc bắt đầu học học sinh đã làm quen được với tính chất của bài học, khi tính chất đó không thể hiện được trên bản kí âm có thể đọc được bằng mắt. Với phương pháp này, người học không cần thuộc bản nhạc, nốt nhạc mà được người dạy tập cho từng câu, hướng dẫn cách hát, thể hiện được tính chất của bài. Vì vậy, người học dễ dàng hơn trong việc thẩm thấu tính chất của bài trong cả quá trình học và sẽ "ngấm" nhanh hơn.

     Do cách dạy học theo kiểu truyền khẩu nên người dạy chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm của bản thân, không có bản nhạc (bản phổ) của bài hát, mà truyền dạy theo kiểu ghi tên nốt nhạc và sử dụng bằng ký hiệu để gẩy ra hoặc gẩy vào khi truyền dạy đánh Tính tẩu.

     Phương pháp này đòi hỏi người học dựa hoàn toàn vào tai nghe và trí nhớ của bản thân, buộc người học phải thuộc lòng và nắm được tính chất của bài hát, mặc dù quá trình này diễn ra chậm nhưng nhờ vậy mà người học nắm được bài rất chắc, thể hiện tốt tính chất của bài học, có thể ứng dụng tốt các bài hát trong môi trường diễn xướng của mình và xử lý, ứng tác nhanh nhạy hơn.

     2. Phương pháp phân tích, thuyết trình

     Phương pháp phân tích, thuyết trình là phương pháp dạy học bằng lời nói sinh động của giáo viên để trình bày một tài liệu mới hoặc tổng kết những tri thức mà học sinh đã thu lượm được một cách có hệ thống.

     Nếu như trước đây các nghệ nhân, nghệ sĩ hay giáo viên âm nhạc truyền dạy hát Then theo phương pháp làm mẫu truyền khẩu, trong quá trình đó ít có phân tích, thuyết trình về bài hát, làn điệu trước khi dạy thì hiện nay khi truyền dạy hát Then - Tính tẩu thường kết hợp với phương pháp phân tích, thuyết trình, giúp người học dễ hiểu các làn điệu. Khi truyền dạy một bài hát mới, một kĩ năng đánh Tính tẩu mới thì người dạy sẽ phân tích, thuyết trình về tính chất của bài hát, làn điệu vui hay buồn, hát nhanh hay chậm rãi, cách ngắt nhịp, ngắt hơi, ... Để người học hiểu rõ hơn, từ đó học hát sẽ dễ dàng hơn, nắm bắt được nhanh hơn.

     Phương pháp này giúp người học nắm bắt được chính xác nội dung, tính chất, làn điệu, nhịp độ của bài học một cách nhanh chóng, chuẩn xác.

     3. Phương pháp trực quan

     Việc sử dụng trực quan như: xem và nghe băng đĩa nhạc của các ca sĩ, nghệ nhân biểu diễn, xem tranh, ảnh minh họa,... trong truyền dạy hát Then sẽ khiến người học hứng thú hơn. Ngoài ra, việc sử dụng những bản kí âm (bản phổ) sẽ giúp cho bài học trở nên dễ dàng và nhanh hơn. Giáo viên cần ghi âm những bài hát Then lại cả phần lời ca và phần đệm đàn, sau đó kí âm thành bản nhạc hoàn chỉnh, hướng dẫn học sinh tự đọc nhạc, tập đàn, ghép lời ca và kết hợp vừa đàn vừa hát.

     Với phương pháp này cả người dạy và người học không mất nhiều thời gian trong việc truyền thụ từng câu nhạc, người học không phải căng tai, căng mắt để ghi nhớ bài, khi không có giáo viên hướng dẫn hay quên bài thì vẫn có thể tự tập bài được.

     4. Phương pháp trải nghiệm

Phương pháp trải nghiệm gồm nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi xin đưa ra một số hình thức trải nghiệm dưới đây như sau:

     4.1. Đan xen những tiết mục hát Then trong chương trình biểu diễn văn nghệ.

     Đây là việc làm hết sức thiết thực và cần thiết, không những thay đổi không khí mà còn giúp các em học sinh được biết đến loại hình nghệ thuật độc đáo của quê hương, dân tộc mình. Đan xen những tiết mục hát then như vậy cũng khiến các em cảm thấy tự hào, yêu thích dân ca nói chung và hát Then nói riêng.

     Nên xen kẽ các bài hát Then đã được cải biên, đặt lời mới, lời ca hát bằng tiếng kinh, để các em có thể hiểu được nội dung, ý nghĩa cũng như cảm xúc của bài hát, nhằm giới thiệu đến học sinh loại hình nghệ thuật đặc sắc nhưng ngày càng bị mai một này.

     4.2. Tổ chức hội thi hát Then

     Thường xuyên tổ chức các hội thi hát Then ở các cấp, các ngành từ cấp xã, phường đến huyện, tỉnh, thành phố,... Là việc làm cần duy trì và phát huy bởi sự hiệu quả trong việc tuyên truyền cũng như khuyến khích mọi người tham gia vào các phong trào văn hóa văn nghệ ở địa bàn, góp phần phổ biến sâu rộng thêm nghệ thuật hát dân ca, hát Then đàn tính của tỉnh nhà. Đồng thời tôn vinh, bảo tồn, phát triển hát Then loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã bao đời gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ khẳng định giá trị của hát Then- đàn Tính mà còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ được gặp gỡ giao lưu, trao đổi về những làn điệu, kinh nghiệm trong việc truyền dạy, bảo tồn và pháy huy giá trị của hát Then.

     Là một hoạt động đem lại hiệu quả cao, các cuộc thi này không những tuyên truyền, khuyến khích phong trào học hát Then trong nhà trường, nhằm mục đích thu hút được sự tham gia đông đảo của các em học sinh, sự quan tâm của cha mẹ học sinh, mà qua đó, giáo dục cho các em học sinh truyền thống yêu quê hương đất nước, góp phần trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, đây cũng là sân chơi để các em học sinh thể hiện tài năng, năng khiếu của bản thân, chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn nhau.

     4.3. Tổ chức nói chuyện "chuyên đề về hát Then"

 Hình thức nói chuyện "chuyên đề về hát Then" là hoạt động tổ chức được ban lãnh đạo Cung Thiếu nhi quan tâm và cũng đã tổ chức được nhiều buổi nói chuyện về hát Then cho giáo viên và học sinh theo học tại đây.

     Qua buổi nói chuyện và biểu diễn, giáo viên cũng như các em học sinh đã hiểu biết thêm một số kiến thức về nghệ thuật hát Then, từ đó cũng rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, biết cách xử lý những tình huống có thể gặp phải khi biểu diễn trên sân khấu một cách tốt nhất.

     4.4. Thành lập Câu lạc bộ hát Then

     Thành lập các câu lạc bộ tạo điều kiện phát triển kỹ năng và nâng cao trình độ về nghệ thuật hát Then, Tính tẩu của các thành viên, đồng thời nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu Then trong và ngoài tỉnh để đưa vào các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ nhằm làm phong phú thêm nghệ thuật hát Then và có kế hoạch tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy hát Then cổ cho các em học sinh bằng những hình thức và phương pháp phù hợp với điều kiện của địa phương. Qua việc thành lập Câu lạc bộ hát Then giúp các em học sinh có một hiểu biết nhất định về hát Then, nhân rộng phong trào hát dân ca ở các trường phổ thông trong tỉnh, nâng cao chất lượng truyền dạy nghệ thuật hát Then, giúp các em học sinh thêm yêu thích loại hình nghệ thuật này.

     4.5. Tiếp cận nghệ nhân

     Nghệ nhân Then là những người nắm giữ một kho tàng những bài hát, những làn điệu Then cổ, là "Báu vật sống" cần được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, việc tiếp cận nghệ nhân để học hỏi, sưu tầm và ghi lại những làn điệu, bài Then cổ trong kho tàng "vô giá" này là việc làm rất cần thiết, bởi các nghệ nhân hát Then ngày một ít dần, không còn đủ minh mẫn và đủ sức khỏe để có thể tiếp tục truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ. Vì vậy, giúp các em hiểu sâu hơn về nghệ thuật hát Then, được nghe, xem nghệ nhân biểu diễn những làn điệu Then cổ sẽ giáo dục cho các em thêm yêu và gắn bó với hát Then, tích cực học tập thật tốt để giữ lửa và tiếp tục dạy lại cho những bạn khác yêu thích, muốn học hát Then, tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then của tỉnh nhà ngày một lan rộng trong cộng đồng.

     5. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bi truyền dạy

     Ngoài những phương pháp truyền dạy nêu trên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bi cho công tác truyền dạy cũng là vấn đề cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Bởi có cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị dạy học tốt thì chúng ta mới có thể tổ chức được quá trình dạy học khoa học, thu hút được đa số người học tham gia. Do vậy, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là bộ phận quan trọng của nội dung và phương pháp, chúng có thể vừa là phương tiện để nhận thức, vừa là đối tượng chứa nội dung cần nhận thức.

     Yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho truyền dạy đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ thực tế đó, ban lãng đạo Cung thiếu nhi luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chú trọng tới việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo cho việc truyền dạy một cách tốt nhất. Tuy nhiên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ truyền dạy còn thiếu, chưa đồng bộ, phòng học chưa phù hợp trong công tác truyền dạy, một số trang thiết bị một phần đã cũ phần còn lại bị hư hỏng không còn sử dụng được. Vì vậy, cần nâng cấp, cải tiến phòng học đảm bảo đủ ánh sáng phục vụ học tập, không gian rộng, thông thoáng, cách âm tốt. Cần đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho việc truyền dạy như: máy chiếu, máy tính kết nối internet, loa đài, tăng âm, micro, nhạc cụ (Tính tẩu, xóc nhạc), các loại băng đĩa nhạc hát Then của các vùng miền (Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang,...), cho các em được nghe, so sánh từ đó tìm ra điểm giống và khác nhau giữa các làn điệu của các vùng Then.

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Triều Ân (2000), Then Tày - những khúc hát, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Triều Ân, Hoàng Quyết, Hoàng Đức Toàn (1996), Từ điển văn hóa cổ truyền dân tộc Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3. Dương Kim Bội (1978), Lời hát Then, Nxb Văn hóa Việt Bắc

4. Hoàng Đức Chung (1999), Lẩu Then Bjoóc mạ, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội

5. Nguyễn Văn Cường (2012), Lý luận dạy học hiện đại, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.