Nghiên cứu lý luận

Dạy học Xướng âm cho học sinh Trường Cao đẳng Múa Việt Nam

09 Tháng Bảy 2018

Phùng Thị Lan Hương [*]

 

       Trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, âm nhạc là một món ăn tinh thần không thể thiếu, âm nhạc xuất hiện ở tất cả mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh. Âm nhạc được xem như tiếng nói chung giữa con người với con người, là sự kết nối giữa con người với xã hội và là sợi dây gắn kết giữa các loại hình nghệ thuật với nhau.       

       Trong loại hình nghệ thuật múa, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong sự thành công của các tác phẩm múa, âm nhạc là ngôn ngữ, là linh hồn của múa. Để có một tác phẩm múa giàu cảm xúc, đầy tính nghệ thuật và đến gần hơn với mọi người thì âm nhạc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tính cách , bố cục cũng như hình tượng của người diễn viên. Người biên  đạo hay diễn viên có nắm bắt được ngôn ngữ âm nhạc của từng vùng miền hay cảm nhận được tính chất của mỗi tác phẩm âm nhạc thì sẽ thổi hồn vào tác phẩm của mình những giá trị nghệ thuật cao, dễ đi vào lòng người và giàu cảm xúc.

       Nắm bắt được tầm quan trọng của âm nhạc đối với ngành nghề đang đào tạo, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam đã đưa chương trình học các môn âm nhạc vào chương trình đào tạo của trường như: Lý thuyết âm nhạc, Hình thức âm nhạc và đặc biệt không thể thiếu là Ký xướng âm. Để trau dồi, rèn luyện trình độ âm nhạc, khả năng cảm thụ các tác phẩm âm nhạc cho các em học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Múa Việt Nam - những giảng viên, nghệ sĩ, những biên đạo múa tương lai - vấn đề đặt ra là làm thế nào để học sinh biết đọc, biết nghe, biết cảm nhận âm nhạc một cách đúng đắn với thị hiếu thẩm mỹ hiện nay.

       Xướng âm là một môn học bắt buộc đối với tất cả những người học âm nhạc nói chung và với việc đào tạo hệ Trung cấp Múa nói riêng. Xướng âm không chỉ cung cấp những kiến thức âm nhạc cơ bản cho học sinh học múa, mà vai trò của nó có thể ví như “những chiếc chìa khóa đầu tiên” để mở tất cả các cánh cửa của tác phẩm âm nhạc. Những kiến thức về Xướng âm không chỉ thuần túy áp dụng cho môn học này mà qua các kỹ năng đọc, nghe và cảm thụ âm nhạc, các em còn áp dụng trong các môn chuyên ngành múa như: Múa cổ điển; Múa dân gian; Múa hiện đại;... Bởi âm nhạc và múa luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Mỗi động tác, tư thế múa đều phải dựa trên tính chất, giai điệu âm nhạc, nhịp phách ở các bài múa cũng đều dựa trên cách phân câu, phân đoạn trong âm nhạc. Cho nên người học múa cần phải có kiến thức âm nhạc cơ bản để có thể đọc hiểu từng câu, từng đoạn nhạc, phải phân biệt được sắc thái, tính chất của từng nét nhạc khác nhau. Qua đó các em có thể cảm nhận được các tác phẩm âm nhạc dù là dễ hay khó và thể hiện nó thông qua các động tác, các đường nét chuyển động của cơ thể để thể hiện những cái riêng, cái đẹp, hòa quyện giữa ngôn ngữ âm thanh và ngôn ngữ hình thể trong mỗi tác phẩm. Nếu như không có sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và chuyển động của các động tác múa sẽ khiến khán giả cảm thấy quá tải, nhìn và nghe quá nhiều cùng một lúc, người nghe và người xem cũng sẽ chán.

       Trong dạy học âm nhạc, các phương pháp rất đa dạng, tùy thuộc vào nội dung, hình thức, đối tượng của từng hoạt động âm nhạc khác nhau sẽ có những phương pháp cụ thể khác nhau nhưng đều có cùng mục đích là đào tạo, phát triển cho ngưởi học những kiến thức, kỹ năng kỹ xảo và đặc biệt là cảm xúc trong âm nhạc.

       Xuất phát từ nguyên tắc chung của giáo dục và đào tạo, có thể thấy phương pháp dạy học hiện nay chủ yếu là dạy học gợi mở, nêu vấn đề để người học chủ động tìm kiếm tri thức dưới sự hướng dẫn tích cực của người dạy. Việc truyền đạt và tiếp thu hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo xướng âm lại có những phương pháp, con đường riêng.

       Ngay trong lĩnh vực đào tạo múa, dạy học Xướng âm có nhiều nét rất riêng biệt. Dạy học Xướng âm chủ yếu là sử dụng phương pháp hướng dẫn thực hành luyện tập và phương pháp trình bày tác phẩm. Bản thân khái niệm Xướng âm mà hôm nay đang dùng là diễn xướng âm nhạc (tức là tiếp tục sáng tạo toàn bộ tác phẩm âm nhạc theo đúng ý đồ của người sáng tạo). Tuy nhiên, để những học sinh học múa chưa biết âm nhạc tập làm quen với khả năng từ một bản nhạc trên giấy vang lên trong tư duy âm nhạc của mình, thì người ta mới lựa chọn những tác phẩm âm nhạc theo một cách thức nhất định mà được gọi là bài tập xướng âm (bài tập cao độ, tiết tấu, mô tiến, chuyển điệu, ly điệu…).Theo chúng tôi, dạy Xướng âm nói chung hay dạy Xướng âm cho học sinh múa nói riêng có ba cấp độ: Cấp độ 1 là dạy kiến thức đúng cho học sinh thực hiện đúng yêu cầu của bài xướng âm; Cấp độ 2 là gợi mở cho học sinh thấy được những cái hay, những nét đặc trưng của bài xướng âm để học sinh dễ tiếp thu, biểu đạt được tốt hơn; Cấp độ 3 là gợi mở cho sinh viên tự tiếp tục sáng tạo trong mỗi bài xướng âm.

       Từ những đặc thù về ngành nghề của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, dạy học Xướng âm không chỉ nhằm phát triển kỹ năng của môn học mà còn phải quan tâm đến việc phát triển năng lực cảm thụ âm nhạc cho học sinh Múa. Như người ta thường nói, “âm nhạc là linh hồn của múa”. Bởi vậy, phát triển năng lực cảm thụ âm nhạc cho học sinh sẽ góp phần cho học sinh thể hiện các động tác múa chuẩn xác, có biểu cảm… Đặc biệt, là dạy học Xướng âm còn phải hình thành năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Giảng viên luôn phải định hình, uốn nắn những thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, nâng cao cảm xúc thẩm mỹ âm nhạc để biểu đạt chuẩn theo ngôn ngữ của nghệ thuật múa.

       Để đạt được những mục tiêu đề ra, trước hết giáo viên phải hướng dẫn, rèn luyện cho học sinh nắm vững kiến thức lý thuyết âm nhạc và kỹ năng, kỹ xảo thực hành Xướng âm (trong đó có những kiến thức về phương pháp Xướng âm). Cụ thể là giáo viên phải luyện cho học sinh các kỹ năng xướng âm như:

       Về cao độ: Có nhiều phương pháp rèn luyện kỹ năng đọc cao độ khác nhau như: đọc gam (trưởng, thứ tự nhiên, hòa thanh..), đọc hợp âm rải dựa trên các bậc ổn định (bậc I, IV, V), đọc quãng, tìm cao độ dựa vào âm ổn định… Bên cạnh đó, để tạo hứng thú hơn cho học sinh và cũng để nâng cao khả năng tiếp thu bài học của các em, chúng ta có thể cho các em kết hợp các bài luyện đọc gam với các âm hình tiết tấu khác nhau. Với cách này, tạo được các kỹ năng cần thiết khi đọc vào bài xướng âm. 

       Về tiết tấu: Tiết tấu là phần không thể thiếu để hoàn thiện một bài xướng âm. Vì vậy, để hình thành cho các em khả năng giữ đúng nhịp độ thì việc luyện đọc tiết tấu kết hợp với gõ phách là không thể coi nhẹ. Giáo viên cần luyện cho học sinh đọc, gõ các bài tập tiết tấu từ đơn giản là phách nguyên, phách chia hai, chia ba, chia bốn… trong các kiểu phối hợp móc đơn với móc kép, phối hợp phách chia cơ bản với chia đặc biệt thành chùm ba, chùm hai, các dạng đảo phách khác nhau.

       Về săc thái: Nếu như nói cao độ và tiết tấu là xương sống của tác phẩm thì sắc thái là linh hồn xuyên suốt toàn bộ tác phẩm đó. Như vậy, giáo viên cần giải thích cho học sinh biết ý nghĩa của các từ thuật ngữ chỉ sắc thái, tính chất âm nhạc. Đó là Maestoso (trang nghiêm); Cantabile (du dương); Agitato (sôi nổi);... để khi đọc bài học sinh hiểu thể hiện đúng sắc thái yêu cầu của bài.

       Bên cạnh những kỹ năng đọc xướng âm, giáo viên cần chú trọng học sinh đọc các bài xướng âm không chỉ thỏa mãn tiêu chuẩn về giọng điệu, âm vực, lứa tuổi mà còn phải hướng dẫn để học sinh có sự hiểu biết về những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, các nhạc sĩ tiêu biểu trong nước, các bài dân ca, dân vũ, các tiết tấu, điệu nhảy đặc trưng của các vùng miền trong nước và của các quốc gia khác.

       Dạy học Xướng âm sẽ là điều kiện thích hợp để giáo viên có thể trang bị thêm những kiến thức về tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc, sắc thái và cường độ có trong các bài xướng âm. Mục tiêu này sẽ giúp cho các emcó năng lực vận dụng âm nhạc vào các động tác, triển khai đội hình múa phù hợp với từng câu, từng đoạn nhạc và nội dung diễn tả âm nhạc.

       Với đặc thù riêng của Trường Cao đẳng Múa, các em học âm nhạc không phải để trở thành những nghệ sĩ dương cầm hay những nhà soạn nhạc mà các em sẽ là những giảng viên, diễn viên múa, nhà biên đạo, huấn luyện múa cho các thế hệ tiếp bước mai sau. Do đó, ngoài sự nỗ lực của người nghệ sĩ múa thì không thể phủ nhận vai trò vô cùng quan trọng của âm nhạc, âm nhạc là tiếng nói để đưa người xem đến gần hơn với ngôn ngữ hình thể là nghệ thuật múa.

       Chính vì vậy, với mong muốn nâng cao chất lượng nghe và cảm thụ âm nhạc cho các thế hệ diễn viên tương lai của Trường trong thời kỳ hội nhập, việc nâng cao chất lượngdạy học Xướng âm cho học sinh hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam là việc làm cấp thiết trong chương trình đào tạo hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Hoa - Phạm Phương Hoa (2000), Giáo trình Ký xướng âm trình độ 1,    Nhạc viện Hà Nội.
  2. Hoàng Lân - Hoàng Long (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáo dục Hà Nội.
  4. Trịnh Hoài Thu (2011), Phương pháp dạy học Ký xướng âm, Nxb Âm nhạc.
  5. Trịnh Hoài Thu (2012), Giáo trình môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản (Hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc), Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
  6. Vũ Minh Vỹ (2010), Giáo trình ký xướng âm, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc