Nghiên cứu lý luận

Cải tiến chương trình dạy học Đàn phím điện tử tại Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

20 Tháng Hai 2019

Nguyễn Thanh Thư [*]

Những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nỗ lực trong công tác xây dựng văn hoá và du lịch, không chỉ là lời nói, khẩu hiệu, việc xây dựng văn hóa du lịch đã trở thành một phong trào, hành động cụ thể được các cấp, ngành, nhân dân toàn tỉnh tích cực thực hiện. Là một trong bốn thành phố lớn thuộc tỉnh Quảng Ninh, thành phố Cẩm Phả luôn cố gắng đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ phát triển toàn diện. Đi đầu thành phố trong phong trào này có thể kể đến Cung Văn hoá Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả, đây là đơn vị có truyền thống nhiều năm trong việc thu hút thiếu nhi tham gia học âm nhạc. Một trong những bộ môn được giảng dạy có truyền thống của Cung Văn hoá Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả là bộ môn Đàn phím điện tử. Hàng năm luôn có rất nhiều em thiếu nhi đăng ký theo học bộ môn này trong thời gian nghỉ 3 tháng hè. Các em theo học bộ môn với mục đích được giải trí và mong muốn có thể tự chơi được những ca khúc soạn cho đàn phím điện tử quen thuộc mà các em yêu thích.

Vậy ca khúc soạn cho đàn phím điện tử là gì? Trong cuốn Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng của Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng, giải thích: “Ca khúc là bài hát ngắn có bố cục mạch lạc” [1; tr.81]. Theo cuốn Thể loại âm nhạc của tác giả Nguyễn Thị Nhung lại giải thích: “Giai điệu của ca khúc là những giai điệu hoàn chỉnh, độc lập; thậm chí có thể dùng một nhạc cụ nào đó để trình tấu vẫn mang một ý nghĩa hoàn thiện của một tư duy âm nhạc” [3; tr.119]. Từ những khái niệm trên ta có thể hiểu ca khúc là những tác phẩm sáng tác cho người hát, nó là sự kết hợp giữa giai điệu và lời ca nhằm thể hiện ý đồ sáng tác của tác giả. Tất cả các ca khúc đều có thể chuyển soạn cho đàn phím điện tử. So với bản nhạc của ca khúc soạn cho thanh nhạc, ca khúc được chuyển soạn cho đàn phím điện tử vẫn mang phần giai điệu của bài nhưng được viết riêng cho tay phải chơi trên phím đàn. Thêm vào đó, người soạn có thể viết thêm phần dạo đầu hoặc dạo giữa xen lẫn với giai điệu chính. Khác với bản nhạc soạn cho thanh nhạc, bản nhạc ca khúc soạn cho đàn phím điện tử không cần phần ca từ của ca khúc mà thay vào đó người soạn phải soạn thêm phần đệm hợp âm dành cho tay trái. Phần đệm có thể là hợp âm hoặc đệm Piano nhưng trong khoảng quãng quy định. Khi soạn cho đàn phím điện tử ca khúc không cần quá để ý về tông giọng quá cao hay quá thấp vì không bị ảnh hưởng từ người hát. Người chơi có thể tự điều chỉnh giọng của bài sao cho mang lại hiệu quả và chất lượng âm thanh hay nhất. Cùng một ca khúc có thể có nhiều cách soạn khác nhau tùy vào độ am hiểu và cách xử lí của người chuyển soạn. Sự khác nhau đó có thể ở việc chọn điệu nhạc, tốc độ, phần đệm hay phần dạo… sao cho thể hiện được rõ màu sắc cũng như ý đồ của sáng tác của nhạc sĩ.

Với đặc điểm thời gian học kéo dài trong vòng 3 tháng hè, việc xây dựng chương trình giảng dạy cho bộ môn Đàn phím điện tử đòi hỏi có những đặc thù riêng vừa phù hợp với nhu cầu học của học sinh là chơi các ca khúc soạn cho đàn phím điện tử  vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy trong thời gian ngắn.

Trên tình hình thực tế, Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả chưa xây dựng được một khung chương trình cụ thể để giáo viên thống nhất giảng dạy. Hiện tại, giáo viên tự xây dựng chương trình học theo trình độ của từng học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc, sự thay đổi về mặt giáo viên giảng dạy cũng sẽ dẫn đến việc thay đổi chương trình dạy học đàn phím điện tử mỗi khóa. Bên cạnh đó, với hình thức chiêu sinh hàng năm có thể thấy Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả còn chưa chú trọng vào việc đánh giá năng lực của học sinh khi xếp lớp mà thay vào đó đưa ra các khung giờ học để các bậc phụ huynh và các em học sinh đăng ký tự chọn lớp. Từ đó dẫn tới tình trạng, các em đã từng học Đàn phím điện tử và các em chưa từng học Đàn phím điện tử được xếp chung trong cùng một lớp. Điều này vừa gây khó khăn cho Cung Văn hóa Thiếu nhi trong việc tiến hành xây dựng khung chương trình mới vừa gây khó khăn cho giáo viên trong quá trình lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp.

Trong công tác giảng dạy ở bất cứ môi trương giáo dục nào cũng đều đòi hỏi một chương trình dạy hoc mang tính hệ thống, khoa học, phù hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo. Chính vì thế, chương trình giảng dạy bộ môn Đàn phím điện tử luôn cần được cập nhật và cải tiến để mang lại chất lượng tốt nhất trong quá trình giáo dục.

Thứ nhất, cần xây dựng buổi kiểm tra năng lực của học sinh vào đầu mỗi khóa học bộ môn Đàn phím điện tử để thuận tiện cho việc xếp lớp trong mỗi khóa được đồng đều nhất. Buổi kiểm tra nên được tổ chức trước khi bắt đầu các khóa học hè hàng năm. Những buổi kiểm tra này cần được đánh giá bởi những người có chuyên môn và đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để phân chia cấp độ, chứ không nên dựa vào cảm tính. Đề kiểm tra cần đảm bảo có cả phần kiểm tra lý thuyết và kĩ năng thực hành của học sinh. Mỗi năm cần xem xét lại nội dung và tiêu chí đánh giá để mang lại kết quả chính xác nhất.

Thứ hai, khung chương trình nên phân chia thành các cấp độ và chỉ rõ mục tiêu đào tạo ở mỗi cấp độ để học sinh cũng như phụ huynh nhận thấy rõ hơn mục đích cũng như kết quả cần đạt được trong mỗi khóa học. Để giải quyết được việc này, phía Cung Văn hóa xem xét lại việc biên chế số lớp và số tiết học trong mỗi khóa sao cho hợp lí. Với lớp học lí tưởng biên chế 1 giáo viên cùng 6 học sinh học trong 120 phút/tiết. Bên cạnh đó, giảm số tiết trong 1 khóa từ 50 tiết (4 buổi/tuần) xuống còn 25 tiết (2 buổi/tuần). Song song với việc giảm số tiết học trong mỗi khóa, Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả cần tăng số lượng lớp Đàn phím điện tử (từ 2 lớp/năm lên 4 lớp/năm), với số lượng lớp học tăng lên sẽ dễ dàng hơn trong việc phân chia lớp học theo từng cấp độ của học sinh, số lượng học sinh trong mỗi lớp cũng sẽ được giảm xuống, bên cạnh đó vẫn đảm bảo được những vấn đề về kinh tế cũng như nguồn nhân lực tại Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả. Tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt nhất khi xây dựng chương trình theo hướng này, Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả cần tạo điều kiện cho các em học sinh mượn phòng học và trang thiết bị ngoài giờ học, nguyên nhân là có tình trạng nhiều em học sinh mới tiếp cận với bộ môn còn chưa có đàn phím điện tử tại nhà để luyện tập sau giờ học, với việc phân chia buổi học là 2 buổi/ tuần, các em không được luyện tập sẽ rất dễ quên bài.

Thứ ba, xây dựng thêm những buổi kiểm tra đánh giá sau mỗi cấp độ để học sinh có cơ hội thử sức và giáo viên dễ dàng đánh giá năng lực của học sinh trong quá trình học. Những buổi kiểm tra đánh giá này cũng có tiêu chí và mức chấm thang điểm rõ ràng. Những tiêu chí này được xây dựng trên mục tiêu đào tạo ở mỗi trình độ được đề ra ở đầu mỗi khóa học. Buổi kiểm tra đánh giá sẽ được tổ chức khi học sinh kết thúc 25 tiết học trong 3 tháng hè tại Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả. Việc công nhận về quá trình học tập, các em sẽ được cấp giấy chứng nhận đã kết thúc khóa học với trình độ tương đương. Từ đó, phụ huynh sẽ đánh giá rõ được lực học và năng khiếu của con em mình để quyết định cho con em theo đuổi bộ môn nghệ thuật này nữa hay không.

Thứ tư, nội dung chương trình cần bám sát với mục đích của người học. Như đã nói ở đầu chương 2 có thể thấy nhu cầu thị hiếu của người dân địa phương đều ưa chuộng các ca khúc quen thuộc được thể hiện trên đàn phím điện tử hơn là những tác phẩm cổ điển, những bài tập kỹ thuật chuyên sâu. Chính vì thế, cần lựa chọn và lồng ghép nhiều hơn các ca khúc và một số những bài tập nâng cao kỹ thuật vào trong chương trình dạy học Đàn phím điện tử tại Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả. Tuy nhiên vẫn phải mang lại cho học sinh đầy đủ những hệ thống kiến thức và kỹ năng thực hành như:

Kiến thức cơ bản: Khóa nhạc, hình nốt, trường độ, cao độ, số chỉ nhịp, phân biệt nhịp, phách, tiết tấu, các dấu hóa, dấu lặng…

Kỹ năng thực hành: Cách sử dụng những tính năng của đàn phím điện tử, luyện gam từ không dấu hóa cho đến hai dấu hóa, gõ tiết tấu, tập bấm hợp âm ở thể đảo, thể gốc trong một quãng tám, luyện cách đọc bản nhac, cách vỡ bài…

            Thứ năm, ở địa phương còn chưa có nhiều chương trình biểu diễn về đàn phím điện tử để Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả có thể tổ chức cho các em đi thực tế nhằm quan sát và học hỏi. Vì vậy, bên cạnh những tiết học lí thuyết và thực hành, Cung Văn hóa Thiếu nhi cần kết hợp tổ chức những buổi ngoại khóa cho các em giao lưu, xem băng đĩa để học tập, trao đổi thêm về kiến thức xung quanh bộ môn Đàn phím điện tử. Để làm được điều này cũng cần sự đầu tư cơ sở và trang thiết bị phòng học từ phía Cung Văn hóa Thiếu nhi nhằm đáp ứng yêu cầu và chất lượng của buổi học.

            Trên thực tế vẫn có giáo viên giao các tác phẩm Piano cho một số em học sinh thực hành trên đàn phím điện tử, tuy nhiên với những kỳ học đầu, cần tập trung cho các em tiếp cận nhiều hơn với các ca khúc chuyển soạn cho Đàn phím điện tử, như vậy các em có cơ hội được tìm hiểu và thực hành sâu hơn về nhạc cụ mà mình đang học, cùng với đó các em sẽ chơi được nhiều ca khúc gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi trên nhiều dạng tiết tấu khác nhau trong thời gian học ngắn. Qua đó xây dựng nên niềm đam mê, thích thú của học sinh với cây đàn này.

Tài liệu tham khảo

  1.  Đức Bằng, Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường (1984), Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Văn hoá, Hà Nội.
  2.  Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Cẩm Phả (ban hành ngày 08/05/2017), kế hoạch 75/KH – CVHTN.
  3.  Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nhạc Viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  4.  Trần Thị Tuyết Oanh (2009), Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  5.  Xuân Tứ (2004), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử, tập 1, 2, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc