Nghiên cứu lý luận

Đôi nét về việc dạy học kỹ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ tại khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

20 Tháng Hai 2019

Nguyễn Thị Nội [*]

 

Mục tiêu dạy học là một trong những thành tố quan trọng của quá trình dạy học Thanh nhạc. Thông thường, mục tiêu dạy học là phải hình thành các phẩm chất, năng lực cụ thể theo yêu cầu của từng bài học, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo trình diễn ca khúc nhạc nhẹ. Tuy nhiên, để giúp học viên trung cấp thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có thể lĩnh hội và phát triển kỹ năng trình diễn gắn với việc lĩnh hội kiến thức chuyên môn của mỗi bài học, trước tiên, phải căn cứ vào nội dung của bài học, từ đó lựa chọn những nội dung phù hợp để thiết kế bài theo hướng tương tác, nhằm phát huy tính tích cực của người học.

Với mục đích nâng cao chất lượng dạy học kỹ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ, cần giúp học viên phát triển kỹ năng trình diễn như: Kỹ năng cúi chào, kỹ năng thể hiện ánh mắt và hướng nhìn, kỹ năng hành động sân khấu, kỹ năng trang điểm và trang phục sân khấu, kỹ năng xử lý Micro...

Kỹ năng cúi chào

Khi hướng dẫn kỹ năng trình diễn ca khúc nhạc nhẹ, trước tiên giáo viên cần hướng dẫn động tác cúi chào mở đầu. Sự xuất hiện đầu tiên của người ca sĩ dù là trình diễn thể loại nào thì cũng sẽ tác động đến ấn tượng, tình cảm của khán giả. Vì vậy, người nghệ sĩ phải chú ý đến động tác chào khi ra biểu diễn. Động tác chào thông dụng vẫn được các ca sĩ hiện nay thể hiện là người cúi ở mức độ vừa phải, hai tay thả lỏng tự nhiên dọc theo thân người hoặc một tay để thẳng tự nhiên, một tay đưa lên ngực.

Khi hướng dẫn luyện tập, giáo viên cần giải thích cho học viên hiểu và biết cách lấy lại sự cân bằng trạng thái tâm lý để ổn định hơi thở, rà soát nhanh lại trình tự kết cấu của ca khúc định trình bày, động tác chào không chỉ thể hiện thái độ tôn trọng, lịch sự với người xem mà còn thể hiện yếu tố thẩm mỹ và sự hiểu biết của người ca sĩ. Khi cúi chào, người ca sĩ đồng thời có thêm thời gian ổn định tâm lý trước khi biểu diễn. Thông qua động tác chào, khán giả cũng có thể đánh giá được đẳng cấp, sự tự tin, sự chuyên nghiệp của người diễn.

Kỹ năng thể hiện ánh mắt và hướng nhìn

Đôi mắt chúng ta là biểu tượng của tin yêu và niềm hy vọng. Chẳng phải thế mà từ lâu chúng ta đã được nghe câu danh ngôn bất hủ “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”.

Sau khi hướng dẫn và làm mẫu, giáo viên yêu cầu học viên đứng trước gương luyện tập dưới sự giám sát và sửa sai. Theo đó, những biểu cảm của ánh mắt theo lời của bài hát và hướng nhìn của một người ca sĩ chuyên nghiệp cần biết, đó là lúc nào nhìn xuống khán giả và lúc nào nhìn vào bạn diễn…

Giáo viên cần làm rõ cho học viên hiểu, khi biểu diễn, ngoài khả năng thể hiện tình cảm bằng giọng hát với những kiến thức về kỹ thuật của chuyên môn, hướng nhìn của ánh mắt vô cùng quan trọng. Những động tác diễn kết hợp với ánh mắt, không được làm ảnh hưởng tới chất lượng giọng hát bằng việc vươn cổ quá cao, cũng không được gằn cúi quá thấp hoặc quay sang trái, phải quá mức. Như vậy, người hát phải biết tiết chế hướng nhìn cũng như thể hiện biểu cảm bằng đôi mắt như là phương tiện hữu hiệu và vô cùng quan trọng, giúp cho giọng hát có tăng thêm sức thể hiện những suy tư, trăn trở về tác phẩm kết hợp với hướng nhìn và ánh mắt.

Để đạt được trình độ biểu diễn chuyên nghiệp, với việc sử dụng ánh mắt, hướng nhìn, cần yêu cầu học viên luyện tập nhiều lần, sao cho khi diễn không còn gặp lúng túng trong cách biểu đạt bài hát. Khi thể hiện bài hát, học viên phải thể hiện tình cảm không chỉ ở đôi mắt mà cả khuôn mặt và hướng nhìn, tránh căng thẳng, không tập trung, không ngước lên trần nhà hoặc nhìn xuống dưới chân như đang tìm kiếm vật gì bị rơi. Những hành động như vậy, ngoài việc mất khả năng tập trung chú ý sân khấu, vô tình người ca sĩ đã bỏ phí một phương tiện hiệu quả đó là giọng hát với những kỹ thuật ca hát để thể hiện tư tưởng, tình cảm của bài hát.

Kỹ năng hành động sân khấu

            Lịch sử nghệ thuật trình diễn đã cho thấy, hành động sân khấu không chỉ để giải trí mà còn có tình tiết liên quan đến nội dung tác phẩm, đã mang lại thành công cho người diễn. 

Để thưởng thức cái hay, cái đẹp trong tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là các ca khúc nhạc nhẹ, ngoài phần sử dụng các kỹ thuật ca hát thì kỹ năng trình diễn cũng đóng vai trò đáng kể, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giúp người xem cảm nhận tác phẩm toàn diện hơn, sâu sắc hơn.

Khi hướng dẫn kỹ năng hành động sân khấu, giáo viên cần giúp học viên nhận thức và thực hiện tốt vấn đề. Theo đó, hành động sân khấu sẽ làm tăng thêm tính sinh động cho ca khúc, nhưng vẫn luôn đảm bảo kỹ thuật chuyên môn, không ảnh tới hưởng chất lượng giọng hát.

Sau khi hướng dẫn, giáo viên yêu cầu học viên thực hành biểu diễn, hướng tới từ hành động sân khấu ở mức độ vừa phải và mang tính bản năng, sẽ dần đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa hát với sự chuyển động sân khấu. Tiếp đó, học viên sẽ luyện tập nâng cao dần, sao cho có thể giúp người xem thưởng thức và cảm nhận được nội dung sâu sắc của bài hát, cũng như sự thăng hoa trong trình diễn.

Kỹ năng trang điểm và trang phục sân khấu

Trang điểm - Make up và mang mặc trang phục biểu diễn là hoạt động luôn được các ca sĩ chú trọng, nhất là trong trình diễn phong cách nhạc nhẹ. Những thao tác này thường không có ý nghĩa cụ thể, nhưng chức năng thì lại rất quan trọng, bởi nó tạo thêm sự sinh động cho việc thể hiện vẻ đẹp trên gương mặt của ca sĩ và tạo sự lôi cuốn cho khán giả khi thưởng thức tiết mục mà ca sĩ trình diễn.

Với sự hướng dẫn và điều khiển của giáo viên về cách thức trang điểm, cũng như lựa chọn trang phục, các học viên sẽ được chủ động trong việc sử dụng các dụng cụ trang điểm một cách thành thạo và nhiều sáng tạo phong phú về mang mặc trang phục phù hợp. Trên cơ sở các kỹ năng đó, các em sẽ biết cách xử lý trang phục sao cho không bị gò bó cơ thể, tránh gây ảnh hưởng cho chất lượng giọng hát với việc sử dụng các kỹ thuật ca hát.

Ngoài ra, việc dùng các dụng cụ trang điểm sẽ được học viên lựa chọn theo sở thích. Theo đó, các mảng sáng tối cũng như các điểm nhấn trên khuôn mặt phải thực hiện thao tác trang điểm phù hợp với trang phục khi thể hiện ca khúc.

Kỹ năng xử lý Micro

Khi trình diễn trên sân khấu, người ca sĩ ngoài việc sử dụng các kỹ năng trình diễn khác thì kỹ năng xử lý Micro lại có thêm sự lôi cuốn khán giả vào lối trình diễn của mình. Thực tế cho thấy, khi trình diễn, một số ca sĩ dùng Micro còn lúng túng, để quá gần hay quá xa và không kết hợp được kỹ năng xử lý Micro với kỹ năng hành động sân khấu. Vì vậy, đã không tạo được sự lôi cuốn trong lối trình diễn, cũng như sự da diết, mạnh mẽ, đau khổ hay cao trào của bài hát.

Trước thực trạng đó, giáo viên cần nêu rõ và hướng dẫn cụ thể, nhằm giúp cho học viên biết chủ động. Theo đó, khi diễn, phải biết hướng cánh tay cầm Micro sao cho đẹp, đặc biệt là với kỹ năng để gần miệng hay kéo xa Micro trong những đoạn cao trào của ca khúc, biểu hiện trạng thái tình cảm chứa đựng trong bài và trong nội tâm cũng cần được thực hành sao cho đạt tới cách kỹ năng xử lý Micro khá vững vàng.

Như vậy, kỹ năng trình diễn sân khấu thông qua áp dụng kỹ năng xử lý Micro sẽ đạt hiệu quả tốt khi được áp dụng đúng lúc, đúng chỗ thì mới giúp người ca sĩ tăng thêm sự truyền cảm với khán giả.

Dạy học kỹ năng trình diễn trong đào tạo theo phong cách nhạc nhẹ sẽ giúp cho học viên có được tính tự giác, tích cực, chủ động trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, học viên cũng biết cách chủ động tìm kiếm và khai thác các tài liệu học tập và có kế hoạch cho bản thân nhằm đạt hiệu quả cao nhất... Những kỹ năng trình diễn cũng giúp người học tăng thêm khả năng, năng lực tổ chức tốt quá trình tự học, tự ôn luyện kiến thức, tiến đến thực hiện những kiến thức đó một cách sáng tạo.

Đây là những biện pháp thiết thực để rèn luyện kỹ năng trình diễn cho học viên trong dạy học ca khúc nhạc nhẹ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy học, các biện pháp phải được thực hiện một cách đồng bộ. Ngoài ra, cần phát huy hiệu lực của các giải pháp bằng cách tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả trong thực tiễn biểu diễn tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  2. Nguyễn Đăng Hòe - Đức Bảng (1982), Ca hát và nghệ thuật biểu diễn, Nxb Văn hóa.
  3. Nguyễn Đức Lộc (1968), Nghệ thuật biểu diễn sân khấu, Nxb Vụ văn hoá quần chúng.
  4. Tổng cục Chính trị, Trường ĐHVH Nghệ thuật Quân đội (2015), Trường Đại học văn hóa Nghệ thuật quân đội 60 năm xây dựng và trưởng thành (1955 - 2015), Nxb Quân đội nhân dân.
  5. Tổng cục Chính trị, Trường ĐHVH Nghệ thuật Quân đội (2011), Giáo trình hình thể.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc