Nghiên cứu lý luận

Giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường ở Hòa Bình

26 Tháng Hai 2019

Bùi Thanh Ngọc [*]

Hòa Bình là một tỉnh miền núi tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, người Mường là một trong những dân tộc tập trung đông đảo nhất. Vì thế, nói tới văn hóa dân tộc ở tỉnh Hòa Bình thì phải nói tới văn hóa của dân tộc Mường. Tiêu biểu nhất của văn hóa dân tộc Mường phải kể đến cồng chiêng Mường.

Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường Hòa Bình bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Cồng chiêng có mặt ở mọi lúc mọi nơi, sinh hoạt đời thường, nghi lễ tín ngưỡng phong tục. Đối với người Mường, cồng chiêng là niềm tự hào của họ, là nét bản sắc độc đáo của văn hóa truyền thống, có giá trị cao, nâng đỡ sự đồng cảm, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng và lòng tự hào dân tộc. Giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường ở thành phố Hòa Bình có thể tựu chung trong các nét nổi bật sau:

Giá trị lịch sử

Giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường được bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Ông Bùi Chí Thanh, người sưu tầm văn hóa Mường, cho biết: “Nếu trống đồng được coi là như uy quyền của tầng lớp lang đạo lớn xưa thì cồng chiêng lại lan tỏa trong đời sống người dân. Cồng chiêng in sâu trong tâm trí của mỗi người dân, gia đình và dòng tộc. Ngay từ thế kỷ thứ XI đến nay, âm nhạc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường đã phát triển không ngừng nghỉ. Văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường quan niệm cồng chiêng là biểu tượng của dân tộc và mang giá trị rất lớn”.

Cồng chiêng nối dài cùng lịch sử phát triển cũng như hồn cốt, khí chất của dân tộc Mường. Từ những tư liệu, cứ liệu sưu tầm được cũng có thể nhận biết rằng âm nhạc cồng chiêng, không gian văn hoá cồng chiêng Mường đã hình thành từ rất sớm và đang được phát triển theo sự phát triển của lịch sử dân tộc. Cồng chiêng có mặt mọi lúc, mọi nơi trong lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang, đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma. Chiêng còn là dụng cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, phát lệnh khi bản làng có cướp bóc, giặc giã để tập hợp nhân dân cùng đoàn kết bảo vệ sự bình yên.

Giá trị khoa học

Giá trị nổi bật của văn hóa cồng chiêng Mường là nơi đây chứa đựng những giá trị sáng tạo to lớn của chính cộng đồng người Mường từ xa xưa. Cộng đồng người Mường không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hóa thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời. Trong tay các nghệ sĩ dân gian tài hoa ở cộng đồng, mỗi chiếc chiêng giữ một nhiệm vụ, một nốt nhạc trong một dàn nhạc, để biểu diễn các bản nhạc chiêng khác nhau. Ðồng thời, họ đã sắp xếp, định biên thành các dàn nhạc khác nhau. Cồng chiêng Mường giữ vai trò là phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của cộng đồng người dân tộc Mường.

Tuy họ không phải là những chuyên gia âm nhạc, nhưng chỉ cần nghe tiếng chiêng là họ phân biệt được đó là chiêng gì. Âm nhạc của cồng chiêng Mường thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện.

Cồng chiêng Mường là bằng chứng độc đáo về truyền thống văn hóa dân tộc Mường. Nó là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi trở về với đất trời, với vũ trụ. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống rất riêng của các dân tộc Việt Nam.

Giá trị nghệ thuật

Cồng chiêng trước hết là một nhạc khí độc đáo của người Mường. Ngoài giá trị về âm nhạc, mỗi bộ cồng chiêng còn là những tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Cồng chiêng gắn bó với những niềm vui và nỗi buồn của các cộng đồng tộc người ở trên núi, từ lễ hội đến phong tục tập quán, và cồng chiêng đã trở thành tài sản quý giá. Nghệ thuật cồng chiêng với sự đa dạng về tiết tấu và giai điệu, với sự hòa âm trong không gian rộng lớn đã tạo nên một âm hưởng trầm hùng, vang xa phù hợp với không gian tự nhiên của núi rừng, được con người tạo thành những không gian thẩm mỹ hoành tráng. Âm nhạc cồng chiêng Mường thể hiện rõ nét nhất qua hai bài chiêng cổ còn được lưu truyền đến ngày nay là bài “Xắc bùa” và “Bông trắng bông vàng”. Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ. Sẽ không quá để nhìn nhận rằng, cồng chiêng là bộ phận hồn cốt gắn với nghệ thuật sống, với nghệ thuật và văn hóa của người Mường.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập hiện nay với sự bùng nổ phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, sự du nhập ảnh hưởng của các nền văn hóa bên ngoài đã có tác động không nhỏ đến giá trị văn hóa cồng chiêng Mường. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường ở Hòa Bình là việc rất cấp thiết, và đem lại nhiều ý nghĩa.

Giá trị văn hóa tâm linh

Đồng bào Mường coi cồng chiêng là vật báu, linh hồn bất tử của gia đình và cộng đồng. Đối với người Mường ở Hòa Bình, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường, âm nhạc cồng chiêng là sự hội tụ đầy đủ của tự nhiên và cuộc sống, tiết tấu nhịp nhàng, có lúc êm đềm, sâu lắng, có lúc rộn ràng, sôi động...

Cất tiếng khóc chào đời, mỗi đứa trẻ đều được nghe tiếng chiêng hân hoan loan báo cộng đồng có thêm một thành viên mới. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, tiếng chiêng rộn khắp nhà trai nhà gái, mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Về già, mất đi, tiếng chiêng báo tang, dẫn hồn về trời, về nơi Mường ma an nghỉ. Lúc sống cũng như lúc mất, tiếng chiêng luôn trong tâm thức người Mường. Cồng chiêng được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Khi âm thanh của cồng chiêng vang lên, đồng bào quan niệm có thể giúp con người thông tin trực tiếp đến các đấng thần linh, là chiếc cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng.

Góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa của dân tộc

Văn hóa cồng chiêng Mường là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Cùng với cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Mường cũng là di sản văn hóa kiệt tác của dân tộc. Dân tộc Mường ở Hòa Bình có nền văn hóa đặc sắc và phong phú. Trong đó âm nhạc cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Mường. Có thể nói, cồng chiêng là một phần hồn Mường. Và khi cồng chiêng có mặt trong đời sống cộng đồng thì nó là nhạc khí, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của tầng lớp bình dân, được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nếu như cồng chiêng Tây Nguyên được coi là đặc trưng văn hóa nghệ thuật chung cho cả vùng Tây Nguyên với hơn mười tộc người, thì cồng chiêng Mường chỉ là của một tộc người. Khi đến với Hòa Bình lần đầu, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một vùng rừng núi Tây Bắc đậm đà bản sắc. Hòa Bình có nhiều dân tộc: Mường, Dao, Thái, Mông…, có những thác nước hoang sơ và hùng vĩ, cũng lại có âm sắc cồng chiêng - nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, có những cô gái đẹp như hơi thở núi rừng…

Hòa Bình là tỉnh có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó, văn hóa cồng chiêng đã theo suốt chiều dài lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay và ngày càng trở nên không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Nghệ thuật cồng chiêng Mường là một trong những đặc trưng nhất của nghệ thuật âm nhạc dân gian và của văn hóa Mường, đồng thời là nét bản sắc độc đáo của văn hóa truyền thống các dân tộc Viêt Nam. Đến với Hòa Bình, bắt gặp nụ cười duyên dáng e thẹn của người con gái Mường, chắc hẳn sự lưu luyến mãi còn dằng dai… Hơi rượu nồng, tiếng nói trong trẻo như sương mai của những cô gái dân tộc Mường ở Hòa Bình, hẳn sẽ đọng mãi trong tâm trí bao du khách đến đây. Tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Hòa Bình, chắc hẳn người ta sẽ thêm yêu mến đất và người ở miền núi rừng hùng vĩ này.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Hải (2011), Tản mạn văn hóa Mường Hòa Bình, Nxb Thông tin và truyền thông.
  2. Bùi Thiện (1993), Chiêng Sắc bùa, Văn hóa dân tộc Mường, Sở VHTT – Hội Văn hóa các dân tộc Hòa Bình xuất bản.

             3. Kiều Trung Sơn (2011), Cồng chiêng Mường, Nxb Văn hóa thông tin và Viện văn hóa dân tộc, Hà Nội.

             4. Trần Từ (1996), Người Mường ở Hòa Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

             5. Phong Quyên, http://vovworld.vn/vi-VN/sac-mau-cac-dan-toc-viet-nam/cong-chieng-trong-doi-song-dan-toc-muong-270882.vov

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa