Nghiên cứu lý luận

Vài nét về lễ hội Xương Giang và vấn đề quản lý

23 Tháng Năm 2019

                                                                       Nguyễn Ngọc Hải [*]

 

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống quân xâm lược nhà Minh ở thế kỷ XV, nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân ta đã lập nên những chiến công lẫy lừng. Chiến thắng Xương Giang là trận quyết chiến, chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn, chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của giặc Minh trên đất nước ta.

Lễ hội Xương Giang được tổ chức để ca ngợi chiến thắng oai hùng của nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân ta chống quân xâm lược Nhà Minh.

Tử năm 1998 đến nay, sau hơn 20 năm tổ chức, lễ hội đã có rất nhiều thành tựu. Lễ hội đã đáp ứng nguyện vọng thỏa mãn nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương và du khách gần xa, góp phần giáo dục truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn” cho mọi thế hệ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc ngoại xâm, giữ gìn giang sơn đất nước.

Trước năm 2016, mỗi lần tổ chức lễ hội, ban tổ chức phải kê bục bệ dựng lễ đài, sân khấu. Nhưng từ năm 2017 đến nay, đền Xương Giang được xây dựng và khánh thành, lễ hội được tổ chức trong khuôn viên đền nên quy mô hoành tráng hơn trước. 

Mùa xuân năm 2019, lễ hội được tổ chức rất trọng thể. Không gian lễ hội là toàn bộ khu di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang, trung tâm là Đền Xương Giang. Tiến trình lễ hội được diễn ra như sau:

Sáng mùng 5 Tết, không khí hội hè tại khu vực đền Xương Giang đã tấp nập, rộn ràng. Đúng 8 giờ 00 phút, các bậc hương lão làng Thành đã nổi 108 hồi chuông, trống và thực hiện các nghi thức tế lễ truyền thống, báo hiệu lễ hội Xương Giang bắt đầu. Khắp các ngả đường hướng về đền nơi trung tâm lễ hội, cờ phướn rực rỡ. Ban tổ chức bố trí lực lượng làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, khu vực bán hàng, vui chơi giải trí khá gọn gàng, ngăn nắp.

          Sáng mùng 6 Tết, từ các thôn làng, phường, xã ở trung tâm và ngoại vi khu di tích Địa điểm chiến thắng Xương Giang đã giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh lần lượt tiến về trung tâm khai hội. Ban tổ chức dựng một khán đài để các vị chức sắc lên khai mạc đọc diễn văn và đọc Bản Đại cáo bình Ngô, đồng thời là sân khấu trình diễn màn hát múa tái hiện lịch sử trận chiến thành Xương Giang. Sau phần trình diễn nghệ thuật, các đoàn rước tập kết về đài tưởng niệm, rồi lần lượt từng đoàn lên dâng hương trên ban thờ anh hùng nghĩa sỹ Lam Sơn.

Phần hội người ta tổ chức nhiều trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu đất, kéo co, cơ người, chọi gà, đấu vật… thu hút rất đông người tham gia.

Trong không gian lễ hội có 25 gian hàng trưng bày hàng hóa, tái hiện lại không gian văn hóa chợ quê mang tên "Ký ức Xương Giang" nhằm tạo ấn tượng với du khách.

Sáng ngày mồng 7 Tết, ban tế kính cẩn dâng hương lên ban thờ Đức Vua Lê xin được kết thúc lễ hội (giã đám). Các phường, xã trống dong rộn rã mừng thắng lợi mở hội thành công, vui hát múa gửi lời chúc mừng một năm mới nơi nơi được mùa, dân làng vui vẻ, mạnh khỏe, an khang.

Qua hơn 20 năm tổ chức, quá trình tiếp nhận truyền thống và biến đổi cùng thời đại đã tạo nên lễ hội Xương Giang diện mạo của lễ hội dân tộc - hiện đại. Việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý lễ hội Xương Giang được thực hiện đúng, nghiêm túc.

Chủ thể quản lý lễ hội Xương Giang hiện nay là UBND thành phố Bắc Giang. Thành viên Ban quản lý lễ hội là cán bộ thuộc các ngành văn hóa, thông tin, tài chính, điện lực, công an… của thành phố Bắc Giang. Tuy nhiên, hiện tại lễ hội Xương Giang vai trò của chủ thể quản lý cộng đồng chưa phát huy cao. Ban tổ chức lễ hội bao gồm các thành viên là các chức sắc của các cơ quan chính quyền thành phố, chưa có thành viên của cộng đồng dân cư sở tại. Từ khai mạc đến bế mạc lễ hội đều do quan chức chính quyền đọc diễn văn. Ban tổ chức thuê các công ty sự kiện trang trí, dàn dựng nghi thức… Nhân dân, thành phần chủ yếu của lễ hội là chủ thể của lễ hội hoạt động theo sự chỉ đạo của ban tổ chức, giữ vị trí thụ động. 

Vai trò của nhà nước trong việc quản lý lễ hội, trong xã hội ta hiện nay đã được khẳng định, có tính quyết định, song quản lý lễ hội của chủ thể cộng động có vai trò quan trọng. Nếu kết hợp hai chủ thể quản lý nhà nước và quản lý cộng đồng trong lễ hội Xương Giang hài hòa, chặt chẽ hơn sẽ tăng thêm hiệu quả thành công mọi mặt của lễ hội, đồng thời phát huy tốt nhất vai trò chủ thể của cộng đồng.

Để góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý lễ hội, cần tăng cường công tác tuyên truyền các giá trị của lễ hội như:

- Giá trị lịch sử

Lễ hội Xương Giang một mặt khẳng định giá trị lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mặt khác, nó định hướng giá trị lịch sử này tới cộng đồng tự hào, ngợi ca về truyền thống lịch sử dân tộc.

        - Giá trị tâm linh

        Địa điểm chiến thắng Xương Giang là vùng đất thiêng vừa hào hùng, vừa bi tráng. Thông qua các nghi thức tế lễ, thông qua khói hương lan tỏa trong không gian của lễ hội, tính thiêng trầm mặc bao trùm không gian, biểu hiện giá trị văn hóa tâm linh của lễ hội.

        - Giá trị thẩm mỹ

        Lễ hội Xương Giang có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật sâu sắc. Từ nghệ thuật diễn xướng đến nghệ thuật phục trang, tạo hình … được kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, tạo ra một đặc trưng riêng của một lễ hội chiến thắng giặc ngoại xâm.

Thông qua các hoạt động của lễ hội, người dân hướng về giá trị lịch sử, nhận thức các giá trị thẩm mỹ nghệ thuật, đặc biệt thẩm thấu giá trị văn hóa tâm linh… từ đó họ phát tâm công đức để góp phần tôn tạo di tích, phát triển tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật - tâm linh.

        Lễ hội Xương Giang giờ đây là một bộ phận cấu thành của đời sống văn hóa tinh thần người dân thành phố Bắc Giang, cũng như người dân tỉnh Bắc Giang.

        Biện pháp tuyên truyền có nhiều các hình thức như:

        - Trên các phương tiện phát thanh, tuyền hình ở tỉnh, thành phố, trên đài tryền thanh huyện, xã… ;Trên các trang thông tin điện tử.

        - Trong các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; Trong các sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, huyện; Trong các hoạt động câu lạc bộ văn hóa – du lịch….

        Cùng với công tác tuyên truyền giá trị lễ hội, cần luôn luôn đổi mới các hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội như:

        - Về xây dựng kịch bản lễ hội

        Vì kịch bản lễ hội nhiều năm vẫn giống nhau, cần thay các tích trò đã diễn nhiều năm, bằng các hình thức diễn xướng khác, ví dụ như thay diễn xướng của Nhà hát Chèo bằng diễn xướng trong trò kéo chữ, với những cụm chữ như Vinh quang chiến thắng Xương Giang; Chiến thắng Xương Giang bất diệt… Diễn xướng kéo chữ vừa là trò chơi, vừa là nghi thức của cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

        - Về  quản lý trang trí khánh tiết, trang phục, đạo cụ lễ hội.

        Hiện tại việc trang trí khánh tiết nhìn tổng thể là rất đẹp. Tuy nhiên chưa phản ánh được đặc thù của một giai đoạn lịch sử của một chiến thắng trên một vùng đất. Vì thế cần có hội thảo để làm rõ được nét đặc thù của việc trang trí, khánh tiết. Ngoài việc UBND thành phố chủ trì công tác trang trí khánh tiết, cần giao cho Ban quản lý lễ hội xây dựng nội dung thiết kế trang trí, quản lý nội dung thiết kế trang trí, trang phục, đạo cụ.... Các cấp lãnh đạo sau khi phê duyệt các thiết kế, Ban quản lý lễ hội thực hiện, không bị chồng chéo trong quản lý. Công ty nhận trang trí chỉ là đơn vị thực hiện.

- Quản lý diễn xướng trong lễ hội

        Khi lễ hội Xương Giang được tăng cường vai trò cộng đồng thì vị trí, vai trò của các thành phần trong lễ hội sẽ có biến đổi, như thay cho vị trí, vai trò của vị lãnh đạo lên đọc diễn văn khai mạc lễ hội là vị bô lão có uy tín, được cộng đồng bầu ra lên tuyên đọc lời khai hội. Sau đó tùy theo việc xây dựng kịch bản lễ hội mà thực hiện trên tinh thần của lễ hội cổ truyền.

Đền Xương Giang thờ Vua, nên những động tác, hành động như dâng hương, như kính cáo… cũng cần phải có các hội thảo để thống nhất và tập huấn cho các đoàn rước, làm sao phản ánh đúng tính chất nghi thức đền thờ Vua của nước, không phải đền thờ thần của làng.

- Về quản lý dịch vụ

Xu hướng lễ hội Xương Giang càng ngày càng nhiều người đến dự hội. Do đó Ban quản lý lễ hội cần có quy hoạch tổng thể cho việc trông giữ các loại xe và mua bán đồ tế lễ. Cần phải xem xét quy định về giá cả, niêm yết giá thống nhất.

Phối hợp hoạt động lễ hội với du lịch là một giải pháp rất có hiệu quả để tăng nguồn kinh phí cho tái hoạt động lễ hội. Công tác tổ chức tour du lịch này cần khép kín toàn bộ quá trình vừa dự lễ hội, vừa tham quan các điểm của di tích.

Công tác quản lý vệ sinh môi trường. Trong những khoảng thời gian nhất định của một ngày lễ hội, dùng loa phóng thanh nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh với di tích. Cùng với việc phát thanh tuyên truyền, cần có những biển chỉ dẫn đẹp đẽ, sáng sủa ở những vị trí cần thiết cho khách thập phương bỏ những chất thải đúng nơi quy định. Việc làm này rất có hiệu quả, nhưng chưa được chú ý.

Lễ hội Xương Giang là nơi gắn kết cộng đồng, là nơi lưu giữ, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh – nghệ thuật… Lễ hội tồn tại và phát triển khi trở thành nguyện vọng hoạt động của người dân, trở thành nhu cầu và tài sản của người dân. Cùng với vai trò tổ chức, quản lý nhà nước, tăng cường kết hợp chặt chẽ với quản lý của cộng đồng sẽ làm nên thành công mang tính bền vững của lễ hội.

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Bí Thư TW Đảng (2015), Chỉ thị số 41 – CT/TW ngày 05/02/2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Hà Nội.
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009), Quyết định số 293/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009 công nhận thành Xương Giang là di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm 12 điểm. Hà Nội.
  3. Chính phủ (2010), Quy định về tổ chức hoạt động và quản lý lễ hội, Nghị định số 45/2010/NĐ – CP ngày 21/4/2010. Hà Nội.
  4. Cao Huy Giu (2013), Đại Việt sử ký toàn thư Trọn bộ, Nxb Thời đại, Hà Nội.
  5. Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Bắc Giang (2016), Đền Xương Giang, chế bản tại Nhà in Báo Bắc Giang.
  6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 32/2009/QH12, (2009), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, ngày 18/06/2009.
  7. Sở văn hóa thông tin Bắc Giang (2002), Văn hóa Bắc Giang.
    Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang.
  8. Ty Văn hóa Thông tin - Thư viện tỉnh Bắc Giang (1982), Địa chí Hà Bắc

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa