Nghiên cứu lý luận

Biện pháp dạy học tập đọc nhạc cho học sinh lớp 6, tại trường Trung học cơ sở Đức Trí, Thành phố Đà Nẵng

10 Tháng Sáu 2019

Ngô Thanh Lâm[*]

 

Cùng với các môn học khác, môn học Âm nhạc trong chương trình Trung học cơ sở có vị trí, ý nghĩa quan trọng giúp học sinh hoàn thiện nhân cách, hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ.

Học tập đọc nhạc trong trường Trung học cơ sở nói chung, trong khối lớp 6, ở trường Trung học cơ sở Đức Trí – Đà Nẵng nói riêng có vị trí quan trọng, giúp học sinh rèn luyện khả năng nhìn bản nhạc để hát lên các âm thanh, lời ca chính xác về cao độ, chuẩn xác về tiết tấu, biết cảm nhận vẻ đẹp của âm thanh, lời ca, từ đó thể hiện bằng tiếng hát, tiếng đàn không những chính xác, chuẩn xác mà còn làm rung cảm cái đẹp của âm nhạc.

Qua thực tế cho thấy, dạy học tập đọc nhạc lớp 6, Trường Trung học cơ sở Đức Trí – Đà Nẵng có những ưu điểm và những hạn chế nhất định. Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng dạy học, cùng với việc đề xuất đổi mới phương pháp tổ chức và dạy học thì việc điều chỉnh thứ tự các bài học tập đọc nhạc cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cũng cần bổ sung một số bản nhạc múa dân gian trong giờ học ngoại khóa, nhằm giúp học sinh có thêm những bản nhạc vừa để học tập đọc nhạc, vừa để múa vui, như bản nhạc Trống Mõ, Xòe hoa...Đây là những bản nhạc múa rất phù hợp để học tập đọc nhạc với học sinh lớp 6.

Trong biện pháp đổi mới dạy học tập đọc nhạc lớp 6, vấn đề cần chú ý không chỉ là luyện tập, mà chỉ ra cách luyện tập khái quát nhất, khoa học nhất để đọc được chuẩn xác cao độ, trường độ, đồng thời còn diễn đạt được tình cảm của từng nét nhạc, từng câu nhạc theo một tư duy riêng. Dạy học tập đọc nhạc cần phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, làm sao để học sinh chơi mà học, học mà chơi. Đổi mới dạy học tập đọc nhạc cần phát huy tính tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, tạo mọi điều kiện để học sinh chủ động tham gia vào quá trình dạy học.

Một là, Đổi mới dạy học tiết tấu

Một trong những phương pháp dạy học hiện đại là trắc nghiệm. Biện pháp đưa câu hỏi trắc nghiệm vào dạy tiết tấu trong dạy học tập đọc nhạc, nhằm rèn luyện sự nhận diện trường độ nốt nhạc, từ đó giúp học sinh đọc đúng trường độ nốt nhạc trong bài tập đọc nhạc rất có hiệu quả. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm, giáo viên yêu cầu từng nhóm bàn luận, trao đổi và cử đại diện trả lời. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm nhằm tạo ra sự giao lưu tình cảm giữa giáo viên và học sinh và giữa học sinh với nhau tạo cảm giác thân thiện, gần gũi trao đổi việc học, từ đó sẽ lôi cuốn sự say mê yêu thích môn học hơn.

Sử dụng phương pháp trắc nghiệm giúp học sinh ghi nhớ kiến thức nhạc lý và cách thực hiện các kí hiệu khi đọc bài tập đọc nhạc, tạo tính tích cực, chủ động trong tập đọc nhạc là một đổi mới tích cực trong dạy học tập đọc nhạc ở lớp 6, Trường Trung học cơ sở Đức Trí.       

Hai là, Đổi mới dạy đọc cao độ

Để đổi mới dạy đọc cao độ trong dạy học tập đọc nhạc lớp 6, những tiết học đầu cần cho học sinh đọc chính tả âm nhạc như: son đen, la đơn, đố trắng… Giáo viên yêu cầu học sinh đọc đúng tên nốt và ký hiệu trường độ nốt nhạc. Sau khi đọc chính tả, luyện đọc gam 5 âm (ngũ cung) cổ truyền dân tộc trước cho vững, rồi tiến hành đọc gam 7 âm phương Tây. Giáo viên chú ý học sinh cần phân biệt các nốt chính trong trục gam 5 âm cổ truyền không hoàn toàn giống các nốt chính trục gam 7 âm.

Cùng với việc hướng dẫn đọc gam 5 âm cổ truyền dân tộc song song với gam 7 âm phương Tây, bổ sung những bài nhạc múa có giai điệu âm nhạc là gam 5 âm cổ truyền, cho học sinh vừa luyện đọc, vừa múa vui nhiều hơn ở các tiết ngoại khóa.

Trong biện pháp đổi mới dạy học tập đọc nhạc, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh các cách đọc gam, đọc quãng như: đọc gam liền bậc lên, xuống; Đọc gam rải đi lên, đi xuống; Đọc quãng liền bậc; Đọc nhảy quãng 2, quãng 3... mang tính cơ bản, thật vững vàng. Sau đó mới hướng dẫn cách thức dựa vào các nốt trục chính để đọc các nốt liền bậc, hoặc các nốt cách bậc. Nếu trong bài tập đọc nhạc có những quãng khó hoặc có những nốt nhạc nhiều luyến láy, giáo viên vừa đọc mẫu, vừa dùng đàn làm rõ các âm thanh của nốt nhạc này nhiều lần. Từ đó học sinh biết rõ được cách thức đọc bài tập đọc nhạc và vận dụng vào các bài đọc mới khác, khi không có giáo viên hướng dẫn.

Dạy tập đọc nhạc lớp 6, Trường trung học cơ sở Đức Trí hiện tại còn sử dụng đàn khá nhiều, tạo sự ỷ lại theo đàn mà không vận dụng tư duy nghe để phân tích cao độ. Biện pháp đổi mới là hướng dẫn học sinh lối tư duy nghe để phân biệt độ cao thấp của âm thanh, đồng thời cần giảm bớt việc sử dụng đàn. Có thể khi cần lấy giọng hoặc nhấn mạnh các bậc chính của trục âm thì đánh đàn. Sau đó trong quá trình dạy không nên đàn theo nhiều, mà để học sinh vận dụng tư duy nghe để tự đọc cao độ, trường độ, âm sắc của nốt nhạc.

Ba là,  Áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm trong dạy tập đọc nhạc.

Thực trạng dạy học tập đọc nhạc lớp 6, tại Trường Trung học cơ sở Đức Trí không áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm mà dạy học tập trung cả lớp.

Học tập theo nhóm tạo cơ hội cho học sinh được tự thể hiện, hình thành sự tự tin và tinh thần trách nhiệm cao. 

Biện pháp đổi mới dạy tập đọc nhạc theo nhóm tiến hành thực hiện theo hai phương thức:

            a. Giáo viên đọc mẫu câu nhạc hay đoạn nhạc trong bài,có thểlần lượt cho đại diện của từng nhóm đọc lại, sau khi đã được sự thẩm định của thành viên trong nhóm.            

            b. Giáo viên sau khi đọc mẫu có thể yêu cầu ngẫu nhiên một thành viên trong nhóm đọc lại.

Giáo viên không chỉ hướng dẫn, điều khiển, mà cần khơi gợi sự hào hứng, sôi nổi phát biểu, đọc bài trong tiết học.

Bốn là, Sử dụng trò chơi trong dạy Tập đọc nhạc.

Để tạo hứng thú trong tiết học tập đọc nhạc cần sử dụng trò chơi như:

- Trò chơi luyện trí nhớ tên và trường độ nốt nhạc, giúp học sinh ghi nhớ tên 7 nốt nhạc cơ bản, ghi nhớ độ dài, ngắn khác nhau của các nốt nhạc thường dùng nhất.

- Trò chơi luyện tai nghe cao độ, giúp học sinh nhớ cao độ các nốt nhạc trong quãng 8 thứ nhất, thường xuất hiện trong các bài hát thiếu nhi. Từ đó vận dụng đọc cao độmột nét nhạc, một câu nhạc trong bài tập đọc nhạc.

Nghiêm túc trong việc soạn giáo án của thời đại 4.0, đó là soạn giáo án điện tử, cũng là biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học tập đọc nhạc. Giáo án điện tử không chỉ có chữ, có ký hiệu mà có âm thanh, âm nhạc, hình ảnh… cụ thể, sinh động rất hấp dẫn, lôi cuốn học sinh học tập. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên dạy học tập đọc nhạc, không chỉ đối với học sinh lớp 6, mà cho học sinh các khối lớp khác ở Trường Trung học cơ sở Đức Trí.

Những biện pháp đổi mới dạy học tập đọc nhạc lớp 6, Trường Trung học cơ sở Đức Trí được trình bày khái quát ở trên đã được thực hiện qua thực nghiệm sư phạm.Kết quả thực nghiệm tại khối lớp 6, trường Trung học cơ sở Đức Trí – Đà Nẵng, cho kết quả tích cực.Học sinh tiếp thu bài học dễ dàng, nhanh hơn phương pháp pháp dạy học khi chưa đổi mới. Đặc biệt học sinh rất phấn khởi với phương pháp dạy học mang tính chất vừa vui múa, vừa hát các bài tập đọc nhạc. Bước đầu biện pháp đổi mới dạy tập đọc nhạc theo đề xuất của chúng tôi mang tính khả thi. Trong thực tiễn dạy học tập đọc nhạc tại Nhà trường, chúng tôi sẽ ứng dụng các biện pháp đổi mới dạy học môn học này, cho các khối lớp trong toàn Trường Trung học cơ sở Đức Trí – Đà Nẵng.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp 6, 7, 8, 9, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Sách giáo viên, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Đặng Vũ Hoạt (1998), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở Trường trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. Lê Văn Hồng (2001), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  6.  Trần Kiều (1998), Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục.
  7. Hoàng Long - Hoàng Lân (2010) Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Sư phạm.
  8. Hoàng Long chủ biên (2017), Âm nhạc và Mĩ thuật6,7,8,9, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  9. Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt (1988), Giáo dục học, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
  10. Nguyễn Dục Quang (2007), Hoạt động ngoài giờ lên lớp, Nxb Đại học Sư phạm.
  11. Nguyễn Thạc (2003), Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu sự phát triển của trẻ em, Nxb Đại học sư phạm.
  12. Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học Âm nhạc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  13.  Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Tường, Đức Bằng (1984) Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Giáo dục.
  14.  Phạm Tuyên (1999), Âm nhạc với trẻ em, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  15.  https://ductridn.edu.vn

 

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K9- Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc