Nghiên cứu lý luận

Nâng cao giá trị văn hóa làng nghề bánh đa Kế trong thời công nghệ 4.0

21 Tháng Sáu 2019

Nguyễn Thị Thu Hà [*]

 

 Với lịch sử hình thành lâu đời, là nơi quần cư của nhiều dân tộc thiểu số, Bắc Giang đã hình thành nên nhiều làng nghề cổ truyền vừa mang nét tiêu biểu của văn hóa Kinh Bắc.  Làng nghề ở Bắc Giang rất đa dạng với khoảng 400 làng nghề. Trong đó có làng nghề bánh đa Kế thành phố Bắc Giang đã được biết đến trên cả nước.

Làng nghề bánh đa Kế thực sự sẽ phát triển nếu kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Những giá trị văn hóa ở địa phương, dân tộc là kết tinh quý báu nằm đan xen trong mỗi di tích văn hóa, hoạt động văn hóa làng nghề.

1. Những giá trị văn hóa của làng nghề bánh đa Kế

Làng nghề bánh đa Kế thuộc phường Dĩnh Kế nằm trong địa bàn thành phố Bắc Giang. Dĩnh Kế là vùng đất cổ nhất, tập hợp nhiều yếu tố văn hóa - kinh tế truyền thống. Làng nghề phát triển cùng sự mở mang giao thương.

Bánh đa chỉ là một sản phẩm đơn giản của nông nghiệp, nhưng  sản phẩm này được truyền nghề sản xuất đến nay được hơn 50 năm. Hoạt động làng nghề và những di tích trong làng nghề gắn kết với nhau trở thành một  bức tranh tổng thể về văn hóa làng nghề. 

Ngày nay trung tâm làng nghề thủ công nằm ở tổ dân phố Giáp Sau thuộc phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Ngoài ra các hộ làm nghề nằm rải rác ở tổ dân phố (TDP)  Kế, Giáp Tiêu, Giáp Hải và một số TDP khác lân cận. Dĩnh Kế xưa kia vốn có tên là Phượng Nhỡn thuộc Phủ Lạng Thương - trấn Kinh Bắc. Đó là một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, quê hương của vị Trạng nguyên Giáp Hải (1515-1585). Vùng đất cổ hàng trăm năm này đã khai sinh ra nghề làm bánh đa độc đáo, gia truyền. Bánh đa Kế đã trở thành một sản phẩm ẩm thực kết nối du khách gần xa biết đến văn hóa truyền thống của vùng đất Kế với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Trong không gian làng nghề truyền thống có hệ thống di tích văn hóa như đền Dĩnh Kế (còn gọi là Nghè Cả) với những di chỉ, văn bia cổ. Cạnh đền Dĩnh Kế có chùa Đống Nghiêm (gọi là chùa Kế), một công trình kiến trúc cổ - trung tâm thờ Phật của nhân dân trong khu vực. Đặc biệt là các công trình văn hóa có lịch sử lâu đời và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển làng nghề là chợ Kế, trong chợ có một ngôi miếu thờ Bà Chúa Chợ. Đây là nét đặc sắc riêng của làng nghề bánh đa Kế. Với những yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo cho vùng Kế ngày nay vừa phảng phất nét văn hóa thuần nông, vừa mang nét mới của đô thị hóa.

Ở mỗi giai đoạn phát triển đều có sự sáng tạo nên những bậc thang giá trị văn hóa mới, đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Làng nghề bánh đa kế cũng như một số làng nghề thủ công truyền thống quy mô nhỏ có nguy cơ bị thu hẹp do lực lượng sản xuất chuyển sang hướng khác, do đầu ra cạnh tranh với những sản phẩm mới lạ đồng dạng theo nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời cùng đó thì công tác quản lý văn hóa làng nghề ở đây còn thiếu kinh nghiệm, tình trạng quy hoạch và khai thác tiềm năng làng nghề trong phát triển du lịch còn yếu. Các công trình văn hóa vật thể trong làng nghề đang có nguy cơ xuống cấp, thiếu sự đầu tư, tôn tạo xứng đáng. Việc đầu tư cải tiến kỹ thuật, nguồn nguyên liệu, khâu chế biến thủ công, nơi bày bán chưa hiện đại, chuyên nghiệp đảm bảo hình ảnh về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những vấn đề này ảnh hưởng đến giữ gìn giá trị văn hóa của làng nghề bánh đa Kế.

2. Nâng cao sáng tạo công nghệ sản xuất, phát triển thị trường để nâng tầm giá trị văn hóa làng nghề bánh đa Kế

Với các công đoạn sản xuất bánh đa Kế hiện nay, các công đoạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Để nâng tầm sản phẩm bánh đa Kế thực sự được đưa vào xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế thì các công nghệ sản xuất phải được nâng cao, đồng bộ về các vật dụng sản xuất. Mặc dù đã thành lập hợp tác xã nhưng việc sản xuất vẫn là nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình, chưa đồng bộ về quy chuẩn các khâu sản xuất.

Để nâng cao công nghệ sản xuất cần phải có một khu vực sản xuất chuyên biệt, cách ly với sinh hoạt thường ngày; Khu vực sản xuất phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng đãng, trông đẹp mắt về dây truyền công nghệ; đặc biệt là để tiến tới uy tín chất lượng cao về sản phẩm cần khắc phục  hình ảnh khu phố bày bán bánh đa và quạt bánh đa như hiện nay nằm bên cạnh đường lớn. Trước tiên chính quyền cấp phường phải nghiên cứu quy hoạch khu vực trưng bày sản phẩm và quạt bánh đa. Phải ưu tiên quỹ đất cho phát triển khu thương mại dịch vụ của làng nghề để phát triển bền vững, và tạo ra cơ hội phát triển du lịch.

Yếu tố truyền thống là những giá trị thuộc về cả vật chất lẫn tinh thần được hình thành và khẳng định thành cốt lõi, thói quen, trở thành một tiêu chí, luật bất thành văn trong đời sống làng nghề từ nếp ăn, nết ở, lễ hội, tập tục… Từ đó đã tạo nên một phong cách riêng cho sản phẩm làng nghề.

Tuy nhiên để phù hợp và phát triển theo thời đại thì trong quá trình sản xuất, những yếu tố lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh cần thay thế bằng yếu tố sản xuất hiện đại có áp dụng khoa học công nghệ, đem lại hiệu quả cao đối năng suất, chất lượng sản phẩm, uy tín với người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả khi áp dụng được sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm sẽ mang đến những lợi ích cho môi trường tự nhiên của làng nghề không khí trong lành, không bị nhiễm khói than hay chất thải từ quá trình sản xuất, đảm bảo được sức khỏe cho người lao động…

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cần phải gắn liền với hiệu quả kinh tế. Như vậy, việc mở rộng thị trường là điều thiết yếu đối với sản phẩm làng nghề. Muốn mở rộng thị trường khâu quảng bá, tiếp thị là cánh cửa mở ra đến với thị trường rộng lớn hơn. Hình thức của sản phẩm là thứ mà thị trường sẽ quan tâm, chú ý đến đầu tiên trong các khâu tiếp thị, vì thế cần phải đổi mới các khâu đóng gói bao bì để mang đi xa và bảo quản được lâu hơn, hình thức đóng gói đẹp mắt hấp dẫn người tiêu dùng; Các sản phẩm có kích cỡ truyền thống cần phải năng động thay đổi để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Ví dụ như cần tráng loại bánh nhỏ để có thể đóng gói mang đi xa, đỡ cồng kềnh.

Mặc dù đã được công nhận là một làng nghề truyền thống năm 2013, sản phẩm bánh đa Kế được đăng ký bảo hộ, nhưng khi đến làng nghề bánh đa Kế thì người ở nơi khác không thể biết được đâu là làng nghề nằm trên trục đường lớn. Vì vậy cần phải dựng tấm biển lớn để đưa hình ảnh quảng bá làng nghề ở ngay cửa ngõ vào khu vực làng nghề; tăng cường công tác giới thiệu nghề truyền thống thông qua báo chí, sách vở, áp phích cho học sinh ở địa phương để thu hút người dân về ngành nghề và sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, chính quyền, các tổ chức làng nghề cần hỗ trợ người dân làng nghề bánh đa Kế đưa sản phẩm làng nghề vào các cuộc triển lãm nghề truyền thống ở các nước để giới thiệu và quảng bá.

Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 khi diễn ra tại Việt Nam, một đất nước nông nghiệp sẽ có những lợi ích rất tích cực, đặc biệt là đối với các sản phẩm của các làng nghề. Đây là hướng đi mới vừa là thử thách vừa là cơ hội của làng nghề trong thời đại này. Cũng từ quan điểm và phương thức ứng dụng 4.0 vào làng nghề bánh đa Kế (một làng nghề đem đến thị trường sản phẩm ẩm thực đặc trưng), là một bài toán khó đặt ra đối với những người làm nghề và cả nhà cung ứng dịch vụ  xúc tiến thương mại. Thương mại điện tử phát triển tại các làng nghề sẽ là phương thức có ý nghĩa đột phá cho bảo tồn và phát triển làng nghề trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. 

Trong chiến lược quảng bá về làng nghề, nếu theo cách của Hàn Quốc quảng bá về ẩm thực thì họ đã xây dựng những bộ phim truyền hình về đời sống làng nghề. Không chỉ có giá trị quảng bá ở trong nước mà còn mang tầm quốc tế với những món như kim chi, đặc sản sâm Hàn Quốc. Từ những sản phẩm làng nghề bình dị nhưng họ đã đẩy lên ở tầm vĩ mô về văn hóa gắn với những huyền thoại, truyền thuyết và tạo nên sự hấp dẫn cho du khách tìm đến thăm quan, trải nghiệm.  Đây có thể là một trong những nghệ thuật đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm làng nghề.

Sản phẩm bánh đa Kế chỉ là cái cớ để du khách tìm đến làng nghề, khi đến với làng nghề truyền thống, điều giữ chân và tạo nên những ấn tượng tốt đẹp với du khách là không gian cộng đồng làng nghề, bản sắc nghề, không gian văn hóa, ứng xử của người làng nghề… Tất cả hội tụ tạo nên một văn hóa làng nghề truyền thống để níu chân du khách cũng như tạo nên tour du lịch làng nghề.

Với những hoạt động du lịch gắn với làng nghề truyền thống như hiện nay còn nhiều khó khăn, lúng túng vì nhiều khâu chưa đồng bộ, khi thực hiện được việc này xong thì nhìn lại đã thấy thông tin, công nghệ lạc hậu, tụt lùi. Nhưng với cuộc cách mạng 4.0 khi đã trở thành một công cụ được nắm chắc trong tay của những người làng nghề thì việc giới thiệu một di tích lịch sử văn hóa, hay nói về quá trình làng nghề bánh đa Kế, hoặc một thông tin nào mà du khách cần biết, cần khai thác thì hệ thống các bảng điện tử trong tương lai được lắp đặt trong khu di tích có thể giúp du khách có thông tin; công nghệ 4.0 là một trong những công cụ công nghệ mà ngành du lịch đang khai thác để hỗ trợ các hoạt động dịch vụ rất linh hoạt. Thông qua công nghệ này, làng nghề có thể gắn kết chặt chẽ với các công ty lữ hành để tổ chức tour tuyến một cách khoa học và chuyên nghiệp.

Tại các làng nghề truyền thống để phát triển du lịch không chỉ là đẹp, lạ mà còn công nghệ 4.0 tạo ra những ứng dụng dịch vụ như ngân hàng điện tử khi mua hàng. Khi ứng dụng vào hệ thống mua bán trên chiếc điện thoại thông minh, người mua và người bán không còn phải trả tiền trực tiếp mà chuyển thẳng tiền trả vào tài khoản của người bán. Việc này, hiện nay mới chỉ được một số giới chức, người trẻ đang áp dụng cho việc mua hàng trực tuyến, hoặc mua tại các cửa hàng có hệ thống thanh toán điện tử hoặc bằng thẻ.

Kết luận

Qua quá trình nghiên cứu khảo sát thực tế, nhìn nhận đánh giá một cách khách quan về những vấn đề tác động trực tiếp, gián tiếp vào công tác quản lý những giá trị văn hóa làng nghề bánh đa Kế trong bối cảnh hiện nay; thông qua các hoạt động sản xuất, thương mại, bảo tồn, tôn vinh, đánh giá các giá trị văn hóa của làng nghề, tác giả đã xác định được những khó khăn, thử thách trong quá trình bảo tồn văn hóa ở làng nghề cùng cơ hội phát triển văn hóa làng nghề bánh đa Kế. 

Hi vọng trong thời gian tới, với những ý kiến đóng góp, kiến nghị cấp thiết về các cơ chế, chính sách, ưu đãi đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề bánh đa Kế sẽ có nhiều đóng góp trong công tác quản lý di sản văn hóa làng nghề tại đây được tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Xuân Cần ( 2016), Văn hóa vùng Kế, NXB Văn hóa dân tộc.

2.UBND phường Dĩnh Kế (2018), Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và sự chỉ đạo, điều hành của UBND phường năm 2018; Nhiệm vụ, chỉ tiêu và biện pháp chủ yếu năm 2019.

3.Huỳnh Đức Thiện (2015), Chính sách phát triển làng nghề của một số quốc gia ở châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Phát triển KH & CN, TA 18, số 2-2015, tr. 119-125

4. Ngọc Anh (2018), Làng nghề Việt Nam ứng dụng công nghệ 4.0, http://vovworld.vn, truy cập ngày 02/5/2019.

5.Nam Giang/TTXVN (2018), Làng nghề trước cách mạng công nghệ 4.0, https://bnews.vn, truy cập ngày 30/04/2019. 

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7- Chuyên ngành Quản lý Văn hóa