Nghiên cứu lý luận

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VĂN HÓA ĐỌC TẠI THƯ VIỆN TỈNH HẢI DƯƠNG

03 Tháng Bảy 2019

 

Nguyễn Thị Kim Phượng [*]

Thư viện tỉnh Hải Dương được thành lập năm 1956. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển đến nay đã trở thành kho tàng lưu trữ khối lượng tri thức vô giá của đất nước, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh ngày hiện nay, Thư viện tỉnh Hải Dương có sứ mệnh trong việc xây dựng môi trường đọc, thúc đẩy văn hóa đọc của cộng đồng phát triển, tạo điều kiện để người dân có cơ hội được học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

            Là thư viện công lập lớn nhất trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, Thư viện tỉnh Hải Dương thời gian qua đã đưa ra nhiều biện pháp quan trọng trong việc thực hiện quản lý văn hóa đọc với những thế mạnh về cơ sở vật chất, xây dựng vốn tài liệu, tổ chức các hoạt động truyền thông, khuyến khích việc đọc sách trong công chúng với nhiều hình thức đa dạng. Nhìn chung, việc quản lý văn hóa đọc tại Thư viện tỉnh Hải Dương đã mang lại hiệu quả bước đầu với việc văn hóa đọc đã được hình thành, thu hút được số lượng bạn đọc khá đông đảo đến với thư viện, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu nhi. Tuy nhiên để công tác quản lý văn hóa đọc tại Thư viện tỉnh Hải Dương đem lại hiệu quả, có chiều sâu và bền vững, cần phải có các giải pháp cụ thể:

            Thứ nhất, về công tác tổ chức

Kiện toàn bộ máy quản lý văn hóa đọc trong thư viện, xây dựng mô hình quản trị thư viện hiện đại với 04 bộ phận: Nghiệp vụ, phục vụ, công nghệ thông tin và hành chính. Chú trọng xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban tránh chồng chéo, điều chỉnh vị trí việc làm trong thư viện đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý và đội ngũ cán bộ thư viện trực tiếp làm công tác quản lý văn hóa đọc, quan tâm ngay từ chất lượng tuyển dụng cán bộ với đội ngũ nhân lực thư viện chính quy, tinh thông về nghiệp vụ thư viện; đổi mới việc sử dụng nguồn nhân lực, sắp xếp lại vị trí việc làm cho phù hợp, xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm để phát huy tối đa năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ; tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực làm công tác quản lý văn hóa đọc.

Đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại có thể đáp ứng các nhu cầu về quản lý nghiệp vụ thư viện và quản lý người đọc. Xây dựng phòng đọc đa phương tiện để tiến tới xây dựng Thư viện tỉnh Hải Dương trở thành thư viện điện tử. Tăng cường đầu tư kính phí cho các hoạt động của thư viện đảm bảo thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý văn hóa đọc

Tích cực xây dựng vốn tài liệu phù hợp, đáp ứng nhu cầu đọc của từng đối tượng phục vụ của thư viện tỉnh. Đa dạng hóa các loại hình tài liệu, phát triển nguồn tài liệu số, xây dựng chính sách thu thập, lưu trữ những xuất bản phẩm của tác giả địa phương và xuất bản tại địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp các công trình nghiên cứu khoa học cho thư viện.

Đổi mới việc tổ chức các dịch vụ thư viện phục vụ phát triển văn hóa đọc như: đổi mới công tác cấp thẻ thư viện bằng việc đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ, tích hợp các loại thẻ có cùng tính chất với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc sử dụng khi đến thư viện; đa dạng hóa dịch vụ thư viện: hỗ trợ hướng dẫn đọc sách và sử dụng thư viện cho người đọc khi đến thư viện để sử dụng tối đa các tiện ích trong thư viện, tổ chức các dịch vụ thông qua truy cập internet, nâng cao hiệu quả công tác tra cứu tài liệu số và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức qua mạng; phát triển thư viện lưu động và tăng cường luân chuyển sách, báo ra ngoài thư viện, đến với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phục vụ các đối tượng người yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, người khiếm thị; tăng cường công tác truyền thông vận động về ý nghĩa và giá trị của việc đọc sách và tuyên truyền giới thiệu sách bằng việc tổ chức các sự kiện văn hóa trong thư viện như triển lãm sách, thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, tổ chức ngày hội đọc sách, thành lập các câu lạc bộ yêu sách báo trong thư viện, phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tham quan, trải nghiệm thư viện để tạo cảm hứng đọc sách cho thiếu niên, nhi đồng ngay từ khi còn nhỏ.

Thứ ba, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban ngành trong quản lý văn hóa đọc.

Đây là việc làm hết sức quan trọng nhằm tận dụng, liên kết các nguồn lực thư viện để phát triển. Để tạo ra sức bật cho văn hóa đọc, cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong việc triển khai các mục tiêu cho phát triển văn hóa đọc. Tăng cường công tác phối hợp với ngành thông tin và truyền thông, ngành giáo dục và đào tạo, công an, quân đội và các sở ban ngành của tỉnh để tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Phối hợp với các tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn như: Hội người mù, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, các cơ sở cai nghiện, các trường phổ thông để tăng cường các hoạt động thư viện, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, hoàn thiện và tăng cường thực thi các văn bản quy định về quản lý văn hóa đọc

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý văn hóa đọc, chính sách về thư viện. cần sớm ban hành Luật Thư viện-văn bản có tính pháp lý cao nhất-tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thư viện để phục vụ phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó cần xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề đầu tư, cơ chế tài chính đảm bảo cho các hoạt động của thư viện. Ban hành các văn bản chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, hướng dẫn từng hoạt động cụ thể trong đó chú trọng các hoạt động phát triển nguồn lực thông tin, xử lý thông tin, tổ chức dịch vụ thư viện, truyền thông vận động, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng hoạt động thư viện.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện là hết sức cần thiết, vì vậy cần ban hành chính sách, đề án nâng cao chất lượng cán bộ thư viện, chú trọng đào tạo, đào tạo lại các kỹ năng tổ chức các dịch vụ, hướng dẫn đọc, khuyến đọc trong thư viện.

Hoàn thiện văn bản về phát triển văn hóa đọc. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017 phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tuy nhiên để chấn hưng văn hóa đọc, ngoài Đề án, cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khuyến đọc, xây dựng phong trào đọc phát triển một cách bền vững và hiệu quả.

Tăng cường thực thi các văn bản quy định về quản lý văn hóa đọc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định của nhà nước trong lĩnh vực thư viện đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền các văn bản phục vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thông qua các hình thức phổ biên cơ bản như: tổ chức hội nghị, triển khai công tác, hội thảo, tập huấn phổ biến pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của nhà nước về thư viện và phát triển văn hóa đọc, đây cũng được xem là một trong những nội dung quản lý nhà nước về thư viện.

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với cộng đồng, Thư viện tỉnh Hải Dương cần có bước chuyển mình mạnh mẽ trong hoạt động thư viện nói chung và quản lý văn hóa đọc nói riêng trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống quản lý nhà nước về thư viện ở trung ương và địa phương, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt quan trọng nhất đó là sự đổi mới tư duy và quyết tâm của bộ máy lãnh đạo thư viện tỉnh. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự đổi mới hoạt động của Thư viện tỉnh Hải Dương đáp ứng nhu cầu đọc của cộng đồng.

Tài liệu tham khảo

 

  1. Bộ Văn hóa Thông tin (2007), Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 5 năm 2007 phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020.
  2. Thủ tướng chính phủ (2009), Quyết định số 581/2009 QĐ-TTg phê duyệt chiến lược văn hóa đến năm 2020.
  3. Trần Kiểm (2006), Tiếp cận hiện đại trong quản lý giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2009), Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2009 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thư viện tỉnh Hải Dương.
  5. Website của Thư viện tỉnh Hải Dương: http://thuvienhaiduong.gov.vn

 

 

________________________

[*] Lớp Cao học k6 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa