Nghiên cứu lý luận

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN TẠI NHÀ HÁT KỊCH HÀ NỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

09 Tháng Chín 2019

Nguyễn Thùy Dương [*]

 

1. Lịch sử hình thành Nhà hát Kịch Hà Nội

            Nói đến lịch sử hình thành và phát triển Nhà hát Kịch Hà Nội hiện nay, không thể không nói đến sự ra đời loại hình Kịch nói và hoạt động biểu diễn Kịch nói ở Hà Nội những năm đầu Cách mạng Tháng 8 năm 1945 [1].

Những năm đầu sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/10/1945), các tầng lớp nhân dân Thủ đô có nhu cầu hưởng thụ văn nghệ khá đông đảo. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, trí thức, qua sân khấu Kịch nói người ta đã phản ánh kịp thời những vấn đề khát vọng cũng như bức xúc đương đại. Đứng trước yêu cầu thực tế, sự mong chờ của công chúng Thủ đô Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội đã được hình thành năm 1959. Thưở ban đầu, Nhà hát Kịch Hà Nội chỉ là đội Kịch nằm trong đoàn Văn công tổng hợp gồm hai bộ phận: Ca múa và Sân khấu với nhiều bộ môn như: ca múa, chèo, kịch, xiếc, ảo thuật...

Hình ảnh Nhà hát Kịch Hà Nội những năm 1950. [Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội]

Đầu năm 1965, được sự chỉ đạo của Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch), đội Kịch của đoàn Văn công tổng hợp được tách ra chuyển thành đoàn Kịch Hà Nội.

Năm 1995, đáp ứng nhu cầu của thực tế, được sự đồng ý của Sở Văn hoá Thông tin, nay là Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội, đoàn Kịch Hà Nội được đổi tên thành Nhà hát Kịch Hà Nội.

Năm 2008, Đoàn Kịch Hà Tây sáp nhập về Nhà hát Kịch Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội ban hành Quyết định số 353/QĐ-VHTT&DL, ngày 07/5/2009 về việc thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội mới. Hiện nay, trụ sở Nhà hát Kịch Hà Nội đóng tại số 42 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay. [Nguồn: Nhà hát Kịch Hà Nội]

 

2. Một số hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội

Nhà hát Kịch Hà Nội gần 60 năm vừa qua đã cống hiến hết mình cho khán giả Thủ đô và cũng đã tìm cho mình một phong cách riêng. Giới chuyên môn cho rằng, hàng loạt vở diễn của Nhà hát đã gây tiếng vang rộng rãi, góp phần tạo nên thời kỳ hoàng kim cho Sân khấu Kịch Thủ đô.

Từ khi thành lập đến nay, Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng được trên 131 vở diễn, trong đó có 100 vở dài, 31 vở ngắn, và đã biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hơn 8.000 buổi biểu diễn với trên 2,5 triệu lượt người xem.

Vở diễn "Bỉ vỏ" của tác giả Nguyên Hồng, tham gia Hội diễn Sân khấu Kịch nói

chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015

Để có được một Nhà hát Kịch Hà Nội như hiện nay thì không thể không kể đến những vở diễn tiêu biểu qua từng thời kỳ gây tiếng vang trong cả nước như: Lam Sơn tụ nghĩa, Đêm tháng bảy, Tiền tuyến gọi, Tôi và chúng ta, Những linh hồn sống, Hẹn ngày trở về, Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Sám hối, Hà Mi của tôi ... đến những vở diễn gần đây như: Thày khoá làng tôi, Mùa hoa sữa, Cát bụi, Điện thoại di động, Đứa con bị đánh cắp, Bỉ vỏ, Những người con Hà Nội, Những mặt người thấp thoáng, Điệp khúc virut, Vùng lạnh,... vẫn giữ nguyên được lòng mến mộ của đông đảo công chúng Thủ đô.

Một phân cảnh trong vở "Trái tim trong trắng" của tác giả Lưu Quang Vũ, diễn ngày 15/9/2013

Những ngày đầu mới thành lập, Nhà hát Kịch Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 12 diễn viên, sau hơn 50 năm xây dựng, hiện nay Nhà hát Kịch Hà Nội đã có 118 người. Trong đó 80% là lực lượng nghệ sĩ (tác giả, đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên...) thuần nghệ thuật kịch được đào tạo chính quy.

Vở diễn "Những người con Hà Nội" của tác giả Phạm Văn Quý, ra mắt công chúng vào tháng 8/2014

Hơn nửa thế kỷ qua, Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn là "địa chỉ đỏ" của sân khấu kịch nước nhà và luôn sở hữu một dàn diễn viên đẹp, tài năng. Từ Thanh Tú, Hoàng Cúc "đẹp mặn mà" đến Thu Hà "tiểu thư lá ngọc cành vàng", Minh Hoà "quý phái"... Dàn diễn viên nam của nhà hát cũng đáng được ngưỡng mộ: Hoàng Dũng, Trần Vân, Tiến Đạt; lớp sau có Trung Hiếu, Công Lý; Hồng Đăng, Mạnh Hưng, Tiến Lộc, Ngọc Quỳnh, Thiện Tùng, Quang Minh, Chí Nhân...

3. Nâng cao chất lượng quản lý hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội trong giai đoạn hiện nay

* Về phía Nhà nước

                        + Nhà nước cần xây dựng Luật sân khấu để nghệ thuật sân khấu nói chung và Nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng dựa vào đó để hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo pháp luật

Nhà nước cần ban hành những văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật thật cụ thể, phù hợp và kịp thời hơn nữa với sự phát triển nhanh mạnh của hoạt động này trong giai đoạn hiện nay. Cần có chính sách tăng cường đầu tư cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn quần chúng, nhằm nâng cao đời sống cơ sở tạo môi trường thuận lợi cho nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp hoạt động, nuôi dưỡng và bổ sung nguồn lực cho nghệ thuật biểu diễn.

+ Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ và các hoạt động xã hội hoá sân khấu để Nhà hát Kịch Hà Nội theo đó thực hiện

Trong thời kỳ hiện nay, Nhà hát Kịch Hà Nội cần chuẩn bị đề án kế hoạch: "Chuyển Nhà hát Kịch Hà Nội từ chỗ là đơn vị hoạt động sự nghiệp có thu sang thành đơn vị sự nghiệp hoạt động theo phương thức cung ứng dịch vụ công cộng" tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán thu - chi không vì lợi nhuận - không để cho nhà nước phải bao cấp ;tràn lan mọi hoạt động của Nhà hát Kịch Hà Nội. Chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thấy cần thiết trong thời gian ngắn nhất tới đây Nhà hát Kịch Hà Nội phải thực hiện thành công chủ trương này.

* Về phía Nhà hát

                        + Nhận thức rõ về sự chuyển đổi hệ giá trị thẩm mỹ của khán giả trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế để đổi mới sáng tạo tác phẩm cho phù hợp

Để phù hợp, thích nghi quản lý văn hoá, nghệ thuật trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, Nhà hát Kịch Hà Nội cần có kế hoạch mở rộng cơ cấu xây dựng hệ thống kịch mục của mình. Cần có đủ 3 loại kịch phẩm: kịch chính luận, kịch giải trí, kịch dịch vụ sự kiện. Có đủ các loại đề tài trên 4 phương diện: đề tài cách mạng, đề tài kháng chiến, đề tài lịch sử dân tộc, đề tài về công cuộc đổi mới đất nước. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cần có cả những đề tài theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp hiện thực phê phán. Trong hệ thống kịch mục này cũng cần xây dựng cả loại kịch dài và loại kịch ngắn, kịch tổng hợp lai pha.

             + Cần đa dạng hoá đề tài sáng tạo để phù hợp với đa dạng hoá hoạt động biểu diễn của nhà hát theo dịch vụ cung cầu

Nhà hát Kịch Hà Nội cần có kế hoạch phát triển công tác biểu diễn và quảng bá Kịch Hà Nội sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. Ưu tiên nhiều nhất là kế hoạch tổ chức biểu diễn trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội. Bảo đảm có tổ chức biểu diễn ở rạp công nhân và một số nhà hát, rạp phối hợp ở trung tâm thành phố, có tổ chức biểu diễn ở các quận, thị xã và các huyện ở ngoại thành Hà Nội, có tổ chức biểu diễn ở các sân khấu nhỏ của nhà văn hoá, trung tâm văn hoá quận, huyện...

            + Cần sắp xếp tổ chức tinh gọn đơn vị Nhà hát trên cơ sở nghệ sĩ ngôi sao, nổi tiếng

 Nhà hát Kịch Hà Nội cần có kế hoạch tổ chức xét danh hiệu chức danh nghề nghiệp cho diễn viên hạng III lên hạng II đối với các diễn viên đạt danh hiệu NSND, NSƯT. Tiếp tục xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho các diễn viên khác. Phấn đấu để có thêm nhiều nghệ sĩ đạt danh hiệu NSƯT, NSND, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng cần có kế hoạch đưa một số diễn viên đi đào tạo nâng cao nghệ nghiệp nghệ thuật kịch ở nước ngoài. Đồng thời cũng có đề án đầu tư để đào tạo những nghệ sĩ đầu đàn, xây dựng một số nghệ sĩ "ngôi sao".

            + Cần đổi mới marketing của Nhà hát bằng tác phẩm xuất sắc để tác động tới marketing - khán giả - mạng số

Muốn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường Nhà hát Kịch Hà Nội cần lên kế hoạch nghiên cứu, đầu tư về thời gian, kinh phí. Khi đã xác định được đối tượng khán giả mục tiêu thì cần triển khai các chiến lược sản phẩm, chiến lược giá cả, chiến lược địa điểm và chiến lược truyền thông phù hợp.

Thực tế của công tác quản lý hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định, song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế bởi những yếu tố tác động gây cản trở sự phát triển của của nhà hát cũng như quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đó là những diễn biến tất yếu hai mặt trong công tác quản lý văn hoá nói chung và quản lý hoạt động biểu diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng. Vì vậy, trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn cần được nhận biết đầy đủ và có thái độ nhất quán, có khả năng điều chỉnh hợp lý để hạn chế tối đa những yếu kém đồng thời phát huy những thành tựu nhằm làm cho việc quản lý đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng và sự phát triển của cả Nhà hát nói chung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá và nâng cao trình độ thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân.

 

                                             Tài liệu tham khảo

1. Nhà hát Kịch Hà Nội (2014), Kỷ yếu 55 năm thành lập, Tài liệu nội bộ.

2.  Ban Thanh tra nhà hát Kịch Hà Nội (2018), Báo cáo tổng kết và kế hoạch công tác hàng năm của Nhà hát kịch Hà Nội từ 2008 - 2018.

3. Nhà hát Kịch Hà Nội (2019), Quyết định về việc ban hành Quy chế làm việc của Nhà hát Kịch Hà Nội, Tài liệu nội bộ.

4. Lương Hồng Quang (2007), chuyên đề Thực trạng hoạt động văn hoá trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn 1995-2005, Viện văn hoá nghệ thuật Hà Nội.

5. Đình Quang (1962), Mấy vấn đề nghệ thuật biểu diễn, Nxb Văn hoá - Nghệ thuật, Hà Nội.

6. Kính Dân (1999), Những chặng đường sân khấu, Viện sân khấu, Nhà xuất bản Hà Nội.

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6-  Chuyên ngành Quản lí Văn hóa